Sàn TMĐT tạo bước ngoặt cho hộ nông dân tiêu thụ sản phẩm OCOP

Hoàng Linh| 18/08/2022 15:12
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong thời gian qua, bưu điện các tỉnh, thành phố đã tích cực đẩy mạnh công tác truyền thông, kết hợp với các sở ban ngành địa phương triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP nhằm nâng tầm giá trị chất lượng nông sản, thúc đẩy phát triển nông nghiệp của các tỉnh/thành phố.

Sự chuyển biến rõ rệt trong khâu tiêu thụ sản phẩm

TạiSơn La, măng trúc muối ớt - sản phẩm có giá thành hợp lý, giản dị trong tất cả các mặt hàng nông sản đang được bán trên sàn thươngmại điện tử (TMĐT) Postmart, nhưng để nâng giá trị sản phẩm, hợptác xã (HTX) trên địa bàn huyện Bắc Yên đã phải liên kết xây dựng nhà xưởng, đầu tư trang thiết bị chuyên dụng, đào tạo, tập huấn quy trình chế biến măng muối ớt cho các thành viên. Năm 2019, sản phẩm măng trúc muối ớt Háng Đồng tham gia chương trình OCOP của tỉnh và được đưa lên sàn TMĐT Postmart vào giữa năm 2021. Đến nay, đây là một trong những sản phẩm được khách hàng ưa chuộng, qua đó góp phần tăng thu nhập cho người nông dân.

Anh Thào A Tráng, thành viên HTX trên địa bàn huyện Bắc Yên cho biết: "Khi đưa sản phẩm măng trúc muối ớt Háng Đồng lên sàn TMĐT Postmart, chúng tôi thấy có sự chuyển biến rõ rệt trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Có nhiều khách hàng ở các địa phương khác trên cả nước gọi điện đặt hàng. Đây là phương tiện truyền thông, thông tin đến người tiêu dùng nhanh, gọn gàng, chính xác nhất. Trên sàn TMĐT Postmart, người tiêu dùng biết rõ quy trình sản xuất, thông tin về sản phẩm, chứng nhận của Nhà nước về sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm từ đó tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong cả nước. Tôi thấy đây là lợi thế rất lớn khi đưa sản phẩm lên sàn TMĐT".

Sàn TMĐT tạo bước ngoặt cho hộ nông dân tiêu thụ sản phẩm OCOP - Ảnh 1.

Sản phẩm OCOP măng trúc muối ớt của Sơn La trên sàn TMĐT Postmart

Với sự tư vấn của các sở ngành địa phương cùng sự vào cuộc quyết liệt với nhiều phương thức mới giúp đỡ các hộ sản xuất kinh doanh nông sản tham gia giao thương trên môi trường số của bưu điện, đến nay, toàn tỉnh Sơn La đã có 86 sản phẩm OCOP được giới thiệu trên sàn TMĐT Postmart trong đó đa phần là các sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên như măng trúc muối ớt Háng Đồng, trà mây xanh, xoài sấy dẻo…

Các sản phẩm sau khi lên sàn TMĐT Postmart, mức giao thương và tiêu thụ hàng hóa tăng ít nhất 20%, đồng thời hướng đến mục tiêu xuất khẩu một số nông sản đặc trưng như xoài Yên Châu, chè San Tuyết…

Tiếp cận với môi trường kinh doanh số với đa số người nông dân vẫn còn khá mới lạ và gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai. Vì vậy, Bưu điện tỉnh Sơn La đã cử cán bộ trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn kỹ năng tham gia hoạt động trên môi trường số; đăng ký tài khoản để đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn TMĐT; phổ biến những quy định về hàng hóa theo cam kết, bảo đảm nông sản an toàn chất lượng khi đến tay người tiêu dùng; hỗ trợ người nông dân quảng bá, giới thiệu, xây dựng thương hiệu và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên sàn TMĐT.

Sàn TMĐT tạo bước ngoặt cho hộ nông dân tiêu thụ sản phẩm OCOP - Ảnh 2.

Nhân viên Bưu điện hướng dẫn các hộ sản xuất cách thức đưa các sản phẩm lên sàn TMĐT

Bà Nguyễn Thị Huệ, Trưởng phòng Kinh doanh Bưu điện tỉnh Sơn La, khó khăn nhất đối với người nông dân chính thói quen kinh doanh theo phương thức truyền thống, "ngại" tiếp cận, cập nhật những phương thức kinh doanh mới đặc biệt trên môi trường số. Bưu điện tỉnh Sơn La đã, đang và sẽ đồng hành cùng các hộ nông dân và HTX để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP của tỉnh nhà trên sàn TMĐT.

"Chúng tôi cố gắng đảm bảo cho các hộ sản xuất chưa nắm bắt được công nghệ thông tin cũng có thể làm được và làm một cách thuận tiện khi đưa sản phẩm lên sàn TMĐT", bà Huệ chia sẻ.

Sản phẩm OCOP hành, tỏi Lý Sơn được lựa chọn và tiêu thụ mạnh

Thời gian qua, dưới sự hỗ trợ của bưu điện tỉnh, nhiều hộ sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Quảng Ngãi đã tích cực đưa nông sản, nhất là sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP lên sàn TMĐT Postmart để mở rộng thị trường tiêu thụ. Đây là hướng đi mới, góp phần ổn định giá cả, hạn chế sự phụ thuộc vào thương lái, đồng thời từng bước xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng nông sản.

Trước năm 2021, anh Lê Cường có 3 cửa hàng kinh doanh đặc sản tỏi Lý Sơn, chủ yếu tiếp cận người dùng trong khu vực và du khách. Nhưng cao điểm đợt dịch bùng phát năm 2021, anh buộc đóng tất cả cửa hàng, phần vì kinh doanh giảm sút trong khi vẫn phải chịu phí thuê mặt bằng, nhân sự; phần để đảm bảo an toàn sức khoẻ. Nhưng anh Cường không ngờ, quyết định này lại trở thành một bước ngoặt đưa anh đến với một phương thức tiêu thụ tỏi hoàn toàn mới - đó là bán hàng thông qua sàn TMĐT.

Sàn TMĐT tạo bước ngoặt cho hộ nông dân tiêu thụ sản phẩm OCOP - Ảnh 3.

Tỏi Lý Sơn được giới thiệu trên sàn TMĐT Postmart

Để bắt đầu, anh Cường chọn sàn TMĐT Postmart.vn của Bưu điện Việt Nam. Do được đội ngũ vận hành sàn cũng như chuyên viên của Bưu điện tỉnh Quảng Ngãi hướng dẫn chi tiết nên anh Cường gần như không gặp phải những vấn đề khó khăn nào khi đưa sản phẩm lên sàn TMĐT. Nhờ chuyển đổi cách thức làm, công việc kinh doanh của anh khởi sắc đáng kể so với cách bán hàng trước kia.

Đặc biệt, trong những ngày diễn ra các chương trình kích cầu mua sắm với nhiều ưu đãi của sàn TMĐT Postmart như các ngày 7/7, 8/8 vừa qua hoặc sắp tới là ngày 9/9, doanh thu gian hàng của anh Cường luôn tăng gấp 3 đến 4 lần ngày thường. "Nhờ hỗ trợ từ sàn, ưu đãi hấp dẫn, voucher tích luỹ, mã giảm giá, giao hàng miễn phí trong các dịp khuyến mãi mà doanh thu của tôi tăng cao. Tôi thấy may mắn bởi đã tiếp cận đúng thời điểm với sàn TMĐT Postmart và đã đi đúng đường", anh Cường chiasẻ.

Đi đúng hướng, lựa chọn đúng đường đi, sau gần 1 năm mở gian hàng trên sàn Postmart.vn, cơ sở kinh doanh mật ong rừng Sơn Tây đã đạt tăng hơn 30% doanh thu so với trước. Trung bình mỗi tháng cơ sở tiêu thụ hơn 200 lít mật ong, trong đó gần 30% doanh thu đến từ sàn TMĐT.

Bà Thu Huyền, chủ cơ sở kinh doanh cho biết: "Thời buổi bùng nổ công nghệ thông tin, các doanh nghiệp muốn phát triển sản phẩm của mình thì phải đưa thông tin sản phẩm của mình lên đa kênh, bán hàng trực tiếp trên sàn TMĐT như Postmart. Nhờ sàn TMĐT, tôi đã đưa được thông tin sản phẩm đến người tiêu dùng và bán rất tốt trên sàn TMĐT".

Điểm khác biệt khi kinh doanh trên sàn TMĐT là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có thể chủ động giới thiệu, quảng bá và đưa thông tin đầy đủ, chi tiết về sản phẩm OCOP và những sản phẩm đặc sản vùng miền trong tỉnh đến với người tiêu dùng trong nước. Người tiêu dùng có thể tìm hiểu, nắm rõ những thông tin về sản phẩm và yên tâm tin tưởng lựa chọn.

Tính đến nay, Quảng Ngãi đã đưa 2.706 sản phẩm nông sản và đặc sản vùng miền trong đó có gần 20 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên lên sàn Postmart.vn. Hầu hết các sản phẩm đều tiêu thụ khá tốt. Riêng sản phẩm OCOP hành, tỏi Lý Sơn được nhiều người tiêu dùng trong nước lựa chọn và tiêu thụ khá mạnh. Vụ mùa tỏi năm 2021 đã có 35 tấn tiêu thụ trên sàn TMĐT Postmart.vn. Đặc biệt, trong năm nay, Bưu điện tỉnh Quảng Ngãi đã đặt mục tiêu, tiêu thụ ít nhất 45 tấn tỏi Lý Sơn.

Sàn TMĐT tạo bước ngoặt cho hộ nông dân tiêu thụ sản phẩm OCOP - Ảnh 4.

Khách hàng mua tỏi trực tiếp tại các điểm phục vụ của Bưu điện tỉnh Quảng Ngãi

Bà Phan Thị Hồng Minh, Giám đốc Bưu điện tỉnh Quảng Ngãi cho biết: "Ngành nông nghiệp và Bưu điện tỉnh đang phối hợp đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn giao dịch TMĐT Postmart.vn. Trong đó, mục tiêu năm 2022 sẽ đưa 61 sản phẩm đạt chuẩn OCOP của tỉnh và lựa chọn các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu khác lên sàn giao dịch điện tử. Phấn đấu tổng sản phẩm giao dịch sàn TMĐT đạt 2.000 sản phẩm/tháng. Bên cạnh đó, Bưu điện tỉnh cũng sẽ tạo ra các giải pháp toàn diện, chỉ dẫn cho người nông dân, mở đường cho hoạt động giao thương của người bán trở nên thuận lợi hơn, tránh tình trạng phụ thuộc hoàn toàn vào một số đơn vị hay phải qua nhiều khâu trung gian".

Xâydựng các chương trình kết nối tiêu thụ nông sản trên phạm vị toàn quốc

6 tháng đầu năm 2022, Tổngcông ty Bưu điện Việt Nam (BĐVN) cùng Hội Nông dân các tỉnh, thành phố đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, xây dựng và tổ chức các chương trình kết nối tiêu thụ nông sản trên phạm vị toàn quốc thông qua sàn TMĐT Postmart và điểm bán hàng của hai bên. Kết quả, hơn 1.000 tấn nông sản đã được tiêu thụ thông qua 420 chương trình kết nối giữa 2 đơn vị.

Đặc biệt, festival trái cây và sản phẩm OCOP diễn ra tại Sơn La là điểm nhấn đáng chú ý với sự tham gia của 63 gian hàng số của 63 tỉnh/thành phố trên sàn Postmart giới thiệu hơn 1.400 sản phẩm nông sản và sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương.

Tính đến cuối tháng 6/2022, 2 đơn vị cũng đã phát triển được hơn 3.000 cộng tác viên - đại lý của BĐVN thông qua các Hội Nông dân tỉnh/thành phố. Bên cạnh đó, BĐVN và Hội Nông dân các tỉnh, thành phố đã phối hợp tổ chức 1.564 hội nghị tập huấn, hướng dẫn đưa nông sản lên sàn TMĐT và truyền thông về chuyển đổi số (CĐS). Ngoài ra, các địa phương cũng tổ chức nhiều chương trình truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội với hàng trăm bài viết, tiếp cận tới hàng triệu khách hàng.

Đánh giá quá trình triển khai trong giai đoạn vừa qua, ông Nguyễn Kiên Cường, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty BĐVN ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà 2 đơn vị đã đạt được. Tuy nhiên để hoàn thành được mục tiêu đưa 2,9 triệu hộ nông dân lên sàn TMĐT Postmart cũng như các chỉ tiêu khác, từ nay đến cuối năm,hai đơn vị sẽ tập trung triển khai đồng bộ và toàn diện các giải pháp trên toàn quốc.

"Hai đơn vị cần quyết liệt hơn nữa trong các kế hoạch triển khai, đồng thời phải có những hoạt động đổi mới phù hợp với tình hình thực tế tại từng địa phương. Các tỉnh nếu gặp vướng mắc phải nhanh chóng báo cáo về đơn vị để kịp thời khắc phục. Bên cạnh đó, hai đơn vị sẽ tiếp tục xây dựng, phát triển các mô hình đã triển khai hiệu quả trong thời gian qua, từ đó triển khai chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản an toàn; cung cấp các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ nông dân CĐS, đưa nông sản lên sàn", Phó Tổng giám đốc Nguyễn Kiên Cường cho biết thêm.

Phó Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt NamNguyễn Xuân Định cho biết: "Để phối hợp thực hiện tốt kế hoạch 6 tháng cuối năm 2022. Đề nghị, Hội Nông dân các tỉnh thành phố phối hợp hiệu quả với bưu điện các tỉnh, thành phố thực hiện và chủ động hơn nữa trong các hoạt động như phối hợp rà soát, cập nhật thông tin hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cũng như triển khai đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực sử dụng công nghệ cho các hộ nông dân để từ đó chủ động hơn trong việc giao thương trên sàn TMĐT"./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Sàn TMĐT tạo bước ngoặt cho hộ nông dân tiêu thụ sản phẩm OCOP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO