Sẽ đưa thanh toán số tới 26 triệu dân Việt Nam

Minh Thiện| 26/06/2019 16:54
Theo dõi ICTVietnam trên

Từ nay tới năm 2025, Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel đặt hai mục tiêu trọng tâm lớn: Có 26 triệu khách hàng trên hệ sinh thái; phát triển 600.000 điểm chấp nhận thanh toán và cung cấp dịch vụ

Ngày 26/6/2019, tại Hà Nội, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) chính thức ra mắt thành viên thứ 8 của mình: Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel (Digital Viettel). Sự ra đời của Tổng Công ty nhằm tạo nền móng cho quá trình chuyển dịch số, thực hiện chiến lược phát triển của Viettel trong giai đoạn mới - giai đoạn Kiến tạo xã hội số. Tham dự Lễ ra mắt có đại diện Lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin Truyền thông và đại diện các Ban, ngành liên quan cùng đông đảo đối tác của Viettel.

Phát biểu tại buổi Lễ ra mắt, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, quyền Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết: Tổng công ty Dịch vụ số Viettel được thành lập nhằm cung cấp các giải pháp quan trọng nhất cho toàn bộ hệ sinh thái số là: Thanh toán số và các dịch vụ tài chính số, tiến tới thương mại điện tử trên nền thanh toán số. Thanh toán số (với hạt nhân là mobile money) được coi là nền tảng quyết định để kiến trúc nền kinh tế số, là cơ sở để bùng nổ các dịch vụ số khác.

Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, quyền Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, phát biểu tại Lễ ra mắt Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel

Thiếu tướng Lê Đăng Dũng khẳng định: “Tổng công ty Dịch vụ số Viettel là mảnh ghép hoàn thiện cho hệ sinh thái số của Viettel, đóng vai trò then chốt trong chiến lược chuyển đổi số Viettel cũng như công cuộc xây dựng kinh tế số Việt Nam. Làn sóng công nghệ là cơ hội cho một doanh nghiệp (DN) bứt phá, phát triển bùng nổ, nhưng cũng có thể nhấn chìm bất cứ ai không sẵn sàng, không đón nhận. Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp cũng là cơ hội và thách thức đối với đất nước. Chuyển đổi số toàn diện chính là cơ hội để Việt Nam thu hẹp khoảng cách với thế giới tiên tiến”.

Thiếu tướng Lê Đăng Dũng kỳ vọng hạ tầng tài chính số - thương mại số sẽ giúp kết nối DN với DN và DN với người dân.

Các vị đại biểu, khách mời đến từ các Bộ, Ngành và đối tác của Viettel

Các sản phẩm chủ đạo của Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel sẽ thực hiện bao gồm:

Lĩnh vực Tài chính số: Kiện toàn hệ sinh thái và ngân hàng số ViettelPay, ViettelPay Pro, BankPlus, Cổng thanh toán, Dịch vụ thu chi hộ - trả lương; triển khai thí điểm Mobile Money.

Lĩnh vực Thương mại điện tử: Ứng dụng hệ sinh thái thanh toán số, tập trung đẩy mạnh giao thương giữa thành thị với nông thôn để giúp người dân mua thật – bán thật, sản phẩm từ nông trại đến tận tay người tiêu dùng

Lĩnh vực Dữ liệu điện tử: Tập trung hỗ trợ các DN triển khai Digital Marketing, Quảng cáo số dựa trên dữ liệu điện tử/ Big data để các mục tiêu tới đúng đối tượng, tiết kiệm và hiệu quả.

Ông Phạm Trung Kiên, Tổng Giám đốc Digital Viettel, cho biết:Với phương châm ở đâu có sóng viễn thông thì ở đó có hạ tầng và dịch vụ số, Viettel sẽ len lỏi vào từng ngõ ngách của cuộc sống, mang tới cho người dân mọi miền Tổ quốc nhiều tiện ích công nghệ hiện đại hơn, giá thành rẻ hơn, chất lượng tốt hơn. Từ nay tới 2025, Digital Viettel đặt hai mục tiêu trọng tâm lớn: Có 26 triệu khách hàng trên hệ sinh thái; phát triển 600.000 điểm chấp nhận thanh toán và cung cấp dịch vụ”. 

Ông Phạm Trung Kiên, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel, giới thiệu sứ mệnh và phương hướng hoạt động của Tổng Công ty trong giai đoạn tới

Chính thức ra mắt thị trường Việt Nam từ tháng 06/2018, ViettelPay nằm trong lộ trình phát triển hệ sinh thái thanh toán số, thương mại số, giao vận thông minh qua điện thoại di động của Viettel.

Chỉ sau 4 tháng, ViettelPay đã tạo ra một bước đột phá trong thị trường tài chính điện tử với hơn 2 triệu người dùng, 120.000 điểm giao dịch/ thanh toán phủ khắp 63 tỉnh thành, hoạt động 24/7, hỗ trợ tất cả các mạng di động và mọi dòng điện thoại kể cả điện thoại thông thường…

Giới thiệu và triển khai dịch vụ ViettelPay tại các trường Đại học

ViettelPay đang từng bước phổ cập tài chính điện tử quốc gia, giúp người dân mọi miền tổ quốc từ nông thôn đến thành thị đều có thể dễ dàng có được một dịch vụ tài chính đơn giản, an toàn, tiết kiệm trong cuộc sống. ViettelPay giúp người dân mọi miền của đất nước, kể cả ở vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo đều có thể sử dụng các dịch vụ chuyển tiền, thanh toán, cho vay ở mọi lúc, mọi nơi, mọi dòng điện thoại và tiết kiệm chi phí.

Viettel Pay, thanh toán bằng QRCode bắt đầu trở nên quen thuộc với đồng bào miền núi

Đại diện Tập đoàn cho rằng, sự ra đời của Viettel Pay có thể phổ cập dịch vụ thanh toán số và thương mại số như đã làm với dịch vụ di động trong hơn 10 năm qua. Việc sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán hàng hóa, dịch vụ có giá trị thấp sẽ phá bỏ mọi khoảng cách công nghệ, đưa dịch vụ “số” an toàn tới người dân khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa vốn có ít điều kiện tiếp cận với các dịch vụ tài chính truyền thống.

Trả chi phí bảo vệ môi trường rừng tại Sơn La bằng ứng dụng thanh toán số của Viettel

Lãnh đạo Tổng Công ty Dịch vụ số khẳng định sẽ hợp tác với các DN, cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để xây dựng nền tảng – hạ tầng số, kiến tạo một xã hội số không dùng tiền mặt.

Bên cạnh các sản phẩm cốt lõi như Giải pháp quản trị số - Nội dung số - Thương mại số thì Thanh toán số sẽ kiện toàn hệ sinh thái và đưa Viettel trở thành Tập đoàn Toàn cầu tiên phong kiến tạo xã hội số. Sau gần một thập kỷ chuẩn bị cho sự chuyển dịch; hạ tầng tài chính số – thương mại số với những sản phẩm cốt lõi như: hệ sinh thái Ngân hàng số ViettelPay, ViettelPay Pro, BankPlus, Cổng thanh toán, Dịch vụ thu chi hộ – trả lương… đã từng bước góp phần chuyển dịch nền kinh tế số với những con số ấn tượng.

Thiếu tướng Lê Đăng Dũng trao hoa chúc mừng đội ngũ lãnh đạo Tổng Công ty Dịch vụ số

Hiện các dịch vụ số của Viettel đã được triển khai ở 10 thị trường toàn thế giới: Peru, Campuchia, Lào, Haiti, Burundi, Đông Timor... Dịch vụ thanh toán số đã có 6 triệu thuê bao hoạt động trên cả điện thoại thông minh và điện thoại thông thường; hơn 30 triệu lượt giao dịch dòng tiền lên tới 50.000 tỷ đồng cùng 200.000 điểm giao dịch. Tại Việt Nam, dịch vụ này đã có mặt tại 63 tỉnh, thành phố và được phủ khắp 704 quận huyện, 11.000 phường xã.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Sẽ đưa thanh toán số tới 26 triệu dân Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO