Shark Dũng: Việt Nam sẽ sớm có những kỳ lân công nghệ mới
Theo Shark Dzung, mặc dù startup Việt Nam đã xuất hiện từ lâu nhưng mọi người vẫn thường lấy năm 2004 khi có sự xuất hiện của VNG và Quỹ đầu tư mạo hiểm IDG Ventures để làm cột mốc khi nói về khởi nghiệp, đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong khu vực Đông Nam Á, dù thời điểm năm 2004, Việt Nam đứng trước nhưng đã để cho Indonesia vượt qua về việc thu hút nguồn vốn đầu tư cho khởi nghiệp.

Theo ông Dzung, có 2 lý do để dẫn đến việc này, đầu tiên là do nền kinh tế Indonesia và quy mô dân số lớn nhất Đông Nam Á dẫn đến nền kinh tế số cũng phát triển nhanh, nên các startup có nhiều cơ hội phát triển nhanh chóng. Nguyên nhân thứ 2 vì quy mô nền kinh tế số lớn nên kéo theo sự gia nhập thị trường của các tập đoàn lớn trong và ngoài nước, xuất hiện nhiều startup và các nhà đầu tư gia nhập thị trường đặc biệt các nhà đầu tư tầm cỡ trên thế giới dẫn đến hệ sinh thái khởi nghiệp nhanh chóng hình thành và lượng vốn rủi ro (venture capital) đổ vào ngày càng nhiều thúc đẩy hệ sinh thái phát triển nhanh chóng.
"Khi nguồn lực lớn mạnh gây ra áp lực tăng trưởng nên các công ty khởi nghiệp Indonesia không chỉ cạnh tranh để chiếm lĩnh thị trường nội địa mà họ nhanh chóng đi ra ngoài để chiếm lĩnh thị trường và dễ dàng kêu gọi nhiều nguồn vốn hơn như Traveloka là một ví dụ", Shark Dzung chia sẻ.
Tuy nhiên, Shark Dzung cho rằng, hiện Indonesia đang có số lượng các kỳ lân công nghệ lớn hơn Việt Nam, khi mới chỉ có VNG. Chưa kể đến, nếu quan sát sẽ thấy từ năm 2018, những startup của Việt Nam gọi được những vòng vốn trên 100 triệu USD đã xuất hiện và ngày càng nhiều như Tiki, Momo, Vnpay, SCommerce...
"Tôi nghĩ trong số này sẽ xuất hiện những công ty kì lân và kéo theo hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam phát triển. Dù chính phủ đang có những chính sách trong việc thúc đẩy khởi nghiệp và nền kinh tế số nhưng cần có những chính sách mạnh mẽ, cụ thể và quyết liệt hơn để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư lớn vào Việt Nam", Shark Dzung chia sẻ thêm.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc Việt Nam sẽ sớm có thêm nhiều kỳ lần công nghệ không phải là không có cơ sở, khi có đầy đủ các yếu tố để biến điều đó thành sự thật - dân số đông, tỷ lệ người dùng smartphone cao, người dùng am hiểu, thích công nghệ, tăng trưởng kinh tế nhanh và nhân sự giỏi. Đó là chưa kể đến, dịch COVID-19 đã khiến người dùng Việt Nam đang có xu hướng thay đổi hành vi sử dụng Internet, smartphone khi quen dần với việc chuyển dịch từ sử dụng các dịch vụ offline sang online, từ học tập, thanh toán, ngân hàng, mua sắm...
Bên cạnh VNG (đạt danh hiệu kỳ lân vào năm 2016), Việt Nam chưa có startup công nghệ kỳ lân thứ hai. VNG mất tới 12 năm để đạt định giá 1 tỉ USD, song sự hiện diện của nó lại không đậm nét như Gojek hay Grab ở Đông Nam Á.
Chưa kể đến, chuyển đổi số, Make in Vietnam, công nghiệp 4.0 là những từ khoá được chính phủ nhắc đi nhắc lại bởi Việt Nam không muốn là người đi sau. Bên cạnh hình ảnh một quốc gia sản xuất, Việt Nam đang muốn tiến xa hơn và có chỗ đứng trong lĩnh vực công nghệ.
Đó cũng là lý do cho thấy dù ảnh hưởng bởi COVID-19 nhưng các quỹ đầu tư cũng như các startup đều lạc quan trong thời gian tới, khi dịch được kiểm soát tốt hơn.
COVID-19 khiến số thương vụvà tổng vốn đầu tư năm 2020 giảm. Tháng 10/2020, báo cáo của Quỹ đầu tư Do Ventures đã ghi nhận kỷ lục về đầu tư khởi nghiệp tại Việt Nam năm 2019. Cụ thể, năm 2019 thu hút được lượng vốn đầu tư kỷ lục 891 triệu USD với 123 thương vụ đầu tư, tăng gần gấp đôi so với năm 2018 (448 triệu USD với 60 thương vụ).
Trong đó, ngay từ đầu năm 2019, Ví điện tử Momo đã "nổ phát súng" đầu tiên với thương vụ gọi vốn Series C từ công ty quỹ toàn cầu Warburg Pincus. Mặc dù các điều khoản về tài chính của vòng gọi vốn không được công bố nhưng nhiều thông tin cho rằng con số đầu tư nằm trong khoảng 100 triệu USD, thời điểm đó là một trong những khoản đầu tư lớn nhất một startup Việt Nam gọi được trong một vòng đầu tư.

Còn thương vụ đầu tư kỷ lục nhất năm 2019 là thương vụ VNLIFE, công ty mẹ của VNPAY nhận 300 triệu USD từ SoftBank và GIC, trong đó quỹ Vision Fund của SoftBank có thể đã cam kết đầu tư 200 triệu USD, quỹ đầu tư quốc gia Singapore GIC cam kết rót 100 triệu USD. VNPAY là một trong những công ty trung gian thanh toán đang có thị phần tương đối lớn tại Việt Nam.
Bên cạnh đó là những thương vụ đầu tư khủng khác như Scommerce, công ty mẹ của các dịch vu logistic như Ahamove, Giao hàng nhanh... nhận 100 triệu USD từ Temasek Holdings; Tiki nhận 75 triệu USD đầu tư trong vòng gọi vốn dẫn dắt bởi Northstar Group; Sendo gọi thành công 61 triệu USD trong vòng Series C...
Tuy nhiên, sự xuất hiện của dịch COVID-19 đã thay đổi tất cả khi số lượng đầu tư và số vốn đầu tư trong 6 tháng đầu năm 2020 đã giảm mạnh. Báo cáo của Do Ventures cho thấy, số vốn đầu tư trong 6 tháng đầu năm 2020 chỉ còn ở mức 222 triệu USD với 40 thương vụ đầu tư, giảm khoảng 58 triệu USD so với cùng kì năm 2019. Tuy nhiên, báo cáo của Do Ventures cũng chi rõ, hầu hết những thương vụ có giá trị lớn đều đã được "chốt" trước khi dịch COVID-19 bùng nổ. Do đó, với việc hầu hết các chuyến bay quốc tế vẫn bị gián đoạn do COVID-19, số lượng thương vụ đầu tư của năm 2020 sẽ không có sự gia tăng đáng kể so với số lượng của 6 tháng đầu năm.
Trong số này, 21 thương vụ đầu tư có giá trị nhỏ (dưới 500.000 USD), số lượng thương vụ có số vốn đầu tư dưới 10 triệu USD giảm mạnh, chỉ còn 35 thương vụ (thấp hơn con số 54 thương vụ cùng kỳ năm 2019). Điểm sáng duy nhất so với 6 tháng đầu năm 2019 là việc gia tăng số thương vụ có giá trị hơn 10 triệu USD với 5 thương vụ đầu tư, trong đó 4 thương vụ dưới 50 triệu USD và 1 thương vụ trên 50 triệu USD.
Tuy nhiên, nếu như năm 2019 đánh dấu việc lần đầu tiên Việt Nam vượt qua Singapore về tổng số vốn đầu tư với 21% (nhiều hơn 3%), để đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, chỉ kém Indonesia với 54% tổng số vốn đầu tư thì sang năm 2020, Việt Nam đã tụt xuống vị trí thứ 3 với 5% số vốn, ngang với Thái Lan và kém xa so với Singapore (12%), Indonesia (chiếm 74% tổng số vốn đầu tư).
Đối với các lĩnh vực được đầu tư, báo cáo của Do Ventures khẳng định, nếu như trong năm 2019, bán lẻ và thanh toán điện tử là những lĩnh vực "béo bở" thì sang nửa đầu năm 2020, bán lẻ vẫn được các nhà đầu tư quan tâm, nhưng đã mở rộng sang những lĩnh vực khác như giáo dục, việc làm...
Lý giải cho sự ảnh hưởng của COVID-19 đến các startup Việt Nam, theo ông Nguyễn Mạnh Dũng (Shark Dzung), founder Quỹ đầu tư Do Ventures, trước đại dịch COVID-19, số lượng nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các công ty khởi nghiệp Việt Năm rất nhiều. Chính vì vậy khả năng để tiếp cận và huy động vốn của startup dễ dàng hơn, nhưng giờ thì ngược lại. "Khi cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu đang diễn ra làm cho nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái nên các nhà đầu tư, tập đoàn phải thận trọng hơn trong mỗi quyết định của mình", Shark Dzung chia sẻ.
Y tế, giáo dục, quản trị doanh nghiệp... là những lĩnh vực sẽ thu hút nhiều đầu tư
Báo cáo của Do Ventures khẳng định, nhiều năm qua, Việt Nam đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho tiêu dùng qua Internet, với tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng và lực lượng dân số trẻ yêu thích công nghệ. Các số liệu về tốc độ tăng trưởng kết nối Internet của Việt Nam giai đoạn 2016-2019 đều ở mức tương đương hoặc cao hơn so với trung bình các nước còn lại trong khu vực Đông Nam Á. Giá trị nền kinh tế Internet ước tính đạt mức 12 tỷ USD năm 2019 và dự kiến sẽ tăng lên 43 tỷ USD vào năm 2025, tức gần gấp 4 lần chỉ trong vòng 6 năm.
Điều thú vị là mô hình tăng trưởng này có nét tương quan với những gì đã xảy ra ở Indonesia giai đoạn 2009-2012, khi ở đó xuất hiện một loạt startup kỳ lân bao gồm Tokopedia, Bukalapak, Gojek và Traveloka. Người dân Việt Nam cũng ngày càng phụ thuộc vào các dịch vụ Internet cho hoạt động hằng ngày, từ mua bán, gọi xe, ăn uống đến giải trí, chăm sóc sức khỏe. Cùng với Indonesia, Việt Nam đang dẫn đầu khu vực về tổng giá trị hàng hóa của nền kinh tế Internet, chiếm hơn 5% GDP quốc gia vào năm 2019.

Giãn cách xã hội và những gián đoạn mạnh mẽ khác trong dịch COVID-19 đãkhiến người tiêu dùng sử dụng Internet nhiều hơn và gia tăng mức độ tin tưởng vào các dịch vụ trực tuyến. Th o một số hãng tài chính lớn trong nước, số lượng thiết bị di động giao dịch ngân hàng đã tăng gấp 3-5 lần trong vòng 6 tháng qua. Mua hàng trực tuyến và giao hàng tận nhà đã trở thành những hoạt động quen thuộc đối với người tiêu dùng trong thời kì bình thường mới. Có ít nhất từ 38-64% người tiêu dùng cho biết họ sẽ sử dụng các nền tảng trực tuyến nhiều hơn, ngay cả sau dịch COVID-19. Người dân không chỉ xem thương mại điện tử như một nền tảng để mua các mặt hàng có giá trị lớn như đồ điện tử giảm chi phí như trước kia, mà giờ đây họ càng sử dụng để mua sắm các mặt hàng thiết yếu hàng ngày như thực phẩm, quần áo, đồ đạc… một cách thường xuyên.
Bên cạnh đó, bối cảnh COVID-19 còn cải thiện niềm tin của người tiêu dùng trên nhiều lĩnh vực mới như giáo dục và chăm sóc sức khỏe trực tuyến.
Từ đó, báo cáo của Quỹ đầu tư Do Ventures cho rằng, rất có thể những thay đổi hành vi này trong dịch COVID-19 sẽ trở thành một thói quen vĩnh viễn và mang lại lợi ích tăng trưởng cho nền kinh tế Internet ở Việt Nam. Chính nhờ vậy, số công ty công nghệ nhảy vào các mảng trực tuyến như vận tải giao hàng, thanh toán hay thương mại đã tăng lên trong bối cảnh mới. Động thái này sẽ nâng tầm cạnh tranh giữa các doanh nghiệp công nghệ, hứa hẹn mang lại nhiều giá trị hơn cho người dùng. Shark Dũng cho rằng, trong năm 2020, các startup trong lĩnh vực y tế (MedTech), giáo dục (Edutech), giải trí, các giải pháp quản trị doanh nghiệp (Enterprise Solution)... vẫn sẽ nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Startup cần "thắt lưng buộc bụng" để sống sót qua giai đoạn khó khăn này
Báo cáo của Do Ventures khẳng định, năm 2019 còn đánh dấu kỷ lục về số lượng nhà đầu tư tham gia vào thị trường Việt Nam, lên tới 129 và chủ yếu đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore. Đến nửa đầu năm 2020, số lượng các nhà đầu tư hoạt động tích cực cũng xấp xỉ cùng kỳ 2019. Tuy nhiên, do lệnh hạn chế đi lại nên hầu hết các thương vụ trong giai đoạn này đều được thực hiện bởi nhà đầu tư trong nước hoặc quỹ nước ngoài có nhân sự tại Việt Nam.
Khảo sát của Do Ventures với 50 quỹ đầu tư đang hoạt động trong 6 thị trường chính ở khu vực Đông Nam Á (Việt Nam, Indonesia, Singapore, Malaysia, Philippines, Thái Lan) cho thấy, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn nhất trong 12 tháng tới, tiếp theo là Indonesia. Gần 80% các quỹ cho biết đã lên kế hoạch triển khai 1-5 thương vụ trong thời gian tới. Trong đó,
các lý do thu hút các nhà đầu tư bao gồm: Thị trường Việt Nam có hội tốt hơn các nước khác (chiếm 61%), xác định đủ điều kiện để đầu tư trước COVID-19 (54%), kỳ vọng tiềm năng tăng trưởng, phục hồi từ tác động COVID-19 và thay đổi thuận lợi trong hành vi người tiêu dùng (chiếm 28%)...
Tuy Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nhưng theo Shark Dzung, việc hạn chế đi lại toàn cầu cũng ảnh hưởng đến việc tiếp xúc trực tiếp giữa nhà đầu tư và startup nên quyết định đầu tư sẽ lâu hơn. Vì vậy, Shark Dzung cho rằng, các startup trong giai đoạn này cần chuẩn bị một nguồn lực tài chính tối thiểu từ 12-18 tháng và quản trị tốt dòng tiền, đồng thời cắt giảm các khoản chi trực tiếp hoặc gián tiếp không tạo ra doanh số tích cực.
Trước một số startup chết yểu trong giai đoạn đầu năm 2020, ông Dzung khẳng định, những khó khăn do dịch COVID-19 ảnh hưởng đến toàn thế giới, nên không chỉ startup mà ngay cả các doanh nghiệp lớn, tập đoàn lớn cũng đối mặt với nhiều thách thức để duy trì và phát triển. Tuy nhiên, chắc chắn các startup sống sót qua dịch sẽ nhận lượng vốn đầu tư đổ vào rất lớn khi mà các nhà đầu tư đã tự tin hơn và cũng có ít lựa chọn hơn (vì các công ty "có vẻ tốt" trước dịch đã chết hoặc đã bị bầm dập te tua vì dịch bệnh). Những "người sống sót" này chắc chắn sẽ có cách quản lý dòng tiền thận trọng và phát triển thực chất bền vững hơn nhiều so với trước dịch dù nhận được nhiều vốn đầu tư sau dịch.
Trước những ý kiến cho rằng, dịch COVID-19 cũng là cơ hội vàng cho các quỹ đầu tư nội như Do Ventures, Shark Dũng đã không phủ nhận điều này và cho rằng, do Do Ventures sinh ra trong thời kỳ khó khăn với mục tiêu đồng hành cùng nhiều startup trong giai đoạn khó khăn nên đang tích cực tìm kiếm các startup để đầu tư.
"Do Ventures được sáng lập bởi 2 nhà sáng lập đã gắn bó khá lâu với cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam. Tôi đã tham gia hỗ trợ và đầu tư cho các công ty khởi nghiệp Việt Nam từ đầu năm 2008 và đã đầu tư hỗ trợ được hơn 30 công ty ở cả Việt Nam và Thái Lan. Lê Hoàng Uyên Vy đã trải qua vai trò của nhà sáng lập nhiều công ty, tham gia vận hành tổ chức lớn và cũng đã có kinh nghiệm đầu tư cho khởi nghiệp. Chính vì vậy, chúng tôi có lợi thế là hiểu được ngành, dễ hiểu và đồng cảm với các nhà sáng lập, có kinh nghiệm tư vấn chiến lược cho các startup cũng như hỗ trợ họ trong việc gọi vốn và làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời giúp họ tiếp cận và kết nối với các đối tác trong và ngoài nước", Shark Dũng chia sẻ.
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 17+18 tháng 12/2020)