Nhận diện “báo hoá” tạp chí, “tư nhân hoá” báo chí và giải pháp chấn chỉnh

Bảo Bình| 30/04/2022 20:00
Theo dõi ICTVietnam trên

Thời gian gần đây, câu chuyện “báo hóa” trang tin, “báo hóa” tạp chí và “tư nhân hóa” báo chí đang nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận. Lành mạnh hoá hoạt động báo chí, chấn chỉnh những lệch lạc trong đời sống báo chí đã được các cơ quan chức năng đặt ra.

Nhận diện các dấu hiệu “báo hóa” tạp chí điện tử

Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí - Bộ TT&TT, về bản chất, “báo hóa” tạp chí điện tử là hiện tượng một số tạp chí điện tử không thực hiện đúng tôn chỉ mục đích; hình thức trình bày (giao diện), nội dung thông tin thể hiện gây hiểu nhầm thành báo. Các vi phạm này chủ yếu diễn ra trên môi trường điện tử. Hình thức trình bày, giao diện, nội dung thông tin và từ ngữ thể hiện trên các tạp chí điện tử thường gây hiểu nhầm “đây là báo điện tử”. Trong quy định, măng sét của tạp chí điện tử phải ghi rõ chữ “tạp chí” và phải bằng 1⁄3 tên tạp chí. Tuy nhiên, hiện nhiều tạp chí điện tử có măng sét, giao diện trang chủ không ghi hoặc ghi “tạp chí” rất nhỏ.

Một dấu hiệu khác của “báo hóa” là các tạp chí điện tử sắp xếp các chuyên mục “giống như báo điện tử”, với đầy đủ các mục như Thời sự, Chính trị, Điều tra theo đơn bạn đọc, Phóng sự điều tra..., khiến người đọc không nhận biết được đây là tạp chí. Số lượng tin bài đúng tôn chỉ mục đích của nhiều tạp chí điện tử chỉ dưới 30%, thậm chí 20%. Đối với các tạp chí khoa học, tỷ lệ thông tin khoa học, chuyên ngành hạn chế, trong khi vẫn sản xuất các bài “thời sự”, “tiếp tục cập nhật” như báo.

Những tạp chí có biểu hiện “báo hóa” thường quá chú trọng phản ánh những vấn đề được cho là tiêu cực trong xã hội, nhưng lượng thông tin kiến giải, lý luận lại không có hoặc rất ít.

Nhà báo, phóng viên của tạp chí khoa học nhưng sử dụng danh nghĩa báo chí hoạt động tác nghiệp để điều tra theo đơn thư, làm phóng sự, tin thời sự, tin chính trị vượt quá tôn chỉ mục đích.

Một số tạp chí “nhận được đơn thư của công dân, bạn đọc...” và phóng viên viết bài theo kiểu điều tra, yêu cầu tổ chức, doanh nghiệp cung cấp toàn bộ hồ sơ, giấy tờ, vượt quá chức năng của cơ quan báo chí và đặc biệt hầu như chỉ đưa thông tin một chiều.

Một dấu hiệu khá nổi cộm nữa là tổ chức bộ máy của một số tạp chí lộn xộn, phức tạp – là cơ quan báo chí nhưng không có tổ chức Đảng (chủ yếu khối tạp chí của các Hội, Viện), mở văn phòng đại diện quá nhiều. Nhiều tạp chí có số lượng người đề nghị cấp thẻ nhà báo quá lớn so với quy mô, tính chất của tạp chí.

“Tạp chí khoa học, tạp chí chuyên ngành nhưng mở nhiều văn phòng đại diện, có nhiều phóng viên thường trú, tập trung khai thác những vấn đề tiêu cực, bất cập của địa phương. Văn phòng đại diện không đáp ứng đủ các điều kiện hoạt động vẫn được cơ quan báo chí thành lập”, ông Lâm cho biết.

“Phân lô, bán nền” các chuyên trang, chuyên mục

Bên cạnh hiện tượng “báo hóa” tạp chí, thì những biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí cũng đang rất đáng báo động. Một số tạp chí thực hiện “rửa nguồn” cho trang thông tin điện tử tổng hợp, đăng nhiều tin, bài thời sự, xã hội, giải trí, giật gân, câu khách.

Dưới hình thức “liên kết trong sản xuất nội dung”, nhiều tạp chí xuất bản tin, bài và được các trang thông tin điện tử tổng hợp dẫn lại nguồn. Thực chất lực lượng viết tin là lực lượng bên ngoài, sau đó thông qua cơ quan báo chí xuất bản để “rửa nguồn” cho các trang tin. Trên thực tế, cơ quan báo chí không thể có đủ nhân lực để làm được số lượng tin bài lớn như vậy - dẫn đến câu chuyện trang thông tin điện tử chi phối cơ quan báo chí mà họ thực hiện liên kết.

Bên cạnh “rửa nguồn” thì cũng phổ biến tình trạng các tạp chí “phân lô, bán nền”. Việc nhiều báo, tạp chí “khoán” từ nội dung đến doanh thu, quảng cáo của các chuyên trang, chuyên mục cho phóng viên thường trú, văn phòng đại diện, đối tác liên kết đã dẫn đến tình trạng phóng viên lợi dụng tác nghiệp báo chí để sách nhiễu cơ quan, doanh nghiệp.

Ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) - Bộ TT&TT cho biết, có hiện tượng: cơ quan báo chí buông lỏng quản lý, thực hiện liên kết nhưng “phó mặc” cho đối tác liên kết tự sản xuất nội dung, tự đăng tin bài, cơ quan báo chí không biên tập, kiểm duyệt.

Quy định hiện nay cho phép cơ quan báo chí được liên kết để sản xuất nội dung, nhưng theo đánh giá của Cục Báo chí, hoạt động này đang bị biến tướng, có tình trạng cơ quan báo chí ủy quyền xuất bản tin bài cho đối tác mà không qua kiểm soát của cấp cao nhất của cơ quan báo chí. Có trường hợp, máy chủ của trang chính và máy chủ của chuyên trang đặt ở những nơi khác nhau, không đúng quy định trong giấy phép. 

“Báo hóa” gây hiểu nhầm, nghi ngờ vai trò của báo chí cách mạng

Nhận định về tính chất đáng báo động của vấn đề, bà Đinh Thị Thu Hằng, Trưởng khoa Phát thanh truyền hình - Học viện Báo chí và tuyên truyền, cho rằng vấn nạn “báo hóa” trang tin điện tử, “báo hóa” tạp chí và “báo hóa” mạng xã hội rất nguy hiểm, có thể gây hiểu nhầm cho công chúng. Các trang tin, trang mạng đưa những thông tin giật gân - khiến công chúng hiểu nhầm đó là báo chí và nghi ngờ vai trò của báo chí cách mạng Việt Nam, làm giảm vai trò vị thế của báo chí trong xã hội, khiến công chúng xa rời báo chí.

Theo đánh giá của TS. Lê Hải (Tạp chí Cộng Sản), một nguyên nhân dẫn đến tình trạng “báo hóa” là do nhận thức chưa tới của lãnh đạo các cơ quan báo chí, phóng viên, biên tập viên tạp chí, họ chưa định hình được thế nào là tạp chí điện tử, vì vậy trong chỉ đạo tác nghiệp có sự chệch hướng đường ray. Tạp chí nhưng tin bài lại quá nhiều và chạy theo tính thời sự. Trong khi đó, chức năng chính của tạp chí là độ sâu của thông tin, nội dung mang tính chuyên sâu, lưu trữ, chứ không phải là làm thay chức năng của báo. Nguyên nhân thứ hai chính là các đơn vị “cố tình sai phạm, có biểu hiện trục lợi”.

Mặc dù có nhiều bất cập như vậy, song các cơ quan quản lý ở địa phương lại gặp khó khăn trong việc xử lý. Ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP. HCM cho biết, câu chuyện báo hóa, tư nhân hóa báo chí là vấn đề bức xúc tồn tại kéo dài, nhưng chưa biết xử lý từ đâu. 

Theo ông Từ Lương, TP. HCM có khoảng 985 trang thông tin điện tử, trong đó 639 trang đang hoạt động, nhưng thực tế rà soát cho thấy có tới 1389 trang đang hoạt động không phép, 231 trang có lượt tương tác và người xem trên 2000 người/ngày. Việc xử lý sai phạm của địa phương còn có nhiều hạn chế. Trong năm 2021, TP. HCM chỉ xử lý 60 trường hợp, chủ yếu là gọi nhắc nhở, hướng dẫn, số tiền phạt vi phạm chỉ hơn 60 triệu đồng.

Tại Hà Nội, Phó giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Thị Mai Hương cho biết đến nay, Hà Nội có 414 giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử, tuy nhiên khi rà soát, Sở phát hiện có hơn 500 trang đang hoạt động, số trang tin nhiều và tập trung ở một số doanh nghiệp lớn. Các trang tạo ra nhiều trang tin, giống như một hệ sinh thái nội dung. Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội lấy ví dụ, việc ông Trịnh Văn Quyết bị bắt, trong chỉ 5 ngày, có 177 bài viết liên quan đến cá nhân ông Quyết. Lượng thông tin lớn có thể sẽ gây ảnh hưởng đến cả thị trường chứng khoán, gây phức tạp an ninh tiền tệ và nhiều vấn đề khác...

Lãnh đạo Sở TT&TT Hà Nội đề xuất, để tránh tư nhân hóa báo chí, đặc biệt là hiện tượng liên kết, bán trang, cần xem xét các lĩnh vực được phép liên kết là gì, đặc biệt tránh sự mơ hồ trong từ ngữ, tạo kẽ hở cho các trang “lách luật”. Theo đó, Sở đề nghị lĩnh vực liên kết chỉ giới hạn ở các nội dung giải trí, thể thao thuần túy. Ngoài ra, Sở TT&TT Hà Nội cũng đề xuất nghiên cứu phân cấp mạnh mẽ hơn công tác quản lý báo chí cho địa phương, vì hiện nay thẩm quyền xử phạt và luật chưa đồng bộ, và có những vướng mắc.

Để quản lý tốt hoạt động của báo chí, ngăn chặn tình trạng “tư nhân hóa” báo chí, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Báo chí (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, theo kịp với thực tiễn đang đặt ra. Mặt khác, cần nghiên cứu thành lập Hội đồng chuyên môn (thuộc Bộ TT&TT) để xử lý các vấn đề này thông qua các bộ tiêu chí và được truyền thông rộng rãi ra toàn xã hội. 

Chấn chỉnh hiện tượng “báo hóa” tạp chí, “tư nhân hóa” báo chí

Theo thông tin được ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí cung cấp, sau quy hoạch báo chí giai đoạn 1, hiện chúng ta có 816 cơ quan báo in và báo điện tử. Trong đó, phân chia thành 138 báo, 125 báo đã có loại hình điện tử. Ngoài ra, có 369 tạp chí chuyên ngành, 309 tạp chí khoa học, chủ yếu của các trường đại học, bệnh viện, cơ quan nghiên cứu, 191/678 tạp chí đã có loại hình điện tử.

Nhận thấy một bộ phận cơ quan báo chí có xu hướng tồn tại dai dẳng những vi phạm, gây bức xúc cho xã hội và làm ảnh hưởng uy tín các cơ quan báo chí hoạt động nghiêm túc, mới đây Bộ TT&TT đã ban hành công văn số 844/BTTTT- CBC về việc tăng cường rà soát, chấn chỉnh, xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí gửi các cơ quan chủ quản báo chí, các cơ quan báo chí.

Năm 2022, Bộ TT&TT bước đầu xác định hơn 30 tạp chí có dấu hiệu “báo hóa” và một số cơ quan báo chí có biểu hiện “tư nhân hóa”, chủ yếu là các tạp chí của các Hội xã hội, xã hội nghề nghiệp và một số “Viện nghiên cứu”. Bộ TT&TT cũng đã ban hành kế hoạch xử lý tình trạng “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội và “tư nhân hóa” báo chí.

Cơ quan quản lý nhà nước sẽ sử dụng công nghệ đo quét qua hệ thống lưu chiểu điện tử để đánh giá và xử lý, đồng thời tăng cường công tác thanh kiểm tra xử lý vi phạm, tạm dừng cấp phép mới hoạt động báo chí. Rà soát cấp lại giấy phép, quy định chặt chẽ hơn về tôn chỉ mục đích tạp chí, trong đó không cấp lại giấy phép đối với cơ quan báo chí có nhiều sai phạm, không có chuyển biến sau khi đã được kiểm tra, xử lý, chấn chỉnh.

Hội Nhà báo các cấp cần tăng cường thực hiện việc theo dõi, giám sát kiểm tra và kết luận và xử lý đối với người làm báo vi phạm; Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam; Có quy định cụ thể hơn nữa về các hành vi, dấu hiệu vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo, của cơ quan báo chí.

Cân nhắc bài toán kinh tế báo chí và bối cảnh ứng dụng công nghệ

Đáng chú ý, bài toán kinh tế của các tạp chí đã được các chuyên gia đặt ra khi thảo luận về các biện pháp nhằm ngăn chặn hiện tượng “báo hóa”, “tư nhân hóa” báo chí. Theo TS. Lê Hải (Tạp chí Cộng Sản), hiện nay, cơ chế tài chính hoạt động của các tạp chí còn khó khăn, do đó cần tăng cường cơ chế đặt hàng của nhà nước đối với các tạp chí để các tạp chí làm nhiệm vụ chính trị và học thuật thay vì cơ chế tự chủ tài chính hoàn toàn.

Thực tế, kinh tế báo chí cũng là một nguyên nhân khiến các tạp chí phải tìm cách “lách luật” để tồn tại. Nguồn thu là một vấn đề quan trọng đối với các tòa soạn báo, đặc biệt trong bối cảnh ứng dụng công nghệ, mạng xã hội phát triển mạnh mẽ và doanh thu quảng cáo đang “chảy” vào túi của các nền tảng xuyên biên giới như Facebook. Điều đó đã đặt các trang báo, đặc biệt là các tạp chí, vào tình thế khó khăn. PGS. TS. Đỗ Thị Thu Hằng đề xuất, khi sửa đổi quy định cần cân nhắc đến các vấn đề liên quan đến kinh tế báo chí truyền thông. Các tạp chí truyền thông, khoa học, chuyên ngành nếu phát huy đúng vai trò sẽ tạo ra nguồn dữ liệu quốc gia, là trí tuệ của quốc gia.

Theo ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT, Luật Báo chí cho phép các trang thông tin điện tử tổng hợp được liên kết sản xuất nội dung với báo/tạp chí điện tử nhưng chưa có các hướng dẫn cụ thể. Trên thực tế một số doanh nghiệp đã nhanh nhạy triển khai hình thức này và có khả năng gây “báo hóa”, thậm chí là “tư nhân hóa” báo chí. 

Một số liên kết thực chất có tính tích cực, tốt đẹp, nhưng vì quy định chưa rõ, chưa cụ thể, nên trong nghị định sửa đổi Nghị định 72/2013/NĐ-CP sẽ cho phép các trang thông tin điện tử tổng hợp được liên kết sản xuất nội dung với báo/tạp chí điện tử nhưng có các quy định về liên kết cụ thể để chống báo hóa, ví dụ chỉ được sản xuất một số lĩnh vực, không có lĩnh vực nhạy cảm như chính trị, xã hội, mà chỉ tập trung vào các mặt văn hóa, giải trí, thể thao.... 

Trong hợp đồng, cơ quan báo chí phải chịu toàn bộ trách nhiệm với những nội dung trên chuyên trang, trang liên kết. Với những quy định rõ ràng, doanh nghiệp sẽ yên tâm hoạt động vì mọi việc hợp pháp, đúng quy định pháp luật, cơ quan quản lý và người dân cũng dễ dàng giám sát, theo dõi.

Nhận diện “báo hoá” tạp chí, “tư nhân hoá” báo chí và giải pháp chấn chỉnh  - Ảnh 1.

Để tạo điều kiện cho báo chí phát triển mạnh mẽ trong năm 2022 và các năm tiếp theo, Bộ TT&TT đã đề ra những giải pháp cơ bản, trong đó có việc sửa đổi Luật Báo chí với nội hàm bao quát rộng hơn, phù hợp với bối cảnh phát triển khoa học công nghệ và truyền thông hiện nay.

Định hướng về phát triển báo chí trong những năm tiếp theo, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Quản lý nhà nước về báo chí cách mạng là làm cho báo chí cách mạng phát triển, đáp ứng yêu cầu mới của đất nước; đảm bảo môi trường lành mạnh, tạo ra cơ chế, chính sách giúp đỡ, hỗ trợ phát triển, để báo chí, truyền thông theo kịp sự phát triển, cho những người làm báo chí cách mạng có thể sống được, làm nghề và phụng sự. Các cơ quan báo chí phải được đầu tư về cơ sở vật chất, về công nghệ để không tụt hậu so với các cơ quan truyền thông trên thị trường./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Đấu giá thành công 2 khối băng tần, thu về cho ngân sách hơn 10.000 tỷ đồng
    Theo Bộ TT&TT, việc tổ chức đấu giá thành công quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với khối băng tần B1 (2500 - 2600 MHz) và khối băng tần C2 (3700 - 3800 MHz) đã thu về cho ngân sách nhà nước hơn 10.000 tỷ đồng.
  • Amazon rót thêm 2,75 tỷ USD vào startup AI Anthropic
    Ngày 27/3, Amazon cho biết đang rót thêm 2,75 tỷ USD vào Anthropic, nâng tổng vốn đầu tư vào công ty khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo (AI) này lên 4 tỷ USD.
  • Cơ hội của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tại thị trường quốc tế
    Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đẩy mạnh đầu tư, mở rộng thị trường, khai thác cơ hội kinh doanh sản phẩm, giải pháp ra nước ngoài, sáng 26/3/2024 tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị lần hai về hợp tác số toàn cầu với chủ đề “Cơ hội của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tại thị trường quốc tế”.
  • “Kỹ năng quan trọng của thế kỷ 21” từ góc nhìn của năng lực hiểu biết về truyền thông
    Mạng xã hội đã và đang chứa đầy thông tin sai lệch. Để tồn tại và phát triển tích cực trong một thế giới đầy ắp thông tin và luôn luôn biến động không ngừng, đòi hỏi mỗi cá nhân phải có những hiểu biết cơ bản về các kỹ năng thẩm định, phân tích thông tin, phân biệt giữa các hình thức truyền thông với những mục đích khác nhau.
  • Phát triển nguồn nhân lực Logistics trong nền kinh tế số
    Logistics là một ngành dịch vụ đáp ứng nhu cầu cung cấp chuỗi cung ứng từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng. Dịch vụ này bao gồm các hoạt động về nhận hàng, đóng gói, vận chuyển, thủ tục giấy tờ hải quan, kho bãi, giao hàng và quản lý thông tin và ngày càng phát triển mạnh trong quá trình chuyển đổi số nền kinh tế.
Đừng bỏ lỡ
Nhận diện “báo hoá” tạp chí, “tư nhân hoá” báo chí và giải pháp chấn chỉnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO