Sách trong không gian tư duy của tôi

Lưu Hương| 19/04/2021 10:15
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo năm tháng, những ý niệm ấy có thể thay đổi và cách chúng ta đọc lại những cuốn sách đó, xem lại bộ phim đó, nghe lại bản nhạc đó cũng không giống như trước nữa, nhưng những hồi quang trong trẻo của tuổi niên thiếu thì vẫn còn đó.

Từ những ý niệm đầu đời…

Có một ngày, khi từ trường học về, con gái tôi đã thảng thốt kêu lên từ cửa: "Mẹ... Giáo sư Snape chết rồi!". Giáo sư Snape là nhân vật trong cuốn sách và bộ phim nổi tiếng mà con gái tôi cũng như bao nhiêu đứa trẻ khác trên thế giới vô cùng yêu thích: Harry Potter (của J.K.Rowling). Tuổi thơ của tôi không có Harry Potter mà chỉ có cô bé Maruxia (Maruxia đi học của Yevgeny Shvarts) và cậu bé Timua (Timua và đồng đội của Arkady Gaydar), chị phụ trách Haiga (Lều số 13 của Benno Pludra), cậu bé Enrico (Những tấm lòng cao cả của Edmondo De Amicis)... 

Khi Harry Porter ra đời, tôi không còn ở cái tuổi có thể tin vào những điều giả tưởng trong thế giới fantasy đó nữa. Tôi chỉ đọc cuốn truyện đó để có thể trò chuyện với con mình về những điều nó quan tâm, thích thú, để có thể hình dung được cái không gian của những câu chuyện đã nuôi dưỡng tâm hồn tuổi thơ của con. Giờ con gái tôi đã là thiếu nữ 16 tuổi, nhưng nghe giọng con thảng thốt khi biết tin Giáo sư Snape mất, rồi ôm lấy mẹ và khóc, tôi bỗng nhận ra con vẫn là cô bé con ngày nào háo hức chờ từng tập tiếp theo của câu chuyện về cậu bé Harry và trường phù thuỷ Hogwarts. Và cô bé ấy vừa phải từ biệt một người bạn thân thiết trong thế giới tuổi thơ của nó!

Sách trong không gian tư duy của tôi - Ảnh 1.

Tuổi thơ của tôi không có Harry Potter

 Ký ức đầu tiên của tôi về sách là khi được bố dẫn đến thư viện nơi bố làm việc. Sau khi để tôi lại đó, bố yên tâm quay về phòng làm việc, và sau này ông nói với mẹ: không đâu giữ bọn trẻ ngồi yên tốt bằng một cái thư viện. Ở nhà, bố cũng đóng cho tôi một cái giá sách nhỏ bằng gỗ, treo trên tường ngay trước bàn học của tôi. Vào thời bao cấp khốn khó, đến thức ăn còn thiếu thốn, nói gì đến chuyện mua sách. Vì thế, cái giá sách của tôi ngày đó chỉ có lèo tèo vài cuốn: "Timua và đồng đội"; "Lều số 13"; "Hiệp đầu 0-1" (của Adam Bahdaj); "Cuộc phiêu lưu của Nils Holgersson" (của Selma Lagerlof); "Dế mèn phiêu lưu ký" (của Tô Hoài)... 

Chắc hẳn là nhiều cô bé thuộc thế hệ chúng tôi ngày ấy đã từng mơ mộng được ngồi sau chiếc mô-tô của anh chàng Timua và lao đi trong ánh đèn pha giữa đêm tối hun hút: "Giê-nhia, ngồi lên xe! Bám cho chặt vào. Thẳng hướng Mátxcơva, nào tiến lên thôi!". Còn tôi, cứ mỗi khi đi trên những con đường hun hút trong đêm là lại nghĩ đến Timua và cô bạn Giênhia. Hình ảnh đó đã trở thành ký ức chung của những thế hệ lớn lên trong những thập niên 70-80. Nói như nhà văn Pháp Jules Renard, mọi thứ chúng ta đọc đều như hạt giống nảy mầm. 

Bây giờ, mỗi khi nghe tiếng ngỗng trời là tôi lại nhớ đến "Cuộc phiêu lưu của Nils Holgersson". Lần đầu tiên tôi biết đến sông Nil là qua cuốn truyện này. Những giấc mơ bay có lẽ được dẫn dụ từ những câu chuyện như thế: từ chiếc thảm bay trong Ludmila và Ruslan đến cuộc phiêu lưu của cậu bé tí hon và chú ngỗng trời, và những câu chuyện trong "Ngàn lẻ một đêm"... Chỉ là tiếng kêu líu ríu của mấy chú ngỗng cũng khiến lòng tôi êm ả và lại tiếp tục mơ về những chuyến đi.

Rõ ràng, những hạt mầm được gieo vào trí óc trẻ thơ vẫn nằm yên ở đó, và chúng nuôi dưỡng trí tưởng tượng của chúng ta, cho chúng ta biết rằng những đứa trẻ trong mỗi chúng ta chưa bao giờ rời đi. Khi tôi lớn hơn một chút, chiếc giá sách của tôi cũng nhiều sách hơn, trong đó có những cuốn sách được in trên giấy đen nhẻm mà tôi mua bằng tiền ăn sáng dành dụm được: "Câu chuyện tình yêu" (Love Story) của Erich Segal, "Tiếng chim hót trong bụi mận gai" (The Thorn Birds) của Colleen McCullough, "tập truyện ngắn" của O.Henry, "thơ tình Pushkin", "Chiến tranh và hòa bình" của Lev Tolstoi, "Ruồi trâu" của Ethel Lilian Voynich… Có lẽ, những ý niệm đầu đời của chúng ta về cuộc sống, tình yêu, tình bạn, chiến tranh, sự sống, cái chết... bắt đầu được định hình một phần là từ những cuốn sách, bộ phim, bản nhạc... mà chúng ta đọc và xem từ thuở thiếu thời. 

Theo năm tháng, những ý niệm ấy có thể thay đổi và cách chúng ta đọc lại những cuốn sách đó, xem lại bộ phim đó, nghe lại bản nhạc đó cũng không giống như trước nữa, nhưng những hồi quang trong trẻo của tuổi niên thiếu thì vẫn còn đó. Có những cuốn sách gắn liền với một thế hệ và đến một lúc nào đó, khi đọc lại những cuốn sách này, họ dường như đang nghe lại những hồi quang trong ký ức. Câu chuyện tình yêu của Erich Segal, và cùng với nó là bộ phim cùng tên của Arthur Hiller với bản nhạc nổi tiếng Love Story, chắc hẳn là những ký ức và âm vang tuyệt đẹp của những thế hệ lớn lên trong những thập niên 80-90. Sự chia sẻ ký ức tập thể này cho thấy chức năng của sách trong việc làm tăng cảm giác thuộc về một nền văn hóa và sự gắn kết xã hội xung quanh các giá trị chung được chia sẻ của một cộng đồng. Có lẽ vì thế mà nhà văn Mỹ Ray Bradbury cho rằng, "bạn không cần phải đốt những cuốn sách để phá hủy một nền văn hóa. Chỉ cần khiến mọi người dừng đọc sách mà thôi". 

…đến không gian tư duy tự do 

Một người bạn của tôi đã làm một cuộc "khảo sát bỏ túi" với chủ đề: các tác giả có ảnh hưởng nhiều nhất đến cuộc sống, tư duy của bạn. Phạm vi của cuộc khảo sát này bó hẹp trong Friend List của bạn ấy trên Facebook. Có một câu hỏi được đặt ra cho bạn tôi: 

Bạn của chúng ta đọc những cuốn sách nào thì có ảnh hưởng gì đến cái không gian mà bạn đang sống? Bạn tôi giải thích: Một danh sách những tác giả đã ảnh hưởng ít nhiều đến những người bạn của chúng ta sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về không gian mà mình đang sống. Nói cách khác, không gian tư duy của bạn góp phần định hình nên không gian tư duy của tôi. Trong lời tựa của tác phẩm Chuông nguyện hồn ai, Ernest Hemingway trích nguyên văn bài thơ của John Donne, một nhà thơ lớn của Anh, trong đó có đoạn: Không ai là một hòn đảo Hoàn toàn chỉ riêng mình 

Mỗi người là một mẩu của lục địa Một mảnh của đại dương. Nếu một hòn đất bị biển khơi lấy mất Châu Âu sẽ nhỏ hơn. Và cũng vậy, nếu đó là một dải đất; Nếu đó là thái ấp của anh Hay của bạn của anh. Mỗi cái chết đều khiến tôi hao hụt Bởi tôi là một phần của loài người. Cho nên đừng hỏi Chuông nguyện hồn ai, Nguyện hồn anh đấy… (Bản dịch của Vũ Hoàng Linh) Có thể diễn giải bài thơ của Donne như sau: Không có gì hiện hữu một cách tự thân, mọi sự vật và con người chỉ có thể được xác định và hiện hữu trong mối liên hệ cùng nhau. Chúng ta chỉ tồn tại trong quan hệ với những người khác, và trong mối quan hệ tương hỗ này, những ý tưởng của chúng ta đến từ sự tương tác trong quan hệ bạn và tạo nên không gian tư duy của mỗi người.

Sách trong không gian tư duy của tôi - Ảnh 2.

Khi bạn đọc một cuốn sách, bạn đang đối thoại với tác giả và với chính bạn

Có câu nói rằng, hãy cho tôi biết bạn của bạn là ai, tôi sẽ nói bạn là người thế nào. Tương tự vậy, có thể nói, hãy cho tôi xem những gì bạn đọc, tôi sẽ hình dung được không gian tư duy của bạn. Để hiểu không gian tư duy của một người, chúng ta cần biết họ đã đọc những cuốn sách nào, đang quan tâm đào bới những vấn đề gì… Khi bạn đọc một cuốn sách, bạn đang đối thoại với tác giả và với chính bạn. Tất nhiên, bạn có thể trò chuyện một mình với cuốn sách, như cách bạn vẫn tự trò chuyện với chính mình. Nhưng để chia sẻ và lan tỏa các ý tưởng, bạn cần những người thích đọc sách và có khả năng nói về chúng. Đây có lẽ chính là lý do mà người bạn của tôi muốn tạo dựng một không gian tư duy được phát triển từ việc chia sẻ niềm đam mê đọc sách của bạn ấy, và việc làm một cuộc khảo sát trong nhóm bạn bè trên mạng xã hội giúp bạn ấy có thể lựa chọn một danh sách bạn bè có chung sở thích cũng như kiến thức nền tảng về việc đọc. 

Trong cuốn "Đọc sách như một nghệ thuật" (How to read a book), các tác giả Mortimer J. Adler và Charles Van Doren cho rằng, một cuộc trò chuyện thú vị đòi hỏi những người tham gia trò chuyện phải cùng một hệ quy chiếu. Để giao tiếp, chúng ta cần một nền tảng chung để bắt đầu. Những thất bại của chúng ta trong giao tiếp là do thiếu một "cộng đồng ý tưởng" ban đầu cũng như khả năng nói và lắng nghe. Chính vì điều này, tác giả đã không chỉ đưa ra phương pháp đọc sách, mà còn gợi ý về việc tạo dựng không gian bạn bè để có thể chia sẻ những cuốn sách hay. Khi đọc những cuốn sách hay, bạn sẽ muốn có những người bạn cùng thảo luận về chúng, và bạn không cần phải tìm những người bạn mới nếu bạn có thể thuyết phục những người bạn cũ cùng đọc với bạn. 

Và "nhổ neo khỏi bến đỗ an toàn…" 

Trong cuốn "Về việc đọc" (On Reading), Marcel Proust cho rằng, "một trong những đặc điểm kỳ diệu của những cuốn sách hay (và là một trong những đặc điểm giúp chúng ta hiểu được cùng lúc vai trò thiết yếu và hạn chế mà việc đọc sách đem lại trong đời sống tinh thần của chúng ta): đối với tác giả, chúng có thể được gọi là "kết luận", nhưng đối với người đọc, đó lại là "sự kích hoạt". Chúng ta thật sự cảm thấy rằng sự hiểu biết của chúng ta bắt đầu từ nơi mà sự thông tuệ của tác giả kết thúc, và chúng ta trông đợi tác giả đưa ra những câu trả lời, trong khi tất cả những gì tác giả có thể làm là cho chúng ta những ước vọng…". 

Sự kích hoạt của việc đọc sách chính là làm phát triển tư duy sáng tạo của người đọc, đưa họ ra khỏi lối tư duy quen thuộc để khám phá thế giới, khám phá bản thân, nuôi dưỡng ước mơ và khát vọng. "Istanbul, hồi ức và thành phố" (Istanbul: Memories and the City) của Orhan Pamuk; "Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn" của Mark Twain; "Tôi, Charley và hành trình nước Mỹ" (Travels with Charley in Search on America) của John Steinbeck; "Xuyên Mỹ" của Phan Việt… là những cuốn sách đã "kích hoạt" tôi như thế. Giấc mơ Istanbul thành hình ngay khi tôi đọc những trang đầu tiên trong "Istanbul, hồi ức và thành phố" - một cuốn sách khiến "ngay cả những người chưa từng đặt chân tới Istanbul cũng sẽ thấy con người mình biến chuyển". 

Tôi bị ám ảnh bởi vẻ đẹp của sự điêu tàn trong những trang sách của Pamuk. Tôi mơ được lang thang trên các con phố vắng lát đá vỉa hè ở Istanbul, đứng trên ngọn đồi cao ngó xuống vịnh Bosphorus, đi qua những thánh đường hoang tàn đổ nát... Sự quyến rũ của Istanbul có lẽ là bởi thành phố này ôm ấp trong nó quá nhiều ký ức và hoài niệm. Một địa danh khác cũng gợi nên những giấc mơ như thế, đó là sông Mississippi. Địa danh này luôn gợi nhớ trong tôi hình ảnh cậu bé Huck cùng người nô lệ da đen Jim trên chiếc bè trôi dọc sông Mississippi để tìm đến cuộc sống tự do trong "Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn". Với lối kể chuyện hài hước, Mark Twain đã gieo vào trí óc thơ ấu của tôi ý niệm về tự do và tình bạn - một tình bạn được xây dựng trên nền tảng của sự khác biệt. 

Bây giờ, ở tuổi trưởng thành, đọc lại tác phẩm của Mark Twain, tôi nhận ra ý thức về "sự nhổ neo" trong tôi đã được khơi gợi từ những tháng ngày thơ ấu. Và cái tâm thức "đi hoang", chuyển dịch của tôi có lẽ bắt đầu được nhen nhóm từ những câu văn truyền cảm hứng, những câu văn đã trở thành slogan cho nhiều thế hệ người đọc của Mark Twain: "Hai mươi năm về sau bạn sẽ hối hận về những gì bạn không làm hơn là những gì bạn làm. Vậy nên hãy tháo dây, nhổ neo ra khỏi bến đỗ an toàn. Hãy để cánh buồm của bạn đón trọn lấy gió. Thám hiểm. Mơ mộng. Khám phá". Trong cuốn "Tôi, Charley và hành trình nước Mỹ", John Steinbeck viết: "Không phải chúng ta làm nên các cuộc hành trình mà là các cuộc hành trình làm nên chúng ta". 

Cuốn sách của Steinbeck đã khiến tôi nhận ra, tri thức và vốn sống hình thành từ những trải nghiệm trên đường, những chuyến đi giúp chúng ta hiểu hơn về một vùng đất, một xứ sở, một cộng đồng: từ lịch sử - văn hoá, tập quán đến trang phục, ẩm thực, lối sống... Nếu cứ ngồi yên một chỗ từ ngày nọ qua tháng kia, thì cái gì sẽ làm nên chúng ta? Steinbeck đã thôi thúc tôi làm cuộc hành trình nước Mỹ. Và cuộc hành trình đó đã làm thay đổi rất nhiều ý niệm của tôi về nước Mỹ, về cuộc sống. Những trải nghiệm thực tế mà tôi có được trong những ngày rong ruổi từ bờ Đông sang bờ Tây đã giúp tôi cảm nhận một lớp ngữ nghĩa khác sâu hơn, rõ ràng hơn về con người và văn hóa Mỹ khi đọc lại cuốn sách của Steinbeck. 

Theo Marcel Proust, đọc không chỉ là thu gom kiến thức, nó là một hoạt động tinh thần thực sự, là phương tiện để chuyển đổi và vượt lên trên bản thân. Khi đọc những tác giả vĩ đại, chúng ta không chỉ học hỏi được những ý tưởng tuyệt vời mà còn được truyền cảm hứng mạnh mẽ từ họ. Những cuốn sách hay giống như những người bạn tâm giao, họ xuất hiện trong cuộc đời chúng ta để mở những cánh cửa hoặc vén lên cho chúng ta thấy những tầng sâu khác trong bản thân mỗi chúng ta. 

Với tôi, đó là những cuốn sách của Fyodor Dostoievxky, Milan Kundera, Albert Camus, Franz Kafka, Nikos Kazantzaki, Orhan Pamuk… Các nhà văn này đã mổ xẻ tài tình những tình huống hiện sinh trong sự tồn tại của con người, đặt ra các câu hỏi về tình yêu, bản thể và sự cô đơn, cái chết, đức tin… Sách của họ không chỉ dừng lại ở mô tả hiện tượng hay xúc cảm, mà còn diễn đạt các ý niệm trừu tượng. "Anh em nhà Karamazov" của Dostoievxky; "Đời nhẹ khôn kham" của Milan Kundera; "Nơi lưu đày và vương quốc" của Albert Camus; "Hóa thân" của F.Kafka; "Alexi Zorbe, con người hoan lạc" của Nikos Kazantzaki… đã tạo nên những ý niệm trừu tượng, phát triển tư duy triết học nơi người đọc, ở một tầng nấc cao hơn, chúng giúp chúng ta hình thành ý thức tự thân về căn cước cá nhân của mình, hiểu mình là ai, mình đang hướng tới điều gì. Những cuốn sách này đã tạo nên nền tảng triết học trong nhận thức của tôi. 

Thời còn đi học, rất nhiều người, trong đó có tôi, chịu ảnh hưởng từ tư duy hiện sinh của các nhà văn: J.P.Sartre, Miller, Faulkner, Kafka, Camus… Tác phẩm của họ trở thành kinh điển trong tư duy phương Tây thế kỷ trước. Trong nền tảng tư duy của các tác giả hiện sinh, ta không tìm thấy ở họ cái ý chí vươn tới sự vĩnh cửu, cao thượng. Tất cả chỉ dừng lại ở sự quẩn quanh, bế tắc, loay hoay. Con người hiện đại ngày nay cũng đang loay hoay với sự xung đột muôn thuở giữa "cái hữu hạn của cuộc sống và cái vô hạn của ý chí vươn tới".

Trong quá trình loay hoay đó, chúng ta nhận ra có rất nhiều vấn đề phải quan tâm như: nền tảng luân lý và tư duy, khả năng chịu đựng nỗi đau, vai trò của xúc cảm... Đây là một hành trình tìm kiếm riêng biệt mà không ai giúp được chúng ta. Albert Camus và các nhà văn cùng thời với ông cũng chỉ có thể kể vài câu chuyện riêng của họ để chúng ta đối chiếu và soi rọi vào mình. Ở tuổi trưởng thành, đọc lại các tác phẩm hiện sinh, tôi nhận thức được sự ngắn ngủi của đời người và không để mình lạc vào ma trận của những suy tư quẩn quanh, bế tắc nữa. Tương tự vậy, với cách đọc sách ngày trước, tôi không nhận thấy ở Dostoievsky những điều mà tôi nhận ra bây giờ.

Đọc sách có lẽ cũng giống như hành trình đưa ta đến trước một ngã rẽ - đôi khi là ngã rẽ phủ nhận chính mình để bước sang một hành trình hoàn toàn khác. Có một tác giả cũng đặt tôi trước ngã rẽ khi đọc tác phẩm của chị. Đó là Phan Việt. Biết đến Phan Việt từ cuốn "Tiếng người", rồi sau đó là "Nước Mỹ, nước Mỹ", nhưng phải đến "Một mình ở châu Âu" và "Xuyên Mỹ" thì tôi mới thực sự thấy thích tác giả này. Lý do yêu thích là bởi những câu chuyện của Phan Việt được tạo dựng trên nền tảng của những ý tưởng, và một trong những ý tưởng đẹp đẽ là ý tưởng về việc lựa chọn một nơi nào đó để có thể sống hết ý chí và xúc cảm của mình một cách có ý nghĩa.

Phan Việt không nói nhiều về giấc mơ, nhưng đâu đó trong những trang viết của chị, ta vẫn thấy giấc mơ hiển hiện, thấp thoáng, đặc biệt là giấc mơ đầu đời về một chân trời khác ở bên ngoài cái thị xã bé nhỏ - nơi cô sinh ra và lớn lên: "Tôi nhớ những khi tàu qua, những khuôn mặt ngồi bên cửa sổ tàu nhìn chúng tôi với con mắt xa lạ trở thành một ấn tượng khó quên về những cuộc sống ở đâu đó khác bên ngoài thị xã này,… họ cũng gợi mở về những chân trời khác...". Có rất nhiều đứa trẻ được sinh ra và lớn lên ở một thị trấn hay làng quê nghèo khó, nhiều đứa cả đời đã không đi ra khỏi ngôi làng của mình, có những đứa may mắn hơn đã nhận thấy, hoặc được ai đó chỉ cho thấy, bên ngoài ngôi làng của mình còn là một thế giới khác rộng lớn hơn, và cái ước muốn đi ra ngoài được khơi lên từ sự nhận biết non nớt đầu đời đó. Sách của Phan Việt có vẻ đẹp của độc thoại nội tâm, vừa mạnh mẽ vừa yếu đuối và hoang mang.

Đọc Phan Việt, tôi nhận thấy sự giằng néo và xung đột nào cũng gây tan hoang và đau đớn, nhất là khi nó nhằm phủ định những ý niệm và giá trị đã tạo ra con người mình. Những ý niệm và giá trị của trong những cuốn sách mà ta đã đọc đầu đời đã phần nào ảnh hưởng đến, nếu không muốn nói là tạo dựng nên, không gian tư duy thời thơ ấu của chúng ta. Để phá vỡ và mở rộng cái không gian tư duy đã được tạo dựng đó, tôi cũng từng chới với và hoang mang. Các cuốn sách của Phan Việt đã chỉ ra thêm một chiều kích của không gian tư duy và cảm xúc mà tôi thấy mình trong đó. Phan Việt có khả năng đánh động tâm thức độc giả, nhất là độc giả nữ, khiến họ phải quay lại đối diện chính mình. Những trải nghiệm và biến cố trong cuộc đời giúp chúng ta mạnh lên, chúng thậm chí còn phá vỡ "thành trì ý niệm" của chúng ta về con người, cuộc sống và về chính bản thân mình. Phá vỡ cũng là cách để chúng ta được dỡ tung ra thành từng mảnh nhỏ, rồi sau đó ghép lại thành một thực thể hoàn hảo và chắc chắn hơn. Phá vỡ ý niệm về chính mình chỉ là một cách nói khác của việc rời khỏi bến đỗ an toàn và trở thành một con người khác!

(Bài báo đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số đặc biệt chào mừng ngày Sách Việt Nam 21/4/2021)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Sách trong không gian tư duy của tôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO