Phát triển sản phẩm AI "Make in Vietnam": Tận dụng lợi thế, nắm bắt cơ hội

Lan Phương| 20/11/2020 10:28
Theo dõi ICTVietnam trên

Các chuyên gia ICT khẳng định Việt Nam hoàn toàn có lợi thế trước xu hướng ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) mạnh mẽ, công nghệ lõi của cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0.

Cơ hội của Việt Nam

Theo trang cameragui.ru, năm 2019, Mỹ đầu tư cho AI 4,9 tỷ USD, Anh 1,3 tỷ USD, Đức 3,3 tỷ USD, Nga 3,2 tỷ USD. Trung Quốc 10 tỷ USD. Trung Quốc đang tận dụng cơ hội này để dẫn đầu AI.

Việt Nam có lợi thế nào để phát triển sản phẩm AI

CEO Bkav: Việt Nam có thể tham gia vào cơ hội AI

Tại Diễn đàn công nghệ mở Việt Nam 2020 được Bộ TT&TT tổ chức mới đây, ông Nguyễn Tử Quảng, CEO Bkav cho hay cả thế giới đang rất quan tâm, nghiên cứu phát triển AI bởi đây là trọng tâm của cuộc CMCN 4.0. Việt Nam có thể nắm bắt cơ hội này.

Cũng mới đây, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa - Bộ TT&TT Đỗ Công Anh cho biết: Giữa năm nay, so sánh mức độ đầu tư AI/số dân, tại Mỹ con số này là 155 USD/người, Singapore 68 USD/người, còn Thái Lan, Malaysia, Phillipines, Việt Nam là dưới 1 USD. Số liệu này có độ trễ nhất định do là khảo sát từ năm trước và có một số lý do như số liệu đầu tư cho AI tại Việt Nam đôi khi các nhà đầu tư không công bố nên có thấp. Nhưng có thể thấy rằng, tuy mức độ đầu tư thấp nhưng vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực AI đã lên nhanh.

"Trong vài năm gần đây, AI đã được Việt Nam quan tâm và đầu tư. Gần đây nhất, theo một số báo cáo, Việt Nam đứng thứ 21 trong lĩnh vực AI", ông Đỗ Công Anh cho hay.

Theo Phó Cục trưởng Đỗ Công Anh, với sự đầu tư mạnh mẽ của FPT, Viettel, VNPT, VinAI trong thời gian gần đây đã kéo đội ngũ giỏi từ nước ngoài về Việt Nam và kỳ vọng AI có thể mang lại giá trị cho kinh tế số. Theo một dự báo, AI có thể đóng góp 12% cho GDP của Việt Nam, 18% cho Singapore trong thời gian tới.

Phó Cục trưởng Đỗ Công Anh mong muốn các tập đoàn công nghệ lớn của Việt Nam đầu tư vào AI trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính cần tập trung vào những lĩnh vực đáp ứng chuyển đổi số quốc gia như y tế, giáo dục, nông nghiệp, giao thông, logistics…

Việt Nam có lợi thế nào để phát triển sản phẩm AI

Cuộc thi Hackathon Vietnam AI Grand Challenge trong khuôn khổ Ngày hội AI 2019 (AI4VN 2019) (Ảnh: kambria.io)

Tập trung phát triển AI đặc thù của Việt Nam

Cũng chia sẻ tại Diễn đàn công nghệ mở Việt Nam, ông Nguyễn Thế Trung, Tổng giám đốc Công ty CP công nghệ DTT cho biết: Trên thế giới đã phát triển mạnh về AI. Việt Nam nên tập trung vào đặc thù AI của Việt Nam.

Vậy làm thế nào để AI Việt Nam bằng các nước hoặc hơn? Theo phân tích của ông Trung, tìm ra được dữ liệu đặc thù Việt Nam thì sẽ tìm ra được đặc thù AI Việt Nam. Hiện giờ dữ liệu đặc thù Việt Nam thì có hai loại dữ liệu có thể khai thác là dữ liệu địa lý về bờ biển Việt Nam. Chúng ta khai thác thế mạnh bờ biển thì có thể sử dụng dữ liệu lớn về bờ biển để phát triển AI hỗ trợ cả công tác quốc phòng, dân sinh.

Dữ liệu thứ hai là dữ liệu về con người Việt. Người Việt Nam dường như có khả năng chống Covid-19 tốt hơn người nước khác không, hiện chúng ta chưa có dữ liệu trả lời. Khai thác dữ liệu đặc thù về người Việt Nam có thể đáp ứng nhiều công việc.

Nắm bắt cơ hội

CEO Bkav Nguyễn Tử Quảng cho biết cách đây vài năm, Bkav đã bắt đầu tư vào lĩnh vực camera AI. Cụ thể, tháng 8/2017, Bkav là công ty đầu tiên trên thế giới đưa ra khái niệm camera AI. Sau đó 1 tháng, Apple cũng đưa ra camera AI trên iPhone. Năm 2018, Bkav đã thành lập Viện công nghệ AI bởi nhận thấy tiềm năng ứng dụng AI là rất lớn.

Trong hai năm 2018 - 2019, Bkav bắt đầu nghiên cứu, sản xuất camera sử dụng chip của Qualcomm. Năm 2019, Bkav đã sản xuất được camera đầu tiên tích hợp AI và chính thức đưa ra thị trường sản phẩm camera AI View vào năm nay. Đặc biệt, mới đây camera an ninh "made in Việt Nam" này đã được xuất khẩu sang thị trường Mỹ. "Đây cũng có thể xem là cơ hội lớn để Việt Nam trở thành nước dẫn đầu về camera AI".

Hiện nay, theo CEO Bkav, gần như chưa có công ty nào ngoài Bkav có thể tích hợp AI vào ngay camera, thường camera thường phải kèm theo 1 box AI nữa hay là dữ liệu được chuyển về server để xử lý AI trên server. Theo đó, AI View có thể giải được rất nhiều bài toán.

Việt Nam có lợi thế nào để phát triển sản phẩm AI

Lô hàng AI View đầu tiên xuất khẩu đi Mỹ

Dẫn chứng việc này, CEO Bkav cho biết công ty cũng đã triển khai camera AI cho lĩnh vực dịch vụ công, hỗ trợ giám sát biên giới ở Quảng Ninh, cháy rừng ở Phú Quốc và đều phát huy tốt hiệu quả, hiệu suất tăng cao, giảm tải sức lao động.

Tuy nhiên, CEO Nguyễn Tử Quảng cũng cho rằng một mình Bkav không thể giải hết được các bài toán. Bkav kêu gọi cộng đồng DN nhỏ và vừa tham gia cùng khi Bkav mở nền tảng Camera AI để tất cả cộng đồng có thể tham gia vào năm 2021. "Nếu làm thành công việc này, chúng ta sẽ có hàng chục ngàn DN có thể cùng giải các bài toán".

"Hàng triệu chiếc camera AI sẽ xuất hiện ở Việt Nam, để làm những việc thay cho con người. Vậy chúng ta có những cơ hội là một trong những nước dẫn đầu về AI, camera. Ngoài ra, chúng ta đã làm chủ các công nghệ lõi smartphone, thành phố thông minh, an ninh mạng. Theo đó, Việt Nam chúng ta có thể trở nên hùng cường về công nghệ", CEO Nguyễn Tử Quảng cho hay.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Phát triển sản phẩm AI "Make in Vietnam": Tận dụng lợi thế, nắm bắt cơ hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO