Phát triển thành phố thông minh tại Thái Lan

TH| 26/01/2021 16:46
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong Chiến lược Thái Lan 4.0, quốc gia này đặt mục tiêu đạt được 100 thành phố thông minh (TPTM) vào năm 2024 và hiện mục tiêu đó đang tiến tới gần.

Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào năm 2019, Thái Lan đã đưa ra sáng kiến Hành lang kinh tế phương Đông (EEC) nhằm biến ba tỉnh của Thái Lan thành các TPTM. Đến nay, dự án này đã đạt được những thành công nhất định.

Phát triển thành phố thông minh tại Thái Lan - Ảnh 1.

Đoàn tàu một ray không người lái chở các thành viên của giới truyền thông, nhân viên của Hệ thống giao thông công cộng ở Bangkok (BTS) và các quan chức thành phố trong tuyến đi ở Bangkok. (Ảnh AFP)

Với mục tiêu trở thành một trung tâm thương mại, đầu tư, giao thông vận tải trong khu vực và là cửa ngõ chiến lược vào châu Á, Thái Lan tự tin rằng sẽ thúc đẩy một "ASEAN liên thông".

Trong Chiến lược Thái Lan 4.0, quốc gia này đặt mục tiêu đạt được 100 thành phố thông minh vào năm 2024 và hiện tại mục tiêu đó đang tiến tới gần, đặc biệt là khi cơ quan Xúc tiến Kinh tế số (DEPA) của Thái Lan đã ký kết hợp tác với mạng lưới phát triển thành phố thông minh toàn cầu (City Possible). 

Được tiên phong bởi Mastercard, 27 thành phố thông minh của Thái Lan đã tham gia vào chương trình City Possible, vốn được thiết kế để hỗ trợ đưa các ứng dụng công nghệ đi vào đời sống của người dân, nhằm giải quyết các vấn đề đô thị.

City Possible cho phép các thành viên cơ hội tiếp cận không giới hạn vào một cộng đồng toàn cầu gồm các nhà lãnh đạo đô thị, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ (NGO) và học giả, đồng thời thường xuyên được mời tham gia một loạt các diễn đàn trao đổi kiến thức, nơi những người tham gia xác định những thách thức chung, trao đổi học hỏi và thiết lập các giải pháp đô thị toàn diện.

Ông Miguel Gamiño Jr, Phó Chủ tịch điều hành dự án Thành phố toàn cầu của Mastercard cho biết: "Các thành phố trên khắp thế giới phải đối mặt với những thách thức tương tự nhưng họ thường chọn giải pháp tự giải quyết. City Possible giúp kết nối các thành phố qua việc chia sẻ những hiểu biết và nguồn lực từ các thành phố trên khắp thế giới, giúp tăng tốc độ phát triển và cho phép quản trị thông minh".

Kiến trúc thành phố thông minh của Thái Lan

Việc tập trung vào các thành phố thông minh là trụ cột cốt lõi của sáng kiến Thái Lan 4.0 của chính phủ nhằm đưa Thái Lan thành một quốc gia có thu nhập cao với chất lượng cuộc sống được cải thiện rất nhiều ở các trung tâm đô thị.

Thông tin với ASEAN Post, TS. Passakon Prathombutr, Phó Chủ tịch điều hành cấp cao của DEPA cho biết: "Một quốc gia phụ thuộc vào nông nghiệp và du lịch, chúng tôi muốn các thành phố thông minh trở thành hệ sinh thái để thúc đẩy cả hai lĩnh vực này, từ đó sẽ góp phần thu hẹp khoảng cách thu nhập và thúc đẩy tăng trưởng toàn bộ nền kinh tế của đất nước".

"Ô nhiễm và hạn hán là hai vấn đề môi trường quan trọng nhất mà người Thái phải đối mặt, vì vậy cần giúp cho chính quyền địa phương bằng cách trang bị cho họ công nghệ, như cảm biến, hệ thống dữ liệu tích hợp, bản sao số để theo dõi và dự đoán các thảm họa có thể xảy ra", TS. Prathombutr giải thích thêm.

Phát triển thành phố thông minh tại Thái Lan - Ảnh 2.

Kiến trúc thành phố thông minh của Thái Lan

Thủ đô Bangkok cùng các thành phố ở 6 tỉnh là Phuket, Chiang Mai, Khon Kaen, Chon Buri, Rayong và Chachoengsao đã bắt đầu tiến trình tiến tới TPTM.

Kể từ tháng 5 đến tháng 7/2020, có 39 thành phố đã nộp đề xuất thẩm định và phê duyệt lên Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển TPTM để tham gia kế hoạch.

Để được phê chuẩn tham gia phát triển TPTM, những thành phố phải đáp ứng 5 tiêu chí: có ranh giới địa lý rõ ràng và các mục tiêu TPTM; có đầu tư vào cơ sở hạ tầng và một kế hoạch phát triển; có thiết kế dành cho một nền tảng dữ liệu thành phố mở và an toàn; cung cấp các giải pháp TPTM; và có một mô hình quản lý bền vững.

Mới đây, chính phủ Thái Lan cũng đã quyết định tham gia vào dự án các thành phố xanh thông minh ASEAN do Liên minh châu Âu (EU) và ASEAN phối hợp thực hiện. Dự án nhằm mục đích hỗ trợ quá trình đô thị hóa bền vững trong khu vực, giảm thiểu tác động tới môi trường của các khu vực đô thị và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Theo đó, EU sẽ tài trợ 5 triệu euro (6 triệu USD) cho các thành phố ASEAN được lựa chọn để phát triển các khu đô thị thông minh, bền vững và thân thiện với môi trường.

Tuy nhiên, việc triển khai cơ sở hạ tầng mới cũng đi kèm với những thách thức và rào cản. Về mặt sử dụng hiệu quả các nguồn lực và công nghệ, ba thách thức quan trọng đặt ra trước mắt đó là: tư duy của các nhà lãnh đạo thành phố, các quy định hiện hành và khả năng hành động.

TS. Prathombutr cho rằng: "Còn nhiều lãnh đạo thành phố không có đầy đủ kiến thức công nghệ để đưa ra kế hoạch đổi mới. Trong khi những người có khả năng thì lại không dám mạnh dạn đưa ra các chiến lược đổi mới công nghệ mang tính đột phá".

DEPA hy vọng các TPTM sẽ giúp tạo việc làm và thúc đẩy nền kinh tế. Những thành phố đã đăng ký sẽ là các mô hình thí điểm về phát triển TPTM cho những khu vực khác trên cả nước.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Phát triển thành phố thông minh tại Thái Lan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO