Sách lý luận, chính trị, pháp luật dạng số - xu hướng và giải pháp thu hút giới trẻ

04/09/2022 14:00
Theo dõi ICTVietnam trên

Thế kỷ XXI - kỷ nguyên công nghệ số, cùng với sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ, sự xuất hiện của các nền tảng mạng xã cùng các phương tiện nghe nhìn thông minh, tiện lợi và ngày càng nhỏ gọn (máy tính bảng, điện thoại smartphone, máy đọc sách chuyên dụng...) cũng như sự bùng nổ của mạng lưới Internet toàn cầu, việc đọc sách nói chung và sách chính trị, lý luận, pháp luật nói riêng dưới dạng sách điện tử thay vì "đọc sách giấy" ngày càng trở nên phổ biến.

Điều này đem đến một triển vọng tốt nhiều thuận lợi, tiết kiệm được không gian và thời gian cho độc giả, đặc biệt là độc giả trẻ. Xu hướng này phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước "tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin trên Internet" (1) trong đó có xuất bản sách điện tử.

Tại văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta đã nhấn mạnh cần phải "tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại phù hợp với thực tiễn Việt Nam, đồng thời chủ động nâng cao sức đề kháng của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên đối với các văn hóa phẩm ngoại lai độc hại; từng bước đưa văn hóa Việt Nam đến với thế giới" (2). Để hiện thực hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước, việc đánh giá thực trạng đọc sách lý luận, chính trị, pháp luật dưới dạng sách số của giới trẻ, từ đó đưa ra một số đề xuất nhằm tăng cường nhu cầu đọc loại sách này của giới trẻ hiện nay là việc cần thiết.

Sách lý luận, chính trị, pháp luật dưới dạng sách số - giầu tiềm năng thu hút độc giả trẻ

Có thể khẳng định một lần nữa, trong thời đại bùng nổ thông tin và sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, con người dần thay đổi phương thức tiếp nhận thông tin. Cuộc cách mạng điện tử với những tiện ích thông minh, hiện đại, phần mềm ứng dụng phong phú đã làm thay đổi diện mạo, dần "số hóa" những cuốn sách truyền thống. Điều này tạo nên những thuận lợi cũng như những hạn chế nhất định.

Để nắm được nét cơ bản về thực trạng đọc sách nói chung và đọc sách lý luận, chính trị, pháp luật nói riêng của giới trẻ, vừa qua, tác giả và các cộng sự đã tiến hành một cuộc khảo sát chọn mẫu đối với một nhóm học sinh, sinh viên, người đi làm từ 18-22 tuổi đại diện cho 3 miền Bắc, Trung, Nam. Kết quả điều tra cho thấy:

Thứ nhất, giới trẻ đã quan tâm nhiều hơn tới sách lý luận, chính trị, pháp luật.

Số lượng độc giả đã từng đọc ít nhất 1 quyển đạt đến 54,7% tuy nhiên, số bạn trẻ thực sự hứng thú (đã từng đọc trên 10 cuốn) còn rất khiêm tốn, chỉ chiếm 8%.

Sách lý luận, chính trị, pháp luật dạng số - xu hướng và giải pháp thu hút giới trẻ - Ảnh 1.

Biểu đồ: Số lượng đầu sách lý luận, chính trị, pháp luật độc giả đã đọc.

Thứ hai, tần suất đọc sách lý luận, chính trị, pháp luật còn thưa, không thường xuyên.

Mặc dù giới trẻ đã quan tâm nhiều hơn tới sách lý luận, chính trị, pháp luật nhưng khi được hỏi về tần suất tương tác với thể loại sách này thì câu trả lời "không thường xuyên" và "rất ít" chiếm tỉ lệ rất cao (gần 60%).

Mức độ đọc sách lý luận, chính trị, pháp luật thường xuyên đến rất thường xuyên chỉ chiếm tỷ lệ 17,4%. Một trong các nguyên nhân của vấn đề này là vì sách lý luận chính trị có nội dung khá "khô khan", lượng kiến thức mảng sách này thể hiện thường mang tính chuyên môn cao nên không thu hút, hấp dẫn giới trẻ (28% người được hỏi trả lời ít đọc vì lý do này).

Bên cạnh đó, tình trạng đọc nhanh, đọc ngắn, đọc sách mỏng là một trong những tiêu chí được người đọc trẻ đang hướng đến và lựa chọn, vậy nên khi chạm vào một vấn đề gì đó liên quan đến lý luận, chính trị, pháp luật, độc giả trẻ mới "vội vàng" tìm kiếm và giải quyết vấn đề đó chứ chưa chủ động tìm hiểu toàn bộ cuốn sách.

Thứ ba, giới trẻ đã nhận thức và đánh giá cao mức độ quan trọng của những cuốn sách lý luận, chính trị, pháp luật.

Mặc dù số lượng độc giả đọc sách lý luận, chính trị, pháp luật ở mức độ thường xuyên không cao, nhưng có gần 80% đối tượng khảo sát đánh giá những cuốn sách lý luận, chính trị, pháp luật mình đã đọc là quan trọng hoặc rất quan trọng (42,7% cho là quan trọng, 35,7% cho là rất quan trọng). Bởi lẽ sách lý luận, chính trị là công cụ tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước một cách trực tiếp, sâu rộng trong mọi tầng lớp quần chúng nhân dân. Bằng cách xuất bản, phát hành các văn kiện Đảng, văn bản pháp luật, công tác xuất bản giúp độc giả tiếp cận trực tiếp với đường lối, chính sách của Đảng. Bên cạnh đó, xuất bản cũng cho ra đời các cuốn sách giải thích, bình luận đường lối, chính sách, pháp luật để đường lối, chính sách thâm nhập vào quần chúng được dễ dàng, trực tiếp nâng cao tri thức chính trị của đông đảo bạn đọc.

Thứ tư, nội dung (chứ không phải tác giả) là yếu tố chính thu hút giới trẻ tìm đọc sách lý luận, chính trị, pháp luật.

Khi được hỏi tiêu chí tìm đọc sách, có đến hơn 90% độc giả trả lời lựa chọn theo nội dung, chủ đề. Điều đó cho thấy độc giả ít quan tâm đến tác giả hay nhà xuất bản (NXB) nào sẽ xuất bản cuốn sách đó. Chỉ cần sách có nội dung hấp dẫn, phù hợp với nhu cầu của độc giả thì họ sẽ lựa chọn. Đây là thông tin để các NXB làm sách lý luận, chính trị, pháp luật cần lưu tâm để đầu tư tìm kiếm, khai thác các bản thảo có chất lượng mà không nhất định phải "chạy" theo tác giả nổi tiếng.

Điều đáng tiếc hiện nay là độc giả trẻ hầu như không quan tâm (chiếm đến 85%) truy cập và khai thác các cuốn sách điện tử lý luận, chính trị, pháp luật trên các trang web chuyên về mảng thể loại này (ví dụ: chỉ có 15% độc giả được khảo sát trả lời đã đọc sách trên Stbook.vn). Thực trạng này cho thấy độc giả trẻ chưa được phổ biến thông tin về các website lưu trữ các cuốn sách điện tử chuyên về mảng sách lý luận, chính trị, pháp luật.

Thứ năm, sách số và Internet làm tăng khả năng tiếp cận với sách lý luận, chính trị, pháp luật của giới trẻ.

Hầu hết độc giả được khảo sát đều nhận thức được rằng, những cuốn sách mà họ đã đọc đều quan trọng hoặc rất quan trọng đối với họ, giúp họ nâng cao sự hiểu biết, ý thức, trách nhiệm và chuyên môn của bản thân (57%). Và việc tiếp cận, cập nhật kiến thức một cách nhanh chóng này chính là nhờ Internet (71,9% số người khảo sát), cụ thể là sách số.

Hiện nay, rất nhiều sách về lĩnh vực lý luận, chính trị, pháp luật đã được số hóa, được xuất bản dưới dạng sách điện tử. Với ưu thế của những người trẻ, có thể dễ dàng sở hữu những cuốn sách điện tử với giá 0 đồng chỉ trong chớp mắt, hoặc có thể mua một cuốn sách hay với giá chỉ bằng một nửa giá sách in trong khi những độc giả lựa chọn hình thức "đọc sách giấy" sẽ mất thời gian và công sức đi mua.

Cùng với đó, hiện nay, nhiều phần mềm hỗ trợ đọc sách điện tử ra đời với công cụ lưu trữ, đánh dấu, ghi chú tiện ích, giao diện đẹp; sách điện tử cũng được tích hợp nhiều thành phần đa phương tiện như video: âm thanh, âm nhạc, hình ảnh... càng thu hút đông đảo người sử dụng. Trung bình cứ mỗi người có một thiết bị di động thông minh là có ít nhất một phần mềm đọc sách, lưu trữ những cuốn sách yêu thích đã được "số hóa". Phương thức đọc sách hiện đại tạo nên sự kết nối từ sách in đến sách điện tử, từ văn hóa đọc sách giấy chuyển dịch sang văn hóa đọc sách số.

Bên cạnh đó, việc đọc và thưởng thức tác phẩm cũng có nhiều thay đổi dễ nhận thấy, đó là sự tương tác qua lại giữa người đọc và sách dưới hình thức điện tử. Việc đọc sách sẽ đem đến nhiều trải nghiệm mới với việc thưởng thức các thành phần đa phương tiện được tích hợp trong sách điện tử; đồng thời là khả năng tra cứu tức thời các nội dung quan tâm, đánh dấu những nội dung cần lưu ý hoặc người đọc cũng có khả năng dễ dàng đối chiếu nội dung với những phần mở rộng (ngoài nội dung chính của sách) được tích hợp ngay trong cuốn sách điện tử.

Hơn thế nữa, sự tương tác, trao đổi thông tin, ý kiến nhận xét, đánh giá về một tác phẩm giữa bạn đọc với nhau hoặc giữa bạn đọc với tác giả, bạn đọc với NXB có thể được thực hiện ngay trên chính giao diện đọc sách của thiết bị mà không phải email hay điện thoại hoặc bất kỳ hình thức nào khác… Đọc sách dưới dạng sách số sẽ khiến các bạn trẻ hào hứng hơn đối với mảng sách vẫn được cho là khô khan, khó đọc như sách lý luận, chính trị, pháp luật.

Hạn chế của công tác xuất bản sách lý luận, chính trị, pháp luật dưới dạng sách số và nguyên nhân

Từ kết quả khảo sát nhóm độc giả trẻ, tác giả cùng các cộng sự nghiên cứu về việc xuất bản sách và nhận thấy công tác xuất bản sách lý luận, chính trị, pháp luật dưới dạng số còn hạn chế là số lượng NXB xuất bản sách điện tử xuất bản còn chưa như mong đợi.

Theo báo cáo năm 2020 của Cục Xuất bản - In - Phát hành, đến tháng 12/2020 có 9 đơn vị được cấp phép (chiếm 15% tổng số NXB), đến tháng 7/2021 có tổng số 15 đơn vị được cấp phép (gồm 11 NXB và 4 đơn vị phát hành điện tử) trên tổng số 57 NXB cùng gần 300 đơn vị tham gia vào hoạt động liên kết xuất bản trên cả nước.

Tuy nhiên, những năm qua số lượng sách điện tử (ebook) xuất bản cũng không được như mong đợi, thậm chí đang bị sụt giảm, trái với xu thế phát triển chung của thế giới. Giai đoạn 2012 - 2013 ebook phát triển khá nhanh, nhưng từ năm 2016 lượng đề tài đăng ký dần suy giảm. Số đầu sách (tên sách) điện tử trên thị trường giảm sút: năm 2016 số ebook đăng ký gần 1.900 tên sách, thì đến năm 2019, chỉ có 5 NXB có khả năng xuất bản điện tử với gần 2400 tên sách được đăng ký; và đến năm 2020, số đầu sách ebook giảm xuống còn 2.000. Đây là hiện tượng đi trái với xu hướng chung của thế giới, cũng như nhu cầu bạn đọc.

Thực trạng trên là do một số nguyên nhân chính như sau.

Thứ nhất, sách giấy vẫn còn nhiều ưu thế

Với những thuận lợi của đọc sách điện tử không có nghĩa là việc "đọc sách giấy" đang đánh mất dần vị trí trong đời sống xã hội. Nói một cách công bằng, sách truyền thống vẫn có những ưu thế tuyệt vời bởi ngoài đặc tính vật chất, giá trị văn hóa, sách còn có những đặc tính tinh thần. Bên cạnh những bìa sách, những họa tiết trang trí ấn tượng người đọc ngay từ cảm giác ban đầu thì những tri thức chứa đựng bên trong những cuốn sách giấy mới thực sự là suối nguồn mạnh mẽ thu hút và tưới mát tâm hồn cũng như trí tưởng tượng của người đọc.

Do vậy, dù các phương thức sách điện tử có phát triển mạnh mẽ đến đâu, sự kết nối của mạng Internet có phổ biến đến đâu thì việc "đọc sách giấy" vẫn tạo được dấu ấn trong thời đại truyền thông số. Đặc biệt, đối với mảng sách lý luận, chính trị, pháp luật – lĩnh vực không phải là đọc để thưởng thức nhẹ nhàng, dễ hiểu nên bạn đọc hầu như chỉ dùng để tra cứu, tìm hiểu để phục vụ một mục đích nào đó như giảng dạy, nghiên cứu, học tập… (kết quả khảo sát cũng thể hiện rõ điều đó).

Trong khi việc đọc sách truyền thống tạo cho người đọc một tâm trí thoải mái, suy ngẫm và thẩm thấu những giá trị tri thức từ sách, thì việc đọc sách điện tử sẽ khiến bạn dễ dàng bị thu hút bởi những thông báo, tin nhắn, cuộc gọi hoặc thông tin quảng cáo hay thông tin từ các mạng xã hội và khiến bạn quên rằng mình đang đọc sách. Như vậy lượng kiến thức thu nạp được trong quá trình đọc sách không hiệu quả, sự phân tâm bởi nhiều lý do về hình ảnh, âm thanh khác sẽ khiến việc lưu giữ thông tin trong não bộ của độc giả không được lâu bền, có thể gây nên hiện tượng những "bộ não" chỉ đọc cho có chứ không vận dụng trí tưởng tượng, sự suy ngẫm, khó tạo ra được giá trị về mặt nhận thức.

Khi sử dụng sách điện tử với tần suất liên tục, độc giả thường đối mặt với nguy cơ dễ mỏi mắt vì phải nhìn màn hình các thiết bị điện tử trong một thời gian dài, đầu óc căng thẳng, đặc biệt khi các thiết bị dần được thu nhỏ, trong khi sách in có thể giúp tránh được những ảnh hưởng đó.

Trong khi những kho sách điện tử tạo cho độc giả mang tâm lý dễ dàng sở hữu những cuốn sách "số hóa" mà vô hình trung không hiểu được giá trị và nhạt dần đi sự nâng niu, trân trọng nội dung cuốn sách mà mình sở hữu thì việc sưu tầm từng cuốn sách in được mua từ số tiền bạn để dành hoặc kiếm được, dành chút thời gian rảnh rỗi tới hiệu sách ngắm nghía, lựa chọn, thưởng thức từng trang sách và mùi hương của cuốn sách chắc chắn các độc giả, đặc biệt là các độc giả trẻ sẽ hiểu hơn giá trị tinh thần mà mỗi cuốn sách truyền thống mang đến, từ đó thêm trân trọng thành quả mà mỗi tác giả và các NXB, các công ty sách đã dành hết tâm huyết và nhiệt thành biên soạn, xuất bản và phát hành.

Thứ hai, còn nhiều vướng mắc về quy định pháp lý cho công tác xuất bản điện tử.

Số lượng ebook còn hạn chế là do hoạt động xuất bản điện tử ở nước ta còn nhiều vướng mắc về quy định pháp lý để đáp ứng đủ điều kiện cấp phép đăng ký, phát hành XBP điện tử; điều kiện, năng lực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT); vi phạm bản quyền tác phẩm (thông tin thừa/thiếu chính xác, xuyên tạc; sách lậu bán phá giá; chia sẻ, phát tán thông tin mà không được sự cho phép; website vi phạm bản quyền). Chính vì vậy, đến nay một số nền tảng về sách điện tử còn quá ít để đáp ứng nhu cầu của độc giả nói chung và bạn đọc trẻ nói riêng, như Ebook365.vn, Waka.vn, Vinabook reader,…

Bên cạnh đó, hoạt động nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn là nguồn cung cấp bản thảo quan trọng cho xuất bản sách lý luận chính trị hiện nay chưa theo kịp với yêu cầu của cuộc sống. Công tác nghiên cứu lý luận trong những năm qua tuy đã đạt được một số thành tựu, nhưng còn nhiều bất cập so với đòi hỏi của thực tế. Hơn nữa vẫn còn tình trạng nghiên cứu lý luận thuần tuý, mang tính sách vở, học đường, thuyết minh, giảng giải những nguyên lý có sẵn một cách giản đơn, công thức, thiếu tính thuyết phục. Tình hình trên phần nào tác động trực tiếp tới nhu cầu đọc sách lý luận, chính trị, pháp luật nói chung và đọc dưới dạng sách số nói riêng trong thời gian qua.

Thứ ba, chính sách đầu tư, khuyến khích của Nhà nước đối với hoạt động xuất bản sách lý luận, chính trị, pháp luật còn hạn chế.

Hiện nay, chính sách đầu tư, khuyến khích của Nhà nước đối với hoạt động xuất bản nói chung, trong đó có xuất bản sách lý luận, chính trị - xã hội còn chưa nhiều. Do chưa có sự đầu tư về thời gian, nhân lực, tài chính, cơ chế phát hành nên sách lý luận, chính trị, pháp luật còn thiếu các đề tài hay, có giá trị. Điều này dẫn đến chưa thu hút được sự quan tâm của bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ đối với thể loại sách này.

Thứ tư, chưa có chiến lược cho việc phát triển văn hóa đọc.

Tại Việt Nam chưa hình thành và xây dựng được chiến lược cụ thể và lâu dài cho việc phát triển văn hóa đọc nói chung và văn hóa đọc sách lý luận, chính trị, pháp luật nói riêng.

Việc phát triển CNTT tạo điều kiện tốt cho việc đọc và hình thành các phương thức đọc mới góp phần vào sự phân hóa thị hiếu đọc của công chúng. Việc đọc sách chủ yếu rơi vào các nhóm độc giả là học sinh - sinh viên, nhà nghiên cứu làm việc trong môi trường có liên quan đến sách vở, tri thức, còn nhóm độc giả là những người đi làm ngoài ngành ít có cơ hội đọc sách. Nhóm người đọc ở thành thị chiếm tỷ lệ cao so với nhóm người đọc ở miền núi và nông thôn. Khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa ít có thói quen đọc sách vì điều kiện sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Sách lý luận, chính trị, pháp luật dạng số - xu hướng và giải pháp thu hút giới trẻ - Ảnh 2.

(Hình minh họa)

Một số đề xuất thúc đẩy nhu cầu đọc sách lý luận, chính trị, pháp luật dưới dạng sách số cho giới trẻ

Với chức năng, nhiệm vụ của từng NXB được giao, cùng với việc từng bước nghiên cứu về xuất bản điện tử cho thấy việc xuất bản sách điện tử phục vụ bạn đọc nói chung và bạn đọc trẻ nói riêng là rất cần thiết. Tuy nhiên, để thúc đẩy được văn hóa đọc của giới trẻ đọc sách dưới dạng số thì không chỉ cần sự nỗ lực của các NXB trong việc nghiên cứu từng cấp độ sách điện tử, tiêu chí sách điện tử, yêu cầu đặc thù với mảng sách lý luận, chính trị, pháp luật, mà còn cần các cơ quan quản lý Nhà nước về xuất bản phải tạo ra một hành lang pháp lý thông thoáng hơn. Một số đề xuất thúc đẩy cụ thể như sau:

Thứ nhất, về hành lang pháp lý và đầu tư

Cần đơn giản hóa thủ tục hành chính trong việc đăng ký xuất bản và phát hành, lưu chiểu sách điện tử, yêu cầu về cơ sở hạ tầng (theo quy định tại Điều 17 Nghị định 195/2013/NĐ-CP). Một số yêu cầu về nhân lực, điều kiện trang thiết bị phục vụ xuất bản sách điện tử cũng cần giảm bớt. Ví dụ như nhân lực chỉ cần được đào tạo đại học về CNTT không khắt khe về thâm niên công tác, trình độ vận hành, quản lý thiết bị, giải pháp kỹ thuật… Nhà nước cần giải quyết tình trạng vi phạm bản quyền để đảm bảo tính nguyên vẹn của nội dung số, xác thực nguồn gốc nội dung (truy vết online, offline), quản lý được số lượng sách bán ra. Có như vậy, các đơn vị làm xuất bản điện tử mới cạnh tranh, tăng doanh thu (tăng số lượng bạn đọc, tăng số lượng view, subscriber,..); tạo sự chủ động trong khả năng tiếp cận bạn đọc, được độc giả đón nhận.

Cùng với đó, Nhà nước cần xem xét đầu tư hạ tầng dùng chung cho các NXB tham gia xuất bản điện tử.

Thứ hai, về việc xây dựng các cấp độ sách điện tử

Việc nắm rõ các cấp độ sách điện tử sẽ giúp các NXB xây dựng các sản phẩm sách điện tử phù hợp với nhu cầu, thị hiếu và khả năng sử dụng công nghệ của từng nhóm độc giả, trong đó có độc giả trẻ. Đây là yếu tố quan trọng để tạo sự hấp dẫn, thu hút độc giả đọc sách, trải nghiệm và nắm bắt nhanh nội dung của sách. Các cấp độ được đề xuất như sau:

- Cấp độ 1: Sách điện tử đơn giản; nội dung sách chủ yếu là text, có thể có thêm hình ảnh tĩnh liền với nội dung như trình bày trong sách in. Sách thường được xem ở dạng lật trang, trượt trang hoặc cuộn trang thông thường. Sách ở cấp độ này thường có các định dạng: pdf, epub, mobi, prc, lit,...

- Cấp độ 2: Sách điện tử có thêm phần minh họa là các dữ liệu hình ảnh, âm thanh, video, biểu đồ được nhúng (embed) vào sách làm phong phú hơn so với các sách điện tử chỉ có dữ liệu tĩnh hoàn toàn.

- Cấp độ 3: Sách điện tử có tính năng cho phép người đọc có sự tương tác qua lại giữa người đọc sách và nội dung sách. Ví dụ người đọc trả lời câu hỏi và sách tự chấm điểm, hoặc người đọc nhập dữ liệu và sách tự tính toán ra kết quả.

- Cấp độ 4: Sách điện tử có cấu trúc dữ liệu được tổ chức phức tạp, dữ liệu lớn, khi xem phải cài đặt như phần mềm. Giao diện sách được tổ chức với cấu trúc menu nhiều cấp. Ví dụ các sách được tạo bởi các công cụ lập trình Web (html), Flash, và một số công cụ lập trình khác.

Thứ ba, xây dựng các tiêu chí đánh giá, lựa chọn đề tài

Bên cạnh quan tâm tới các cấp độ sách điện tử, phương tiện, thiết bị thể hiện, chất lượng nội dung sách là vấn đề cốt yếu mà bất kỳ NXB nào cũng cần đặc biệt quan tâm, nhất là đối với mảng sách lý luận, chính trị, pháp luật. Bởi vậy, sách nói chung và sách lý luận, chính trị, pháp luật nói riêng cần đảm bảo các tiêu chí đánh giá chung và tiêu chí cụ thể với mảng sách lý luận, chính trị, pháp luật như sau:

- Tiêu chí chung của những tên sách được đánh giá sách hay là: Sách có chất lượng cao, có tính nghệ thuật, tính tư tưởng, tính khoa học, giá trị giáo dục, văn hóa và sự hấp dẫn của xuất bản phẩm. Nội dung sách phải có tác dụng tích cực trong việc nâng cao dân trí, phát triển văn hóa, xây dựng nền tảng tư tưởng, thế giới quan, nhân sinh quan cách mạng và khoa học của xã hội, xây dựng đạo đức, lối sống, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, hình thành xã hội học tập.

- Tiêu chí cụ thể: (1) Tính lý luận: có luận cứ khoa học sâu sắc, chặt chẽ, đóng góp quan trọng cho kho tàng lý luận của Đảng và Nhà nước về con đường phát triển của đất nước và tư tưởng đổi mới. (2) Tính chính trị: tuyên truyền mục tiêu, lý tưởng cách mạng, cổ vũ, động viên những nhân tố mới, tổng kết thực tiễn, phổ biến kinh nghiệm, điển hình tiên tiến, phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội. (3) Tính thực tiễn: đề xuất được những vấn đề làm cơ sở cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Thay lời kết

Cho dù xã hội phát triển đến đâu thì việc đọc sách vẫn được đặc biệt coi trọng, đó là nhu cầu tinh thần cần thiết. Bởi sách với người đọc luôn vĩnh cửu, trường tồn với thời gian, nó là sự kết nối với truyền thống và hiện đại, giải trí và thẩm mĩ, nhận thức và giáo dục đối với công chúng nói chung và giới trẻ nói riêng. Giới trẻ là đối tượng nghiên cứu đặc thù, học tập và hoạt động trong môi trường giáo dục ở trình độ cao.

Để thu hút được sự quan tâm, đọc sách lý luận, chính trị, pháp luật dưới dạng tài liệu số, các NXB cần có chiến lược đầu tư dài hạn về đề tài, nội dung, hình thức thể hiện hiện đại, phù hợp với tâm lý của giới trẻ. Điều đó, rất cần sự giúp đỡ, phối hợp từ nhiều cấp ngành, nhất là trong cơ chế kinh tế thị trường để có phương hướng xuất bản sách lý luận, chính trị, pháp luật dưới dạng sách số một cách đồng bộ, chọn lọc, hợp lý… góp phần phát triển và gìn giữ văn hóa đọc ở Việt Nam trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã được gần một thập niên./.

Tài liệu tham khảo:

1. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021

2. Chỉ thị 44/CT-TW ngày 16/4/2020 của Ban Bí thư về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành và nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị.

3. Báo cáo tổng kết công tác xuất bản - in - phát hành năm 2020, phương hướng năm 2021 của Cục Xuất bản - In - Phát hành.

4. Trần Chí Đạt (2019): Đọc sách trong thời đại truyền thông số ở Việt Nam, Tạp chí Lý luận chính trị và truyền thông, số 4-2019.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 8 tháng 8/2022)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Sách lý luận, chính trị, pháp luật dạng số - xu hướng và giải pháp thu hút giới trẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO