Nhiều khoảng trống cho startup công nghệ y tế phát triển tại Việt Nam

Liên Lê| 29/09/2022 06:08
Theo dõi ICTVietnam trên

Mặc dù gặp nhiều rào cản nhưng theo các chuyên gia, y tế sẽ là ngành có nhiều yếu tố để chuyển đổi số (CĐS) nhanh nhất so với các ngành khác. Đồng thời, đây sẽ là cơ hội phát triển cho các startup công nghệ y tế tại Việt Nam.

Nhiều rào cản đối với CĐS trong lĩnh vực y tế

Về những rào cản cho việc CĐS ngành Y tế/chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam, báo cáo "Toàn cảnh đổi mới sáng tạo (ĐMST) mở Việt Nam 2021" do Nền tảng kết nối ĐMST mở BambuUP thực hiện, cho thấy, về hành lang pháp lý, mặc dù từ năm 2017 đến nay Bộ Y tế đã và đang từng bước xây dựng và hình thành hành lang pháp lý làm cơ sở cho việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong lĩnh vực y tế. Tuy nhiên, vẫn còn những quy định hành chính phức tạp gây cản trở việc áp dụng kỹ thuật số như việc sử dụng chữ ký điện tử trong thanh toán bảo hiểm y tế quốc gia.

Ngoài ra, quy định về bảo vệ dữ liệu là một trong những vấn đề chính cần lưu tâm cho những đơn vị đã ứng dụng y tế số. Hiện nay, Việt Nam chưa có một bộ luật thống nhất về dữ liệu, tạo ra nhiều khó khăn cho các đơn vị y tế khi hoạt động. "Hợp nhất hoá và minh bạch hóa các điều luật liên quan đến dữ liệu là rất cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của thị trường", báo cáo của BambuUP khẳng định.

Về cơ sở hạ tầng, theo báo cáo của BambuUP, thời gian qua, Bộ Y tế đang từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho việc lưu trữ, quản lý, khai thác dữ liệu tập trung, bảo đảm cho hệ thống dịch vụ công trực tuyến, thống kê y tế điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử,... Cụ thể, 100% thủ tục hành chính của Bộ Y tế đã được cung cấp trực tuyến mức độ 4. Bộ Y tế cũng đã công khai Ngân hàng dữ liệu ngành Dược, thúc đẩy số hóa ngành dược để phục vụ quản lý được tốt hơn.

Ở tuyến y tế cơ sở, hầu hết các trạm y tế xã trên cả nước đã được trang bị máy vi tính, tuy nhiên việc ứng dụng CNTT trong hoạt động chuyên môn còn khá thấp.

Ngoài ra, hạ tầng CNTT trong lĩnh vực y tế chỉ mới đáp ứng ở mức độ cơ bản, một số bệnh viện có hạ tầng CNTT chưa đáp ứng đúng với quy mô và còn lạc hậu. Một số bệnh viện mặc dù có đầu tư thiết bị và đường truyền dự phòng, tuy nhiên, không đảm bảo khả năng dự phòng tự động, phải thao tác thủ công mất nhiều thời gian.

Do sự xuất hiện của chăm sóc sức khỏe thông minh dẫn đến nhu cầu đặc biệt về kỹ năng số trong tất cả các ngành nghề y tế. Chưa kể đến, trình độ kỹ thuật số thấp trong nhân viên y tế cũng là thách thức chính đối với việc ứng dụng các giải pháp chăm sóc sức khỏe thông minh. Tại Úc, một cuộc khảo sát trên 4.000 điều dưỡng cho thấy kinh nghiệm và sự tự tin của điều dưỡng trong việc sử dụng CNTT-TT chỉ giới hạn ở các ứng dụng máy tính cơ bản, trong đó điều dưỡng bày tỏ sự tin tưởng thấp trong việc sử dụng các ứng dụng dựa trên máy tính.

Cũng theo báo cáo của BambuUP, dù nguồn dữ liệu ở các bệnh viện, phòng khám rất đa dạng nhưng do hệ thống thông tin ở Việt Nam vẫn còn phân tán, tách rời và không tuân theo bất kỳ tiêu chuẩn kết nối nào gây khó khăn cho việc tích hợp và liên kết dữ liệu y tế. Hơn nữa, việc thiếu các tài liệu cụ thể về kỹ thuật liên quan đến các tiêu chuẩn mã hóa dữ liệu và trao đổi dữ liệu đã gây khó khăn cho các phương pháp kết nối giữa các hệ thống thông tin y tế.

Chính vì vậy, vẫn còn nhiều khoảng trống trong việc xây dựng các mô hình, nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu theo chiều ngang (giữa các cơ sở y tế các địa phương) và chiều dọc (cơ sở y tế với Bộ Y tế) để toàn bộ nguồn dữ liệu từ các bệnh viện, trung tâm xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, trạm y tế, nhà thuốc, các cơ sở y tế tư nhân... có thể được xâu chuỗi và chuẩn hóa về một nguồn.

Ngoài ra, rủi ro bảo mật trong lĩnh vực y tế là rất lớn. Vì dữ liệu bị phân mảnh, dẫn đến khó xác định chắc chắn vị trí của dữ liệu và ai có quyền truy cập. Do đó, cần có một cách tiếp cận thống nhất đối với dữ liệu chăm sóc sức khỏe. Bất kể dữ liệu nằm ở đâu thì phải đảm bảo một mức độ kiểm soát kỹ thuật nhất định dựa trên đối tượng cần quyền truy cập.

Nhiều khoảng trống cho startup công nghệ y tế phát triển tại Việt Nam - Ảnh 1.

Hiện đang có sự dịch chuyển mạnh mẽ từ mô hình bệnh viện truyền thống sang mô hình bệnh viện Internet, bệnh viện tại nhà, bệnh viện số...

Khoảng trống thị trường sẽ là cơ hội phát triển cho các startup và các công ty công nghệ

Mặc dù vậy, báo cáo của BambuUP khẳng định, ngành chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam đứng trước triển vọng lạc quan nhờ 3 xu hướng thay đổi trên phương diện kinh tế, xã hội bao gồm: Kinh tế phát triển tầng lớp trung lưu tăng nhanh; tình trạng già hóa dân số; sự mở rộng của hệ thống bảo hiểm y tế và bệnh viện.

Chưa kể, dù thị trường công nghệ y tế được định giá 43,6 tỷ USD vào năm 2019 với tốc độ tăng trưởng 16.2% từ 2020- 2027 nhưng số lượng startup trong lĩnh vực này ở Việt Nam chỉ chiếm chưa đến 2% toàn châu Á. Tuy nhiên, việc có nhiều khoảng trống trên thị trường y tế sẽ là cơ hội phát triển cho startup công nghệ y tế tại Việt Nam, trong đó nổi lên một số xu hướng về công nghệ y tế tại Việt Nam gồm: hồ sơ y tế cá nhân; khám chữa bệnh từ xa/theo dõi bệnh nhân từ xa; số hoá hệ thống thông tin y tế; áp dụng trí tuệ nhân tạo và tự động hóa (AI, robotic).

Ông Khổng Văn Đông, Giám đốc Trung tâm Giải pháp Y tế số thuộc Viettel Business Solutions nhận định, y tế sẽ là ngành CĐS nhanh nhất so với các ngành khác. Lý giải cho điều này, theo ông Đông, nó đến từ nhận thức, khát vọng của lãnh đạo ngành y tế về chuyển đổi số là rất rõ ràng thông qua các diễn đàn và các chương trình, chính sách thúc đẩy, Bộ y tế đã ban hành Chương trình CĐS của ngành, đã triển khai nhiều chương trình như Telehealth, khai báo, truy vết và tiêm chủng toàn diện mức quốc gia...

Bên cạnh đó, dịch COVID-19 và "bình thường mới" đang đặt ra yêu cầu cấp bách về CĐS cho ngành, từ đó đòi hỏi thay đổi toàn diện về phương thức cung cấp dịch vụ, khi mà hành vi của người dân có những sự thay đổi.

Một nguyên nhân khác đến từ sự dịch chuyển mạnh mẽ từ mô hình bệnh viện truyền thống sang mô hình bệnh viện Internet, bệnh viện tại nhà, bệnh viện số đang được hầu hết các cơ sở y tế quan tâm, đặc biệt là bệnh viện tuyến trung ương.

Ngoài ra, công nghệ đã sẵn sàng cho CĐS y tế như việc lưu trữ trên đám mây, phân loại/tầm soát sàng lọc bằng trí tuệ nhân tạo, phân tích mô hình bệnh tật dựa trên dữ liệu lớn, xác thực dựa trên công nghệ blockchain…

"Nguyên nhân cuối cùng là do dân số già, tầng lớp thượng lưu tăng nhanh, mở rộng hệ thống bệnh viện, bảo hiểm dẫn đến nhu cầu dịch vụ y tế lớn. Đồng thời, người dân chủ động thăm khám, điều trị và chăm sóc sức khỏe, được chăm sóc theo hướng cá nhân hóa", ông Đông kết luận.

Báo cáo toàn cảnh ĐMST mở Việt Nam 2021 cũng đã đưa ra khuyến nghị về CĐS trong lĩnh vực y tế khi nhà nước cần đóng vai trò kiến tạo thể chế thông qua việc xây dựng các nền tảng cho hệ sinh thái y tế số bao gồm: Định danh/xác thực số cho người dân; hành lang pháp lý, quy định cho liên quan đến cung cấp dịch vụ, khai thác dữ liệu, cơ chế tiếp cận thanh toán bảo hiểm, bảo mật và riêng tư của dữ liệu...; tiêu chuẩn để liên thông, chia sẻ và tái sử dụng dữ liệu; phát triển/đào tạo nguồn nhân lực/chuẩn bị năng lực số cho nhân lực y tế; đầu tư công được định hướng vào các giải pháp số nền tảng và hạ tầng nhằm giảm khoảng cách số, tăng tính tiếp cận đối với người dùng ở khu vực nông thôn, miền núi, nhóm yếu thế./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nhiều khoảng trống cho startup công nghệ y tế phát triển tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO