Nhu cầu mua sắm thiết bị ICT ngành giáo dục tăng do xu hướng dạy và học trực tuyến

Hồng Vinh| 05/05/2021 15:08
Theo dõi ICTVietnam trên

Nhu cầu mua sắm trang thiết bị công nghệ thông tin - truyền thông (ICT) trong mùa Covid-19 tăng cao đột biến do việc chuyển đổi sang học trực tuyến. Dự kiến, thị trường mua sắm trang thiết bị ICT cho ngành giáo dục sẽ tăng trưởng 30% trong năm 2021.

Nhu cầu mua sắm thiết bị ICT ngành giáo dục tăng do xu hướng dạy và học trực tuyến - Ảnh 1.

Dự kiến, thị trường mua sắm trang thiết bị ICT cho ngành giáo dục sẽ tăng trưởng 30% trong năm 2021.

Máy tính cá nhân tăng trưởng 10%

Công ty nghiên cứu thị trường Gartner ước tính, số lượng máy tính PC (bao gồm máy tính bàn và laptop) bán ra đã tăng 32% trong quý 1 năm nay so với cùng kỳ năm ngoái. IDC thì đưa ra con số còn lớn hơn, lên tới 55% mặc dù cuộc khủng hoảng về thiếu hụt chip bán dẫn nhưng vẫn không kìm được đà tăng trưởng của thị trường máy tính cá nhân.

Trong khi đó, TrendForce dự báo, các lô hàng máy tính xách tay toàn cầu sẽ có cơ hội đạt 217 triệu chiếc vào năm 2021 và tăng trưởng máy tính cá nhân sẽ là 8,1% so với năm ngoái. TrendForce tin rằng nhu cầu đối với các sản phẩm này sẽ đạt đỉnh vào nửa đầu năm 2021.

Hơn nữa, năm 2021 đánh dấu sự phát triển và bùng nổ của mạng 5G trên toàn cầu. Các thiết bị di động như laptop và đặc biệt là smartphone sẽ ngày càng hiện đại với nhiều công nghệ mới hơn. Nhiều hãng sản xuất laptop còn cho rằng, sự tăng trưởng này còn có thể lớn hơn nếu như không có cuộc khủng hoảng về chip bán dẫn.

Theo dự báo từ các đơn vị chuyên về báo cáo thị trường ICT như Gfk thì laptop 2021 sẽ vẫn tiếp tục tăng trưởng khoảng 10% so với năm 2020, còn riêng với FPT Shop thì con số tăng trưởng sẽ cao hơn dự báo ở mức 30%, đặc biệt thị trường về máy tính dành cho game thủ.

Dù mới chỉ đang là quý 2 nhưng ông Nguyễn Thế Kha, Giám đốc khối viễn thông di động FPT Shop cho biết: dù mới chỉ hết quý 1/2021, doanh số laptop đã tăng trường 50% so với quý 1/2020; Máy tính đang dần trở thành sản phẩm thiết yếu được chú trọng như thời kỳ bùng nổ smartphone 5 năm trước, khi mọi mọi thứ: học tập, làm việc, mua sắm, giải trí giờ đã được online hoá. Hơn nữa, máy tính ngày nay rất đa dạng mẫu mã, cấu hình, phân khúc giá; do đó, rất nhiều động lực và cá nhân hóa cho mỗi nhóm người dùng.

Theo ông Kha, phân khúc bán tốt nhất vẫn là tầm trung với thiết kế, cấu hình và giá đều hợp lý cho những nhu cầu học tập và làm việc cơ bản. Tuy nhiên, phân khúc giá cận cao cấp và cao cấp (hơn 20 triệu) mới là nhóm có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất khi có sự đóng góp đáng kể từ máy tính gaming và máy tính mỏng nhẹ.

Hầu hết, các nhà bán lẻ thiết bị ICT đều nhận định nhu cầu dạy học trực tuyến và mua sắm trang thiết bị như PC, máy chủ, dịch vụ lưu trữ trên đám mây sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Ngoài ra, nguyên nhân Covid cũng làm khan hiếm chip, bo mạch chủ, card đồ họa, RAM sẽ khiến một số dòng máy PC/laptop, trang thiết bị ICT nhập khẩu sẽ khan hiếm "cục bộ" trong thời gian tới. Theo nhiều dự báo đến cuối năm nay, mua sắm trang thiết bị ICT trong ngành giáo dục sẽ tăng trưởng khoảng 30%.

Xu hướng dạy và học trực tuyến tiếp tục lên ngôi

Đại học (ĐH) Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia TP. HCM đã thực hiện chuyển đổi số, triển khai dự án giáo dục 4.0, dạy và học trực tuyến từ năm 2018. Hiện nay, khoa CNTT có thể đảm bảo dạy và học, thi cử đánh giá gần như trực tuyến 90% nhờ vào hạ tầng kỹ thuật, giải pháp công nghệ, kỹ năng và mức độ sẵn sàng của các thầy cô, sinh viên. Khoa sử dụng phần mềm dạy học trực tuyến Zoom Meeting kết hợp với nền tảng hỗ trợ giảng dạy Moodle (LMS-Learning Management System) cho phép tổ chức như lớp học trực tuyến, hỗ trợ giảng dạy, tổ chức hoạt động trên lớp, hỗ trợ tổ chức kiểm tra, đánh giá trực tuyến; Việc tổ chức giảng dạy trực tuyến được triển khai dựa trên các mô hình "lớp học đảo ngược" (Flipped classroom) và phương pháp tổ chức kết hợp (Blended learning).

TS. Lâm Quang Vũ, Phó trưởng khoa CNTT, ĐH Khoa học Tự nhiên TP. Hồ Chí Minh cho biết: Dự án này không chỉ đơn thuần là dạy trực tuyến, mở webcam, xem kênh YouTube mà cả phương pháp luận thiết kế đề cương, phương pháp sư phạm, phương pháp tổ chức, đánh giá, kỹ năng sử dụng các hệ thống hỗ trợ cho giảng dạy trực tuyến, giảng dạy từ xa. Do là khoa CNTT nên hầu hết các thầy cô, giảng viên và sinh viên đều có kỹ năng về công nghệ nhất định nên việc triển khai nhanh chóng, thuận lợi, nhận được nhiều sự ủng hộ từ các bên liên quan và mức độ sẵn sàng cho việc chuyển đổi giữa online/offline cao.

Lấy ví dụ minh họa, TS. Vũ chia sẻ: Chỉ cần đưa thông tin thời khóa biểu lên website vào ngày giờ cụ thể, thầy và sinh viên cùng lên lớp "trực tuyến" theo sự sắp xếp phòng ảo, sinh viên xem trước tài liệu, bài giảng video ở nhà (Flip Classroom), trên lớp giáo viên sẽ chia nhóm thảo luận trong các phòng ảo, các nhóm làm việc cộng tác trên các hệ thống trực tuyến (google slides, padlet..) và trình bày, báo cáo kết quả làm việc để nhận được sự góp ý của giáo viên, phản biện của các sinh viên khác trong lớp học trực tuyến.

Tuy nhiên, khó khăn trong quá trình triển khai giảng dạy trực tuyến là làm thay đổi phương pháp luận giảng dạy, cách tổ chức hoạt động tương tác trên lớp, đánh giá chất lượng học tập của sinh viên… những điều này cần được huấn luyện kỹ cho giảng viên trước khi triển khai. Trước đây việc đánh giá thường được triển khai dưới dạng đề đóng (không sử dụng tài liệu) thì bây giờ trên môi trường đánh giá trực tuyến, giảng viên phải tổ chức các dạng đề mở, sinh viên phải học tập nghiêm túc, vận dụng kiến thức, phân tích nhiều hơn. Việc đánh giá dưới dạng các đề tài/dự án (project based) cũng được triển khai phổ biến hơn.

Hiện, khoa Công nghệ Thông tin, Đại học Tự nhiên thực hiện đánh giá theo chuẩn ELO (nghiên cứu, phản biện, trình bày) và dạy học gần như trực tuyến hoàn toàn, chỉ thi cử phải sắp xếp theo hình thức offline. Đối với một số môn học đại cương (cần giảng dạy bằng bảng trực tiếp) hoặc các giảng viên chưa rành kỹ thuật, đội ngũ kỹ thuật của khoa sẽ hỗ trợ các thầy cô quá trình trực tuyến, các giảng viên có thể lên các phòng học trên trường với các thiết bị được lắp đặt sẵn, giảng viên có thể giảng dạy trực tiếp như bình thường, quá trình trực tuyến bài giảng cho sinh viên học tại nhà sẽ được bộ phận kỹ thuật hỗ trợ.

Theo TS. Vũ, ban đầu, cũng có một số thầy cô còn hoài nghi về phương pháp dạy và học này nhưng khi dịch xảy ra thì hầu hết họ thích thú với việc giảng dạy trực tuyến hơn vì hạn chế tiếp xúc, tương tác với sinh viên của mình nhanh chóng và tiết kiệm nhiều thời gian hơn.

Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại Việt Nam, hàng loạt trường ĐH chuyển sang học trực tuyến ngay sau khi kết thúc kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5. Cùng với đó, việc nắm bắt tình hình và lịch sử đi lại của giảng viên và sinh viên thông qua hệ thống khai y tế tiếp tục được đẩy mạnh. Đặc biệt đối với những người có liên quan đến vùng dịch, các trường đều yêu cầu phải nắm bắt và lập danh sách chi tiết để sẵn sàng xử lý cũng như cung cấp thông tin dịch tễ cho các cơ quan chức năng.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nhu cầu mua sắm thiết bị ICT ngành giáo dục tăng do xu hướng dạy và học trực tuyến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO