Những tấm lòng vàng trong mùa dịch Covid-19

Ánh Dương| 17/04/2020 14:33
Theo dõi ICTVietnam trên

Những ngày qua, tinh thần tương thân tương ái được lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội với những cây "ATM gạo" nhân ái, siêu thị hạnh phúc 0 đồng… nhằm chia sẻ khó khăn với nhóm người yếu thế trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài.

Từ "ATM gạo" nhân ái…

Ngày 6/4, ATM gạo đầu tiên được vận hành chính thức tại TP. Hồ Chí Minh với mục đích giúp đỡ những người khó khăn, người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cây "ATM gạo" đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ trong cộng đồng.

Anh Hoàng Tuấn Anh – chủ nhân cây "ATM gạo" đầu tiên chia sẻ, như nhiều doanh nghiệp (DN) khác trên cả nước trước đại dịch Covid-19, từ sau Tết Nguyên đán, DN của anh cũng rơi vào cảnh khó khăn. Thế nhưng, khi thấy Chính phủ nỗ lực hỗ trợ cho những người bị ảnh hưởng, anh cũng muốn góp sức mình và truyền cảm hứng cho những cá nhân, DN khác để cùng chung tay vì cộng đồng.

Ngay khi xuất hiện, hàng trăm nhà hảo tâm đã tìm đến anh góp gạo giúp sức để hoạt động cây "ATM gạo" đầu tiên này. Người thì góp 50kg, người góp vài tạ, thậm chí là cả tấn gạo để hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn.

Sau cây "ATM gạo" đầu tiên ở TP. Hồ Chí Minh đi vào hoạt động đã tạo nên hiệu ứng tích cực với làn sóng mạnh mẽ, lan tỏa khắp cả nước.

Sáng 11/4, điểm phát gạo miễn phí đầu tiên tại Hà Nội cũng đi vào hoạt động do ông Nguyễn Mạnh Hùng cùng các cộng sự được tổ chức tại Nhà văn hóa phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy).

Từ sáng sớm, hàng trăm người lao động nghèo, người khuyết tật, người già neo đơn đến xếp hàng theo thứ tự được đánh số sẵn đảm bảo giãn cách 2m, để nhận gạo sẻ chia.

Những tấm lòng vàng trong mùa dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Mọi người đến nhận gạo xếp hàng theo thứ tự đảm bảo giãn cách 2m. (Ảnh: Trần Cường/Thanhnien.vn)

Cây "ATM gạo" phục vụ người dân nghèo từ 8 giờ đến 17 giờ hàng ngày, mỗi người được nhận miễn phí 3kg gạo/lần/ngày khi mang theo giấy tờ tùy thân.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, người lên ý tưởng chiếc máy "ATM gạo" ở Hà Nội chia sẻ mong muốn không để ai "đứt bữa" trong thời gian dịch bệnh này. Mỗi ngày, người dân được đến lấy một lần, mỗi lần được 3kg gạo. Đến nhận gạo sẻ chia, người dân phải sát trùng tay, đeo khẩu trang và đứng theo ô được đánh dấu sẵn đảm bảo khoảng cách 2m để phòng chống dịch.

Những người đến xếp hàng nhận gạo miễn phí hầu hết là người cao tuổi, trung tuổi. Họ là những người làm việc tự do, vì ảnh hưởng của dịch bệnh mà mất việc, phải sống nhờ những đồng tiền tiết kiệm ít ỏi và dựa vào các địa điểm phát đồ ăn từ thiện như này.

Mỗi kg gạo giá trị khoảng vài chục nghìn đồng nhưng cũng đủ giúp một gia đình đang gặp khó khăn không phải nhịn đói, ít nhất là 1 - 2 ngày giữa mùa dịch.

Có mặt từ rất sớm xếp hàng nhận gạo, bà Nguyễn Thị Hiền (trú tại phường Phú Diễn, Bắc Từ Liêm) vui mừng chia sẻ: Trong lúc khó khăn như hiện nay, nhận được 3kg gạo từ các nhà hảo tâm là điều vô cùng quý giá đối với bà. Bà hy vọng trong thời gian tới, nhiều nhà hảo tâm sẽ cùng chung tay giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.

Sau khi xuất hiện ở các thành phố lớn, sáng 13/4, "ATM gạo" cũng đã xuất hiện tại TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp một số đơn vị DN trên địa bàn tỉnh đưa máy "ATM gạo nghĩa tình" vào hoạt động tại Đường sách Cà phê, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Những tấm lòng vàng trong mùa dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Cây "ATM gạo" tại TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). (Ảnh: Thái Hoàn)

Theo Ban Tổ chức, "ATM gạo nghĩa tình" sẽ góp phần chung tay hỗ trợ, san sẻ khó khăn với người nghèo bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Qua đó, phát huy truyền thống "tương thân tương ái", lan tỏa lối sống đẹp với phương châm "ai cần thì lấy – ai có thì góp – ai biết thì cùng làm". Dự kiến "ATM gạo nghĩa tình" tại TP. Buôn Ma Thuột sẽ hoạt động đến hết ngày 30/4/2020.

Sau TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đắk Lắk, "ATM gạo" nghĩa tình đã xuất hiện thêm ở nhiều các tỉnh thành khác như Cần Thơ, Bình Thuận, Thừa Thiên Huế, Cà Mau… với tinh thần sẻ chia để không ai bị bỏ lại phía sau trong mùa dịch.

… Đến "siêu thị hạnh phúc 0 đồng"

Sau "ATM gạo" nghĩa tình, chuỗi "siêu thị hạnh phúc 0 đồng" cũng muốn đem một phần nhỏ bé của mình để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn vượt qua giai đoạn bệnh dịch Covid-19.

Ngày 13/4, "siêu thị 0 đồng" tại Hà Nội chính thức khai trương tại tòa nhà số 117 Trần Duy Hưng (Cầu Giấy, Hà Nội).

Những tấm lòng vàng trong mùa dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Siêu thị cung cấp thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người nghèo, và miễn phí với những hóa đơn dưới 100.000 đồng. (Ảnh: Hải Hiền)

Siêu thị này hoạt động theo phương châm 3 tại chỗ: nhân sự, địa điểm và phục vụ tại chỗ. Các kệ hàng được xếp đầy gạo, trứng, dầu ăn, muối, đường, quần áo, dầu gió,... và những nhu yếu phẩm khác.

Những tấm lòng vàng trong mùa dịch Covid-19 - Ảnh 4.

Nhiều người già có hoàn cảnh khó khăn đã được giúp đỡ tại "siêu thị 0 đồng". (Ảnh: Cafebiz)

Tại "siêu thị 0 đồng", những người thuộc diện được hỗ trợ sẽ xếp hàng lần lượt theo các ô được vẽ sẵn với khoảng cách 2m, ghi lại thông tin cá nhân gồm tên, địa chỉ. Sau đó người mua sẽ được chọn các mặt hàng nhu yếu phẩm trong siêu thị bày bán với tổng giá trị không quá 100.000 đồng và được thanh toán với giá 0 đồng cho một lần mua sắm.

Được biết, siêu thị được mở cửa từ 8h đến 17h hàng ngày (từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, trừ ngày Lễ, Tết), với câu nói quen thuộc: "Nếu bạn khó khăn hãy lấy những gì mình cần. Nếu bạn đủ đầy, xin nhường người khó khăn". Ngoài Hà Nội, còn có 7 "siêu thị 0 đồng" khác cũng vừa được triển khai trên cả nước như Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Hải Dương, Huế, Thái Nguyên, Phú Yên và sắp tới triển khai thêm ở Ninh Thuận, Bình Thuận và Yên Bái.

Theo chia sẻ của đại diện đơn vị tổ chức, mô hình này sẽ kéo dài thời gian hoạt động xuyên suốt trong thời gian dịch bệnh Covid-19 và sẽ tiếp tục duy trì sau khi hết dịch để đưa "siêu thị hạnh phúc" này là điểm đến cho những người khó khăn trong cuộc sống.

Những mô hình nghĩa tình như thế này cần được lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội. Bởi, hơn bất cứ lúc nào, những người dân lao động nghèo đang rất cần sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm để vượt qua cuộc sống hằng ngày trong mùa dịch.

Dịch bệnh rồi cũng sẽ qua đi, nhưng lòng tốt, sự tử tế, tình yêu thương được lan tỏa từ những tấm lòng vàng sẽ còn đọng lại mãi. 

Đi qua khó khăn mới thấy hết được tình người!

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Những tấm lòng vàng trong mùa dịch Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO