Quy định mới đảm bảo cho thị trường bưu chính cạnh tranh lành mạnh

Hoàng Linh| 02/06/2022 15:28
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong thời gian qua, thị trường bưu chính đã phát triển mạnh mẽ và cần có quy định mới phù hợp với thực tiễn, đảm bảo thị trường, doanh nghiệp (DN) thực hiện khát vọng tăng trưởng cao.

Ngày 12/4/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 25/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 47/2011/NĐ-CP này 17/6/2011 của Chính phủ quy định chi tiết một số của Luật Bưu chính. Nghị định đã sửa đổi, bổ sung một số điểm mới được đánh giá là kiến tạo cho các tổ chức, cá nhân, người dân tham gia kinh doanh trong môi trường bình đẳng, minh bạch, rõ ràng về pháp lý. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/6/2022.

Quy định mới phù hợp với thực tiễn

Theo số liệu của Vụ Bưu chính (Bộ TT&TT), số lượng DN bưu chính đến năm 2021 có 728 (tăng 18 lần) so với năm 2010 là 40 DN. Doanh thu dịch vụ bưu chính năm 2021 đạt 45.000 tỷ đồng, tăng 11 lần so với năm 2010 là 4.017 tỷ đồng. Tổng số điểm phục vụ bưu chính là 28.000 điểm, tăng 1,7 lần so với năm 2010 (16.436 điểm).

Chia sẻ tại Hội nghị phổ biến chính sách pháp luật và định hướng phát triển bưu chính đến năm 2030 do Bộ TT&TT tổ chức ngày 31/5, ông Lê Văn Chung, Vụ Bưu chính, cho biết sau 10 năm triển khai thực tiễn, Nghị định số 47 cũng bắt đầu bộc lộ những hạn chế cần phải được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với xu thế mới như cải cách thủ tục hành chính (TTHC), bãi bỏ một số điều kiện kinh doanh không còn phù hợp, xử lý một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn như là lĩnh vực bảo đảm an toàn an ninh bưu chính và công tác bảo đảm thị trường bưu chính cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh.

Nghị định số 25 thay thế Nghị định 47 được Bộ TT&TT xây dựng với 3 mục tiêu chính. Đầu tiên là bãi bỏ những điều kiện kinh doanh không còn phù hợp, đơn giản hóa TTHC. Đây cũng là các điều kiện liên quan đến gia nhập thị trường của các DN, cũng như bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc kiến tạo cho các tổ chức, cá nhân, người dân tham gia kinh doanh trong môi trường bình đẳng, minh bạch, rõ ràng về pháp lý. Thứ hai là tăng cường công tác bảo đảm an toàn an ninh bưu chính. Thứ ba là tăng cường công tác quản lý thị trường bưu chính cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng.

Ông Chung cho biết Nghị định số 25 bãi bỏ hai điều liên quan đến phần thẩm tra dự án đầu tư và điều kiện tài chính, sửa đổi 11 điều chủ yếu liên quan đến cấp giấy phép bưu chính (GPBC), các thủ tục sửa đổi, bổ sung.

Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung 6 điều là các nội dung quan trọng liên quan đến phần quản lý, thị trường bưu chính, bảo đảm an toàn an ninh trong lĩnh vực bưu chính, các điều khoản liên quan đến thu hồi GPBC, công khai giá cước, khuyến mại… và các sửa đổi, bổ sung thay thế phụ lục của Nghị định 47.

3 nhóm vấn đề sửa đổi bổ sung của Nghị định số 25

Phố biến đến các DN về Nghị định 25, ông Chung cho biết có 3 nhóm vấn đề được sửa đổi bổ sung trong Nghị định số 25, gồm: bãi bỏ điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa các TTHC liên quan chủ yếu đến phần gia nhập thị trường; sửa đổi, bổ sung các quy định về tăng cường các quy định bảo đảm an toàn, an ninh bưu chính và bổ sung các quy định về quản lý giá cước, khuyến mại

Về nhóm vấn đề bãi bỏ điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa các TTHC liên quan chủ yếu đến phần gia nhập thị trường, ông Chung cho biết trong Nghị định số 25 đã bãi bỏ quy định về việc phải thẩm tra dự án có vốn đầu tư Nhà nước cùng với điều kiện về tài chính để được cấp GPBC. Các nội dung này thực hiện trên cơ sở bảo đảm đồng bộ với Luật Đầu tư 2020.

Tiếp theo là sửa đổi về điều kiện tài chính. Tại Nghị định số 47 đưa ra các mức vốn điều lệ để được cấp GPBC, tuy nhiên, qua rà soát, đánh giá thì chính phủ, các bộ ngành liên quan như Bộ KH&ĐT, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ TT&TT cũng nhận thấy các quy định về vốn tối thiểu cũng không có nhiều giá trị trong việc bảo đảm năng lực kinh doanh của DN vì số vốn quá ít (2 - 5 tỷ đồng) và luật cũng không yêu cầu phải ký quỹ nên các CQNN đã thống nhất bãi bỏ để phù hợp với xu thế đơn giản hóa thủ tục kinh doanh

Nghị định mới cũng bãi bỏ yêu cầu về "phân tích tính khả thi và lợi ích kinh tế - xã hội của phương án kinh doanh"… trong hồ sơ đề nghị cấp GPBC. Theo ông Chung, đây là nội dung được các DN đánh giá cao vì trong quá trình cấp phép GPBC nội dung này được phản hồi là chưa có giá trị nhiều thực tiễn để tạo thuận lợi cho DN.

Nghị định 25 cũng giảm số bộ hồ sơ đề nghị cấp GPBC (từ 03 bộ xuống còn 01 bộ); Giảm thời gian thực hiện TTHC cấp GPBC (từ 30 ngày xuống 20 ngày); Thay đổi phương thức nộp hồ sơ từ truyền thống qua "hệ thống dịch vụ công (DVC)trực tuyến",

Theo ông Chung, những thay đổi này là một sự nỗ lực, cố gắng của Bộ TT&TT như việc giảm số bộ hồ sơ đề nghị cấp GPBC cho thấy sự kiến tạo của cơ quan nhà nước (CQNN) đối với DN bưu chính trong việc gia nhập thị trường, cũng phù hợp với phương thức nộp hồ sơ điện tử. Các bộ ngành ghi nhận việc giảm thời gian thực hiện TTHC cấp GPBC bởi thẩm định hồ sơ DN bưu chính, Vụ Bưu chính cũng phải lấy ý kiến của của các đơn vị trong và ngoài ngành như Bộ Công an để DN sớm có giấy phép bưu chính nhằm kinh doanh như mục tiêu mong muốn.

Việc thay đổi phương thực nộp hồ sơ qua DVC trực tuyến cũng nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong liên thông TTHC, vừa là tiết kiệm nguồn lực chi phí để thời gian, công sức của DN trong quá trình xin cấp phép GPBC…

Về nhóm quy định sửa đổi thứ 2 là sửa đổi, bổ sung các quy định về tăng cường các quy định bảo đảm an toàn, an ninh bưu chính, ông Chung cho biết Nghị định bổ sung các biện pháp bảo đảm an toàn bưu gửi và an ninh thông tin trong hồ sơ đề nghị cấp văn bản xác nhận thông báo (điểm b khoản 1 Điều 7).Trước đây nội dung này chỉ yêu cầu trong hồ sơ đề nghị cấp GPBC (liên quan đến quản lý dịch vụ thư có địa chỉ nhận, có khối lượng đơn chiếc đến 2kg. Tuy nhiên, hiện nay để tăng đảm bảo an toàn an ninh liên quan đến phần gói kiện hàng hoá, Nghị định số 25 bổ sung trong hồ sơ đề nghị cấp văn bản xác nhận thông báo.

Theo chia sẻ của ông Chung, năm 2021 đã phát hiện hơn 10.000 bưu gửi số chứa vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo… và xu hướng ngày càng tăng lên. Do đó, DN bưu chính đã được cấp văn bản xác nhận đề nghị rà soát, bổ sung ngay các biện pháp bảo đảm an toàn bưu gửi và an ninh thông tin để phù hợp với quy định mới, phục vụ công tác thanh kiểm tra sau này.

Nghị định 25 cũng bổ sung những nội dung DN bưu chính phải thông báo khi thay đổi (điểm b khoản 1 Điều 7), đó là: người đại diện theo pháp luật; số điện thoại của người đại diện theo pháp luật (phục vụ công tác liên hệ/trao đổi thông tin); vốn điều lệ của DN để có thông tin về thành viên góp vốn, tỷ lệ góp vốn và quốc tịch của người góp vốn; Giá cước dịch vụ bưu chính; chỉ tiêu chất lượng dịch vụ bưu chính; mẫu hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính; các quy định về khiếu nại, bồi thường thiệt hại.

Về bổ sung trình tự, thủ tục thu hồi GPBC (Điều 13a),khi CQNN gửi văn bản yêu cầu DN có hành vi vi phạm giải trình và cung cấp thông tin, tài liệu liên quan, sau 10 ngày làm việc, DN không giải trình hoặc giải trình không phù hợp với quy định của pháp luật thì CQNN có thẩm quyền ban hành quyết định thu hồi giấy phép. Việc thu hồi GPBC được CQNN thực hiện bằng hình thức công bố hết hiệu lực trên trang thông tin điện tử của CQNN cấp giấy phép và sau đó sẽ gửi CQNN liên quan.

Quy định mới đảm bảo cho thị trường bưu chính cạnh tranh lành mạnh - Ảnh 1.

Trong nhóm sửa đổi quy định này, Nghị định số 25 cũng bổ sung quy định cung cấp thông tin về người gửi, người nhận và bưu gửi (điểm 15b), người gửi (thông tin về người gửi, người nhận, thông tin liên quan đến bưu gửi), theo đó, DN bưu chính có thể hạn chế vận chuyển hàng lậu/hàng cấm.

Theo quy định mới, người gửi chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của các thông tin chính xác đã cung cấp cho DN bưu chính. Việc có thông tin của người gửi (họ tên, địa chỉ, số điện thoại) sẽ giúp phục vụ công tác điều tra của CQNN có thẩm quyền về xác định hàng lậu, hàng cấm. DN Bưu chính có trách nhiệm tối thiểu 1 năm kể từ ngày cung cấp các thông tin này (có thể lưu giấy, điện tử tùy thuộc vào năng lực của DN).

Thông tin bưu gửi là nội dung gói, kiện hàng hóa gồm bản chính hoặc bản sao hóa đơn, chứng từ, giấy phép chuyên ngành, giấy chứng nhận hoặc giấy tờ khác… cũng được lưu giữ 01 năm

Về nhóm quy định mới thứ ba, ông Chung cho biết Nghị định bổ sung các quy định về quản lý giá cước, khuyến mại. "Đây là một trong những nội dung quan trọng, góp phần bảo đảm việc quản lý thị trường bưu chính cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng trước hiện tượng DN bưu chính giảm, hạ giá sâu kéo dài, có dấu hiệu vi phạm cạnh tranh, phá giá thị trường, gây bất bình đẳng, bất ổn định cho thị trường", ông Chung nhấn mạnh.

Theo đó, DN, đại lý bưu chính phải công khai nội dung giá cước bằng đồng Việt Nam, đã gồm các loại thuế, phụ phí của dịch vụ...; hình thức công khai niêm yết tại điểm phục vụ, thông báo bằng văn bản, đăng tải trên website…; giá cước công khai phải thống nhấtvới giá cước đã thông báo với CQNN./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Quy định mới đảm bảo cho thị trường bưu chính cạnh tranh lành mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO