Nhập cuộc cho nền tảng tri thức

Nguyễn Văn Học| 19/04/2021 10:43
Theo dõi ICTVietnam trên

Đọc sách, xét đến cùng là một công việc mỗi người đọc bồi bổ kiến thức, trải nghiệm với con chữ, thu lượm thông tin, giải trí. Nhiều nhà văn hóa đã chỉ ra, đọc và hình thành văn hóa đọc chính là phương cách quan trọng trong quá trình học tập suốt đời. Như thế, phải chăng mỗi cá nhân nên dự phần và có trách nhiệm chung tay xây dựng văn hóa đọc?

Bia hơi và sách

Khi được hỏi về vấn đề đọc sách, trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Kim Thoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Văn hóa - Giáo dục Tân Việt (Nhà sách Tân Việt), đưa ra con số báo động: Bình quân mỗi năm một người Việt Nam chỉ đọc gần hai cuốn sách. Đó là một con số chúng ta phải suy nghĩ. Người viết đã phỏng vấn không ít người ở khu dân cư tôi sống, họ nói rằng sau khi tốt nghiệp, đến nay khoảng 10 năm chưa đọc cuốn sách nào. Và rất nhiều người khác cũng không đọc sách trong nhiều năm. Vậy người dân ta đang giải trí bằng gì? Có phải chỉ là tìm kiếm, đọc lướt thông tin trên điện thoại thông minh? Có phải ngồi xem các kênh truyền hình hay đổ xô đến rạp?

Nhập cuộc cho nền tảng tri thức - Ảnh 1.

Nhưng cứ đến quán nhậu mà xem, nó thật đông đúc nhộn nhịp. Quán bia, quán nhậu mọc lên ngày càng nhiều và thu hút nhiều thực khách. Trung bình cứ 4 người vào quán nhậu bình dân thì họ phải trả chi phí khoảng 1 triệu đồng. Trong khi giá mỗi cuốn sách bình thường, từ 50 đến 100 nghìn đồng. Như thế, 4 người bớt một bữa nhậu có thể mua được khá nhiều sách. Ai cũng có thể nhẩm được, tiền mua sách chẳng thấm vào đâu so với tiền dành cho bia rượu. Không quá khi khẳng định nhiều người ở ta mê uống bia, chăm "còm phây" nhưng lười đọc.

Đa số các hội chợ sách được tổ chức ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, có nhiều sách giảm giá đến quá nửa, có những cuốn bán một giá. Chỉ cần 5 nghìn, 10 nghìn là người ta có thể sở hữu những cuốn sách hay. Bỏ 50 nghìn ra cũng có thể ôm về 10 cuốn. Trong khi giá một cốc bia hơi từ 10 đến 15 nghìn đồng như đã nói ở trên. Như vậy, một cốc bia có thể đổi được một cuốn sách hoặc 1,5 cuốn. Hàng chục vạn cốc bia hơi được tiêu thụ mỗi ngày sẽ đổi được hàng chục vạn cuốn sách. Ai bảo dân ta không có tiền mua sách? Một số người dân quá đủ khả năng tài chính để mua sách nhưng không có thói quen đọc sách nên không có nhu cầu mua sách. Một số người không yêu sách như xưa.

Trách nhiệm cá nhân ở đâu?

Trở lại câu chuyện với bà Nguyễn Kim Thoa (Nhà sách Tân Việt), người đang tích cực mang sách đến gần hơn với bạn đọc, phát triển văn hóa đọc. Nhìn vào thực tế, bà mong muốn cộng đồng cùng nhập cuộc, chung tay xây dựng văn hóa đọc để dần dần ngày càng nhiều người yêu và đọc sách hơn. Bằng việc mở hệ thống các nhà sách ở nhiều tỉnh, thành, bà đã và đang nhập cuộc rất mạnh mẽ.

Nhập cuộc cho nền tảng tri thức - Ảnh 1.

Nhập cuộc để nâng cao văn hóa đọc

Mới đây, doanh nghiệp của bà Thoa khai trương tổ hợp nhà sách cà-phê và khu vui chơi giáo dục tại Vincom Bắc Từ Liêm (Hà Nội), thu hút nhiều độc giả, được đánh giá cao. Bà Thoa tâm sự: "Đây là mô hình đầu tiên tại Việt Nam do chính Nhà sách Tân Việt khởi xướng thực hiện. Với mong muốn mang lại cho bạn đọc Hà Nội không gian sách hiện đại và giàu tính thẩm mỹ, sau nhiều năm học hỏi thực tế trong và ngoài nước, Nhà sách Tân Việt đã khai trương tổ hợp cửa hàng nhà sách cà-phê và khu vui chơi giáo dục tại Vincom Bắc Từ Liêm. So với các nhà sách trước, ý tưởng thiết kế của chúng tôi lần này có nhiều đổi mới, theo phong cách châu Âu hiện đại và sang trọng, là không gian của trí tuệ. Mỗi chủ đề thiết kế tại đây đều mang những giá trị và ý nghĩa riêng, nhằm tôn vinh giá trị của sách như con mắt, tầng địa chất, cây cầu hay trái đất…"

Thực tế đã chứng minh, nhiều chính trị gia nổi tiếng, doanh nhân, diễn giả trên thế giới đã thành công tuyệt vời từ việc chăm chỉ đọc sách và tìm thấy chiếc chìa khóa mở cánh cửa vào đời. Có khi chỉ một câu chuyện của một nhân vật nào đó, tạo cho một người đang chán nản, mất hy vọng cảm hứng muốn đứng lên thay đổi bản thân, muốn làm cuộc sống tốt hơn. Nhà văn Nguyễn Bích Lan quê ở Thái Bình, viết cuốn tự truyện "Không gục ngã", kể về kỳ tích tự học của cô gái mang trên mình chục căn bệnh nan y, ở vào thời cách đây 30 năm về trước, khi phương tiện học tập vô cùng thiếu thốn. Bích Lan chỉ học hết lớp 8, bị bệnh xương thủy tinh, tưởng cánh cửa học tập đã đóng lại. Nhưng Bích Lan tàn nhưng không phế, chị tự học, tự đọc, trở thành cô giáo dạy Anh văn ở làng, ở huyện, rồi trở thành dịch giả, nhà văn.

Bích Lan nói rằng, chị cảm ơn những cuốn sách, sách là thầy của chị mà không có sách chị không thể chiến thắng hoàn cảnh. Và thật khó có thể tưởng tượng được khả năng tự học đã dẫn chị tới kết quả chị đã dịch được 35 đầu sách từ tiếng Anh, trong đó rất nhiều cuốn nổi đình đám.

Tôi đã hỏi nhiều chuyên gia, nhà làm sách, rằng để xây dựng văn hóa đọc thì việc tạo cho trẻ em thói quen đọc sách từ nhỏ cũng là một trong những phương pháp tốt? Câu trả lời mà tôi nhận được, đa số thống nhất: Phía phụ huynh, nếu có ý thức gieo cho con cái thói quen đọc sách thì chúng sẽ quan tâm, nếu không thì các con cũng chỉ quan tâm đến sách giáo khoa thôi. Việc định hướng, dẫn dắt từ bé vô cùng quan trọng. Thói quen đọc sách có thể dẫn dắt được, đồng thời có thể tạo dựng được văn hóa đọc nếu có quyết tâm. Mỗi bậc phụ huynh, vì con em và vì xã hội hãy đồng hành, chung tay xây dựng văn hóa đọc, trước hết từ những việc làm nhỏ ấy.

Là một người năng nổ trong khởi nghiệm, đưa sách đến tay bạn đọc, nhà thơ Đặng Thiên Sơn, Chủ nhiệm Thiensonbooks, bày tỏ: "Nghĩ đến tương lai con trẻ thì mỗi người lớn cần thể hiện trách nhiệm của mình trong xây dựng xã hội học tập, xã hội yêu sách. Trách nhiệm xã hội của mỗi cá nhân trong phát triển văn hóa đọc là vô cùng quan trọng. Bởi mỗi cá nhân có rèn luyện, có yêu thích sự đọc thì mới tạo nên một cộng đồng nhiều người đọc sách. Ngoài ra từng cá nhân phải có tinh thần giúp đỡ, lan tỏa đến người khác những điều mình đọc được, những điều mình thấy hay, như xây dựng tủ sách cho gia đình, tặng sách cho bạn bè, người thân, các thư viện cộng đồng… Trong bối cảnh hiện nay, khi văn hóa đọc đang dần bị lãng quên ở nhiều người, nhiều nhà thì trách nhiệm xã hội của mỗi cá nhân với văn hóa đọc lại càng lớn. Việc đọc không chỉ khích lệ những người xung quanh mà còn rèn luyện và nâng cao kiến thức cho chính mình".

Coi sách là sản phẩm sáng tạo bằng trí tuệ và tâm hồn con người, là kho tàng tri thức của nhân loại, cô giáo Nguyễn Thị Đương, giáo viên trường THCS Yên Phụ, huyện Yên Phong (Bắc Ninh) rất chăm đọc sách, chăm chỉ hướng dẫn con và học sinh đọc, tham gia các cuộc thi bình sách, viết cảm nhận về cuốn sách yêu thích. Cô Đương tâm sự: "Tuy nhiên, xã hội ngày càng phát triển kéo theo sự bùng nổ của công nghệ thông tin. Thế giới âm thanh và hình ảnh tràn ngập qua các phương tiện nghe nhìn đã rút đi hứng thú và thời gian đọc của không ít độc giả- đặc biệt lứa tuổi nhỏ và giới trẻ. Là một người ham đọc sách và thu nạp được rất nhiều điều từ sách, tôi luôn đau đáu về việc phát triển văn hóa đọc. Tôi cũng thường biến đọc sách thành những nhiệm vụ thú vị hay phần thưởng là những cuốn sách hấp dẫn đối với con tôi và các học trò. Mỗi cá nhân có ý thức với việc đọc chắc chắn tạo nên những cộng đồng ham đọc, phát triển tri thức".

Hiện nay, trong các văn bản pháp quy vẫn chủ yếu khuyến đọc. Việc đọc chưa trở thành các hoạt động bắt buộc cho đại đa số trường học, cơ quan, đơn vị. Có chuyên gia cho rằng, nếu việc đọc sách dần trở thành quy định bắt buộc ở một số lĩnh vực cụ thể, chứ không còn dừng ở chuyện khuyến khích, cũng sẽ kích thích thêm sự đọc.

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng, Phó ban Nhà văn trẻ (Hội Nhà văn Việt Nam), chia sẻ: "Tôi nghĩ trách nhiệm công dân trong việc xây dựng, phát triển văn hoá đọc là vấn đề rất nghiêm túc, ý nghĩa. Và thúc đẩy được trách nhiệm đó thì tác dụng xây dựng xã hội, con người bằng sách sẽ rất đáng kể. Tuy nhiên, cốt lõi của vấn đề trách nhiệm này, chính là yếu tố cuốn hút của văn hoá đọc, việc đọc đối với mỗi người. Có hứng thú đọc, người ta mới có trách nhiệm với việc đọc của mình và của người khác. Vậy nên làm gì để hứng thú? Sách hay, hình thức tiếp cận với sách phong phú, thường xuyên, liên tục, tiện lợi, gần gũi nên là mục tiêu để các NXB, công ty sách, nhà tổ chức sự kiện sách hướng tới. Thí dụ, đã có hội sách, phố sách, thì nên biến nó thành liên tục; nên đưa sách đến nhiều cơ sở bằng các mô hình tủ sách dòng họ, thôn, khu phố, khu tập thể, cơ quan, trường học, đơn vị ... Nên phát huy nhiều hoạt động có tính chất gắn người dân, học sinh với việc đọc, chia sẻ sách như các cuộc thi tuyên truyền sách, thi viết về sách, diễn kịch, tiểu phẩm theo sách. Vấn đề điều chỉnh giá sách cho phù hợp điều kiện các đối tượng bạn đọc để thêm nhiều cơ hội tiếp cận sách hơn cũng đáng quan tâm".

Có một điều đáng mừng, mới đây Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị các tỉnh ban hành các biện pháp hỗ trợ tổ chức, cá nhân thành lập, duy trì hoạt động của thư viện cộng đồng, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng tại địa phương. Điều đó cũng thể hiện những chính sách khuyến đọc, khuyến khích người dân mạnh dạn mở thư viện phục vụ cho mục tiêu phát triển văn hóa ở cơ sở. Điều đó thật sự cần thiết, bởi ít nhiều cũng sẽ động chạm đến việc nêu cao trách nhiệm cá nhân, trong việc cùng toàn thể xã hội nâng cao nhận thức và phát triển văn hóa đọc. Mỗi người nhập cuộc sẽ tạo nên cộng đồng nhập cuộc, xã hội nhập cuộc, vì mục tiêu tôn bồi tri thức.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nhập cuộc cho nền tảng tri thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO