Nhà thơ, đạo diễn Phan Huyền Thư: Gen Z nên trang bị kỹ năng đọc

Tuyết Hoa (thực hiện)| 01/05/2022 07:00
Theo dõi ICTVietnam trên

Là một trong những người luôn trăn trở với sách, với văn hóa đọc sách và cách thức tiếp cận sách trong thời đại số, nhà thơ, đạo diễn điện ảnh Phan Huyền Thư luôn cho rằng điều quan trọng đối với thế hệ trẻ hiện nay không phải là đổ xô đi tìm sách dạy kỹ năng mà lại là kỹ năng đọc sách. Bà đã có cuộc trò chuyện với PV Tạp chí TT&TT về vấn đề này.

PV: Đại dịch COVID-19 đã kéo dài hơn 2 năm và khiến cuộc sống của con người cũng thay đổi một cách đáng kể. Nhiều trường hợp bị cách ly do F0, F1 hoặc giãn cách xã hội. Điều đó chắc cũng xảy ra với nhà thơ, đạo diễn Phan Huyền Thư. Vậy, trong thời gian đó, bà đọc gì và đọc ở đâu? 

Nhà thơ, đạo diễn Phan Huyền Thư: Tôi có thư viện gia đình cũng khoảng gần 5.000 đầu sách. Tất nhiên là khối tài sản ấy được lưu trữ từ đời ông, cha và qua đời của tôi đến đời con và cháu tôi sau này, số đầu sách sẽ còn tiếp tục tăng lên nữa. Nói như vậy, để các bạn thấy đọc sách đã trở thành một phần tất yếu trong đời sống tinh thần gia đình tôi, đó cũng là nét gia phong mà tôi cố duy trì.

Nhà thơ, đạo diễn Phan Huyền Thư: Gen Z nên trang bị kỹ năng đọc - Ảnh 1.

Nhà thơ, đạo diễn Phan Huyền Thư.

Suốt hai năm dịch bệnh, quả thực là có rất nhiều nỗi lo lắng, áp lực tinh thần tồn tại ngay cả khi phải cách ly tại gia đình, tâm thế dành cho việc đọc không hề thoải mái, thậm chí còn bị ảnh hưởng rất nhiều. Mặc dù đầu sách của bạn bè xuất bản và ra mắt gửi đến không hề ít hơn trong thời gian bệnh dịch, chính tôi cũng viết rất nhiều… và có thể ra thêm một đầu sách trong thời gian này nhưng thành thực mà nói, đọc sách cần có tâm thế. 

Với kỷ nguyên số hóa toàn cầu như hiện nay, kỹ năng đọc đã dần được thay thế bởi các sản phẩm truyền thông đa phương tiện. Ngay cả cách thức tiếp cận với các tác phẩm của văn hóa đọc cũng đã khác trước rất nhiều. Sách điện tử, sách nói, thậm chí là sách được xuất bản dưới dạng phim ảnh trên kênh YouTube hoặc Tiktok cũng thu hút giới trẻ hơn là cách đọc truyền thống.

PV: Với tư cách là một chuyên gia về văn hóa đọc, trong một ma trận sách như hiện nay, bà có thể chia sẻ kinh nghiệm về chọn sách cho các bạn trẻ?

Nhà thơ, đạo diễn Phan Huyền Thư: Tôi nhớ, Bill Gates, lần đầu tiên sang Việt Nam và trò chuyện với sinh viên các trường đại học, ông ấy đã để lại một bức thư khuyến khích thế hệ @ Việt Nam trong bối cảnh chấm dứt hậu chiến để bước vào hội nhập. Trong đó, có bốn thông điệp đáng nhớ và thông điệp quan trọng nhất là: “Đọc là một kỹ năng quyết định”. 

Thế hệ trẻ của chúng ta hiện nay được định danh là Gen Z cùng với toàn cầu hóa, kỹ năng đọc được hiểu không đơn thuần chỉ là sách vở. Chúng ta đã có quá nhiều nền tảng số hóa và các phương tiện truyền thông đa phương tiện (multimedia) để hỗ trợ cho tốc độ tư duy của thế hệ Gen Z ngày nay. 

Điều quan trọng nhất, theo cá nhân tôi quan sát, thì các bạn trẻ đang thiếu kỹ năng đọc. Đây không phải là sự chọn lựa mà là kỹ năng để chọn lựa. Tôi nghĩ các bạn trẻ nên trang bị kỹ năng đọc chứ không phải đổ xô đi tìm đọc những cuốn sách dạy kỹ năng.

PV: Văn hóa đọc hiện nay đang trở thành một vấn đề thu hút sự quan tâm của xã hội. Thậm chí, tại kỳ họp lần thứ 28 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại Paris (Pháp) năm 1999, tổ chức UNESCO đã quyết định chọn ngày 23/4 hàng năm là ngày “Sách và bản quyền thế giới”. Tuy nhiên, theo bà, thực trạng của văn hóa đọc hiện nay đang diễn ra như thế nào tại Việt Nam? 

Nhà thơ, đạo diễn Phan Huyền Thư: Khủng hoảng về xuất bản và sự chết của sách in, báo in ở Việt Nam tuy là chậm hơn so với thế giới nhưng cuối cùng thì cũng đã đến với văn hóa đọc của chúng ta. Sở dĩ tôi nhắc đến ngành Xuất bản vì bạn vừa chỉ ra một “ma trận sách” đang tồn tại, đúng hơn là sự bấn loạn của ngành Xuất bản đã tạo ra ma trận ấy và chủ yếu là tạo ra một thị trường xuất bản thiếu hệ thống, chồng chéo, tính thương mại bị đẩy lên khiến cho môi trường đọc của độc giả bị rối loạn tạo ra những cơn “sốt ảo” cho sách chứ thực ra độc giả ngày một quay lưng lại với văn hóa đọc. 

Thực tế chúng ta đều nhận thấy rằng hệ thống “Hiệu sách nhân dân” từ trung ương đến địa phương đã hoàn toàn biến mất cùng với hệ thống rạp hát, rạp chiếu phim và nhà văn hóa nhân dân của thời bao cấp. Các thư viện cấp phường, cấp trường và cấp học viện cũng biến mất. Thay vào đó là nền kinh tế thị trường với sự phát triển tràn lan của phòng trà, quán bar, rạp phim tư nhân, nhà sách tư nhân với hệ thống quảng bá và phát hành kiểu kinh tế thị trường, nặng về thương mại. 

Không còn các tủ sách chuyên đề hay phân dòng theo lứa tuổi như trước. Tủ sách Ngựa Gióng, Nhi Đồng, Búp trên cành hay Em yêu khoa học, Cuộc sống và Sự nghiệp, Những tấm lòng cao cả... 

Các dòng sách kỹ năng và hàn lâm, nghiên cứu, tra cứu ngày một thu hẹp, teo tóp lại rồi biến mất. Thay vào đó là sự kinh doanh nỗi sợ hãi như tướng số, phong thủy cây thuốc, chữa bệnh, thuật hồi xuân nam nữ, sách dưỡng sinh... tràn lan.

Dòng sách thương mại đánh tráo khái niệm, đề cao sự thỏa mãn cái tôi cá nhân và sự giải trí hời hợt bằng những dòng ngôn tình, hoặc những trào lưu sách dịch dễ dãi đang lấn át mạnh mẽ dòng tác phẩm kinh điển, kho tàng tri thức của nhân loại hoặc dòng văn chương nghệ thuật ngôn từ đỉnh cao.

Bản thân các tác giả trong nước cũng phải loay hoay với việc xuất bản và chấp nhận chạy theo xu hướng chung để tìm kiếm độc giả. Nói chung, cho dù có mở rộng hoạt động xuất bản, mở ra đường sách nọ, ngày hội đọc sách kia… thì cái đống sách chất bên vỉa hè bán đồng giá hoặc cân thành rác tái chế sẽ ngày một lớn hơn. Lãng phí và đau lòng!

PV: Ngày nay, độc giả có xu hướng chạy theo tâm lý đám đông, hưởng thụ đọc sách theo nhu cầu của thị trường. Có lẽ vì vậy mà trên thị trường sách hiện nay, nhiều thể loại như kỹ năng làm giàu, làm đẹp... hay truyện tranh… được mua nhiều hơn so với sách văn học, lý luận, chính trị... Sách của các nhà xuất bản dường như chỉ dành cho tuổi trung niên, giới nghiên cứu học thuật. Vậy làm thế nào để hình thành nên văn hóa đọc ở Việt Nam và cách để thu hút giới trẻ đến với sách? 

Nhà thơ, đạo diễn Phan Huyền Thư:Như tôi đã nói ở trên, với Gen Z, việc quan trọng nhất là tạo ra những thói quen tìm kiếm kỹ năng đọc cho họ ngay từ đầu. Vì họ có cách đi khác, cách lĩnh hội và trưởng thành khác chúng ta. Họ có cách đọc riêng của họ đấy, và rất hiệu quả, khác biệt. Họ không có căn cước cá nhân hay dân tộc nữa, họ là Netizen, công dân toàn cầu và sở hữu một kho tàng kỹ năng, kiến thức một cách hệ thống, khá bình đẳng và luôn cập nhật. 

Cách mà chúng ta không lôi kéo được họ đến với kỹ năng sách đọc sách in là bởi vì chúng ta vẫn quá cổ hủ khi nghĩ rằng chỉ có đọc sách mới là con đường duy nhất đến với học vấn và tri thức.

Nhà thơ, đạo diễn Phan Huyền Thư: Gen Z nên trang bị kỹ năng đọc - Ảnh 2.

Với Gen Z, việc quan trọng nhất là tạo ra những thói quen tìm kiếm kỹ năng đọc cho họ ngay từ đầu. Vì họ có cách đi khác, cách lĩnh hội và trưởng thành khác chúng ta.

PV: Một số tác phẩm về các đề tài như tâm linh như “Muôn kiếp nhân sinh” hay thời sự với “Đại gia… gần đây thu hút được khá nhiều độc giả. Bà có thể phân tích nguyên nhân tại sao? Liệu có phải một phần do truyền thông, quảng cáo… kiểu như giới thiệu sách…

Nhà thơ, đạo diễn Phan Huyền Thư: Tôi cũng là độc giả đầu tiên của những cuốn sách vừa được liệt kê ở trên. Tôi khẳng định rằng đấy là mối quan tâm thật sự, có “véc tơ” vật lý về sự kiếm tìm để thỏa mãn chứ không phải là chiêu trò PR. 

Kỷ nguyên của hàn gắn, tự chữa lành, chữa lành cho cả hành tinh về những tổn thương vật chất và tinh thần. Môi trường sống, sự phát triển bền vững, các nền tảng đạo đức bị băng hoại và sự hủy diệt của thiên tai, dịch bệnh, sự thiếu ý thức của con người với hoàn cảnh sống và sự mất cân bằng giữa tự nhiên và xã hội là vết thương quá lớn nhân loại đang phải gánh chịu.

Hiện tượng như “Muôn kiếp nhân sinh” hay một số bộ sách về khoa học tâm linh, chữa lành lượng tử v.v.. chỉ là một thực trạng chân thực về cơn trầm cảm, hoảng loạn của con người trong kỷ nguyên số hóa. 

Sự mất cân đối giữa kiến thức, giáo dục với hành vi ứng xử của nhân loại với môi trường sống đã đẩy con người đến sự hoang mang và cần gây dựng một niềm tin mới, ai cũng thấy cần phải có một nền tảng mới làm chỗ dựa cho tinh thần. Nhưng họ lười nhác, không chịu khám phá và tích lũy, họ chỉ thích hưởng thụ và sở hữu, chiếm đoạt mà thôi.

PV: Từ thực trạng sách in tràn lan, thậm chí không rõ nguồn gốc xuất bản, thì vấn đề bảo vệ bản quyền tác giả cần được thay đổi như thế nào, thưa bà? 

Nhà thơ, đạo diễn Phan Huyền Thư:Tôi muốn đập hết đi, xây lại từ đầu một quy trình. Và việc đó được bắt đầu từ khâu kiểm duyệt. Phải cực kỳ khe khắt và đòi hỏi có chuyên môn tầm chuyên gia cho việc này. 

Bản quyền tác giả thì tôi không thấy quan ngại, vì thực ra khi chúng ta đã ký kết và tuân thủ công ước BERNE một cách nghiêm túc thì coi như chúng ta đã có sự bảo hộ về pháp lý mang tính quốc tế. 

Cứ thế mà làm chứ đừng tự mọc ra các hệ thống vô lối để bảo vệ cho sự vô lý là được rồi. Quan điểm của tôi là không sợ bất công, chỉ sợ thực hiện đấu tranh cho công bằng ngay trên nền tảng không công bằng ngay từ đầu.

Bản quyền tác giả thì tôi không thấy quan ngại, vì thực ra khi chúng ta đã ký kết và tuân thủ công ước BERNE một cách nghiêm túc thì coi như chúng ta đã có sự bảo hộ về pháp lý mang tính quốc tế. Cứ thế mà làm chứ đừng tự mọc ra các hệ thống vô lối để bảo vệ cho sự vô lý là được rồi.

Nhà thơ, đạo diễn Phan Huyền Thư

PV: Sự phát triển của công nghệ và mạng xã hội với nhiều tiện ích như truyền hình, kênh Youtube, Tiktok… có vẻ như từng bước chiếm lĩnh gần hết thời gian đọc sách của đọc giả. Điều này ảnh hưởng như thế nào đến văn hóa đọc, thưa bà? 

Nhà thơ, đạo diễn Phan Huyền Thư: Thập niên 60 của thế kỷ trước, khi ti vi ra đời, nền văn chương và đặc biệt là tiểu thuyết bị yếm thế dần, đến thập nên 80 thì xã hội phương Tây đã cảnh báo về “Cái chết của tiểu thuyết”. 

Khi mạng Internet được kết nối toàn cầu và sự tiến bộ của cách mạng CNTT đã gần như tiêu diệt hệ thống media, cáp (cable) và bây giờ số hóa toàn cầu đã cho thấy sự chết dần của báo in, báo viết, thậm chí cả báo mạng… nên ngành xuất bản đã phải có bước chuẩn bị từ multimedia sang các nền tảng số từ đầu thế kỷ XXI. 

Vấn đề của chúng ta là tại sao đi tắt đón đầu được về công nghệ mà lại không đồng bộ được nền văn hóa đọc để dìu dắt, định hướng cách tiếp cận nguồn tri thức cho thế hệ trẻ bắt nhịp được với tốc độ tư duy và tốc độ số hóa ấy? Thực tế cho thấy, xã hội công bằng dân chủ văn minh không dựa trên nền tảng của sự giàu có tiền bạc hay vật chất mà là sự giàu có tri kiến và đạo đức xã hội.

PV: Với xu thế phát triển công nghệ và mạng xã hội như hiện nay, nên chăng cần có xuất bản sách điện tử song song với sách in cho phù hợp xu hướng? 

Nhà thơ, đạo diễn Phan Huyền Thư: Chúng ta luôn tụt hậu và bỏ lỡ cơ hội vì cái mệnh đề “Nên chăng” này. May sao, làn sóng chấn hưng văn hóa đang tạo cho xã hội một năng lượng và nguồn cảm hứng mới. Biết là muộn nhưng cũng may là đã đến lúc chúng ta cần hành động chính xác, cụ thể rồi. 

PV: Vừa qua đã có những ý kiến về việc “chấn hưng văn hóa và phát triển văn hóa đọc”. Theo bà, điều này giúp định hướng như thế nào cho văn hóa đọc ở Việt Nam? 

Nhà thơ, đạo diễn Phan Huyền Thư: Tôi không tán thành định hướng văn hóa đọc. Cá nhân tôi cho rằng chấn hưng văn hóa đọc cần phải xuất phát từ đầu vào, nghĩa là kiểm duyệt. Sự khắt khe về chất lượng và định lượng cho giá trị một cuốn sách sẽ quyết định tất cả. 

Muốn kiếm tiền thì tìm việc khác. In sách kiểu giải trí rẻ tiền, băng hoại đạo đức hoặc chạy theo thị trường, chạy theo kinh doanh cũng là tội ác. Không khác gì đầu độc tư tưởng, nhân cách con người, không khác gì bán thuốc rởm cho bệnh nhân. Thậm chí nếu lười quá thì chỉ việc ký hợp đồng bản quyền mà dịch lại toàn bộ hệ thống các sách giá trị đang phát hành và bán chạy theo chuẩn cao của toàn cầu cũng được rồi. 

PV: Cảm ơn bà vì cuộc trò chuyện rất thú vị!./.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 4 tháng 4/2022)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nhà thơ, đạo diễn Phan Huyền Thư: Gen Z nên trang bị kỹ năng đọc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO