Số hóa hay phá sản: Quyết định quan trọng đối với các SME Indonesia

TH| 20/04/2021 14:36
Theo dõi ICTVietnam trên

So với các khu vực khác trong nền kinh tế của Indonesia, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19 và cần phải được hỗ trợ nhiều nhất. Số hóa hay phá sản đó là bài toán mà nhiều SME Indonesia đang phải đối mặt.

Các SME - vốn chiếm hơn 60% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và sử dụng phần lớn lực lượng lao động tại Indonesia - đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 trong bối cảnh nền kinh tế năm 2020 đã rơi vào suy thoái sau hai quý tăng trưởng âm liên tiếp.

Phát biểu tại cuộc họp báo của chính phủ ngày 16/3/2021, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề kinh tế Indonesia, ông Airlangga Hartarto, cho rằng việc phục hồi kinh tế quốc gia trong bối cảnh đại dịch Covid-19 phải được bắt đầu từ việc hỗ trợ các SME. Indonesia cần phải xem các SME là trung tâm trong nền kinh tế, đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu của nước này và thu hút rất nhiều lao động.

Cũng theo Bộ trưởng Airlangga Hartarto, 64,2 triệu SME bị ảnh hưởng bởi đại dịch, tương đương 99% tổng số SME đang hoạt động tại Indonesia.

Số hóa hay phá sản: Quyết định quan trọng đối với các SME Indonesia  - Ảnh 1.

Cần thiết phải số hóa

Theo Angela Thenaria, ngân hàng DBS Indonesia, việc tăng năng suất và hiệu quả hiện giờ quan trọng hơn đối với các doanh nghiệp nhỏ, vì vậy việc thuê ngoài một số chức năng nhất định là cần thiết để duy trì khả năng kinh doanh lâu dài của họ. Ví dụ, một công ty khởi nghiệp với 5 nhân viên có thể không cần tuyển dụng hay thuê kế toán mà chỉ cần sử dụng một phần mềm kế toán là đủ.

Bà cho biết thêm rằng việc sử dụng các dịch vụ ngân hàng số cũng sẽ giúp các doanh nghiệp tiết kiệm tiền bạc và thời gian, tập trung nguồn lực để phát triển doanh nghiệp.

Để tồn tại, theo bà Angela Thenaria, việc chuyển đổi sang các giải pháp số là một bước đi cần thiết. Trên thực tế, theo một nghiên cứu của Viện Mandiri vào tháng 5/2020, chuyển đổi số làm tăng khả năng phục hồi của một công ty, vì nó mang lại cho công ty khả năng tiếp tục hoạt động ngay cả khi các cửa hàng ngoại tuyến buộc phải đóng cửa.

Việc nhiều doanh nghiệp chuyển sang hoạt động trực tuyến hơn thậm chí còn giúp Indonesia giảm 1,5% gánh nặng kinh tế do Covid-19 gây ra trên GDP của nước này. Đây là một con số đáng kể, bởi theo ước tính của chính phủ, mức tăng trưởng tốt nhất của nền kinh tế Indonesia cũng chỉ khoảng 2,3%.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Hợp tác xã và SME Indonesia, hiện mới chỉ có 13% doanh nghiệp nhỏ ở nước này đã thực hiện chuyển đổi số và làm việc từ xa. Kết nối Internet không ổn định và đắt đỏ cũng như những khó khăn trong việc nhận kinh phí hỗ trợ để bắt đầu quá trình số hóa có thể là những nguyên nhân dẫn tới thực tế này.

Tăng cường sự hỗ trợ từ chính phủ

Hiện tại, chính phủ Indonesia đã cung cấp một khoản ngân sách khá lớn cho chương trình Phục hồi kinh tế quốc gia được khởi động vào tháng 5/2020 để hỗ trợ khu vực SME sớm ổn định và lấy lại đà phát triển. Sự hỗ trợ của chính phủ Indonesia được triển khai thông qua 6 biện pháp chính, gồm: hỗ trợ lãi suất cho các SME, hỗ trợ sản xuất cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, hỗ trợ cấp phí bảo lãnh, cấp vốn cho các ngân hàng thương mại và ưu đãi thuế để tái cơ cấu tín dụng cùng với rất nhiều hỗ trợ khác.

Các nền tảng thương mại điện tử như Lazada và Shopee cũng tham gia cung cấp các hỗ trợ về tài chính, đào tạo cũng như những nguồn lực khác để giúp các doanh nghiệp nhỏ chuyển đổi sang bán hàng trực tuyến và tham gia vào nền kinh tế số đang phát triển.

Hoạt động thương mại trực tuyến của các SME đã gia tăng mạnh khi nhiều người tiêu dùng tránh xa các cửa hàng, chợ truyền thống và chuyển sang các nền tảng mua sắm trực tuyến để tuân thủ yêu cầu giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn đại dịch lây lan.

Trích dẫn dữ liệu thống kê của Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI), Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế sáng tạo Wishnutama cho hay số lượng các giao dịch thương mại điện tử đã tăng 39% lên 383 triệu giao dịch trong quý I và II/2020.

Mặt khác, các ngân hàng địa phương tại Indonesia cũng đưa ra những hỗ trợ mạnh mẽ, bao gồm hoãn trả các khoản vay, kéo dài thời gian trả nợ và giảm phí hành chính. Về phần mình, ngân hàng DBS Indonesia còn cung cấp tài nguyên giáo dục cho các SME để giúp họ đưa ra các quyết định kinh doanh thông minh hơn. Trong số những nỗ lực đó là sự ra mắt của chương trình Hạng thương gia (Business Class), cung cấp cơ hội kết nối và học hỏi cho các doanh nghiệp nhỏ.

"Chúng tôi mong muốn xây dựng một hệ sinh thái nơi các doanh nhân có thể chia sẻ những hiểu biết của họ và hợp tác để phát triển hơn nữa, góp phần phát triển của toàn lĩnh vực SME", Thenaria cho biết.

Số hóa hay phá sản: Quyết định quan trọng đối với các SME Indonesia  - Ảnh 2.

DBS cũng cung cấp các khóa học dành cho SME, trong đó mời các chuyên gia, các chủ doanh nghiệp và các nhà cố vấn chia sẻ những hiểu biết và kinh nghiệm của họ với những người tham dự. Các khách mời bao gồm các diễn giả từ công ty điện toán đám mây Alibaba Cloud và công ty cung cấp không gian làm việc chung UnionSpace cũng như các doanh nhân địa phương thành công như Yasa Singgih, người đã thành lập thương hiệu thời trang nam Men's Republic khi còn là một thiếu niên.

Về mặt kỹ thuật, giải pháp ngân hàng số dành cho SME của DBS Indonesia, DBS RAPID (Giao diện lập trình ứng dụng theo thời gian thực của DBS), tích hợp xử lý thời gian thực các khoản thanh toán, khoản phải thu và báo cáo thông tin tự động về quy trình kinh doanh của khách hàng. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch kinh doanh trên mạng riêng của khách hàng.

Thenaria cho biết: "DBS RAPID giúp tăng hiệu quả quy trình làm việc và tiết kiệm chi phí cho khách hàng của chúng tôi, đồng thời cung cấp trải nghiệm khách hàng tuyệt vời cho người dùng cuối".

Thích ứng với tương lai

Đại dịch đã làm thay đổi môi trường kinh doanh ở Indonesia. Báo cáo của McKinsey & Company cho thấy 88% người tiêu dùng có ý định tiếp tục mua sắm trực tuyến ngay cả sau khi đại dịch Covid-19 đi qua.

Các tập đoàn đa quốc gia và các công ty lớn của Indonesia đang tìm mọi cách để giúp người tiêu dùng và các doanh nghiệp nhỏ vượt qua cuộc khủng hoảng này. Về phần mình, chủ sở hữu các SME cũng phải thích ứng với tương lai kỹ thuật số này nếu họ muốn tồn tại.

Theo Thenaria, giám sát dòng tiền, tập trung vào quản lý hiệu quả và cắt giảm chi phí, tăng cường tổ chức nhân viên dựa trên các biện pháp làm việc tại nhà và lập kế hoạch chiến lược tiếp thị mới chỉ là một số điều chỉnh mà các SME phải thực hiện.

Bà cho biết thêm: "Các giải pháp ngân hàng số cũng đã phát triển để hỗ trợ mạnh mẽ cho các doanh nhân, việc tận dụng tối đa các dịch vụ này sẽ là một chặng đường dài đối với các SME".

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Số hóa hay phá sản: Quyết định quan trọng đối với các SME Indonesia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO