Sinh viên Việt Nam ứng dụng AI, IoT để giải quyết bài toán giao thông

PV| 20/12/2020 20:34
Theo dõi ICTVietnam trên

Ngày 19/12, trận chung kết cuộc đua số mùa 4 với công nghệ “Xe tự hành” do FPT tổ chức đã chính thức diễn ra. Cuộc thi đã giúp sinh viên trẻ đam mê công nghệ được tiếp xúc những xu hướng công nghệ như AI, học sâu, học máy, dữ liệu lớn, IoT...

Giải quyết những bài toán giao thông thực tế

Trong trận chung kết cuộc đua số mùa 4 diễn ra vào 19h30 ngày 19/12, các đội thi đã trải qua hai vòng thi đấu trên sa hình với những tình huống giao thông thách thức như tuân thủ hiệu lệnh biển báo, vượt qua các vật cản trên đường gồm bóng râm và tuyết, tự động chuyển làn tránh xe di chuyển cùng chiều hoặc ngược chiều, chủ động nhường đường cho người đi bộ băng qua đường cắt ngang lộ trình xe chạy, dừng trước vạch kết thúc tối thiểu 3 giây trước khi thực hiện vòng chạy tiếp theo…

Chướng ngại vật di chuyển là một trong những thử thách khó khăn trong Cuộc đua năm nay.

Chướng ngại vật di chuyển là một trong những thử thách khó khăn trong cuộc đua năm nay.

Mặc dù không thể vượt qua được thách thức khó nhất của cuộc thi là nhường đường cho người đi bộ, nhưng các đội thi đã cho thấy những tiến bộ vượt trội trong mùa thi đấu năm nay khi giải quyết được những tình huống khó như chuyển làn tránh chướng ngại vật.

Với thuật toán ổn định và chính xác, đội Goodgame đến từ Đại học (ĐH) FPT đã trở thành nhà vô địch cuộc đua số mùa 4 và nhận được tổng giá trị phần thưởng là 1 tỷ đồng (trong đó có 150 triệu đồng tiền mặt; 04 khóa học bổng Automotive tại FUNiX trị giá 22 triệu/suất và 01 suất học bổng Tiến sỹ về ngành trí tuệ nhân tạo (AI) trị giá 700 triệu đồng dành cho thí sinh xuất sắc nhất).

Đội Goodgame từ ĐH FPT chính thức Vô địch cuộc đua số 2020.

Đội Goodgame từ ĐH FPT chính thức Vô địch cuộc đua số 2020.

Giải Nhì đã thuộc về đội Thor đến từ ĐH Sư Phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Hai giải Ba thuộc về LHP - ĐH Bách Khoa, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh và Black Panther - Đại học FPT.

Nguyễn Đình Trà, đại diện đội Goodgame chia sẻ: "Điều chúng em hào hứng nhất ở cuộc thi này là những kiến thức mới học được từ thầy cô, đồng đội và từ chính đối thủ của mình. Không chỉ học được những kiến thức về học sâu (deep learning, học máy (Machine Learning), IoT mà còn học được cả những kiến thức phần cứng giúp cho xe của đội em có thể chạy "mượt mà" hơn. Cuộc thi thực sự đã giúp những sinh viên như em có thể tiếp cận nhanh hơn với những kiến thức mới trên thế giới".

Cuộc đua gay cấn với những lượt thi bám đuổi sát nút từ các đội.

Cuộc đua gay cấn với những lượt thi bám đuổi sát nút từ các đội.

Thúc đẩy nguồn nhân lực CNTT cho AI, IoT

Khép lại những trận thi đấu nảy lửa, ngọn lửa cảm hứng từ cuộc thi để lại chính là tinh thần khám phá, học hỏi, giúp những bạn trẻ đam mê công nghệ có thể khai phá những tiềm năng vốn có và dấn thân làm chủ những công nghệ tương lai. Sân chơi cuộc đua số không chỉ là nơi quy tụ những xu hướng công nghệ thịnh hành như AI, Big Data, Machine Learning… mà còn là cách công nghệ xử lí, giải quyết những bài toán thực tiễn giúp cuộc sống tốt đẹp và thông minh hơn.

Đó cũng chính là mong muốn mà Tập đoàn FPT mang đến thông qua các hoạt động đồng hành, kết nối với các sinh viên công nghệ, một trong những lực lượng nòng cốt kiến tạo và giúp quốc gia đổi mới trong tương lai.

Ông Lê Hồng Việt, Tổng Giám đốc FPT Smart Cloud, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi, cho biết, với mong muốn giúp các bạn sinh viên làm quen dần với những bài toán thực tiễn, cuộc thi năm nay có những thử thách mới, phức tạp hơn và gắn sát hơn với thực tế đời sống.

Thông qua cuộc thi, các bạn sinh viên cũng đã được trang bị những kiến thức công nghệ "nóng" hiện nay như AI, Big Data, IoT giúp các bạn có thể hòa nhập vào công việc nhanh hơn ngay sau khi ra trường, góp phần thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực đang rất thiếu cho các mảng công nghệ này.

Sinh viên Việt Nam ứng dụng AI, IoT để giải quyết bài toán giao thông - Ảnh 4.

Ông Lê Hồng Việt: Cuộc thi óp phần thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực đang rất thiếu cho các mảng công nghệ như AI, IoT, Big Data...

Sau 4 mùa thi đấu, đã có gần 4.000 sinh viên công nghệ của các trường ĐH tại Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới như Anh, Australia, Indonesia, Nga, Pháp, Singapore… tham gia. Riêng trong mùa thi đấu thứ 4 này có hơn 1.000 thí sinh từ 40 trường ĐH tại Việt Nam và 8 trường đại học tại 8 quốc gia trên thế giới đăng ký tham gia.

Tại Việt Nam, FPT là một trong số ít các doanh nghiệp công nghệ đầu tư lâu dài, bền bỉ để tạo sân chơi công nghệ cho giới trẻ, qua đó góp phần xây dựng nguồn nhân lực số chất lượng cao cho tương lai. Trong suốt 20 năm qua, FPT luôn tiên phong tổ chức nhiều cuộc thi công nghệ dành cho giới trẻ như Trí tuệ Việt Nam (2000-2007), Mobile Lab (2008-2009), Mobile Robot Challenge (2013), S.M.A.C Challenge (2014-2015), Cuộc đua số (từ 2016 đến nay)...

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Sinh viên Việt Nam ứng dụng AI, IoT để giải quyết bài toán giao thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO