Phát triển công nghệ thông tin: Muốn đột phá, phải “chịu chi”

Tú Ân| 01/10/2020 15:44
Theo dõi ICTVietnam trên

Chi ngân sách cho công nghệ thông tin (CNTT) của Việt Nam cũng như các bộ, ngành, địa phương vẫn còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển mạnh mẽ hiện nay.

Chi ngân sách cho công nghệ thông tin (CNTT) của Việt Nam cũng như các bộ, ngành, địa phương vẫn còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển mạnh mẽ hiện nay.

Phát triển công nghệ thông tin: Muốn đột phá, phải “chịu chi” - Ảnh 1.

Bình Phước là một trong những điểm sáng về ứng dụng công nghệ thông tin.

Câu chuyện “Chi trội” của Bình Phước

Bình Phước là một trong những điểm sáng về ứng dụng CNTT được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương tại Hội nghị trực tuyến của Ủy ban Quốc gia về chính phủ điện tử mới đây.

Bà Trần Tuyết Minh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết, lĩnh vực ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử của Bình Phước đã có những bước phát triển đột phá trong thời gian qua, khi UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí 148 tỷ đồng cho lĩnh vực này trong năm 2020, tăng hơn gấp đôi so với năm 2019.

Theo đó, Bình Phước đã hoàn thành xây dựng Đề án Đô thị thông minh tỉnh Bình Phước giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; xây dựng Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh (IOC); triển khai thí điểm đô thị thông minh tại TP. Đồng Xoài. Sau 3 tuần đi vào hoạt động, IOC đã nhận được 400 kiến nghị phản ánh của người dân qua điện thoại di động và đã xử lý 66% kiến nghị. Tỷ lệ người dân hài lòng với hệ thống này đạt 75%.

Về dịch vụ công trực tuyến, hiện số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 của Bình Phước đạt 70%. UBND tỉnh đã yêu cầu cán bộ, công chức không nhận hồ sơ giấy khi thực hiện dịch vụ công mức độ 3, 4 và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm. Tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến của Bình Phước đã tăng vượt bậc, từ 9% (trước ngày 19/5/2020) lên 97% vào cuối tháng 8/2020. Từ ngày 19/5/2020 đến nay, khi tỉnh chỉ đạo không nhận hồ sơ giấy từ cấp xã lên cấp tỉnh, tỷ lệ hồ sơ điện tử tăng rất nhanh, từ 4% lên 26%.

Bình Phước cũng đã triển khai xây dựng hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến từ tỉnh đến 11 huyện, thị xã, thành phố; hoàn thành xây dựng mạng truyền số liệu chuyên dùng đến 188 điểm; triển khai phần mềm một cửa điện tử tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và 11 huyện, thị xã, thành phố, 100% đến các xã của 4 đơn vị cấp huyện: Đồng Phú, Chơn Thành, Hớn Quản, Đồng Xoài và 2 xã (Thiện Hưng, Tân Tiến) của huyện Bù Đốp. 100% cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện được trang bị máy tính; cấp xã đạt 71%.

Để có được những kết quả đó, ngoài quyết tâm, nỗ lực của người đứng đầu và cả hệ thống là việc “dám chi” đầu tư ngân sách cho CNTT. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, việc Bình Phước chi hơn 1% từ ngân sách nhà nước cho CNTT là “đã dành tỷ lệ chi thích đáng từ ngân sách nhà nước cho CNTT để bảo đảm ngưỡng đầu tư phát huy hiệu quả”. Đây là điều mà nhiều địa phương chưa làm được.

Chi dè dặt, khó phát triển

Trong mấy tháng gần đây, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã có nhiều cuộc làm việc với các địa phương. Một con số đáng chú ý là hàng năm, chi ngân sách của các địa phương cho CNTT trung bình chỉ khoảng 0,3%.

Năm 2020, tiếp tục xây dựng một số mô hình bộ điểm, tỉnh điểm, xã điểm; đào tạo 100 chuyên gia cho chính phủ điện tử ở các bộ, ngành, địa phương là lực lượng nòng cốt để dẫn dắt quá trình phát triển chính phủ điện tử; sử dụng nguồn kinh phí tiết kiệm từ sử dụng các ứng dụng của chính phủ điện tử để phát triển chính phủ điện tử và dành tối thiểu 1% tỷ lệ chi ngân sách các cấp (ngân sách trung ương và ngân sách địa phương) cho xây dựng và phát triển chính phủ điện tử.

(Nguồn: Định hướng phát triển ngành Thông tin và Truyền thông năm 2020)

“Các tỉnh cần dành 1% ngân sách hàng năm cho CNTT; nếu muốn đột phá, sánh vai với khu vực, thế giới về CNTT thì dành 2%. Nhà nước chi 1 đồng, thì xã hội chi 10 - 20 đồng, thậm chí nhiều nơi là 100 đồng cho lĩnh vực đó. Có đầu tư như vậy, thì mới thu hút được các nguồn vốn xã hội hóa, nguồn vốn của doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Liên quan vấn đề chi ngân sách cho phát triển CNTT, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT chỉ ra điểm bất cập, đó là trong khi các hoạt động khác như thể thao, văn hóa được các địa phương phân bổ ngân sách rõ ràng, thì lĩnh vực trọng điểm như công nghệ thông tin - chuyển đổi số lại chưa được quy hoạch một cách chiến lược.

“Việc phân bổ ngân sách cho CNTT có ảnh hưởng lớn đến mục tiêu hoàn thiện chính phủ điện tử. Cần đề cập ngân sách có tính chính danh trước, rồi mới đến việc dùng tiền sao cho hiệu quả. Ngân sách quyết định đến các hệ thống, làm sao tạo được trải nghiệm tốt, thu hút người dân sử dụng dịch vụ mà Chính phủ cung cấp”, ông Bình khuyến nghị.

Ông Nguyễn Trọng Đường, Phó cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, các quốc gia tại ASEAN chi cho lĩnh vực CNTT trung bình 1,3 - 1,5% GDP, các nước phát triển chi 2 - 2,5% GDP, trong khi tại Việt Nam, mức chi mới chỉ là 0,3 - 0,4% GDP.

“Tại các nước phát triển, chính phủ số càng phát triển, thì ngân sách tiêu dùng thường xuyên cho CNTT càng cao. Còn tại Việt Nam, hiện chưa có cụm từ “chi cho CNTT” trong Luật Ngân sách nhà nước… mà đang phải nằm trong các nguồn chi khác”, ông Đường nói.

Theo các chuyên gia, cần xây dựng định mức chi tiêu cố định cho CNTT trên GDP, làm cơ sở cho các bộ, ban, ngành áp dụng. Mức ngân sách phù hợp nên tiệm cận 1% GDP để tạo động lực cho các dự án công nghệ thông tin trọng điểm quốc gia.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Phát triển công nghệ thông tin: Muốn đột phá, phải “chịu chi”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO