Nhà mạng Hàn Quốc chính thức cung cấp dịch vụ "thuần" 5G

HL| 18/07/2021 10:07
Theo dõi ICTVietnam trên

Nhà mạng KT vừa công bố ra mắt dịch vụ "thuần" 5G và trở thành nhà cung cấp dịch vụ di động đầu tiên ở Hàn Quốc thương mại hóa mạng 5G độc lập.

Theo hãng thông tấn Yohaps (yna.co.kr), người dùng điện thoại Samsung Galaxy S20, S20 + và S20 Ultra đăng ký gói di động 5G của KT sẽ có thể truy cập kết nối 5G SA (standalone) chỉ bằng cách cập nhật phần mềm thiết bị của họ.

"Standalone" (độc lập) có nghĩa là 5G thuần túy từ đầu đến cuối, mà không phải chuyển đổi sang mạng 4G LTE (Long Term Evolution).

Cho đến nay, cả ba nhà mạng 5G ở Hàn Quốc đều dựa vào các mạng LTE dự phòng ở bất cứ nơi nào kết nối 5G không thành công. Đây được gọi là 5G không độc lập (non-standalone).

Đối với việc sử dụng dữ liệu, ví dụ, khi người dùng xem một video clip trên YouTube, họ đang sử dụng 5G. Nhưng đối với các dịch vụ viễn thông di động, điện thoại thông minh vẫn được kết nối với mạng LTE.

KT cho biết với 5G "thuần", các thiết bị di động sẽ có hiệu suất sử dụng pin và tốc độ phản hồi tốt hơn.

Theo Hiệp hội Công nghệ Viễn thông (TTA), thời lượng pin của Galaxy S20 + đã tăng 8,8% lên 13 giờ 38 phút trên mạng "standalone", so với 12 giờ 32 phút khi không dùng phi độc lập.

Nhà mạng KT cũng cho biết thêm rằng việc triển khai 5G SA cũng sẽ tạo ra sự khác biệt trong hệ thống cảnh báo thảm họa của chính phủ.

Hiện tại, các tin nhắn văn bản cảnh báo công chúng về tai nạn hoặc thảm họa được gửi qua mạng LTE có phạm vi rộng hơn so với mạng 5G SA nên không thể thu hẹp người nhận.

Khởi động với các gói cước di động, KT có kế hoạch mở rộng hơn nữa việc triển khai 5G SA cho các ngành.

Kim Young-in, phó chủ tịch mảng kinh doanh mạng của KT cho biết: "KT đang chuẩn bị cung cấp các dịch vụ 5G sẽ tạo ra giá trị mới cho khách hàng. Là một công ty nền tảng số, KT đang thực hiện nhiều nỗ lực khác nhau để giúp vượt qua cuộc khủng hoảng COVID-19 và thúc đẩy động lực giao dịch số mới".

Trong khi đó, hai nhà mạng là SKT và LG Uplus vẫn thận trọng trong việc mở rộng quyền truy cập thuần 5G, vì các vấn đề liên quan tới độ ổn định mạng. Chế độ standalone có thể làm tốc độ truyền dữ liệu chậm hơn mà không có sự hỗ trợ của cơ sở hạ tầng 4G sâu rộng, do đó làm giảm chất lượng 5G về tổng thể.

Cũng có những ý kiến quan ngại cho rằng thuê bao 5G của nhà mạng KT có thể bị gián đoạn dịch vụ khi rời khỏi vùng phủ sóng 5G của nhà mạng này.

Một quan chức KT cho biết: "KT đã chuẩn bị cho dịch vụ 5G SA trong một thời gian dài và đã chứng minh được công nghệ của công ty không có vấn đề về chất lượng. Khi người dùng ra khỏi khu vực 5G, họ sẽ tự động được kết nối với LTE".

Doanh thu tăng mạnh nhờ tăng trưởng người dùng

Theo nhiều nhà phân tích, các nhà mạng của Hàn Quốc sẽ báo cáo doanh thu quý 2 năm 2021 tăng mạnh nhờ sự tăng trưởng liên tục của người dùng mạng 5G.

Lợi nhuận của ba nhà mạng lớn là SK Telecom, KT và LG Uplus được dự báo là 1,09 nghìn tỷ won (951,4 triệu USD) trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6, tăng 16,1% so với năm trước. Dự báo được đưa ra khi sự chuyển đổi của người dùng sang các gói cước 5G đắt tiền hơn tiếp tục tăng lên.

Nhà mạng Hàn Quốc chính thức cung cấp dịch vụ

Theo số liệu của Bộ CNTT-TT, tính đến cuối tháng 5/2021, Hàn Quốc có 15,8 triệu thuê bao 5G, so với 14,5 triệu thuê bao vào cuối tháng 3. SK Telecom có nhiều người dùng 5G nhất trong tháng 5 với 7,4 triệu, tiếp theo là KT với 4,8 triệu và LG Uplus với 3,6 triệu.

Nhà mạng KT dự kiến sẽ ghi nhận mức lợi nhuận tăng mạnh nhất trong số ba nhà mạng ở mức 418,7 tỷ won, tăng 22,5% so với năm trước.

Nhà phân tích Choi Min-ha của Samsung Securities cho rằng: "Thuê bao 5G của KT có thể tăng 608.000 trong quý 2, giúp nhà mạng này có 5,01 triệu (trong quý thứ 2), trong khi doanh thu trung bình trên mỗi thuê bao dự kiến sẽ tăng 1,1% so với quý trước".

Theo ước tính, lợi nhuận hoạt động quý 2 của nhà mạng hàng đầu SK Telecom sẽ đạt 410,3 tỷ won, tăng 14,1% so với năm trước, trong khi đối thủ nhỏ hơn LG Uplus dự báo đạt 264 tỷ won, tăng 10,1%.

Nhà phân tích Shin Eun-jung của DB Financial Investment cho biết: "Ba nhà mạng đang có mức tăng trưởng ổn định. Chi phí tiếp thị không tăng nhiều do cạnh tranh giảm bớt, dẫn đến lợi nhuận tiếp tục tăng trưởng."

Dự báo được đưa ra khi các nhà mạng đã đẩy mạnh các gói cước 5G rẻ hơn vào đầu năm nay để khuyến khích người dùng chuyển sang các mạng thế hệ mới trong bối cảnh có nhiều phàn nàn về chất lượng các dịch vụ 5G.

Khoảng 500 người dùng 5G đã đệ đơn kiện tập thể đối với ba nhà mạng về kết nối mạng kém và yêu cầu bồi thường. Các nhà mạng đã phải tăng cường nỗ lực cải thiện dịch vụ, chạy đua để thiết lập vùng phủ sóng 5G trên toàn quốc vào cuối năm sau./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nhà mạng Hàn Quốc chính thức cung cấp dịch vụ "thuần" 5G
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO