Những lợi ích của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong truyền bá giáo lý Phật giáo

T.H| 27/03/2021 06:51
Theo dõi ICTVietnam trên

Áp dụng CNTT vào việc truyền bá chính pháp Phật giáo hay phổ biến những chính sách pháp luật của Nhà nước trong môi trường Phật giáo là cách làm tương đối đơn giản, nhanh nhạy và hiệu quả cao trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0.

Công nghệ thông tin (CNTT) được ứng dụng vào hầu hết các lĩnh vực của đời sống con người. Và trong Phật giáo cũng vậy, đạo Phật đi vào cuộc đời, gắn liền với đời sống con người giúp họ vơi đi nỗi khổ niềm đau và khai thị cho những người đó để họ biết cách tu tập chính mình trong cuộc sống.

Chúng ta hãy cùng nhìn về thời quá khứ, ngày xưa khi chưa có thiết bị công nghệ hiện đại người ta truyền bá kiến thức bằng hình thức truyền miệng nói chung hay đức Phật và các đệ tử của Ngài phải đi khắp các vùng miền để giáo hóa, chỉ dạy cho mọi người. Nhưng nhìn chung thì phương thức truyền miệng rất khó nhớ, nhiều dị bản khi lưu lại đời sau, để truyền đi xa rất khó, vất vả, tốn nhiều thời gian, công sức.

Sau này, tiến bộ hơn một chút có chữ viết, khắc chữ vào bản gỗ để in, viết vào lá bối, sau thì giấy mực ra đời thì họ truyền bá bằng chữ viết có thể lưu lại cho con cháu đời sau. Hình thức này tuy tiến bộ nhưng vẫn còn một số nhược điểm là dễ mai một, bản khắc di chuyển nặng nề, giấy bị mục nát, chữ viết nhòe theo thời gian, muốn sao chép thành nhiều bản rất tốn công sức, mất nhiều thời gian, thậm chí là cả về kinh tế.

Nhưng khi có những thiết bị công nghệ thông tin hiện đại chúng ta có thể dễ dàng xem, lưu trữ, tìm kiếm… Chẳng hạn như một bộ sách kinh quý, theo thời gian sẽ bị hỏng, mục nát nhưng nếu được soạn thảo, lưu trữ dưới dạng file word và pdf thì ta có thể sao chép thành rất nhiều bản trong thời gian ngắn, không tốn nhiều công sức.

Những lợi ích của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong truyền bá giáo lý phật giáo - Ảnh 1.

Ứng dụng CNTT giúp thuận tiện hơn trong việc truyền bá giáo lý

Và đặc biệt khi bộ kinh đó được đăng tải trên các trang mạng thì sẽ được bảo quản lâu, rất khó mai một, có vô số người được tiếp cận, được đọc vì thế mà được lưu trữ lâu dài. Như vậy đó là lợi ích, ưu điểm số 1 của việc áp dụng công nghệ thông tin vào việc truyền bá chính pháp của đức Thế Tôn mà chúng ta dễ dàng thấy được.

Bên cạnh đó, việc đăng tải các video, bài pháp thoại của các vị thầy đức hạnh, tu chân chính có khả năng diễn giải một cách dễ hiểu giáo lí của đức Phật trên mạng xã hội hay đơn giản chỉ là những bài chia sẻ kinh nghiệm tu tập của các vị tôn túc trên kênh Youtube, website.... khi đăng tải như vậy sẽ có hàng trăm ngàn, thậm chí là hàng triệu lượt xem với mỗi video.

Và như thế số người được xem, được tiếp cận, được mở rộng một cách đáng kể, ngoại mục (khi họ có trong tay thiết bị điện thoại thông minh hay cái máy tính có kết nối internet với vài đúp chuột rất đơn giản, tiện lợi và nhanh chóng ngay cả khi ở nhà hay bất cứ nơi đâu) số lượng người được thấy biết rất lớn chứ không còn gò bó, giới hạn chỉ 100 người hay vài chục người tham dự khi chỉ diễn ra trong hội trường, giảng đường vì điều kiện cơ sở vật chất không cho phép.

Hoặc khi diễn ra buổi pháp thoại đó có những người vì bận công việc hay do khoảng cách địa lí… họ không thể đến tham dự được nhưng nếu bài pháp thoại đó được đăng tải trên mạng thì họ vẫn có thể xem, học tập những gì mà vị thầy đã truyền giảng.

Thêm vào đó là những người đã tham dự buổi pháp thoại hôm ấy về nhà họ vẫn có thể xem lại nhiều lần, có thời gian để nghiền ngẫm, suy nghĩ kĩ hơn về những điều đã được nghe, thậm chí khi những vị đó không còn đủ sức khỏe để đi giảng dạy hay đã tịch thì thế hệ sau vẫn được nghe những lời giảng dạy đó. Ví dụ như các bài pháp thoại của Hòa thượng Thích Nhất Hạnh, Thích Thanh Từ, Hòa thượng Tịnh Không…

Không những thế, ứng dụng CNTT vào việc truyền bá chính pháp của Phật giáo còn là việc sử dụng trang cá nhân Facebook của mình để phát trực tiếp (livestream) những thời tụng kinh, tu tập ở các đạo tràng giúp cho mọi người có thể tham dự vào thời tụng niệm đó cùng thời điểm mặc dù không cùng địa điểm, khoảng cách địa lí đã bị xóa tan thay vào đó họ được gặp nhau trong những tâm niệm hướng đến sự thánh thiện, cùng sách tấn nhau tu tập.

Hay như việc sử dụng facebook để đăng tải những dòng trạng thái tích cực, truyền năng lượng bình an đến với những người hữu duyên đọc được..., Và cũng có thể là việc chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn đại chúng tu tập, chia sẻ một bài kinh ý nghĩa trên trang facebook để biết đâu có ai đó họ đang buồn, đang đau khổ về những điều không mong muốn khi đọc được họ sẽ có những suy nghĩ tích cực hơn trong cuộc sống.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Những lợi ích của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong truyền bá giáo lý Phật giáo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO