Nhà báo chủ động nâng tầm để không bị loại khỏi "cuộc chơi" 4.0

Lan Phương| 24/04/2019 14:53
Theo dõi ICTVietnam trên

Bồi dưỡng nghiệp vụ cho hội viên nhà báo trong thời đại 4.0 là một chủ đề được trao đổi "nóng" tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Hội nhà báo Việt Nam mới đây.

Làm báo ngày nay cần chuyên nghiệp và hiện đại hơn

Tham luận tại Hội nghị, bà Nguyễn Thu Hà, Tổng Biên tập báo Le Courrier du Vietnam, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội TTXVN cho biết: CNTT đang phát triển với tốc độ nhanh chóng, các loại hình báo chí cũng trở nên đa dạng, phong phú và hiện đại hơn.

Trong bối cảnh đó, việc giữ được vai trò và vị thế của một cơ quan thông tấn hàng đầu Việt Nam là một thách thức không hề nhỏ. Điều đó đòi hỏi Ban lãnh đạo cơ quan và các đơn vị trong ngành phải luôn trang bị cho mình những kiến thức công nghệ, máy móc kỹ thuật mới nhất, đồng thời cập nhật phong cách làm báo hiện đại nhất, tránh để bị tụt hậu.

Để không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin, giữ vững vai trò chủ đạo trong việc cung cấp thông tin mang tính chính thống của một cơ quan thông tấn nhà nước, bà Nguyễn Thu Hà cho biết, TTXVN đã xác định phải xây dựng một đội ngũ phóng viên (PV), biên tập viên (BTV) không chỉ có bản lĩnh chính trị vững vàng, mà còn chuyên nghiệp và hiện đại trong hoạt động báo chí. “Nếu coiđào tạo trình độ chính trị tư tưởng, đạo đức là điều kiện cần thì việc trau dồi kỹ năng làm báo hiện đại được đặt ra như một điều kiện đủ để phát triển vươn lên trong tình hình mới.

Theo đó, bà Hà đã chia sẻ kinh nghiệm hay trong việc tăng cường kỹ năng làm báo hiện đại của các đơn vị thuộc TTXVN, như Ban biên tập Ảnh và hội Báo ảnh Việt Nam luôn duy trì hoạt động bình ảnh đẹp hàng tháng, trao đổi kinh nghiệm về các góc tiếp cận hình ảnh mới mẻ, hiện đại.

Trung tâm Truyền hình thông tấn liên tục cập nhật xu hướng làm truyền hình trên các nền tảng mới, thúc đẩy việc trao đổi nghiệp vụ với các cơ quan thông tấn trong và ngoài nước để nâng cao chất lượng, kỹ năng tác nghiệp của PV các địa bàn.

Báo điện tử Vietnam Plus thường xuyên tổ chức các khóa tập huấn cho tất cả các PV, BTV các kỹ năng làm báo đa phương tiện để bắt nhịp với xu thế của báo chí hiện đại.

Tòa soạn Báo điện tử Vietnam Plus (Ảnh: TTXVN)

Đặc biệt, Vietnam Plus chú trọng hợp tác với nhiều đơn vị báo chí nước ngoài để liên tục cập nhật các công nghệ mới, cử phóng viên đi dự các khóa đào tạo ở nước ngoài để trau dồi kỹ năng nghề nghiệp, từ ứng dụng ảnh/video 360o, sử dụng flycam, thông tin đồ họa tĩnh và đồ họa tương tác, dòng sự kiện timeline, cho đến ứng dụng báo chí di động (mobile journalism), báo chí bằng công cụ truyền thông xã hội (social journalism), phong cách trình bày phóng sự dạng mega story, báo chí dữ liệu (data journalism)…

Nhận thức tầm quan trọng trong việc xây dựng đội ngũ làm báo giỏi về chuyên môn và ngoại ngữ phục vụ đối tượng độc giả nước ngoài, báo Việt Nam News và Le Courrier du Vietnam luôn khuyến khích và tạo điều kiện cho PV, BTV đi nghiên cứu, tham dự các khóa học dài hạn và ngắn hạn ở các nước phát triển, đồng thời mời chuyên gia nước ngoài đến tập huấn cho các hội viên.

Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng

Đại diện cho Hội nhà báo Nghệ An, ông Trần Duy Ngoãn, Chủ tịch Hội, cho biết: Việc xác định, lựa chọn nội dung và phương thức mới trong công tác bồi dưỡng nghiệp chuyên môn cho đội ngũ nhà báo hội viên trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 là vấn đề khó. Tiếp nữa là nhận thức của lãnh đạo cũng như điều kiện của từng cơ quan báo chí rất khác nhau.

Chủ tịch Hội nhà báo Nghệ An Trần Duy Ngoãn

Tháng 12/2018, Hội nhà báo Nghệ An đã tổ chức Hội thảo chủ đề: “Xây dựng đội ngũ nhà báo trước yêu cầu của cuộc CMCN 4.0” với sự tham gia của lãnh đạo, PV của Hội nhà báo 6 tỉnh khu vực Bắc miền Trung để các cơ quan báo chí nắm bắt được các vấn đề làm báo hiện đại.

Có 22 tham luận đã phản ánh thực trạng, đề cập nhiều khía cạnh, nhiều góc độ, nhiều giải pháp có tính khả thi được chia sẻ như: “Thuận lợi và thách thức của cuộc CMCN 4.0 đối với sự phát triển của báo chí địa phương”; “Kỹ năng tác nghiệp của PV, BTV báo chí trước yêu cầu nâng cao chất lượng của công nghệ làm báo đa phương tiện”; “Giải pháp nâng cao hiệu quả trong quản lý của Ban biên tập, Ban giám đốc của cơ quan báo chí trong công nghiệp 4.0”; “Sự cần thiết phải đầu tư nâng cao trang thiết bị kỹ thuật và điều kiện làm việc cho PV”, “Sự cần thiết phải sắp xếp tinh giản bộ máy cho phù hợp với việc áp dụng các phương tiện, thiết bị hiện đại của các cơ quan báo chí”, “Các quy trình, kỹ thuật và kinh nghiệm làm báo in, báo điện tử, báo phát thanh truyền hình (PTTH) trong tổ chức tòa soạn hội tụ; làm báo đa phương tiện, công nghệ số hóa của báo chí, PTTH địa phương hiện nay”...

Chúng tôi xem đây là những nội dung cần thiết phải được trang bị cho đội ngũ người làm báo trong các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh”, Chủ tịch Hội nhà báo Nghệ An nhấn mạnh.

Cũng theo Chủ tịch Hội nhà báo Nghệ An, kỷ nguyên 4.0 đòi hỏi phải có sự vào cuộc của tất cả hệ thống chính trị. Đặc biệt, ngày 03/4/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 362-QĐ/TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, nhằm sắp xếp hệ thống báo chí, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý báo chí để phát triển hệ thống các loại hình báo chí hiện nay.

Theo đó, “Việc sắp xếp  theo quy hoạch phát triển và quản lý của báo chí toàn quốc cũng là cơ hội và điều kiện để Hội nhà báo các cấp chủ động đổi mới mạnh mẽ công tác đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ PV, nhà báo đáp ứng với yêu cầu của cuộc CMCN 4.0”.

Mỗi cơ quan báo chí, nhà báo chủ động nâng tầm để không bị loại khỏi "cuộc chơi"

Cũng tại Hội nghị, ông Nguyễn Tôn Hoàn, Chủ tịch Hội Nhà báo Đồng Nai, Tổng Biên tập Báo Đồng Nai cho rằng xu hướng phát triển báo chí theo hướng đa phương tiện, hội tụ và đa nền tảng đòi hỏi mỗi nhà báo, PV đều phải ý thức nâng tầm tác phẩm báo chí của mình, hướng tới mục tiêu thích ứng với tâm lý tiếp nhận của công chúng báo chí.

Điều này bắt đầu từ việc thay đổi tư duy, định hướng phát triển và tổ chức hoạt động của các cơ quan báo chí địa phương. Đó là việc xác định được mục tiêu, tính tất yếu phải đổi mới để phụng sự bạn đọc tốt hơn và cũng để không bị tụt lùi trong xu thế báo chí hiện đại”.

Chủ tịch Hội Nhà báo Đồng Nai Nguyễn Tôn Hoàn

Với cơ quan báo chí địa phương, ngoài việc phải có nguồn tài chính để phát triển tòa soạn còn cần phải đầu tư phát triển nhân tố quyết định sự tồn tại của cơ quan báo chí, đó là đội ngũ nhà báo giỏi nghề, chuyên nghiệp, sáng tạo được các loại hình báo chí mới đa phương tiện. Điều này phải xuất phát từ đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ.

Bởi theo Chủ tịch Hội nhà báo tỉnh Đồng Nai, nếu không tiếp nhận được những xu hướng truyền thông mới trong thời đại công nghệ 4.0, báo chí địa phương rất dễ bị loại khỏi khỏi “cuộc chơi” ngay trên sân nhà của mình.

Trong khi đó, theo tham luận của Liên chi hội Báo Nhân dân, năm 2019, thực hiện chỉ đạo của Ban Biên tập Báo Nhân Dân về việc đổi mới Báo Nhân Dân điện tử trong tình hình mới, Ban Nhân Dân điện tử xác định đây là nhiệm vụ quan trọng đòi hỏi sự tập trung cao độ của đội ngũ cán bộ, PV, BTV, kỹ thuật viên (KTV) của Ban, để hướng tới những cải tiến đồng bộ, đáp ứng yêu cầu đổi mới thông tin, tuyên truyền hiện nay trong cuộc cạnh tranh thông tin gay gắt của kỷ nguyên số và CMCN 4.0.

Báo Nhân Dân điện tử là một ấn phẩm của Báo Nhân Dân, hiện phát hành trên môi trường Internet với 06 thứ tiếng, gồm: tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Nga và tiếng Tây Ban Nha.

Đặc biệt, bên cạnh việc áp dụng những công nghệ tiên tiến, Ban Nhân Dân điện tử cũng xác định “yếu tố con người” đóng vai trò quyết định trong việc đổi mới thành công Báo trong tình hình mới.

Yêu cầu đặt ra là bên cạnh việc nâng cao chất lượng nội dung và hình thức, tập thể cán bộ, PV, BTV, KTV cần phải chủ động nắm bắt xu hướng mới, làm chủ các công nghệ mới,… để có thể kịp thời thích ứng với những thay đổi trong tình hình mới.

Ban Nhân Dân điện tử đặc biệt quan tâm tới việc trang bị cho đội ngũ PV, BTV, KTV những kỹ năng cần thiết để có thể “bắt nhịp” những thay đổi thích ứng với CMCN4.0.

Ví dụ, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, PV báo điện tử hiện đại không những cần kỹ năng 3 trong 1 (viết báo hay, chụp ảnh đẹp, quay video ngắn), mà còn cần phải biết những kỹ năng khác như tham gia các nền tảng, tương tác mạng xã hội để lan tỏa rộng rãi tác phẩm của mình. Đồng thời, PV cũng cần biết lập trình, đồ hoạ hoặc sử dụng thành thạo các công cụ để trình bày tác phẩm bắt mắt hơn, “kể chuyện hấp dẫn hơn”…

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nhà báo chủ động nâng tầm để không bị loại khỏi "cuộc chơi" 4.0
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO