Phát triển kinh tế số - Đâu là kịch bản, bước đi của Việt Nam

02/08/2021 13:29
Theo dõi ICTVietnam trên

Ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đã xác định mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP; năm 2030 chiếm 30% GDP.

Đánh giá đầy đủ hiện trạng (thuận lợi, khó khăn, thách thức), xác định được nhiệm vụ trọng tâm, phân công đúng trọng trách cho từng bộ, ngành để tổ chức triển khai xây dựng kinh tế số là yếu tố quan trọng đầu tiên để có thể biến mục tiêu thách thức về phát triển kinh tế số của Chính phủ trở thành hiện thực.

Tầm quan trọng của kinh tế số

Tăng trưởng nhanh và thay đổi cơ cấu trong những thập kỷ qua đã giúp Việt Nam chuyển mình thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Tuy nhiên, con đường đi lên từ vị thế thu nhập trung bình thấp đến vị thế thu nhập cao không được đảm bảo và cũng chẳng hề dễ dàng. Mô hình tăng trưởng truyền thống dựa vào nông nghiệp, sản xuất hàng hóa và lao động giá rẻ không chắc sẽ có thể đưa Việt Nam tiến xa trên các chuỗi giá trị toàn cầu và tăng thu nhập quốc gia. 

Để đạt được tiến bộ kinh tế sẽ cần phải chuyển sự tập trung để đẩy mạnh năng suất yếu tố tổng hợp ở tất cả các ngành và thoát khỏi việc là một thị trường dựa trên đầu vào và lao động giá rẻ. Làn sóng kế tiếp của các công nghệ số như trí tuệ nhân tạo, Blockchain, Internet vạn vật, các nền tảng và dịch vụ điện toán đám mây có tiềm năng tạo bước nhảy vọt trong nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghiệp, đơn giản hóa chuỗi cung ứng và logistics và giúp các doanh nghiệp vận hành hiệu quả hơn. Làm chủ được nền kinh tế số sẽ tạo ra cơ hội cho Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững trong giai đoạn phát triển tiếp theo.

Theo định nghĩa chung của nhóm cộng tác Kinh tế số của Oxford, kinh tế số là “một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua Internet”. Ở Việt Nam, tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam năm 2019, kinh tế số được hiểu là toàn bộ hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng số, và phát triển kinh tế số là sử dụng công nghệ số và dữ liệu để tạo ra những mô hình kinh doanh mới. Bukht và Heeks đã đưa ra khái niệm tổng quan nhất về kinh tế số bằng cách đề ra hệ thống “Khung khái niệm về Kinh tế số”. 

Khung khái niệm này nêu rõ phạm vi của Kinh tế số lõi thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin truyền thông (CNTT-TT) (Core Digital Economy), Phạm vi hẹp là Kinh tế số (Digital Economy) và phạm vi rộng Kinh tế số hoá (Digitalised Economy). Trong đó: (1) Kinh tế số lõi bao gồm chế tạo phần cứng, dịch vụ thông tin, phần mềm và tư vấn CNTT-TT; (2) Kinh tế số bổ sung dịch vụ số (Digital services) và kinh tế nền tảng (Platform economy) vào kinh tế số lõi. Hơn nữa, kinh tế số phạm vi hẹp còn bao gồm một bộ phận của kinh tế chia sẻ (Sharing economy), kinh tế gắn kết lỏng (Gig economy); (3) Kinh tế số hóa bổ sung kinh doanh điện tử, thương mại điện tử (TMĐT), công nghiệp 4.0 (Industry 4.0), nông nghiệp chính xác (Precision agriculture), kinh tế thuật toán (Algorithmic economy), phần còn lại của kinh tế chia sẻ, kinh tế gắn kết lỏng vào kinh tế số. Một cách tổng quát, kinh tế số là nền kinh tế sử dụng kiến thức, thông tin được số hóa để hướng dẫn, nâng cao phân bổ nguồn lực, năng suất, mang lại tăng trưởng kinh tế chất lượng cao. Một nền kinh tế trong đó bao gồm các mô hình kinh doanh và quản lý tạo ra sản phẩm, dịch vụ số hoặc hỗ trợ cung cấp dịch vụ số cho chính phủ, doanh nghiệp (DN) và người dân. 

Phát triển kinh tế số là sự hội tụ của nhiều công nghệ mới, như: dữ liệu lớn, điện toán đám mây, Internet vạn vật - IoT, blockchain, trí tuệ nhân tạo AI, mạng không dây 5G. Công nghệ mới cho phép con người xử lý khối lượng công việc lớn, đưa ra quyết định thông minh hơn. Điều này cũng đồng nghĩa với phân tích dữ liệu lớn tạo ra cấp độ mới trong phát triển kinh tế số. Về bản chất của kinh tế số, đây là các mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của nền kinh tế dựa trên ứng dụng công nghệ số. Có thể thấy những ứng dụng của kinh tế số hàng ngày bao gồm: TMĐT xuyên biên giới, bán lẻ trực tuyến, đồng tiền số chung, nền tảng công nghiệp số, học trực tuyến, khám bệnh trực tuyến, làm việc từ xa, vận chuyển, giao nhận, quảng cáo trực tuyến... cũng được tích hợp công nghệ số để đáp ứng nhu cầu thuận tiện cho con người.

Rất nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng chuyển đổi số (CĐS) trong nền kinh tế của mình. Ở đây chúng ta sẽ phân tích 3 trường hợp áp dụng thành công kinh tế số bao gồm Malaysia, Singapore, và Estonia. Malaysia là quốc gia đầu tiên của Đông Nam Á ban hành và thông qua Luật Bảo vệ dữ liệu (Data Protection Act). Chính phủ Malaysia cũng đề ra một số kế hoạch và dự án nhằm nâng cao hạ tầng kinh tế số của quốc gia này, như: dự án High Speed Broadband (HSBB) 1 năm 2008 và 2 giai đoạn 2015 – 2025); Sub – Urban Broadband (SUBB) giai đoạn 2015 - 2019; Rural Broadband (RBB) năm 2015. Tại Singapore là quốc gia đi đầu trong khối ASEAN về phát triển kinh tế số, năm 2018, GDP của Singapore đạt 373,217 tỷ USD với dân số 5.638.676 triệu dân. Tỷ lệ người dùng Internet của Singapore là 88,16% trong năm 2018. Singapore đã phát triển kinh tế số trên các yếu tố cơ bản sau. 

Về xây dựng cơ chế, chính sách, kế hoạch tổng thể iN2015 đã được ban hành để thực hiện chuyển đổi “một quốc gia thông minh, một thành phố toàn cầu được cung cấp bởi InfoComm”. Kế hoạch đề ra mục tiêu rõ ràng, tạo thêm 80.000 việc làm; 90% sử dụng băng thông rộng tại nhà; 100% quyền sở hữu máy vi tính trong gia đình có trẻ em đi học. Singapore có các cơ quan, đơn vị hoặc các nhóm chuyên trách có chức năng trong việc hỗ trợ và đẩy mạnh phát triển kinh tế số. 

Còn tại Estonia, đây là quốc gia khu vực Bắc Âu, với dân số hơn 1,3 triệu dân, GDP đạt 31.471 tỷ USD (năm 2019), tỷ lệ dân số sử dụng Internet đạt 89,532%. Chỉ số DESI của Estonia trong năm 2018 xếp thứ 9 trên tổng số 28 quốc gia thành viên EU với 59,7 điểm. Chỉ số DESI giám sát tổng thể hiệu suất và theo dõi tiến trình của các nước châu Âu về khả năng cạnh tranh kỹ thuật số. Với từng tiêu chí đánh giá cụ thể như: kết nối; nguồn nhân lực; sử dụng Internet; tích hợp công nghệ số; các dịch vụ chính phủ số... Estonia luôn tăng điểm qua từng năm. Về xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách, năm 1995, nguyên Tổng thống Estonia Toomas Hendrik IIves đề xuất ý tưởng “Bước nhảy của hổ” (Tiger leap) với hàm ý thông qua tin học hóa, Estonia hoặc ít nhất nền giáo dục Estonia sẽ có bước nhảy mạnh mẽ trong tương lai.

Hiện trạng, thuận lợi, thách thức trong phát triển kinh tế số của Việt Nam

1. Hiện trạng phát triển kinh tế số của Việt Nam

Phát triển kinh tế số được nhiều quốc gia xem như là một xu thế tất yếu của cuộc CMCN 4.0. Trong những năm gần đây, mô hình kinh tế số cũng đang rất phát triển tại Việt Nam, đóng góp rất lớn vào tốc độ phát triển kinh tế chung của cả nước. Đặc biệt nhất là các mô hình cung cấp dịch vụ chia sẻ phương tiện giao thông, chia sẻ nơi lưu trú, mua bán hàng online, ví tiền điện tử, các dịch vụ truyền hình có trả tiền... Đã có nhiều ứng dụng có thể cài trên điện thoại, giúp người sử dụng có thể gọi xe ô tô, xe máy, giao - nhận hàng, đặt vé máy bay, đặt đồ ăn, thuê phòng lưu trú, thuê gia sư, thuê giúp việc, thuê dịch vụ sửa chữa các thiết bị trong gia đình,... thậm chí người dùng cũng có thể kết nối bác sĩ chăm sóc sức khoẻ tại nhà. Việt Nam có lợi thế về dân số đông, hệ thống chính trị ổn định, lại là người đi sau nên càng có nhiều tiềm năng cho nền kinh tế số phát triển.

Nhận thức tầm quan trọng của nền kinh tế số, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã luôn quan tâm, sớm có nhiều chủ trương, giải pháp thực hiện Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 và chuyển đổi sang nền kinh tế số. Các chủ trương này được thể hiện trong các văn bản như: Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 26/5/2016 về chính sách ưu đãi thuế thúc đẩy việc phát triển và ứng dụng CNTT và Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 về tăng cường năng lực tiếp cận CMCN 4.0. Tháng 8/2018, Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử (CPĐT) được thành lập do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp làm Chủ tịch Ủy ban; Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0; Nghị quyết số 52-NQ/TW đặt mục tiêu đến năm 2025 nền kinh tế số Việt Nam sẽ đạt 20% GDP; Quyết định số 749/QĐ- TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. 

Theo đó, Việt Nam thuộc nhóm ít các nước trên thế giới sớm ban hành chiến lược CĐS quốc gia, chiến lược về một quốc gia số. Với mục tiêu rất cao mà Chương trình đề ra, cần phải quyết liệt phấn đấu mới thực hiện được như: Đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP; năm 2030 chiếm 30% GDP; 50% dân số có tài khoản thanh toán điện tử vào năm 2025 và đến năm 2030 là 80% dân số. Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nhất trí thông qua Nghị quyết của Đại hội, khẳng định rõ, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc CMCN lần thứ tư, thực hiện CĐS quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. 

Phát triển kinh tế số - Đâu là kịch bản, bước đi của Việt  Nam - Ảnh 1.

Hình 1: Tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam và một số nước Đông Nam Á (%)

Theo báo cáo “Nền kinh tế số Đông Nam Á 2020”, tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam luôn tăng trưởng ở mức hai con số, dẫn đầu khu vực cùng với Indonesia. Nền kinh tế số tại Việt Nam từ 3tỷ USD năm 2015 đã tăng lên 12 tỷ USD vào năm 2019 và 14 tỷ USD năm 2020. Dự kiến đến năm 2025 bứt phá lên 52 tỉ USD, bao gồm các lĩnh vực: TMĐT, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và gọi xe công nghệ.

Phát triển kinh tế số - Đâu là kịch bản, bước đi của Việt  Nam - Ảnh 2.

Bảng 1: Tổng quan nền kinh tế số Việt Nam giai đoạn 2014 – 2019

TMĐT đã góp phần đáng kể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. Theo báo cáo TMĐT năm 2020, doanh thu TMĐT B2C tăng trưởng giai đoạn 2015 - 2019 luôn ở hai con số với mức tăng trưởng trung bình cả giai đoạn là 25,4%, quy mô doanh thu năm 2019 tăng gấp 2,5 lần so với năm 2015. 

Phát triển kinh tế số - Đâu là kịch bản, bước đi của Việt  Nam - Ảnh 3.

Hình 2: Doanh thu TMĐT B2C Việt Nam năm 2015 - 2019 (tỷ USD)

Các DN  TMĐT Việt Nam luôn chiếm thị phần lớn. Theo số liệu báo cáo Bảng xếp hạng các DN TMĐT hàng đầu tại Việt Nam do iPrice Insights cập nhật vào ngày 03/03/2020 cho thấy, Shopee Việt Nam tiếp tục dẫn đầu trong cả năm 2019 về lượng truy cập website, đạt trung bình 38 triệu lượt/tháng. Theo sau lần lượt là Thegioididong với 28 triệu lượt/tháng, Sendo với 27,2 triệu lượt/tháng, Lazada với 27 triệu lượt/tháng và Tiki với 24,5 triệu lượt/tháng. Tuy nhiên, hiện nay tất cả các doanh nghiệp TMĐT trong nước đều phải mua giao diện lập trình ứng dụng (API) của Google để có thông tin về khách hàng của mình. 

Đại dịch COVID-19 đã phần nào thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế số đi nhanh hơn. Việt Nam đã phát triển nhiều phương thức trực tuyến trong điều hành, làm việc, đào tạo của các cơ quan quản lý, DN, trường học,... Hiện nay, phổ biến nhất trong các DN đó là số hóa trong lưu trữ, xử lý dữ liệu từ sản xuất đến đưa sản phẩm ra thị trường. Mạng lưới 5G của Việt Nam cũng đang thử nghiệm, dự kiến bắt đầu triển khai từ năm 2021. Tại Việt Nam, mức giá cước dịch vụ Internet vừa phải, cước dịch vụ Internet băng thông rộng cố định ở mức thấp nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Cùng với đó, thương mại điện tử, giao dịch kinh tế không dùng tiền mặt ngày càng phát triển tại Việt Nam, tạo cơ hội cho các DN kịp thời nắm bắt, ứng dụng các công cụ của kinh tế số cũng như quá trình thực hiện Chính phủ điện tử được triển khai nhanh và quyết liệt hơn.

2. Thuận lợi khi phát triển nền kinh tế số ở Việt Nam

Trong phát triển kinh tế số, Việt Nam có những thuận lợi chính như sau:

Thứ nhất, chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách, thể hiện quyết tâm lớn trong định hướng, hành động và tận dụng mọi cơ hội của cuộc CMCN 4.0 nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số ở Việt Nam.

Thứ hai, Việt Nam có tỷ lệ dân số trẻ cao, cung cấp nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế số ở Việt Nam. Với lợi thế dân số trẻ, cách thức tiêu dùng, có nền tảng toán học và CNTT tương đối tốt, người Việt Nam lại yêu thích và nhanh nhạy tiếp cận với công nghệ mới, đây chính là chìa khóa thành công để thúc đẩy kinh tế số ở Việt Nam phát triển.

Thứ ba, nền tảng hạ tầng kinh tế số của Việt Nam khá thuận lợi cho việc chuyển đổi và ứng dụng số. Việt Nam có mạng lưới hạ tầng mạng viễn thông, hạ tầng CNTT và Internet phát triển nhanh chóng, bao phủ rộng khắp và hiện đại không thua kém các nước tiên tiến trên thế giới. Tỷ lệ người dân sử dụng Internet và điện thoại thông minh cao, nằm trong top đầu các nước có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Thứ tư, thời gian gần đây các hình thức của kinh tế số ở Việt Nam phát triển đa dạng, và có xu hướng phát triển mạnh mẽ hơn trong những năm tới. Xu hướng số hóa, chuyển đổi và ứng dụng công nghệ số trên nhiều lĩnh vực, ngành kinh tế, từ thương mại đến giao thông, ngân hàng, y tế, giáo dục, du lịch, giải trí, quảng cáo và các dạng ứng dụng trực tuyến... Trong đó TMĐT phát triển nhanh cả về quy mô lẫn hình thức. Các hình thức chợ trực tuyến (online), mua sắm, kinh doanh, giải trí, cùng với đó là các dịch vụ giao nhận, các giải pháp thanh toán trực tuyến, thanh toán thẻ, máy thanh toán bùng nổ mạnh mẽ, hiện diện khắp mọi nơi. Trong khi các thương hiệu TMĐT nổi tiếng thế giới đang đổ bộ mạnh mẽ vào Việt Nam, như Alibaba, Amazon, Ebay, Shopee... thì các trang TMĐT có nguồn gốc Việt Nam cũng đang nở rộ, một số trang như Tiki, Sendo, Voso, PostMart, Điện máy xanh, Thế giới di động,... đang dần chiếm lĩnh thị phần trong nước và từ đó thúc đẩy thay đổi xu hướng và hành vi mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam.

Thứ năm, hệ thống chính trị và nền kinh tế vĩ mô Việt Nam luôn duy trì ổn định. Cùng với sự tăng trưởng kinh tế nhanh và một nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới, sự gia tăng thu nhập của người dân, sự lớn mạnh của tầng lớp trung lưu và thị trường rộng lớn với gần 100 triệu dân. Đây thực sự là nền tảng thúc đẩy kinh tế số nói chung và TMĐT nói riêng phát triển.

3. Khó khăn khi phát triển nền kinh tế số ở Việt Nam

Cùng với các điều kiện thuận lợi, phát triển kinh tế số ở Việt Nam cũng còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, những khó khăn, thách thức chính trcụ thể như sau:

Thứ nhất, hệ thống thể chế, chính sách cũng như các thiết chế thực thi, giải quyết tranh chấp và hiệu lực của cơ quan thực thi liên quan đến phát triển kinh tế số còn yếu, chưa đồng bộ và hiệu quả nên chưa khai thác hết tiềm năng để phát triển kinh tế số. Thời gian qua, do sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, kinh tế số cùng các phương thức kinh doanh và các ý tưởng sáng tạo mới xuất hiện, chưa có tiền lệ đã làm cho các cơ quan quản lý nhà nước khá lúng túng trong quản lý các hoạt động kinh tế số.

Thứ hai, cơ sở dữ liệu của nhiều bộ, ngành, địa phương đang xây dựng còn manh mún và phân tán, không có sự kết nối liên thông. Vì vậy khó có thể cạnh tranh với thế giới.

Thứ ba, các DN kinh tế số ở Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh của DN nước ngoài. Báo cáo về thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam 6 tháng đầu năm 2020 của ABI Research cho thấy Grab vẫn là hãng gọi xe công nghệ dẫn đầu thị trường, chiếm 74,6% thị phần, tặng nhẹ so với 73% nửa đầu năm 2019, cạnh tranh trực tiếp với các DN trong nước như Go-Việt, Be, MyGo,.. Gần 70% thị phần quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam thuộc về các công ty nước ngoài như Facebook, Google. Chỉ trong 10 năm Việt Nam mất khoảng 50% thị phần quảng cáo.

Thứ tư, thói quen giao dịch, thanh toán tiền mặt của đa số người tiêu dùng là trở ngại lớn. Việc trả tiền mặt khi nhận hàng làm xói mòn sự tin tưởng giữa DN và người tiêu dùng. Các bên giao dịch đều nghi ngờ lẫn nhau làm khả năng kết nối thành công của các giao dịch luôn ở mức thấp. Hành vi kinh doanh và tiêu dùng của người dân khu vực ngoài thành thị vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Kinh tế số nói chung và TMĐT nói riêng vẫn có một khoảng cách lớn giữa thành thị với các khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của nước ta.

Thứ năm, nhận thức của người dân và một bộ phận cán bộ quản lý nhà nước về kinh tế số còn hạn chế, kỹ năng sử dụng Internet an toàn thấp và chưa theo kịp với tốc độ phát triển của công nghệ.

Thứ sáu, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi sang kinh tế số. Việt Nam đang có sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực công nghệ thông tin và truyền thông. Giáo dục Việt Nam chưa theo kịp xu thế phát triển nhanh chóng của kinh tế số, kinh tế sáng tạo của CMCN 4.0 trên thế giới hiện nay. Vấn đề này nếu không được quan tâm đầu tư đúng mức trong thời gian tới sẽ trở thành một điểm nghẽn lớn cho phát triển kinh tế số ở Việt Nam.

Giải pháp phát triển kinh tế số ở Việt Nam

1. Nhiệm vụ phát triển kinh tế số cho Việt Nam

Hầu hết các quốc gia trên thế giới, cả các nước phát triển và các nước đang phát triển đều rất coi trọng phát triển kinh tế số, coi đây là bước phát triển mới, mô hình kinh tế mới trong tương lai và đều đưa ra các giải pháp để chuyển đổi sang kinh tế số. Tuy nhiên, mỗi quốc gia với những đặc điểm, thế mạnh của mình có những cơ chế, chính sách, biện pháp phát triển kinh tế số khác nhau. Từ kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, tựu trung lại, nổi lên một số nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế số cho Việt Nam như dưới đây:

Thứ nhất, xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, chính sách nhằm tạo khuôn khổ cho phát triển kinh tế số. Điểm chung của các quốc gia là đều thành lập cơ quan, thiết chế chuyên trách, có thẩm quyền, trách nhiệm cao trong việc phát triển kinh tế số, thông thường cơ quan này thường thuộc chính phủ với sự tham gia, phối hợp của các bộ ngành có liên quan. Một số quốc gia còn thành lập các cơ quan chuyên trách ở các các ngành, các địa phương để chuyển đổi số và phát triển kinh tế số ở ngành, địa phương. Do vậy, có thể thấy rằng khung thể chế phải đủ năng lực điều chỉnh ở cả cấp độ quốc gia, ngành và DN. Nhằm hỗ trợ các chủ thể trong nền kinh tế tiếp cận kinh tế số, cần xây dựng các kế hoạch, hướng dẫn rất cụ thể về CĐS cho các DN, các kế hoạch này gắn liền với các nguồn tài chính, kinh phí hằng năm để nhằm tạo sự thuận lợi cho DN tiếp cận với kinh tế số. Ngoài ra, cũng cần quan tâm đến việc xây dựng các chính sách về quy chuẩn, thực hiện việc tiêu chuẩn hóa các khâu, quy trình sản xuất để tăng sự kết nối, liên thông dữ liệu và các hệ thống thông tin. Cùng với đó, xây dựng, ban hành các luật, các chính sách về an ninh mạng, an ninh thông tin để cơ bản bảo đảm an toàn cho việc trao đổi thông tin, dữ liệu giữa các chủ thể trong kinh tế số.

Thứ hai, xác định những ngành, lĩnh vực đột phá để phát triển kinh tế số căn cứ vào thế mạnh và đặc điểm của Việt Nam. Các nước cũng xác định và nhận diện đầy đủ những lĩnh vực kinh tế số giúp đẩy nhanh mở rộng thị trường, thúc đẩy tiêu dùng như thông tin số, liên lạc số, giải trí số, TMĐT v.v.. những lĩnh vực nền tảng của kinh tế số như hạ tầng số, tài nguyên số, dịch vụ số, thị trường số; những lĩnh vực quan trọng, cốt lõi cần phải nắm và làm chủ về công nghệ, kỹ thuật như lĩnh vực dữ liệu số, vật liệu thông minh, robot thế hệ mới, trí tuệ nhân tạo, phương tiện thông minh, năng lượng thông minh, v.v... để có giải pháp, chính sách hợp lý trong phát triển. 

Do vậy, đối với Việt Nam, trước hết cần tập trung phát triển các lĩnh vực kinh tế số giúp mở rộng thị trường, thúc đẩy tiêu dùng. Đây là những lĩnh vực giúp Việt Nam tận dụng được những cơ hội của hội nhập quốc tế, đặc biệt là những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết (CPTPP, EVFTA, EVIPA) nhưng cũng không đòi hỏi trình độ công nghệ cao. Đồng thời, Việt Nam cũng phải phát triển mạnh những lĩnh vực nền tảng của kinh tế số như hạ tầng số, tài nguyên số, dịch vụ số, thị trường số và có kế hoạch, chiến lược bài bản để tiếp cận, làm chủ những công nghệ quan trọng, cốt lõi của kinh tế số thông qua các chính sách hỗ trợ và trong hợp tác, thu hút đầu tư nước ngoài.

Thứ ba, quan tâm giải quyết những mặt trái phát sinh trong phát triển kinh tế số. Xác định rõ những ngành nghề sẽ bị “khai tử”, những ngành nghề mới xuất hiện, những lao động sẽ bị thay thế bằng robot, trí tuệ nhân tạo; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian số; an ninh mạng, an ninh thông tin; các mâu thuẫn, xung đột giữa các loại hình, cơ chế kinh doanh truyền thống với những loại hình, cơ chế kinh doanh mới xuất hiện... để có những giải pháp, chính sách phù hợp. 

Thứ tư, chú trọng phát triển nguồn nhân lực cho kinh tế số, trong đó tập trung phát triển, thu hút các chuyên gia về công nghệ số, các doanh nhân số. Quan tâm đổi mới giáo dục, đào tạo bồi dưỡng để tái đào tạo lực lượng lao động bắt kịp với xu hướng công nghệ số. Theo đó, cập nhật, bổ sung giáo trình đào tạo về công nghệ số, kỹ năng số trong các nhà trường; đẩy mạnh liên kết đào tạo và thực hành giữa các trường và khu vực DN trong ứng dụng công nghệ số; chuyển đổi căn bản mô hình đào tạo sang mô hình “học cả đời, làm cả đời”; chú trọng tính linh hoạt, thực học, thực nghiệp, học tập suốt đời, lấy thực hành làm trọng tâm trong chương trình đào tạo.

2. Đề xuất các chủ trương, chính sách, các bước đi cụ thể cho phát triển nhanh kinh tế số của Việt Nam

Điều quan trọng là cần tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế để phát triển nền khoa học Việt Nam; lấy doanh nghiệp làm trung tâm; thúc đẩy phát triển mô hình kinh doanh mới, kinh tế số, xã hội số; có cơ chế, chính sách kinh tế, tài chính khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ.

Để phát triển kinh tế số ở Việt Nam, tác giả kiến nghị cần tập trung vào một số giải pháp sau:

(1). Xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, chính sách nhằm tạo khuôn khổ cho phát triển kinh tế số. Thành lập cơ quan thiết chế chuyên trách, có thẩm quyền, trách nhiệm cao trong việc phát triển kinh tế số, thông thường cơ quan này thường thuộc chính phủ với sự tham gia, phối hợp của các bộ ngành có liên quan. Nhà nước cần ban hành các nghị định về chia sẻ dữ liệu, xác thực điện tử, bảo vệ dữ liệu cá nhân và bảo đảm quyền riêng tư của cá nhân cũng như việc xử lý, giải quyết những tranh chấp, xung đột về hoạt động kinh doanh, thương mại và dân sự trên môi trường số.

(2). Đẩy mạnh cải cách và số hóa các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các DN, bao gồm việc xây dựng kết cấu hạ tầng dữ liệu quốc gia, xây dựng chiến lược quản trị số. Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính như đơn giản hóa, số hóa, điện tử hóa, minh bạch hóa thông tin để hỗ trợ người dân và DN. Tập trung vào việc phát triển CPĐT, ngân hàng điện tử, giao dịch điện tử và TMĐT. Yêu cầu các cơ quan nhà nước ở trung ương, địa phương thiết lập trang web riêng, cung cấp nhiều dịch vụ trực tuyến (dịch vụ số) tạo thuận lợi cho công việc và đời sống của người dân. Đặc biệt, Chính phủ cần đẩy mạnh cải cách tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu nền kinh tế số và đi tiên phong trong quá trình số hóa bộ máy quản trị quốc gia.

(3). Hỗ trợ nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của DN Việt Nam, đồng thời chú trọng bồi dưỡng, phổ biến, trang bị kiến thức cho đội ngũ doanh nhân Việt Nam đáp ứng yêu cầu của kinh tế số và xu thế CMCN 4.0 

cũng như thích ứng với hội nhập vào thị trường thế giới trong thời kỳ mới. Cần có cơ chế khuyến khích thúc đẩy việc áp dụng công nghệ số ở cả bộ phận DN vừa và nhỏ cũng như hỗ trợ tài chính cho các DN CĐS và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Các DN cũng cần chủ động tích hợp công nghệ số hóa, thúc đẩy phát triển những giải pháp sản xuất và kinh doanh dựa trên số hóa; tối ưu hóa mô hình kinh doanh, sử dụng hiệu quả chuỗi cung ứng thông minh. Phát triển kỹ năng mới cho đội ngũ nhân viên như tăng cường năng lực tiếp cận, tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng với môi trường công nghệ liên tục thay đổi và phát triển.

(4). Khuyến khích và thúc đẩy mạnh việc thanh toán điện tử trong nền kinh tế. Sử dụng các phương thức thanh toán điện tử hiện đại như quét mã QR, thanh toán bằng ví điện tử qua điện thoại di động.

(5). Trang bị kiến thức, thống nhất tư tưởng và hành động về kinh tế số, từ đó làm chuyển biến mạnh mẽ tư duy lãnh đạo quản lý cũng như điều hành kinh tế - xã hội trong điều kiện kinh tế số. Hiện nay, nhận thức và kiến thức của nhiều cán bộ, DN, người dân về thời cơ cũng như thách thức của nền kinh tế số đối với sự phát triển đất nước còn chưa đồng đều ở các cấp, các ngành. Sự CĐS ở một số cấp, ngành, địa phương và các DN còn nhiều hạn chế. Việt Nam phải xác định chiến lược phát triển và hội nhập kinh tế số là xu thế tất yếu của thời đại, là hướng đi quan trọng và cần thiết trong định hướng phát triển quốc gia, là cơ hội để Việt Nam bứt phá và đi tắt, đón đầu. Theo đó, các cơ quan quản lý nhà nước và DN cần tiếp thu những mô hình quản lý mới cũng như ý tưởng sản xuất và kinh doanh mới, đồng thời cũng tạo điều kiện và cơ hội cho những sáng kiến mới được ra đời và phát triển.

(6). Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo nguồn nhân lực cho nền kinh tế số. Trong đó tập trung phát triển, thu hút các chuyên gia về công nghệ số, các doanh nhân số; đổi mới giáo dục, đào tạo bồi dưỡng để tái đào tạo lực lượng lao động bắt kịp với xu hướng công nghệ số; cập nhật, bổ sung các chương trình đào tạo về công nghệ số, nền tảng số, từ mã hóa đến tư duy thiết kế và các kỹ năng số cần thiết cho tương lai trong nhà trường; đẩy mạnh liên kết đào tạo và thực hành giữa trường với khu vực doanh nghiệp trong ứng dụng công nghệ số; xây dựng chính sách kết nối cộng đồng khoa học công nghệ trong nước với nước ngoài, đặc biệt với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. 

3. Vai trò, nhiệm vụ trọng tâm của các bộ ngành chủ lực phát triển kinh tế số

Thực tế cho thấy, việc chuyển đổi sang nền kinh tế số ở Việt Nam cần có những điều kiện cần thiết về thể chế, bộ máy thực hiện và các nguồn lực để triển khai các đột phá chiến lược. Cần coi số hóa nền kinh tế là động lực đặc biệt quan trọng và chủ yếu cho mô hình tăng trưởng kinh tế mới, và đi liền với đó cần phải thiết lập sớm, đầy đủ và đồng bộ các điều kiện về thể chế, bộ máy thực hiện, môi trường kinh doanh, các nguồn lực và con người để nền kinh tế số có thể phát triển nhanh. 

Để số hóa nền kinh tế thành công, chất lượng bộ máy quản trị quốc gia là một trong những yếu tố then chốt, có ý nghĩa quyết định trên bốn nội dung: (i) sự hỗ trợ lâu dài của Nhà nước về mặt chính sách; (ii) tầm nhìn của lãnh đạo quốc gia; (iii) sự đảm bảo môi trường an ninh cho số hóa nền kinh tế; (iv) sự ổn định đối với phát triển nền kinh tế số trong dài hạn. Trong dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030, trong phần phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội đã chỉ rõ: “Đẩy mạnh xây dựng CPĐT phục vụ kịp thời, hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Thực hiện CĐS quốc gia một cách toàn diện để phát triển kinh tế số, xã hội số”.

Vai trò dẫn dắt của chính phủ trong việc chuyển đổi số và phát triển kinh tế số là vô cùng quan trọng đóng vai trò then chốt. Xét trường hợp Estonia, sự sáng suốt và kiên quyết của chính phủ đã mang lại thành công nhất định mặc dù vấp phải sự phản đối trong khoảng thời gian đầu thực hiện các chương trình hành động. Hầu hết các quốc gia có sự chuyển đổi số nhanh chóng và có nền kinh tế số phát triển đều có những chính sách tốt, chương trình hành động hiệu quả từ phía chính phủ. Do vậy, chính phủ không những đề ra các chính sách, chương trình hành động, thực hiện đầu tư, mà cần tuyên truyền đến người dân về tầm quan trọng của chuyển đổi số và kinh tế số.

Bên cạnh đó, những bộ, ngành đóng vai trò vô cùng quan trọng trong công tác phát triển kinh tế số tại Việt Nam là Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) và Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT).

Trong những năm qua, Bộ KH&ĐT luôn tích cực, chủ động đi đầu trong nghiên cứu, đề xuất và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách, nhiệm vụ cụ thể nhằm tận dụng hiệu quả những cơ hội của cuộc CMCN lần thứ 4. Với tư cách là cơ quan Thường trực của Tổ Biên tập kinh tế - xã hội, Bộ đã tham mưu, cụthể hóa yếu tố khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển con người là hai trụ cột quan trọng, tạo động lực bứt phá cho phát triển kinh tế - xã hội trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm lần thứ 4, giai đoạn 2021- 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ 11, giai đoạn 2021-2025 để trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Trong thời gian qua, Bộ TT&TT đã chủ động chuẩn bị, xây dựng, thúc đẩy triển khai, phát triển hạ tầng, nền tảng, DN CNTT-TT để phục vụ phát triển kinh tế số. Bộ TT&TT đã chủ động xây dựng và đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chương trình, kế hoạch quốc gia về CĐS làm nền tảng cho kinh tế số (như các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 Phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 Phê duyệt Chiến lược phát triển CPĐT hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030). Năm 2021 sẽ là năm đầu tiên ngành TT&TT triển khai các chiến lược quốc gia trên cũng như hoàn thiện, triển khai các chiến lược hạ tầng số, hạ tầng bưu chính, phát triển DN công nghệ số, chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, an toàn không gian mạng quốc gia, CĐS báo chí. Các chiến lược này cơ bản sẽ được hoàn thành trong năm 2021. Trong đó, trọng tâm của chiến lược hạ tầng số là 5G, Cloud, công nghệ và hạ tầng được cung cấp dưới dạng dịch vụ, là một số nền tảng thiết yếu, là mỗi người dân một điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình một đường truyền Internet cáp quang. Mục tiêu hạ tầng số Việt Nam đạt top 30 thế giới vào trước năm 2025. 

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, hạ tầng phải đi trước, đi nhanh. Hạ tầng số là hạ tầng nền kinh tế số nên Việt Nam phải làm chủ thiết bị hạ tầng. Xây dựng hạ tầng số là đổi mới lần hai của lĩnh vực bưu chính viễn thông. Trọng tâm của Chiến lược Kinh tế số là tăng trưởng của kinh tế số 20-25%/năm, gấp ba tăng trưởng GDP, hướng đến mục tiêu kinh tế số năm 2025 chiếm 20% GDP và trên 30% vào năm 2030. Trọng tâm của Chiến lược Phát triển DN công nghệ số là tinh thần Make in Vietnam, là chuyển đổi Việt Nam thành quốc gia số, là giải các bài toán Việt Nam bằng công nghệ, là phát triển các nền tảng chuyển đổi số, là làm chủ công nghệ qua việc đẩy mạnh ứng dụng và từ cái nôi Việt Nam sẽ đi ra toàn cầu. 

Thêm vào đó, giai đoạn từ nay đến năm 2030 sẽ là lúc Bộ Tài chính thiết lập hệ thống tài chính số hóa hoàn toàn và nền tài chính thông minh. Bộ Tài chính đóng vai trò dẫn dắt sự phát triển của kinh tế số dựa trên việc đẩy nhanh các giá trị gia tăng của dịch vụ tài chính, chuyển đổi mô hình kinh tế bao hàm kinh tế số. Trong đó Bộ Tài chính cần tiếp tục hoàn thiện xây dựng CPĐT ngành Tài chính hướng tới Chính phủ phục vụ, lấy người dùng làm trung tâm và nâng cao hiệu quả hoạt động toàn ngành thông qua Chính phủ điện tử và các công cụ số hóa; cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống thông tin chuyên ngành như quản lý ngân quỹ; tổng Kế toán nhà nước; quản lý tài sản công; quản lý tài chính DN nhà nước; quản lý bảo hiểm; quản lý chứng khoán; quản lý thuế cá nhân; quản lý thuế DN; quản lý xuất nhập khẩu; quản lý giá; dự trữ nhà nước;... để làm nền tảng cho công tác quản lý tài chính trên môi trường số.

Có thể thấy, phát triển kinh tế số, một trong những khâu đột phá quan trọng để phát triển nền kinh tế Việt Nam trong tình hình mới, góp phần làm giảm bớt khoảng cách tụt hậu của nền kinh tế Việt Nam so với các nền kinh tế trên thế giới. Đổi mới tư duy lý luận về kinh tế trong giai đoạn hiện nay chính là tập trung phát triển mạnh mẽ nền kinh tế số, đưa nền kinh tế Việt Nam thay đổi về chất và có bước nhảy vọt trong tiến trình phát triển mới. Dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh đến phát triển kinh tế số và có phương hướng phát triển mạnh mẽ nền kinh tế số trong giai đoạn 2021-2030 là một lựa chọn sáng suốt và đúng đắn, là sự vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn phát triển Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Chính trị (2019), Nghị quyết số 52/NQ-TW, ngày 27/09/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.

2. Bộ Công Thương (2020), Sách trắng thương mại điện tử Việt Nam năm 2020, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số.

3. Bộ Thông tin và Truyền thông (2020), Sổ tay hướng dẫn các bộ chỉ số, nhóm chỉ số, chỉ số thành phần đánh giá, xếp hạng trong lĩnh vực thông tin và truyền thông của các tổ chức quốc tế.

4. Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia (2019), Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu 2019 và một số khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam.

5. Giang Lê (2019), 5 năm giá trị nền kinh tế số Việt Nam tăng gấp 4 lần, https:// forbesvietnam.com.vn/tin-cap-nhat/5-nam-gia-tri-nen-kinh-te-soviet-nam-tang-gap- bon-lan-7818.html.

6. Nguyễn Mạnh Hùng (2021), Kinh nghiệm phát triển kinh tế số ở một số quốc gia và giá trị tham khảo với Việt Nam, http://hdll.vn/vi/nghien-cuu-trao-doi/kinh-nghiem-phat-trien- kinh-te-so-o-mot-so-quoc-gia-va-gia-tri-tham-khao-voi-viet-nam--%E2%80%8B.html.

7. Cơ quan Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Khối thịnh vượng chung Úc (CSIRO). Tương lai nền kinh tế số Việt Nam hướng tới năm 2030 và 2045.

8. Rumana Bukht and Richard Heeks (2017). Defining, Conceptualising and Measuring the Digital Economy. Paper No. 68, Centre for Development Informatics, Global Development Institute, SEED.

9. Google, Temasesk và Brain and Company thực hiện (2020). Báo cáo "Nền kinh tế số Đông Nam Á 2020".

10. https://datareportal.com/search?q=vietnam; https://ictvietnam.vn.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số tháng 7/2021)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Phát triển kinh tế số - Đâu là kịch bản, bước đi của Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO