Những "món quà" của CĐS giúp DN thích nghi linh hoạt với thị trường

NK| 25/11/2021 18:18
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo khảo sát được công bố vào tháng 9/2021 của của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) với hơn 10.000 doanh nghiệp (DN), COVID-19 đã tác động đến 87% DN, và làm sụt giảm 50 - 90% doanh thu so với trước dịch. Chuyển đổi số (CĐS) giúp DN thích nghi linh hoạt hơn với những sự thay đổi của thị trường.

CĐS sẽ giúp các DN SME vượt qua kỷ nguyên VUCA

Chia sẻ tại sự kiện CTO Summit được tổ chức ngày 25/11, ông Trịnh Ngọc Bảo, Đồng sáng lập và Giám đốc vận hành Base.vn cho biết, tăng trưởng, đột phá là điều mà bất kì DN vừa và nhỏ (SME) nào cũng đang mong muốn theo đuổi, khi mà đây cũng là điều Base trăn trở cách đây 6 năm khi mới thành lập. 

Do đó, ông Bảo cho rằng, Base hiểu những nỗi đau và thách thức mà bất kỳ DN SME nào cũng đang gặp phải. Vì vậy, Base mong muốn trở thành một người bạn, người đồng hành, đối tác CĐS bằng cách cung cấp những giá trị hiện hữu cho hơn 6.000 DN tại Việt Nam thông qua các giải pháp của mình. "Để rồi, rất nhiều khách hàng của chúng tôi đã thành công, tìm ra được điểm đột phá bằng CĐS ngay cả khi họ gặp những khó khăn, thách thức nhất".

Điểm lại những thay đổi của thế giới và Việt Nam trong 1-2 năm gần đây, ông Bảo đã đưa ra hình ảnh quen thuộc của một chàng trai đang ngồi làm việc với laptop, cùng một tách cà phê tự pha ở nhà. Trong những năm vừa qua, chúng ta phải đối mặt với rất nhiều mô hình kinh doanh mới, hay thường gọi là "disruptor" - kẻ phá bĩnh, thách thức những mô hình kinh doanh truyền thống trước đây; công nghệ mới; hành vi tiêu dùng mới của khách hàng; xuất hiện nhóm nguồn nhân lực mới. 

Những điều này đã làm cho thế giới trở nên nhạy cảm và khó lường hơn, tạo một sức ép không nhỏ lên các DN SME, khiến họ đứng trước nguy cơ bị bỏ lại phía sau. "Nhiều DN thành công trước đây đã gục ngã chỉ sau 2 năm do dịch COVID-19. Nhưng không ít DN, nhờ dịch bệnh mà họ tìm ra được những điểm đột phá, những điểm tăng trưởng mới cho công ty mình. Đối với những DN này, dấu ấn của công nghệ và CĐS rất rõ ràng", ông Bảo nói.

Tiếp theo, ông Bảo lại đưa ra hình ảnh một người đưa hàng (shipper), một lực lượng rất quen thuộc trong dịch COVID-19. Tuy nhiên, shipper này không gửi đến đồ ăn, món hàng mua trên trang thương mại điện tử mà là 3 "hộp quà" là những trải nghiệm, tích luỹ đến từ Base để DN có thể ứng dụng khi CĐS. Đầu tiên, đó là chiếc laptop, tượng trưng cho sự tinh gọn. Đó cũng là giá trị rất quan trọng của CĐS khi áp dụng công nghệ vào tổ chức. 

Ông Bảo đã kể lại câu chuyện khi gặp gỡ các DN trước khi CĐS, các quy trình sản xuất, quy trình khách hàng đa phần chỉ được mô phỏng hoá trên giấy tờ, hình vẽ, nên rất khó giám sát, đo lường trên thực tế. Do đó, khi ứng dụng công nghệ, các DN sẽ thực sự vận hành các quy trình cốt lõi của mình một cách đúng đắn. 

"CĐS giúp khách hàng sẽ hệ thống hóa, quy củ hóa những thứ đang làm một cách tối ưu. Nhờ đó, nhiều DN dành được nguồn lực để xây dựng lại tổ chức, lấy khách hàng làm trọng tâm và gia tăng lợi ích cho người sử dụng. Nếu không có CĐS, quan điểm lấy khách hàng là trọng tâm sẽ chỉ là lý thuyết", ông Bảo nói.

Chưa kể đến, dịch COVID-19 còn khiến DN hoạt động tinh gọn, hiệu quả hơn trước, không cần gặp gỡ nhau để giải quyết các vấn đề mà mọi thứ đều được thực hiện thông qua trực tuyến  (online) bằng một chiếc smartphone. Từ đó, DN có thể thích ứng được với kỷ nguyên VUCA (Volatility - sự biến động, Uncertainty - sự không chắc chắn, Complexity - sự phức tạp, Ambiguity - sự mơ hồ).

Món quà thứ hai là tốc độ, được thể hiện bằng hình ảnh chiếc tên lửa. Ông Bảo cho rằng đây là một bảo bối, vũ khí mà các DN thực sự cần có trong kỷ nguyên VUCA. Việc quản trị được năng lực thực thi của một tổ chức là điều quan trọng, nhiều DN dễ dàng thất bại vì những "tiểu tiết" khi thực thi trong thực tế. Vì vậy, những người lãnh đạo DN không chỉ đưa ra chiến lược mà còn cần ứng dụng công nghệ để giám sát quá trình thực thi của tổ chức mình, để có thể cải tiến và giúp DN vận hành tốt hơn.

Nhiều DN mà Base đồng hành, việc ra quyết định trước kia mất thời gian theo tháng, hoặc theo tuần nhưng nhờ ứng dụng công nghệ đã giảm xuống theo ngày, hay thậm chí theo giờ. Đồng thời, nhờ CĐS, các bộ phận trong một tổ chức sẽ có cơ hội để giám sát chéo lẫn nhau, qua đó đẩy nhanh tốc độ, chất lượng dịch vụ. 

"Tốc độ là vũ khí cực kì quan trọng của các tổ chức, để vượt qua kỷ nguyên VUCA, dù nó rất mơ hồ, biến động và luôn thay đổi", ông Bảo nhấn mạnh.

Món quà cuối cùng, chính là một tài nguyên mới, thường được gọi là "vàng đen", đó chính là dữ liệu. Dữ liệu ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với doanh nghiệp, giúp chúng ta ra quyết định nhanh chóng và kịp thời hơn. Một trong những thứ quan trọng của CĐS là tạo ra dữ liệu cho chủ DN và các thành viên trong công ty. Thậm chí, một bạn nhân viên bất kì có thể giám sát, theo dõi năng suất, chất lượng "đầu ra" của công việc mình đang làm hay dự đoán mức độ thành công của hợp đồng đang theo đuổi ký kết với khách hàng, để có thể ra quyết định thay đổi mà không cần đến sự chỉ đạo của lãnh đạo. 

"Dữ liệu giúp ích cho tất cả mọi thành viên cho công ty, được tổ chức một cách tức thời, tại bất kì thời điểm nào. Việc xây dựng kho dữ liệu không chỉ phù hợp cho SME mà còn cho cả những DN lớn, và tích luỹ trong thời gian đủ dài thì đó chính là năng lực lớn cho tương lai, biến một DN SME, trở thành một DN data driven - ra quyết định dựa trên dữ liệu", ông Bảo khẳng định.

Tổng kết lại, theo ông Bảo, nhờ CĐS, các DN có thể vượt qua được với kỷ nguyên VUCA bằng cách: Đối phó với sự biến động bằng tốc độ xoay chuyển của tổ chức; Đối phó với sự không chắc chắn bằng khả năng thực thi hoàn hảo; Đối phó với sự phức tạp bằng bộ máy tinh gọn, đa năng; Đối phó với sự mơ hồ bằng khả năng kiểm soát dữ liệu (data driven).

Bên cạnh đó, sự kiện còn có các bài chia sẻ về việc ứng dụng dữ liệu lớn (big data) và trí tuệ nhân tạo (AI) trong bất động sản, tài chính, thương mại điện tử...

CĐS giống như việc

Ông Trịnh Ngọc Bảo: Dịch COVID-19 còn khiến DN hoạt động tinh gọn, hiệu quả hơn trước khi mà mọi thứ đều được thực hiện thông qua online bằng một chiếc smartphone.

70% lãnh đạo DN tin CĐS là chìa khoá cho việc sống sót, phục hồi, tăng trưởng

Trong phần Tọa đàm với chủ đề "CĐS là cơ hội sống còn với DN" tại sự kiện CTO Summit, theo ông Hoàng Việt Anh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT,  trong 3-5 năm gần đây, DN Việt đã thay đổi rất nhiều nhận thức khi nói về CĐS. Một trong những lĩnh vực tiên phong là tài chính ngân hàng đã có kết quả tích cực. Ngay với bất động sản vốn là lĩnh vực truyền thống nhưng Hưng Thịnh cũng đã tiến hành CĐS.

24 tháng qua khi COVID-19 hoành hành, tất cả DN Việt Nam phải đương đầu với những khó khăn. Trong những cuộc trao đổi, đối thoại với FPT, có đến 70% lãnh đạo DN tin CĐS là chìa khoá cho việc sống sót, phục hồi, tăng trưởng. "Đây là thay đổi tích cực, nhưng có một thực tế là nhiều DN muốn làm nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu, đi theo con đường nào phù hợp nhất với DN của mình", ông Việt Anh nói.

Theo quan điểm của FPT, CĐS không chỉ thay đổi nền tảng công nghệ cho DN mà thay đổi đồng bộ nhất quán không tách rời ba yếu tố: Mô hình kinh doanh; Nền tảng công nghệ; Con người - nguồn nhân lực, văn hoá của DN. Kinh nghiệm của FPT cho thấy, điều kiện cần đầu tiên phải xuất phát từ lãnh đạo. Lãnh đạo có cam kết, hành động cụ thể để thúc đẩy CĐS thì mới có cơ may thành công. Chiều ngược lại, điều kiện đủ là các DN cần hiểu vấn đề nội tại của tổ chức mình.

Yếu tố thứ hai là phải mở rộng tầm nhìn để nắm bắt các cơ hội, đặc biệt cơ hội sau đại dịch. Chúng ta cũng phải hiểu rõ nền tảng công nghệ của mình đang ở đâu, cần trang bị những gì để đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng của DN trong thời gian tới. Cuối cùng là trang bị đầy đủ về tâm thế, kiến thức cho con người, từng bước hình thành văn hoá chuyển đổi số. "Nếu hội tụ đầy đủ các yếu tố, chúng tôi tin rằng chuyển đổi số của DN sẽ thành công", ông Việt Anh khẳng định.

Chia sẻ về bài học kinh nghiệm (case study) khi CĐS, ông Võ Văn Khang - Phó Tổng giám đốc tập đoàn Hưng Thịnh cho biết, chuyển đổi là quá trình liên tục của bất kỳ DN nào để thích ứng với thị trường. Tuy nhiên, CĐS rất đặc biệt, mang hơi thở của cả xã hội, cả nền kinh tế và không chỉ là vấn đề của một doanh nghiệp. Bài toán CĐS cấp thiết cho mọi DN. Như đối với Hưng Thịnh, từ 2018, công ty bắt đầu chuyển từ mô hình DN lên tập đoàn và chú trọng đến những vấn đề liên quan đến CĐS.

CĐS có thể chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn đầu tiến hành các công tác liên quan đến số hoá. Giai đoạn hai bắt đầu số hoá, tự động hoá một số quy trình. Giai đoạn cuối cùng là CĐS hoàn toàn. Nếu xét theo chu trình này, hiện Hưng Thịnh đang đi được khoảng một nửa đoạn đường này.

CĐS giống như việc

Khi được hỏi về những thách thức khi tiến hành CĐS của tập đoàn Hưng Thịnh, ông Khang cho rằng, CĐS giống như việc "đưa hormone vào trong cơ thể", tạo thành loại gen tiến hoá mới, giúp DN trưởng thành, thích nghi linh hoạt hơn với những sự thay đổi của thị trường. Tuy nhiên, việc này cũng gây ra những "tác dụng phụ" với những trở ngại như thói quen, chi phí lớn, phương pháp luận để a tiến hành CĐS". Nếu chúng ta làm không đúng, CĐS sẽ thất bại", ông Khang bày tỏ.

Với Hưng Thịnh, do là tập đoàn bất động sản - một lĩnh vực truyền thống , CĐS đòi hỏi nỗ lực gấp bội so với các mô hình khác. Vì vậy, Hưng Thịnh tiến hành rất thận trọng, có những lĩnh vực chuyển đổi rất nhanh như kinh doanh, do đây là yếu tố sống còn để thích nghi với thị trường. Một số lĩnh vực khác phải làm rất thận trọng để CĐS đi đúng hướng đã đề ra.

CĐS là yếu tố "sống còn" trong dài hạn của DN

Khi được hỏi, CĐS có phải yếu tố "sống còn" của DN hay không, ông Khang cho rằng, cả xã hội đều đang tiến hành xu hướng CĐS chứ không phải chỉ một vài DN nhỏ lẻ. Mặc dù hiện nay, nhiều DN sinh ra "đã bơi" trong môi trường số và lấy đó làm lợi thế cạnh tranh nhưng một số tổ chức truyền thống vẫn sống tốt dù chưa CĐS, thậm chí trong ngắn hạn, CĐS còn làm ảnh hưởng, cản trở phát triển. 

Theo ông Khang, đó mới là điều chúng ta cần trăn trở, lưu ý. Đôi khi CĐS không đúng sẽ dẫn đến quá sức chịu đựng của doanh nghiệp. Nhiều DN phải dừng cuộc chơi hay nhiều lãnh đạo DN phải ra đi khi công cuộc chuyển đổi số chưa hoàn thành.

CĐS giống như việc

Ông Hoàng Việt Anh: Nhiều DN không biết bắt đầu từ đâu nên cách làm của FPT là chia sẻ những câu chuyện CĐS thành công lẫn thất bại ở cả FPT lẫn các khách hàng.

"Thực tế, có đến 70% DN CĐS không thành công. Vì vậy, chúng ta thấy nó là xu thế, tạo ra gene cho DN tồn tại trong dài hạn. Dù trong ngắn hạn, nếu không CĐS, DN vẫn có thể tồn tại rất tốt nhưng chắc chắn trong dài hạn điều này có thể khiến họ biến mất trên thị trường", ông Khang khẳng định.

Còn theo ông Việt Anh, qua COVID-19, hầu hết tổ chức đều xác định CĐS là bắt buộc nhưng quan trọng làm thế nào để triển khai thành công. Một trong những cách làm của FPT là chia sẻ với DN những câu chuyện CĐS thành công lẫn thất bại ở cả FPT lẫn các khách hàng.

Bản thân FPT cũng đang CĐS cho mình, trong quá trình đấy, bên cạnh những ưu điểm thì cũng gặp nhiều vấn đề. Quan trọng là làm sao phải chọn được một lộ trình, cách tiếp cận phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp. Chúng ta không có một mô hình mẫu chung để thành công cho tất cả DN mà phải lựa chọn làm sao để thay đổi phù hợp cho từng công ty. Quan trọng là làm sao tìm được đối tác có đủ năng lực, tin tưởng để cùng nhau "ngồi trên chiếc thuyền vươn ra biển lớn".

Chương trình Bình chọn Lãnh đạo công nghệ trẻ được VnExpress phát động từ tháng 4 nhằm tìm kiếm những tài năng dưới 35 tuổi, đã có thành tích nhất định trong thúc đẩy chuyển đổi số, tìm ra bài toán tăng trưởng cho doanh nghiệp bằng công nghệ.

10 gương mặt được vinh danh tại sự kiện CTO Summit là những người đạt điểm cao nhất, trong đó có 30% điểm bình chọn và 70% điểm phỏng vấn.

Danh sách 10 lãnh đạo công nghệ trẻ 2021:

1. Bùi Thanh Minh - Phó Tổng Giám đốc phụ trách phát triển sản phẩm, Giám đốc Đổi mới sáng tạo, Giám đốc Khối dự án Tài chính Doanh nghiệp - Công ty Misa.

2. Huy Nguyễn - Nhà đồng sáng lập kiêm CTO tại KardiaChain

3. Phạm Tiến Hùng - Nhà đồng sáng lập và CTO tại Eureka Robotics.

4. Trần Việt Hải - Phó chủ tịch tập đoàn Bkav.

5. Phạm Nam Long - Đồng sáng lập kiêm CEO Abivin.

6. Đặng Việt Hùng - Giám đốc công nghệ Smartlog.

7. Ngô Minh Quân - Giám đốc Chuyển đổi số của Rikkeisoft.

8. Nguyễn Chí Thanh - Trưởng ngành Công nghệ dữ liệu lớn - Tập đoàn Viettel.

9. Cao Văn Việt - Giám đốc sản phẩm - FPT Software

10. Vũ Nhật Anh - Nhà đồng sáng lập kiêm CTO tại TopCV./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Những "món quà" của CĐS giúp DN thích nghi linh hoạt với thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO