'Nhân lực trong chuyển đổi số nên quay về giá trị thật'

Thanh Thư| 28/07/2021 19:38
Theo dõi ICTVietnam trên

Muốn chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp cần chú trọng vào đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng thật, không dựa trên bằng cấp, theo PGS. TS Nguyễn Đăng Minh.

Muốn chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp cần chú trọng vào đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng thật, không dựa trên bằng cấp, theo PGS. TS Nguyễn Đăng Minh.

PGS. TS Nguyễn Đăng Minh, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Viện Quản trị Tinh gọn GKM (Công ty GKM Việt Nam), nhà khoa học, giảng viên Đại học Kinh tế (ĐHQG Hà Nội) cho rằng chuyển đổi số tại Việt nam có thể coi là một quá trình chuyển đổi toàn diện ở cả ba công nghệ nền tảng: công nghệ kỹ thuật, công nghệ quản trị và công nghệ giáo dục. Mục đích là kiến tạo ra các sản phẩn dịch vụ Made in Vietnam, Made by Vietnam có giá trị, thay thế hàng nhập khẩu từng bước xuất khẩu, đóng góp thiết thực vào phát triển bền vững đất nước. Con người (năng lực thật của con người) đóng vai trò quan trọng trong toàn bộ quá trình chuyển đổi. Ông Minh chia sẻ về vấn đề nhân lực trong bối cảnh Việt Nam đang từng bước chuyển đổi số.

PV: Trong bối cảnh dịch Covid-19, ngành quản trị nhân lực đang thế nào, cần bổ sung điều gì, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Đăng Minh: Một đất nước đang phát triển muốn phát triển bền vững và vượt ra khỏi bẫy thu nhập trung bình, vượt ra khỏi khủng hoảng thì đất nước đó trước hết phải sản xuất được nhiều sản phẩm, cung ứng được dịch vụ mang thương hiệu quốc gia, thay thế được nhập khẩu và xuất khẩu được hàng hóa dịch vụ ra thế giới. Nói cách khác, phần thu bền vững của quốc gia phải cao hơn và phần chi. Muốn có phần thu cao hơn thì phải thay thế các hàng hóa nhập khẩu, phải có những hàng hóa dịch vụ Made in Vietnam, Made by Vietnam có giá trị thật.

Để làm được việc này, điều quan trọng nhất cần đề cập đến đó là nguồn nhân lực. Câu chuyện nhân lực của đất nước không riêng trong đại dịch Covid-19 mà là câu chuyện từ trước đến nay. Trong khu vực sản xuất, nguồn nhân lực cần được xem xét ở tất các các cấp đó là: cấp cao, cấp trung và cấp nhân viên (nằm ở nhà máy, hiện trường sản xuất). Con người ở các cấp cần năng lực công nghệ và năng lực quản trị để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Phải nhìn nhận thẳng thắn và đưa ra giải pháp căn cơ về chất lượng nguồn nhân lực, không đơn giản chỉ ở cấp cao đẳng đại học mà phải xem xét nguồn nhân lực con người từ cấp mẫu giáo đến cấp 1, cấp 2, cấp 3. Các cấp này là nền tảng của giáo dục nghề nghiệp giáo dục đại học.

Người học đại học trở lên thì phải làm việc khu vực sáng tạo, tức là nghiên cứu phát triển sản phẩm, cải tiến phát triển công nghệ. Hiện tại, chúng ta có rất ít có thị trường cho người người học học đại học trở lên. Những người này học ra lại làm những công việc trong khu vực gia công hoặc làm công việc quản trị thông thường tại hiện trường sản xuất.

Như vậy, chúng ta chỉ giải quyết được việc lao động có tiền lương, công ăn việc làm mà chưa làm được nhiều việc như chuyển giao, cải tiến, sáng tạo được sản phẩm, công nghệ Made in Vietnam, Made by Vietnam đẳng cấp. Đây chính là cái bẫy của những nước nghèo đang mắc phải. Muốn khắc phục được thì phải tự làm, tự nhận thức được và quyết tâm thay đổi thật trong đào tạo phát triển con người hướng đích cuối cùng là phải làm ra bằng được sản phẩm và dịch vụ thật.

PV: Lực lượng lao động ở nước ta đang rất dồi dào. Tuy nhiên lại thiếu nguồn nhân lực có chuyên môn sâu, am hiểu các công nghệ khác nhau, thiếu kỹ năng nghiên cứu phát triển, dẫn đến tình trạng vừa thừa vừa thiếu. Những người thiếu chuyên môn sẽ dễ bị mất việc. Xin ông đưa ra đánh giá và gợi mở giải pháp?

PGS.TS Nguyễn Đăng Minh: Để làm được việc có năng suất và chất lượng, con người cần sở hữu công kỹ thuật và công nghệ quản trị. Con người phải phải có tích tụ được cả hai công nghệ này trong quá trình học tập rèn luyện. Từ trước đến nay tại Việt Nam, người có năng lực kỹ thuật và nghề, thì lại thiếu quản trị, người học về quản trị lại yếu năng lực nghề. Đây cũng là một trong các nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng vừa thừa vừa thiếu.

Nguồn nhân lực chất lượng cao, người giỏi có nghĩa là phải làm ra (tham gia vào việc làm ra) sản phẩm, tạo ra giá trị để bán ra thế giới, để thế giới công nhận. Chúng ta phải "thật" theo tiêu chuẩn, vượt chuẩn sản phẩm và dịch vụ của quốc tế thì mới gọi là.

Doanh nghiệp phải được hỗ trợ để tái đào tạo nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Con nguời có thể học hỏi mọi nơi mọi lúc để nâng cao năng lực, không phải cứ đến trường mới là đi học.

Năng suất lao động chịu tác động của công nghệ quản trị rất nhiều, tai sao vậy, có công nghệ quản trị, con người cần có để tự quản trị được bản thân, quản trị công việc ở các cấp độ khác nhau để phát huy năng lực nghề, ví dụ người công nhân phải quản trị được bản thân, quản trị được công việc của mình, người lãnh đạo cấp trung phải quản trị được bản thân, công việc ở trình độ cấp trung và những người cấp dưới; người lãnh đạo cấp cao cũng tương tự từ đó mới tăng được năng suất bền vững.

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Quản trị Tinh Gọn GKM, có tới hơn 300 nhà quản trị trong các doanh nghiệp sản xuất có sản phẩm thật, chúng ta đang rất thiếu nhân lực làm được việc ở khu vực nghiên cứu phát triển sản phẩm (R&D), cải tiến công nghệ, sáng tạo sản phẩm, dich vụ mới có giá trị... Trong khi đó, lại rất thừa nhân lực thụ động "nói gì làm đấy, không bảo không làm", thiếu tính chủ động và tư duy, tâm thế làm thật.

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tôi nghĩ đây là câu chuyện cố gắng chung sức của cả dân tộc. Trước mắt chúng ta phải nhận thức được giáo dục đào tạo con người phải đi từ các khu vực chính: Gia đình, nhà trường, doanh nghiệp, xã hội. Xã hội cũng cần có các hoạt động tuyên truyền, giáo dục qua phim ảnh, sách báo theo hướng kiến tạo nguồn nhân lực có khát vọng đam mê, có tinh thần làm thật.

Viện Quản trị Tinh gọn GKM đã nghiên cứu, phát hiện ra những căn bệnh vốn dĩ tồn tại từ lâu trong tư duy và phương pháp quản trị nguồn nhân lực. Từ đó, chúng tôi nghiên cứu sáng chế ra phác đồ điều trị, kiến tạo hệ gen Giáo dục Made in Vietnam, gen Quản trị Made in Vietnam, gen sáng tạo Công nghệ Made in Vietnam với khát vọng ngày càng nhiều hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam được xuất khẩu ra thế giới, hàng Việt thay thế hàng nhập khẩu trong tiêu dùng nội địa.

Hay nói cách khác, chỉ có sản phẩm và dịch vụ Việt chất lượng đẳng cấp mới phát triển được bền vững đất nước, khắc phục được hậu quả chiến tranh, hậu quả môi trường, cuộc sống con người nhân văn hơn. Từ đó tự hào là người Việt Nam vì sự bền vững của Việt nam.

PV: Nhiều doanh nghiệp không chú trọng vào nâng cao năng lực người lao động. Cũng có nhiều doanh nghiệp đang đầu tư thiếu khoa học dẫn đến lãng phí, không đem lại hiệu quả. Ông có lời khuyên nào cho các doanh nghiệp về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực công nghệ số?

PGS.TS Nguyễn Đăng Minh: Doanh nghiệp muốn cải tiến, xuất khẩu hàng hóa đi nước ngoài thì đầu tiên phải đào tạo được nguồn lao động có tâm thế tốt, có năng lực quản trị và công nghệ. Từ đó, chính con người này sẽ tham gia vào quá trình đổi mới phát triển công nghệ, chuyển đổi chiến lược phát triển, chiến lược kinh doanh, áp dụng công nghệ thông tin trong cả công nghệ kỹ thuật và quản trị để năng suất hơn, chất lượng hơn, nhân văn hơn.

Mô hình chuyển đổi này có thể gọi là chuyển đổi số Made in Vietnam. Theo tôi thì cùng một lúc cần tích hợp chuyển đổi giáo dục đào tạo, công nghệ quản trị, công nghệ kỹ thuật, chuyển đổi ba yêu tố này là điều kiện tiên quyết để chuyển đổi số thành công tại doanh nghiệp tổ chức Việt.

Lại nói về chuyển đổi số, chuyển đổi số là một thuật ngữ xuất hiện trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trước khi bàn về chuyển đổi số, chúng ta phải quay trở gốc gác và phân tích được những cái được cái mất của các cuộc cách mạng công nghiệp đã diễn ra. Như chúng ta đã biết, các cuộc cách mạng công nghiệp trước đều bắt đầu từ thay đổi công nghệ và từ đó, mọi thứ thay đổi theo.

Tuy nhiên, các cuộc cách mạng bắt đầu từ công nghệ đặc biệt là cách mạng công nghiệp lần thứ 2, 3 đã có mặt trái và gây ra hậu quả là tài nguyên ngày càng cạn kiệt theo cấp số nhân và môi trường sống bị phá hủy khá nghiêm trọng. Chúng ta đều nhận thức rõ các hiện tượng biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh diễn ra khắp thế giới trong những năm gần đây đều có bàn tay của con người gây ra.

Theo quan điểm của tôi, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là sau đại dịch Covid-19, khó có thể đi theo nguyên lý của ba cuộc cách mạng công nghiệp trước là ưu tiên phát triển công nghệ kỹ thuật. Chúng ta phải xem xét lại và hiểu lại mục đích của các cuộc cách mạng công nghiệp là làm xã hội tốt đẹp hơn và giải quyết được các vấn đề đang tồn tại, giải quyết bài toán tổng thể của cuộc cách mạng công nghiệp trước chưa đạt được. Không phải là tạo ra thật nhiều công nghệ, máy móc thiết bị, hàng hóa vật chất để tiếp tục tiêu tốn phá hủy tài nguyên môi trường, sinh ra nhiều mặt trái của xã hội, của gia đình, và từng cá nhân, làm ảnh hưởng tới cuộc sống tốt đẹp và ảnh hưởng hệ sinh thái bền vững, làm mất đi tính nhân bản tốt đẹp của con người cần có từ hàng ngàn năm nay.

Trước tiên, chúng ta (doanh nghiệp, tổ chức) phải xác định và giải quyết được các vấn đề quản trị và các vấn đề công nghệ trong thực tiễn. Chúng ta cần phát triển bền vững, chuyển đổi các con số (GDP, năng suất, chất lượng, y tế, giáo dục, môi trường, tỷ lệ khói bụi, ô nhiễm không khí...) theo hướng tích cực hơn (có thể tham khảo 17 chỉ tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc).

Con người không phải máy móc, xã hội phải giữ nguyên giá trị tốt đẹp của con người, phải sống nhân ái với nhau, phải kết nối được với nhau. Con người cần kết nối thật với con người, trước khi điều khiển kết nối người với robot, máy với máy.

Trí tuệ thật của con người cần được kiến tạo phát huy trên diện rộng, từ đó mới phát huy trí tuệ nhân tạo. Lưu ý việc lan tỏa quá nhiều công nghệ làm con người ỉ lại vào công nghệ, máy móc, mất đi khả năng suy nghĩ sâu sắc, tình yêu thiên nhiên, làm giảm khả năng thích nghi, sáng tạo thực thụ, những hạn chế này cần được xem xét kỹ.

Chúng ta cần quay trở về giá trị đích thực và tìm xem chúng ta muốn gì, đang bị mắc kẹt bởi những gì cuộc cách mạng công nghiệp trước để lại, để sửa chữa điểm tiêu cực và phát huy điểm tích cực, tránh và không đi vào vết xe đổ trong các điểm tiêu cực của các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây.

Doanh nghiệp phải tìm kiếm những giải pháp chuyển đổi, những phương pháp tốt hơn nữa để hàn gắn, sửa chữa, sáng tạo sản phẩm dịch vụ thật phục vụ cuộc sống tốt đẹp, bao gồm cả giá trị tinh thần và vật chất. Đây mới là đích đến đích thực của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư của loài người, đích đến của chuyển đổi số

'Nhân lực trong chuyển đổi số nên quay về giá trị thật' - Ảnh 1.

Theo ông Minh, muốn phát triển nguồn nhân lực thì cần phải có những chính sách dài hơi. Ảnh: NVCC

PV: Bộ TT&TT đang đưa ra đề xuất đến năm 2025, Việt Nam sẽ có 1.000 chuyên gia chuyển đổi số. Để hoàn thành khối lượng đó, yếu tố nhân lực mang tính quyết định chính. Vậy, theo ông, chúng ta cần tập trung vào phát triển những gì?

PGS.TS Nguyễn Đăng Minh: Công nghệ kỹ thuật chỉ là một phần, các công cụ của công nghệ thông tin cũng chỉ là công cụ. Chúng ta nên tập trung vào các giải pháp căn cơ về giáo dục, công nghệ quản trị, công nghệ kỹ thuật, các giải pháp này cùng tích hợp với nhau, và phải đặt các thứ này trên nền tảng, cốt cách tinh thần, tinh hoa của Việt Nam. Đây chính là nền tảng của học thuyết và công nghệ chuyển đổi số Made in Vietnam. Nguồn nhân lực chuyển đổi số bền vững cũng phải triển trên nền tảng này. Nếu nguồn nhân lực chỉ hiểu biết về công nghệ thông tin, một vài kiến thức chuyển đổi số đi theo quán tính của cuộc cách mạng công nghiệp trước thì nguồn nhân lực này dù có đông về số lượng cũng không giải quyết được bài toán thật của đất nước.

Tôi nghĩ rằng, trước mắt cần thay đổi được nhận thức sâu sắc về đích đến của chuyển đổi số như đã trình bày ở phần trên, sau đó đưa ra được mô hình chuyển đổi số Made in Vietnam và xây dựng chương trình kiến tạo năng lực nền tảng của nguồn nhân lực chuyển đổi số này. Chúng ta hoàn toàn có thể nhân bản 1.000 hay 2.000, 3.000 và nhiều hơn nữa. Tất cả chỉ có thể nhân bản khi quay về giá trị thực và bắt đầu đi lên từ từ giá trị thực.

PV: Để chuẩn bị nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ công nghệ số, Bộ GD&ĐT cho biết sẽ phát triển cho học sinh từ bậc tiểu học. Ông đánh giá điều này như thế nào?

PGS.TS Nguyễn Đăng Minh: Cuộc cách mạng 4.0 cần nhìn lại cuộc cách mạng về giáo dục, quản trị, công nghệ, bản chất là cuộc cách mạng là cách mạng nâng cao năng lực của con người để giải quyết bài toán phát triển bền vững. Chúng ta phải bắt đầu từ giáo dục rồi mới lựa chọn xem công nghệ nào sửa chữa được hậu quả và phát huy thành tựu của các cuộc cách mạng công nghiệp trước để lại. Đại dịch Covid-19, thiên tai đã và đang diễn ra, thiên nhiên đã cảnh tỉnh nhân loại về các tác động không tốt của con người vào môi trường, một số công nghệ mà con người tạo ra đã phần nào làm mất đi tính bền vững của hệ sinh thái, đây là vấn đề sinh ra trong các cuộc cách mạng công nghiệp vừa qua.

Trong giáo dục, một số nước G7 đã nhận ra rằng, chúng ta cần thầy cô giáo dạy học sinh, nhiều lớp học quay trở lai dùng phấn để viết bảng thay cho sử dụng thiết bị trình chiếu.

Tôi sang một số nước G7 chuyển giao công nghệ Giáo dục Made in Vietnam vào các trường đại học, họ yêu cầu tôi dùng phấn và viết vào bảng để đào tạo. Bởi vì thầy với trò, con người dạy trực tiếp con người là tình cảm nhất, sâu sắc nhất, nhân văn nhất.

Dùng máy móc để giảng dạy, hay các tiết học online quay sẵn chỉ để thay thế phần nào, hoặc dùng trong đào tạo nhắc lại hoặc để kết hợp hỗ trợ thầy cô đào tạo, không thể thay thế lớp học có thầy và trò thành lớp học 100% máy và người được.

Theo tôi, chuyển đổi số giáo dục tại Việt nam là phải chuyển đổi khoa học giáo dục, chuyển đổi nội dung giáo dục, chuyển đổi phương thức quản trị các tổ chức giáo dục để kiến tạo được không gian giáo dục. Tại đây, thầy và trò cùng kiến tạo được giá trị đích thực mà xã hội và nhân loại luôn hướng tới, kiến tạo được nguồn nhân lực có chất lượng thật, tham gia giải quyết được thật các vấn đề của đất nước, kiến tạo được sản phẩm và dịch vụ thật, góp phần phát triển bền vững đất nước.

Nếu chuyển đổi số chỉ tập trung quá nhiều vào công nghê, dùng quá nhiều giải pháp kỹ thuật công nghệ, sẽ làm cho con người mất kết nối với nhau thì cũng chưa phải là chuyển đổi số đích thực trong giáo dục mà đất nước cần hướng tới..

PV: Để có được nguồn nhân lực chất lượng cao như vậy, cần rất nhiều trang thiết bị hiện đại, ứng dụng đồng bộ công nghệ mới trong quản lý, đào tạo người lao động... Chính phủ và các ban ngành nên tạo điều kiện như thế nào để thúc đẩy quá trình trên diễn ra mượt mà hơn?

PGS.TS Nguyễn Đăng Minh: Chúng ta đang học quá nhiều lý luận và thực hành thật rất ít. Mục đích cuối cùng của việc học là làm được (tham gia vào làm được) sản phẩm gì, dịch vụ có giá trị thật gì, như vậy thời gian thực hành thật của các cấp giáo dục đào tạo cũng cần tăng lên nhiều so với hiện nay.

Vậy nên, cần có cần đào tạo thói quen thực hành, làm ra sản phẩm và dịch vụ thật, đây chính là điểm cần thiết trong công nghệ giáo dục tại Việt Nam cần đạt được. Bên cạnh đó, phải thống nhất được nhận thức và phát triển được các chính sách để hỗ trợ gia đình, xã hội, doanh nghiệp, các tổ chức giáo dục thực hiện theo triết lý giáo dục đào tạo nêu trên.

Chính phủ cần phát huy những doanh nghiệp làm được sản phẩm Made in Vietnam, Made by Vietnam đích thực có giá trị. Phải phân biệt rõ doanh nghiệp kiến tạo giá trị và doanh nghiệp chỉ mưu cầu lợi nhuận mà bỏ qua sự phát triển bền vững của xã hôi. Cần có chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp làm thật, có tinh thần vì phát triển một Việt Nam thịnh vượng hùng cường và phát triển bền vững.

Các cấp lãnh đạo phải có chính sách dài hơi, liên tục trong phát triển nguồn nhân lực, không khuyến khích các chính sách không bền vững. Chính sách giáo dục cần được xây dựng và kế thừa liên tục, không theo tư duy ngắn hạn. Chính sách dài hơi phải được xây dựng từ thực tiễn và kiểm chứng qua kết quả của thực tiễn.

PV: Ông đánh giá nguồn và chất lượng nhân lực Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ thế giới?

PGS.TS Nguyễn Đăng Minh: Hiện tại, chúng ta mất nhiều chi phí và tiêu tốn nhiều công sức cho việc đầu tư công nghệ kỹ thuật, máy móc, thiết bị và thu được rất ít lợi nhuận, hoặc từ gia công sản phẩm với nhân công giá rẻ, xuất khẩu tài nguyên, khoáng sản thô. Để biết được chúng ta đang ở đâu thì phải so sánh tiềm năng, chỉ số năng suất với thế giới, với các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc...Đã đến lúc năng lực thật của con người không phải đánh giá qua bằng cấp mà phải đánh giá qua mức độ kiến tạo (tham gia kiến tạo) ra sản phẩm, giá trị, hàng hóa thật. Chúng ta nhìn xem hàng hóa, dịch vụ Việt Nam đang đứng ở đâu trên bản đồ thế giới? Người Việt Nam đã tham gia giải quyết, đóng góp bao nhiêu lý luận, phương pháp vào dòng chảy học thuật của nhân loại? Những giá trị này đang ở đâu thì nguồn nhân lực đang ở đó. Tôi nghĩ là chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật và cần phải cố gắng rất nhiều nữa. Thế giới đang nói chúng ta ở mức trung bình thấp thì nhân lực cũng tương tự, nói một cách tương đối.

Cuối cùng tôi muốn nói chúng ta cần học thật, làm thật, năng lực thật, sản phẩm thật, cái gì cũng thật (Thật of Things), tôi mong muốn cả nước chúng ta cần chung tay phát động chương trình hành động quốc gia kiến tạo sản phẩm và dịch vụ Made in Vietnam, Made by Vietnam thật có giá trị, đẳng cấp, khẳng định bản lĩnh trí tuệ của con người Việt Nam trên trường quốc tế, vì một Việt nam thịnh vượng, hùng cường.

"Giải pháp cho nguồn nhân lực vừa thừa, vừa thiếu trong ngành sản xuất" phát sóng trên Báo VnExpress và công chiếu trên fanpage VnExpress lúc 14h thứ Ba, ngày 3/8 cũng là chủ đề thứ hai trong chuỗi toạ đàm Kinh tế tư nhân Việt Nam 2021 (ViEF) do báo điện tử VnExperss, Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV),phối hợp tổ chức.

Với chủ đề "Đột phá vì một Việt Nam hùng cường", Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 là sự kiện gặp gỡ, đối thoại công tư quy mô quốc gia với những giải pháp đột phá cho những ngành trọng điểm, tạo lực đẩy cho sự hồi phục tăng trưởng trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam và thế giới vẫn đối mặt nhiều thách thức sau dịch bệnh. Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ và có sự tham gia của đông đảo cộng đồng doanh nghiệp, Diễn đàn là lời hiệu triệu, tập hợp của cả hai khu vực công – tư để để phát triển nền kinh tế có sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đầu tư vượt khó do dịch bệnh, tạo sức bật cho giai đoạn mới.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
'Nhân lực trong chuyển đổi số nên quay về giá trị thật'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO