Quyết tâm đẩy nhanh lộ trình số hóa truyền hình tại Việt Nam

Lan Phương| 22/03/2017 11:24
Theo dõi ICTVietnam trên

Thứ trưởng Bộ TT&TT, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Đề án số hóa Truyền hình Việt Nam Phan Tâm đã khẳng định Bộ TT&TT quyết tâm đẩy nhanh hơn nữa lộ trình số hóa.

Ngày 21/3, Bộ TT&TT và Ban Chỉ đạo Đề án số hóa Truyền hình Việt Nam đã tổ chức chương trình Hội thảo - Tọa đàm về kinh nghiệm và giải pháp triển khai số hóa truyền hình mặt đất. Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm đã chủ trì và chỉ đạo Hội thảo.

Hội thảo – Tọa đàm nhằm mục đích chia sẻ các khó khăn của các Đài PTTH địa phương trong việc triển khai số hóa truyền hình mặt đất, nhằm làm rõ những mong muốn và cam kết của doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng (DN TDPS) khi tham gia thị trường TDPS, các định hướng chính sách của Bộ TT&TT trước mắt và dài hạn.

Toàn cảnh Hội thảo - Tọa đàm

Hiện nay, Việt Nam đã hoàn thành giai đoạn 1 của đề án và đã triển khai xong việc số hóa truyền hình tại 08 tỉnh thuộc giai đoạn II. Theo kế hoạch của Ban chỉ đạo, các tỉnh gồm Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Tiền Giang, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Thuận, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang sẽ tắt sóng truyền hình tương tự mặt đất (ATV) từ ngày 01/7/2017. Dự kiến một số tỉnh thuộc nhóm III tại khu vực Nam Bộ bao gồm Bình Phước, Tây Ninh, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang sẽ ngừng phát sóng ATV từ ngày 31/12/2017. Do đó, việc phủ sóng truyền hình số mặt đất, truyền tải các kênh truyền hình chính trị, thiết yếu của đại phương cần được sớm hoàn thành để có thể triển khai công tác thông tin tuyên truyền, hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất.

Một số tỉnh thuộc nhóm II như Quảng Ninh, Thái Nguyên, Ninh Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu và phần lớn các tỉnh thuộc nhóm III và nhóm IV có địa hình trung du, miền núi phức tạp. Tại các địa phương này, ngoài hệ thống trạm phát sóng ATV chính còn duy trì các trạm phát lại truyền hình tương tự ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng lõm. Tuy nhiên, hiệu quả phủ sóng truyền hình mặt đất tại các địa bàn này rất thấp.

Trong bối cảnh 61/63 Đài PTTH địa phương đã phát sóng kênh chương trình thiết yếu của địa phương trên sóng vệ tinh, các khu vực trung du, miền núi thuộc một số tỉnh nhóm II và phần lớn các tỉnh nhóm III, IV có tỷ lệ thu xem truyền hình tương tự mặt đất khá thấp, tỷ lệ thu xem truyền hình số mặt đất khá cao, nên sẽ thích hợp với việc chuyển đổi sang truyền hình qua vệ tinh (DTH).

Tại Hội thảo, ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện đã nêu một số khó khăn trong việc triển khai số hóa truyền hình trong các giai đoạn tiếp theo. Đó là vấn đề phát sóng và phủ sóng truyền hình số mặt đất và vấn đề kết hợp truyền hình số mặt đất và truyền hình vệ tinh để thực hiện số hóa. Hiện nay, trên cả nước đã có 3 đơn vị, DN TDPS phạm vi toàn quốc là VTV, VTC và AVG và 2 DN TDPS khu vực (Công ty RTB ở khu vực Bắc Bộ và Công ty SDTV ở khu vực Nam Bộ). Đối với các khu vực khác (Tây Bắc, miền Trung, Tây Nguyên), tính tới thời điểm hiện nay, chưa có DN triển khai dịch vụ TDPS truyền hình số mặt đất trên phạm vi khu vực. Để đảm bảo tiến độ thực hiện số hóa truyền hình mặt đất, ông Hoan đề nghị các đơn vị, DN TDPS và các địa phương cần phối hợp thực hiện một số giải pháp: Phủ sóng truyền hình số mặt đất các kênh chương trình truyền hình thiết yếu của Trung ương và địa phương.

Để thực hiện TDPS kênh chương trình truyền hình thiết yếu của địa phương trên sóng truyền hình số mặt đất cần xem xét 4 khả năng: Thành lập mới DN TDPS phạm vi khu vực, sử dụng các kênh tần số ưu tiên của khu vực để triển khai dịch vụ trên toàn khu vực; DN TDPS khu vực hiện có mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ, sử dụng các kênh tần số ưu tiên cho khu vực để triển khai dịch vụ trên toàn khu vực; DN TDPS khu vực hiện có triển khai dịch vụ TDPS cho từng tỉnh, sử dụng kênh tần số khu vực; DN và đơn vị TDPS triển khai dịch vụ cho từng tỉnh, sử dụng tần số hiện có của DN, đơn vị.

Tại Hội thảo, nhiều đại biểu từ các Đài PTTH địa phương đã bày tỏ băn khoăn về chi phí cho TDPS do nguồn kinh phí của các Đài hạn hẹp, việc lựa chọn DN TDPS. Các đài PTTH vùng miền núi khó khăn như Lào Cai, Điện Biên, Sơn La… cho rằng cần kết hợp TDPS số mặt đất và vệ tinh. Cụ thể, TDPS số mặt đất ở thị trấn, đồng bằng và phát vệ tinh ở khu vực vùng núi của địa bàn.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm phát biểu

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Phan Tâm đã nhấn mạnh Đề án số hóa truyền hình VN đã đi được hơn nửa chặng đường. Với nỗ lực của tất cả các bên, đặc biệt của các Đài PTTH địa phương đã đạt được các kết quả ban đầu rất đáng khích lệ là hơn một nửa dân số Việt Nam đã được hưởng tiện ích của số hóa truyền hình. Các nước trong khu vực và các tổ chức quốc tế đã đánh giá cao những thành công của Việt Nam trong thực hiện số hóa. Nhưng trong 3 năm tới từ nay đến năm 2020 sẽ còn có nhiều thách thức hơn vì các địa phương triển khai số hóa sắp tới đều khó khăn về kinh tế, địa hình để triển khai phủ sóng số hiệu quả. Theo đó, việc triển khai số hóa truyền hình thành công dựa vào 3 yếu tố: chọn hạ tầng truyền dân, kinh phí cho TDPS và lựa chọn DN nào để TDPS.

Thứ trưởng Phan Tâm nhận định việc lựa chọn giải pháp TDPS tùy thuộc vào kinh tế, kỹ thuật của từng địa phương nên khó có thể đưa ra giải pháp chung cho tất cả các địa phương. Vì thế, phải kết hợp một cách hài hòa truyền hình số mặt đất và vệ tinh. Theo Quy hoạch dịch vụ PTTH quốc gia đến năm 2020, thị trường truyền hình số mặt đất vẫn chiếm tỷ trọng lớn ở Việt Nam với khoảng 30%, nên vẫn phải quan tâm thích đáng hạ tầng TDPS số mặt đất.

Về việc lựa chọn hạ tầng truyền dẫn, Nhà nước không ấn định một giải pháp cụ thể nào. Nhà nước chỉ quan tâm kết quả cuối cùng cùng của Đề án số hóa là tắt truyền hình analog vào 31/12/2019. Và vào thời điểm đó người dân đang xem truyền hình tương tự tiếp tục được xem truyền hình số, đặc biệt người nghèo, cận nghèo có thể nhận được thiết bị đầu cuối số để được xem truyền hình số.

Để hỗ trợ cho các đài PTTH địa phương trong giải quyết các khó khăn, Thứ trưởng Phan Tâm chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ, Cục Tần số VTĐ, PTTH&TTĐT, Vụ Tài chính phải có hướng dẫn mang tính phương pháp luận để các đài PTTH địa phương có thể lựa chọn mô hình TDPS nào hiệu quả nhất. Các đơn vị của Bộ phải đặt vào một tình huống cụ thể là một địa phương để tính toán các yếu tố kinh tế, kỹ thuật nhằm đưa ra một lựa chọn phù hợp.

Về lựa chọn DN TDPS, Thứ trưởng nhận định khó có giải pháp trọn vẹn cho tất cả địa phương. Lựa chọn nào cũng có ưu nhược điểm. Bộ tiếp tục nghiên cứu xem xét các giải pháp điều hành để các tổ chức, DN TDPS thực hiện TDPS có chi phí thấp hơn nữa. DN TDPS phải xem xét lại cái đơn giá TDPS và cố gắng căn cứ theo các yêu cầu cụ thể của địa phương để đưa ra đơn giá phù hợp hơn. DN tính bài toán cung cấp dịch vụ lâu dài, thời gian khấu hao 5 – 7 năm vì phục vụ xã hội. Về khía cạnh này, Cục Tần số xem xét lại 4 mô hình nhằm giảm bớt các sự lựa chọn để phù hợp hơn cho địa phương.

Đối với địa phương khi xem xét lựa chọn DN TDPS phải xem xét trên góc độ tổng thể và lâu dài hơn. Các đơn vị của Bộ phải phối hợp chặt chẽ hơn với các đài địa phương để tìm kiếm các giải pháp tháo gỡ khó khăn.

Cuối cùng, Thứ trưởng Phan Tâm khẳng định quyết tâm của Bộ đẩy nhanh hơn nữa lộ trình số hóa vì lợi ích chung của ngành Truyền hình. Trong đó, các Đài địa phương cần chia sẻ, đồng hành cùng với Bộ để cụ thể hóa các lợi ích của số hóa mang lại; các đơn vị thuộc Bộ phải tích cực đi thực tế hơn nữa, làm việc sâu với các Đài PTTH địa phương để tháo gỡ khó khăn cho các Đài.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Quyết tâm đẩy nhanh lộ trình số hóa truyền hình tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO