Nhà báo Huỳnh Văn Tiểng: Người dựng nghiệp và cống hiến vì sự nghiệp truyền hình Việt Nam

Lan Phương| 15/03/2019 21:08
Theo dõi ICTVietnam trên

Nhà báo Huỳnh Văn Tiểng được coi là “một trong những người đầu tiên sáng lập ngành truyền hình Việt Nam” và có công lớn với sự nghiệp phát thanh truyền hình (PTTH) của cả nước

Trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc 2019, chiều 15/3/2019, tại Bảo tàng Hà Nội, Hội nhà báo Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm nhà báo Huỳnh Văn Tiểng với báo chí cách mạng Việt Nam.

Nhà báo Huỳnh Văn Tiểng sinh ngày 10/10/1920, tại Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh, là cán bộ lão thành cách mạng. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ trước năm 1945, khi mới 16 tuổi, trong phong trào sinh viên yêu nước, nổi tiếng với những ca khúc cách mạng trong nhóm Hoàng Mai Lưu (Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước).

Nhà báo Huỳnh Văn Tiểng là Đại biểu Quốc hội từ Khóa I đến Khóa V, nguyên Giám đốc Đài Tiếng nói Nhân dân Nam Bộ, nguyên Phó Tổng Biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban PTTH Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam trong 20 năm. Ông cũng là người có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam nói chung cũng như đối với Hội nhà báo Việt Nam nói riêng.

Phó Chủ tịch thường trực Hội nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi phát biểu

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Chủ tịch thường trực Hội nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi khẳng định: “Nhà báo Huỳnh Văn Tiểng là một trong những lãnh đạo tiêu biểu trong lịch sử 69 năm xây dựng và phát triển của Hội Nhà báo Việt Nam. Đối với các thế hệ nhà báo Việt Nam, nhà báo Huỳnh Văn Tiểng thực sự là một tấm gương điển hình cần tuyên truyền, học tập, nhằm góp phần đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”".

Theo TS. Trần Bá Dung, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội nhà báo Việt Nam, trong hoạt động báo chí cách mạng, nhà báo Huỳnh Văn Tiểng là người có đóng góp to lớn qua hai cuộc kháng chiến, đấu tranh giải phóng dân tộc.

Ở Đài Tiếng nói Việt Nam, Tổng Biên tập, Chủ nhiệm Ủy ban PTTH Trần Lâm được gọi là “Người dựng nghiệp PTTH”, Phó Chủ nhiệm Lê Quý là “Người mở đường cho phát thanh đối ngoại”, Phó Chủ nhiệm Lý Văn Sáu là “Nhà ngoại giao, nhà báo”, Phó Tổng Biên tập Huỳnh Văn Tiểng được coi là “một trong những người đầu tiên sáng lập ngành truyền hình Việt Nam” và có công lớn với sự nghiệp PTTH của cả nước.

Nhà báo Huỳnh Văn Tiểng gắn bó với sự nghiệp PTTH từ năm 1946, khi ông là ủy viên Ủy ban kháng chiến Nam Bộ, trưởng Khoa tuyên truyền. Ông được đồng chí Phạm Văn Đồng, đại diện của Chính phủ tại miền Nam, ký quyết định điều về làm Phó Giám đốc Đài Tiếng nói Nam Bộ (đóng ở Quảng Ngãi), đồng thời vẫn kiêm nhiệm một số công việc khác của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ. Ông trực tiếp viết bình luận cả tiếng Việt và tiếng Pháp (khi đó Đài đã có phát chương trình tiếng nước ngoài).

Suốt cuộc đời làm báo, nhà báo Huỳnh Văn Tiểng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng: Phó Giám đốc Đài Tiếng nói Nam Bộ tại Quảng Ngãi (1946), Phó Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam Bộ, phụ trách công tác tuyên truyền, Quyền Giám đốc Sở Thông tin Nam Bộ (1938), Phó Tổng Biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam (từ 1954), Trưởng Ban Vô tuyến truyền hình Việt Nam (từ 1970) - cái nôi của ngành truyền hình Việt Nam. Ngày 26/4/1975, ông dẫn đầu đoàn cán bộ truyền hình thần tốc tiến vào Sài Gòn theo quốc lộ 1. Ngày 30/4/1975, đoàn tham gia tiếp quản thành phố. Với kinh nghiệm và sự lãnh đạo của ông, tối 1/5/1975, Đài Truyền hình Sài Gòn Giải phóng đã phát sóng buổi đầu tiên từ Sài Gòn.

Sau đó, ông trực tiếp làm Giám đốc Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban PTTH Việt Nam phụ trách các Đài Truyền hình phía Nam (từ 1976) cho đến khi nghỉ hưu.

Toàn cảnh tọa đàm

Ông Nguyễn Thế Kỷ, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) nhấn mạnh: Tọa đàm là sự tôn vinh về những đóng góp to lớn của ông cho đất nước, sự nghiệp báo chí, các thế hệ người làm báo VOV.

Hai thập niên làm việc tại Đài Phát thanh Quốc gia, nhà báo Huỳnh Văn Tiểng đã lăn lộn cùng Tổng Biên tập Trần Lâm và tập thể Lãnh đạo Đài thực hiện nhiều công việc quan trọng, xây dựng và phát triển Đài trên các mặt nội dung, kỹ thuật tổ chức - quản lý theo mô hình chuẩn của một đài quốc gia. Nhiều chương trình phát thanh, chuyên mục mới về đối nội, đối ngoại đã phản ánh sinh động, kịp thời công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở hậu phương lớn miền Bắc, cuộc chiến đấu “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” ở tiền tuyến lớn miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà.

Cũng như nhiều cơ quan, đơn vị khác, ở thời chiến, nhà báo Huỳnh Văn Tiểng cùng Ban lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam xây dựng nhiều phương án bảo đảm làn sóng Tiếng nói Việt Nam được phát liên tục, không bị ngừng nghỉ khi Mỹ ném bom hủy diệt nhiều nơi ở miền Bắc.

Những cống hiến xuất sắc của nhà báo Huỳnh Văn Tiểng với sự nghiệp báo chí cách mạng nói chung, Đài Tiếng nói Việt Nam nói riêng là rất to lớn. Ông là tấm gương sáng để những người làm báo hôm nay học tập về tinh thần làm việc, cống hiến hết mình cho sự nghiệp chung; trách nhiệm trong từng con chữ, từng tin bài, từng chương trình; sống giản dị, chan hòa, nhân ái, trong sạch; luôn lạc quan, hào sảng, thắng thắn đúng chất của một người Nam Bộ”, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh.

Cho biết thêm về đóng góp của nhà báo Huỳnh Văn Tiểng đối với truyền hình, nhà báo Đặng Ngọc Minh, Giám đốc Công ty TNHH Truyền thông Minh Phim, nguyên biên tập - biên kịch phim Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh cho hay: Nhà báo Huỳnh Văn Tiểng là người có những chủ trương táo bạo, kịp thời để phát triển truyền hình như lắp ráp xe truyền hình màu đưa bằng máy bay vận tải ra Hà Nội, phục vụ Đại hội lần thứ IV của Đảng (năm 1976). Lần đầu tiên trên miền Bắc, nhiều đồng chí và đồng bào được xem truyền hình màu thật ấn tượng.

Cẩn trọng trong làm nghề

Là học trò của nhà báo Huỳnh Văn Tiểng, nhà báo Đặng Ngọc Minh chia sẻ nhà báo Huỳnh Văn Tiểng thường nhấn mạnh điều quan trọng về nghề mà đến nay chúng tôi còn rất tâm đắc: Trong quá trình sáng tạo tác phẩm báo chí, nhà báo, dù sáng tạo tác phẩm thuộc loại hình báo chí nào, cũng cần tuân thủ một quy trình chung, bao gồm các bước như: Tìm hiểu và nghiên cứu thực tế; xác định chủ đề - đề tài - tư tưởng chủ đề; thu thập và khai thác thông tin; thể hiện tác phẩm về nội dung và hình thức; duyệt, đăng báo, xuất bản, phát hành, phát sóng và lắng nghe thông tin phản hồi.

Nhà báo Huỳnh Văn Tiểng cũng đã từng chia sẻ một tác phẩm báo chí, phát thanh hay truyền hình không chấp nhận những vấn đề tư duy mang tính chủ quan, cảm tính, thiếu số liệu và bằng chứng khoa học, càng không thể là mảng thông tin chắp vá, được sao chép, cóp nhặt. Tác phẩm báo chí phải phản ánh sinh động những kiến thức khách quan thu thập được qua tư duy logic chủ quan của người viết. Do vậy, một tác phẩm báo chí hay phải là một bài viết độc đáo, có ý tưởng mới nhưng được nghiên cứu, nghiền ngẫm qua thực tiễn cuộc sống, mang đậm dấu ấn cá nhân của tác giả.

Cũng tại tọa đàm, nhà báo Nguyễn Kim Trạch, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Truyền hình nhớ lại một lần được phân công viết bài tùy bút nhân kỷ niệm Ngày Nam Bộ kháng chiến, nhà báo Huỳnh Văn Tiểng đã chia sẻ trong bài viết cần phải đứng ở vị thế của ngày hôm nay nói về ngày ấy, đem cái tinh thần của ngày ấy truyền cho hôm nay. Nhà báo Nguyễn Kim Trạch cho biết ông đã lấy phương châm này để áp dụng cho các bài tùy bút viết cho những dịp kỷ niệm khác.

Xúc động về tấm gương nhà báo Huỳnh Văn Tiểng, nhà báo Nguyễn Xuân Lương, nguyên Chánh Văn phòng Hội nhà báo Việt Nam cho biết nhà báo Huỳnh Văn Tiểng tiêu biểu cho lớp trí thức cách mạng Việt Nam, là một người đầy nhiệt huyết, trí tuệ, đầy tình yêu thương…

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nhà báo Huỳnh Văn Tiểng: Người dựng nghiệp và cống hiến vì sự nghiệp truyền hình Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO