Phát triển nội dung điện ảnh, truyền hình trong nước - Một trong những giải pháp bảo vệ văn hoá truyền thống Việt Nam

PV| 28/12/2019 08:14
Theo dõi ICTVietnam trên

Chiều 25 tháng 12 năm 2019, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 theo Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 06 tháng 05 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đánh giá của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 đã đạt được nhiều thành tựu nhưng vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc. Hội nghị tổng kết là dịp đánh giá một cách tổng quát những kết quả đạt được trong 10 năm qua và củng cố lý luận khoa hoc và thực tiễn cho nhiệm vụ xây dựng chiến lược văn hóa cho những năm sau 2020.

Về phát triển điện ảnh, có thể thấy công tác quản lý nhà nước về điện ảnh tiếp tục được chú trọng, đã thực hiện được nhiều chính sách kích thích sự phát triển của công nghiệp điện ảnh trong nước như đặt hàng, tài trợ nhà nước cho sản xuất phim truyện với các đề tài đậm tính văn hóa về thiếu nhi, về truyền thống lịch sử dân tộc, về cộng đồng các dân tộc anh em, sản xuất phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình với chất lượng nghệ thuật và kỹ thuật cao.

Phim Việt Nam hiện nay ngày càng tiến bộ về nội dung và chất lượng nghệ thuật, từng bước đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường điện ảnh, truyền hình, đóng vai trò quan trọng trong công tác giáo dục, tuyên truyền cho công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ về tình yêu đất nước, về ý thức của con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Các kết quả đáng ghi nhận về số lượng phim truyện phổ biến tại các rạp đã đạt 36 - 40 phim truyện mỗi năm, số lượng phim hoạt hình, phim khoa học do nhà nước đạt hàng sản xuất cũng vượt chỉ tiêu đề ra. Số liệu thống kê đến năm 2019, cả nước có tổng số 544 hãng phim, trong đó có 539 hãng phim tư nhân; tổng số phim sản xuất được cấp phép phổ biến đạt 97 phim trong đó có 41 phim truyện chiếu rạp, 10 phim truyện video, 25 phim ngắn; tổng số phim truyện được phát hành trong năm đạt 229 phim, trong đó phim truyện Việt Nam là 41 phim, phim truyện nước ngoài là 188 phim.

Bên cạnh các sản phẩm điện ảnh và phim các loại được cấp phép phổ biến như nêu trên, theo thống kê chưa đầy đủ, đến thời điểm này của năm 2019 tổng thời lượng phát sóng  phim của các Đài Phát thanh, truyền hình trên cả nước không ít hơn 73.000 giờ, trong đó thời lượng phát sóng phim Việt Nam đạt trên 33.000 giờ. Nhiều Đài Phát thanh, truyền hình đã và đang đầu tư sản xuất những sản phẩm phim truyện và phim truyền hình có chất lượng, thu hút khán giả đã được đánh giá cao tại Liên hoan truyền hình toàn quốc năm 2019 được tổ chức gần đây.

Trong bối cảnh hiện nay, khi công nghệ truyền dẫn internet băng rộng chất lượng cao ngày càng phổ biến đã hiện thực hoá nhiều dịch vụ trước đây vốn bị cản trở bởi kỹ thuật xử lý truyền dẫn, trong đó có dịch vụ truyền hình xuyên biên giới. Các dịch vụ truyền hình loại này âm thầm thâm nhập thị trường trong nước, cung cấp kho nội dung phim nước ngoài đa dạng thể loại nội dung trong đó có nhiều nội dung phim khá xa lạ với tập quán, truyền thống văn hoá, lịch sử của người Việt Nam. Đứng trước thực tế đó, các cơ quan quản lý nhà nước đã và đang triển khai các giải pháp quản lý mới để vừa đáp ứng nhu cầu thực tiễn của khán giả, vừa quản lý tốt nội dung đảm bảo phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành. Vì vậy, nhìn lại một năm 2019 vừa qua, có thể thấy hoạt động sản xuất nội dung điện ảnh, truyền hình và các thể loại sản phẩm nghe nhìn khác đã có chuyển biến cả về chất và lượng thể hiện bước tiến đáng kể của ngành sản xuất nội dung truyền hình trong nước. Đây là tín hiệu tốt giúp cơ quan quản lý tiếp tục hoàn thiện các chính sách thúc đẩy phát triển ngành sản xuất nội dung trong nước góp phần làm giảm tác động tiêu cực của các nội dung không phù hợp đến từ các dịch vụ truyền hình xuyên biên giới hiện nay.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Phát triển nội dung điện ảnh, truyền hình trong nước - Một trong những giải pháp bảo vệ văn hoá truyền thống Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO