Những mô hình hay trong ứng dụng công nghệ phòng, chống COVID-19 tại Thừa Thiên - Huế

PV| 06/10/2021 10:52
Theo dõi ICTVietnam trên

Thừa Thiên - Huế là một trong những địa phương đi đầu trong việc triển khai các ứng dụng công nghệ vào phòng chống dịch COVID-19. Một số chức năng, ứng dụng như báo cáo số, triển khai giải pháp QR "Thẻ kiểm soát dịch bệnh" cho toàn dân là những giải pháp hay, cần được nhân rộng. Bài học từ Thừa Thiên - Huế cũng cho thấy khi công nghệ lấy người dân là trung tâm, công nghệ sẽ phát huy hiệu quả, tăng niềm tin, yêu của người dân với chính quyền

Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) mới đây về việc triển khai giải pháp công nghệ trong phòng, chống dịch COVID-19, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Thanh Bình khẳng định, Thừa Thiên - Huế xác định công nghệ là một trong những công cụ đắc lực phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Để đảm bảo sự an toàn cho thành phố Huế trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đã tập trung nghiên cứu, xây dựng, từng bước hoàn thiện và đưa vào hoạt động thí điểm các hệ thống thông tin, các ứng dụng, giải pháp nhằm hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh. Sau 4 đợt dịch bùng phát trên cả nước, công tác ứng dụng công nghệ trong phòng, chống dịch COVID-19 tại Thừa Thiên Huế đã chứng minh vai trò và hiệu quả cho đến thời điểm hiện nay.

Triển khai thẻ kiểm soát dịch bệnh bằng mã QR quốc gia

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhằm giúp người dân chủ động phòng, chống dịch, các cơ quan chức năng kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, truy vết thần tốc, khoanh vùng dập dịch; Sở TT&TT tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia triển khai mã QR quốc gia qua hình thức "Thẻ kiểm soát dịch bệnh". Thừa Thiên - Huế là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai giải pháp này.

Dùng mã QR quốc gia thì người dân Huế ra khỏi tỉnh vẫn dùng được, người ngoài tỉnh vào Huế vẫn dùng được, đi đâu cũng dùng được. Theo đó, mọi công dân đều được cấp "Thẻ kiểm soát dịch bệnh". Trên tấm thẻ này là mã QR duy nhất của mỗi công dân. Tùy vào điều kiện, công dân có thể lựa chọn hình thức của thẻ: Thẻ giấy, thẻ nhựa (in ra mang theo người), hoặc sử dụng thẻ điện tử trên ứng dụng Đô thị thông minh Hue-S. 

Thẻ kiểm soát dịch bệnh phục vụ mục đích: quét QR trên thẻ tại tất cả các điểm đến sẽ giúp cho cơ quan chức năng dễ dàng truy vết, thông báo và tiến hành hỗ trợ y tế ngay cho công dân trong trường hợp xuất hiện ca bệnh đã đi đến điểm trùng với điểm công dân đã đến; giúp cho công dân kiểm soát lịch trình di chuyển của bản thân trong giai đoạn dịch bệnh.

Thần tốc, kể từ 14/9/2021 đến ngày 03/10/2021 tỉnh đã tạo được 525.880 thẻ, tương đương 48% dân của tỉnh, trung bình cứ mỗi ngày tạo được hơn 40.000 thẻ.

"Thẻ kiểm soát dịch bệnh" là một giấy thông hành cho tất cả công dân trong trường hợp áp dụng các quy định phòng, chống dịch ở mức độ cao mà không cần xin cấp thêm giấy tờ khác, ví dụ được phép hay hạn chế trong di chuyển để: thực thi công vụ, vận chuyển hàng hóa, đi chợ, giao hàng tại nhà, mua sắm hàng hóa thiết yếu, khám, chữa bệnh... 

Thẻ kiểm soát dịch bệnh đã phát huy hiệu quả ở chỗ toàn dân và toàn diện. Vì không phải ai cũng có smartphone; không phải ai có smartphone cũng có kỹ năng sử dụng; không phải lúc nào, chỗ nào truy cập Internet cũng ổn định. Trước đây người có smartphone mới dùng mã QR, giờ đây mỗi người dân Huế sẽ có một mã QR quốc gia dùng được mọi lúc, mọi nơi.

Những mô hình hay trong ứng dụng công nghệ phòng, chống COVID-19 tại Thừa Thiên - Huế - Ảnh 1.

Thành phố Huế đã siết chặt công tác phòng chống dịch COVID-19 ở các chợ, trung tâm thương mại

Với người dân chưa bao giờ dùng smartphone, tiểu thương quanh năm buôn bán ở chợ, học sinh nhỏ chưa có điện thoại, việc cấp thẻ kiểm soát dịch bệnh đã tạo ra được tâm lý an tâm và tò mò khiến người dân đến điểm quét trải nghiệm và từ đó hình thành các thói quen quét QR. Huế đã làm được một việc khó của giới công nghệ, đó là người dân có niềm tin vào một "mã hình vuông" giúp bảo vệ họ trước dịch bệnh. Vì thế mà chỉ trong 15 ngày, 48% người dân Huế đã có thẻ kiểm soát dịch bệnh.

Mặt khác, khi người dân dùng thẻ kiểm soát dịch bệnh, việc giám sát và truy vết cũng sẽ hiệu quả hơn. Trước đây, mã QR được dán cố định tại điểm kiểm soát và người dân cần có smartphone và cần tự giác quét. Cách làm này không phát huy được hiệu quả truy vết vì số lượng ghi nhận quét QR rất thấp. Thẻ kiểm soát dịch bệnh làm theo hướng ngược lại. Ví như tại chợ Đông Ba, có 12 điểm kiểm soát ở 12 cổng ra vào chợ, mọi tiểu thương, mọi người dân ra vào đều được BQL quét mã QR trên thẻ kiểm soát. Đến nay, tổng số điểm kiểm soát được kích hoạt: 1.368, tổng số hoạt động quét thẻ kiểm soát: 1.896.116. Hiệu quả tăng gần 100 lần.

Người dân cũng có thể dùng thẻ kiểm soát dịch bệnh cho việc khai báo thông tin tại các điểm tiêm chủng và các điểm xét nghiệm. Với sự hỗ trợ, đào tạo, tập huấn của Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia và các doanh nghiệp, đến ngày 03/10, Huế đã đạt 262.167 mũi tiêm trên nền tảng công nghệ tiêm chủng, tỷ lệ 98,01% trên tổng mũi tiêm thực tế. Dữ liệu mũi tiêm của Huế là dữ liệu chuẩn, đã sàng lọc, không bị trùng lặp, nhập thời gian thực, hoàn thiện trong ngày. Về xét nghiệm, đạt 11.791 dữ liệu trên nền tảng xét nghiệm, toàn bộ 156 cơ sở xét nghiệm dùng nền tảng xét nghiệm và trả kết quả nhanh của Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia.

Huế cũng là một trong những địa phương đầu tiên yêu cầu việc kết nối và liên thông dữ liệu tiêm chủng với các nền tảng chống dịch tại địa phương. Trong thời gian ngắn, Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia đã giúp Huế liên thông trả kết quả tiêm chủng và xét nghiệm trên nền tảng Hue-S. Đến nay mới có 02 địa phương được kết nối là TP. Hồ Chí Minh và Huế.

Để triển khai thẻ kiểm soát dịch bệnh thành công, Sở TT&TT đã tổ chức truyền thông và xây dựng website hướng dẫn để công dân, tổ chức chủ động tạo thẻ và có thể tạo hộ cho người thân trong gia đình. Đối với cơ quan nhà nước là bắt buộc và chủ động triển khai cho cơ quan đơn vị mình. Đối với chính quyền địa phương thì áp chỉ tiêu để cán bộ, đoàn thanh niên, tình nguyện viên đi từng hộ gia đình triển khai. Đối với các trường, tổ chức đào tạo giao chỉ tiêu cho các đơn vị thực hiện trực tiếp. Đối với tình nguyện viên thì tổ chức triển khai trực tiếp hỗ trợ cấp thẻ cho người dân và người kinh doanh tại các khu vực trọng điểm như chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, điểm kinh doanh đông người. Đối với các khu công nghiệp thì ban hành thành tiêu chí bắt buộc triển khai để đảm bảo điều kiện kinh doanh. Ngoài ra, tổng đài 19001075 là được vận hành 24/7 để hỗ trợ cho kỹ thuật tạo thẻ.

Xa hơn việc phòng chống dịch bệnh, Thừa Thiên - Huế sẽ dùng mã QR quốc gia để thúc  đẩy chuyển đổi số, kinh tế số. Trong dịch bệnh, hình thành thói quen tương tác bằng mã QR, dài lâu tạo ra nền tảng quan trọng để phát triển kinh tế số trên địa bàn. Chợ Đông Ba sẽ được thí điểm mobile money đầu tiên tại Huế khi Chính phủ chính thức cấp phép dịch vụ này (dự kiến trong tháng 10/2021). Nếu chị bán hàng rong ở chợ Đông Ba làm được có nghĩa các nơi khác đều làm được.

Như vậy, việc 5 năm Thừa Thiên - Huế đã làm trong 01 tháng. Mỗi người dân của Tỉnh có một mã QR là ước mơ của Sở TT&TT Huế 5 năm trước mà không thể thực hiện được. Việc kiểm soát ra vào bằng quét mã QR trên thẻ kiểm soát dịch bệnh của người dân cũng hiệu quả hơn nhiều so với cách làm thụ động dán mã QR tại điểm kiểm soát. Lúc này việc quản lý của chính quyền sẽ là quản lý cơ sở kinh doanh, các điểm kiểm soát thay vì quản lý hành vi của người dân. Mặt khác, giải pháp thẻ giấy, thẻ nhựa, kết hợp thẻ trên smartphone là cách tiếp cận bao trùm (inclusive), không bỏ lại ai phía sau trong chuyển đổi số. Quyết tâm của Huế đã cho thấy năng lực quản lý linh hoạt của nhà quản lý công nghệ, đặt lợi ích người dân cao hơn sự "tự tôn" về công nghệ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Thanh Bình mong muốn Bộ TT&TT tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cũng như tư vấn cho tỉnh những giải pháp tối ưu trong điều kiện ngân sách địa phương còn hạn hẹp. Làm sao phải quản lý thật chặt cơ sở dữ liệu, các thông số liên quan đến quản lý phương tiện, con người, thông tin dịch tễ. Cần đẩy mạnh việc liên thông dữ liệu quốc gia để địa phương đẩy mạnh năng lực quản lý cho cơ sở, đưa quản lý dữ liệu đi đến thôn bản, xã, phường.

Phác đồ công nghệ phòng chống COVID-19 của Huế

Kể từ đợt bùng dịch lần thứ 4, Huế chưa một lần giãn cách xã hội. Mọi hoạt động của chính quyền, doanh nghiệp và người dân vẫn diễn ra bình thường. Ứng dụng Hue-S kết hợp với mô hình tổng thể kiểm soát người vào địa phương được kết hợp lại tạo thành 01 "phác đồ" phòng, chống COVID vô cùng hiệu quả.

Những mô hình hay trong ứng dụng công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 tại tỉnh Thừa thiên Huế - Ảnh 2.

Mô hình tổng thể kiểm soát người vào địa phương

Mọi người dân tới Huế đều phải khai báo qua Hue-S (Khai báo về Huế cho dân; Đăng ký xe vào cho xe). Thông tin người dân được Sở Y tế duyệt, thông tin xe được Sở Giao thông vận tải duyệt. Vì thế mà khi người dân về tới nhà, chỉ 5-10 phút sau sẽ có cơ sở y tế liên hệ hướng dẫn. Xe thì phân 3 nhóm thẻ vàng: được vào thành phố nhưng không được đi đường chính, thẻ xanh: được đi vào thành phố, thẻ đỏ: phải vào khu cách ly. Nhờ hệ thống giám sát với hơn 200 camera AI bao phủ thành phố kết nối dữ liệu về Trung tâm Điều hành thông minh (IOC), các xe vi phạm đều được cơ quan chức năng dừng và dẫn đi đúng luồng xanh, đỏ, vàng.

Những mô hình hay trong ứng dụng công nghệ phòng, chống COVID-19 tại Thừa Thiên - Huế - Ảnh 3.

Nhờ hệ thống giám sát với hơn 200 camera AI bao phủ thành phố kết nối dữ liệu về Trung tâm IOC, việc kiểm soát người và xe cộ vào Huế chặt chẽ nhưng lại rất nhanh, chính xác

Việc kiểm soát người và xe cộ vào Huế chặt chẽ nhưng lại rất nhanh, chính xác. Nhanh chính bởi Hue-S, và chính xác cũng bởi Hue-S. Không có tình trạng ùn tắc xe vào Huế; Khai báo và giám sát đến tận thôn, tổ, diện hẹp nhất để khoanh vùng, cách ly khi cần thiết... Hue-S đã giúp toàn bộ hệ thống chính quyền của Tỉnh tạo thành một khối trong công tác chỉ đạo, điều hành phòng chống dịch.

Có thể nói, thông qua ứng dụng "Huế-méc", lãnh đạo Tỉnh kết nối liên thông với các sở, ban ngành và với chính quyền cấp quận, huyện, xã phường và sắp tới sẽ là thôn/tổ; gắn kết người dân với chính quyền, làm cho chính quyền gần dân hơn, dân được nói tiếng nói của họ.

"Huế-méc" là nói vui của người dân Huế khi dùng tính năng phản ánh trên Hue-S. Huế-méc nhận tất cả thông tin người dân phản ánh tới chính quyền, kể cả thông tin dịch bệnh. "Dân méc, chính quyền giải quyết" đã tạo ra một niềm tin của dân với chính quyền Huế.

Hiện tại Huế vẫn còn một điểm hạn chế trong công tác truy vết bằng công nghệ. CDC Huế hiện chưa sử dụng và khai thác hiệu quả nền tảng truy vết dựa trên dữ liệu quét QR và tiếp xúc gần của Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia. Dù tại Huế hiện có tỷ lệ cài Bluezone thấp nhưng khi dữ liệu của Huế là đầy đủ và được liên thông 02 chiều với Trung tâm, thì CDC Huế hoàn toàn có thể khai thác nền tảng truy vết của Trung tâm, giúp tỉnh truy vết thần tốc các ca F1, F2.

"Sở hữu" Hue-S, Sở TT&TT được lãnh đạo UBND tỉnh tin tưởng giao nhiều nhiệm vụ quan trọng như: Chủ trì triển khai công nghệ phòng chống dịch; Triển khai cơ sở hạ tầng cho các khu cách ly, khu điều trị; Chốt kiểm soát. Chủ trì nhiều việc không thuộc chức năng của Sở, như: Điều hành các Chốt kiểm soát trên toàn tỉnh; Trực tiếp vận hành và tổ chức tiếp nhận trả lời toàn diện các vấn đề liên quan đến dịch bệnh; đón công dân về địa phương; gần đây nhất là tổ chức đón thai phụ về địa phương.

Mới nhất, Sở TT&TT được Lãnh đạo UBND tỉnh giao chủ trì Chương trình đón thai phụ về địa phương. Người có thai đang gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh tại thành phố Hồ Chí Minh đăng ký trực tuyến qua website. Thông tin đăng ký được kiểm chứng. Sở TT&TT sẽ tổ chức kiểm tra, xác minh bằng tổng đài 19001075 sau đó lập danh sách người đủ điều kiện. Sở TT&TT chủ trì làm việc với Quân đội, Y tế, Công an, Cảng vụ, Giao thông để tổ chức đón đoàn từ chân sân bay về đến khu cách ly trên cơ sở dữ liệu đăng ký để tổ chức từ khâu tiếp nhận đến khâu phân bổ phòng cách ly.

Có thể thấy, các ứng dụng trên nền tảng dịch vụ IOC mà điển hình là Hue-S có vai trò quan trọng trong phòng, chống dịch, tạo ra kênh tương tác giữa người dân và chính quyền. Hiện Hue-S đã hoàn thiện và cung cấp 30 chức năng phục vụ phòng, chống dịch bệnh, giúp người dân, cộng đồng tiếp cận và sử dụng một cách thống nhất các chức năng hỗ trợ phòng, chống dịch.

Việc kết hợp cái có sẵn là dữ liệu của Huế với công nghệ, thuật toán của Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia để giám sát truy vết là bài toán cộng hưởng. Dữ liệu được giải phóng và công nghệ được tối ưu hóa sức mạnh. Kết quả triển khai thực tiễn tại Thừa Thiên - Huế cho thấy công nghệ số chính là liều thuốc có thể so sánh với vắc-xin, nếu chính quyền biết dùng nó trong phòng chống dịch. Công nghệ số tạo nên sức mạnh tổng lực của toàn bộ hệ thống chính trị, giúp lãnh đạo Tỉnh, các sở ngành điều hành, quản lý, phòng chống dịch qua Hue-S và hệ thống CNTT của Tỉnh một cách hiệu quả.

Củng cố niềm tin của người dân vào công nghệ

Thông qua Hue-S và tổng đài 19001075, trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4 này, hệ thống đã tiếp nhận ngoài phản chống dịch thì toàn bộ thông tin phản ánh trong tất cả các lĩnh vực từ giao thông, y tế, giáo dục, môi trường. Tổng cuộc gọi thực hiện qua tổng đài 19001075 của Huế riêng dịch đợt 4 (1/5/2021 đến nay) là: 231.267 cuộc.

Các phản ánh bao gồm từ chuyện nhỏ như thiếu thùng rác tại khu phố, đỗ xe sai quy định, điện đường không đảm bảo, đường xuống cấp, tiêm chủng chờ lâu, cúp điện cúp nước không thông báo, tờ rơi dán bừa bãi, lẫn chiếm mai che, thủ tục giải quyết chậm, trộm cắp, trộm hoa ngoài đường, hát hò to tiếng, cột điện xuống cấp, v.v. cho đến các vấn đề lớn vi phạm của các cơ quan nhà nước, sử dụng tài sản công không đúng quy định. Ngoài ra, các vấn đề có tính xã hội, nhân văn cao cũng được phát huy như mất của rơi trả lại, tìm trẻ lạc, đối tượng tâm thần không được chăm sóc, người ngheo cần hỗ trợ, v.v. nói chung là không có nội dung gì là không thể và không ít vụ việc xe công đã bị xử phạt công khai.

Sở TT&TT đã tiếp nhận xử lý thông tin cho đợt dịch chuyển lớn của bà con về Huế, có đợt lên tới 20,000 người; triển khai gói hỗ trợ 1 triệu đồng cho mỗi bà con đăng ký hồ sơ qua Hue-S. Sở TT&TT tạo công cụ cho bà con đăng ký trực tuyến, dữ liệu sẽ chuyển qua cơ quan mặt trận, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đặc biệt chuyển thẳng về chính quyền địa phương để tổ chức xác minh và trực tiếp hỗ trợ cho bà con. Tất cả đều thực hiện trên dữ liệu và ứng dụng do Sở TT&TT triển khai thống nhất.

Bài học từ Thừa Thiên - Huế cho thấy khi công nghệ lấy người dân là trung tâm, công nghệ sẽ phát huy hiệu quả, tăng niềm tin, yêu của người dân với chính quyền. Và khi dân đã tin, thì làm việc gì cũng dễ. Cái khó nhất chính là lấy được lòng tin của dân, và công nghệ thì luôn minh bạch, số liệu thì không biết nói dối, vì thế mà dân tin.

Hue-S đã và đang làm được một việc vô cùng quan trọng đó là giúp người dân làm quen với công nghệ, trang bị kỹ năng số để người dân bước vào kỷ nguyên số./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Những mô hình hay trong ứng dụng công nghệ phòng, chống COVID-19 tại Thừa Thiên - Huế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO