Sở hữu trí tuệ trong TPP và những tác động đến các doanh nghiệp Việt Nam

LB| 01/09/2016 16:57
Theo dõi ICTVietnam trên

Sở hữu trí tuệ đang là thách thức lớn đối với doanh nghiệp, nhất là khi Việt Nam đã tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Ngày 4/2/2016, sau hơn 5 năm đàm phán, Hiệp định đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) chính thức được ký kết. Là một trong số 12 quốc gia tham gia TPP, Việt Nam sẽ bắt đầu quá trình phê chuẩn trong nước và có hai năm để hoàn thành trước khi hiệp định chính thức có hiệu lực. Trong lĩnh vực Sở hữu trí tuệ (SHTT), để phù hợp với các cam kết trong TPP, Việt Nam sẽ có thay đổi lớn trong thời gian tới, đặc biệt là các vấn đề về Nhãn hiệu, Sáng chế, Bản quyền, nhập khẩu song song và thực thi quyền Sở hữu trí tuệ. Điều này sẽ tác động lớn tới hoạt động kinh doanh của các Doanh nghiệp tại Việt Nam.

Rào cản bản quyền đối với xuất khẩu

Lâu nay, các doanh nghiệp Việt Nam “có thói quen” sử dụng phần mềm không bản quyền, bởi đỡ chi phí. Nhưng với TPP, một khi doanh nghiệp xuất khẩu buộc phải sử dụng phần mềm bản quyền thì chi phí của doanh nghiệp sẽ tăng lên, tức là sự cạnh tranh sẽ giảm.

Vấn đề SHTT được các doanh nghiệp nước ngoài quan tâm, nhưng không ít doanh nghiệp trong nước vẫn còn thờ ơ, nên trong thời gian qua nhiều doanh nghiệp Việt Nam bị kiện, bị xâm hại về các vấn đề liên quan SHTT.

Khi Việt Nam đã tham gia TPP, các doanh nghiệp buộc phải hòa nhập “sân chơi” chung, tuân thủ các quy định chung. TPP chú trọng các biện pháp chống cạnh tranh không lành mạnh và tôn trọng bảo hộ quyền SHTT. Trong đó, nhiều yêu cầu khác về bảo hộ cũng được mở rộng hơn như bảo hộ về nhãn hiệu âm thanh, nhãn hiệu mùi; bù trừ thời gian xét nghiệm sáng chế nếu thời gian xét nghiệm này quá dài để tăng thời gian khai thác của chủ thể quyền đối với sáng chế dược phẩm…

Doanh nghiệp cần lưu ý rào cản bản quyền trong xuất khẩu. Đối thủ có thể cáo buộc doanh nghiệp Việt Nam sử dụng phần mềm máy tính của Microsoft không có bản quyền để không nhập khẩu hàng hóa.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam sử dụng phần mềm không bản quyền

Đối với SHTT, các yếu tố về nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, bí mật thương mại, sáng chế, các nhà cung cấp dịch vụ Internet, quyền tác giả và các quyền liên quan được coi trọng. Thí dụ, Mỹ rất quan tâm đến vấn đề “bí mật thương mại” và và áp dụng nó để chống gian lận thương mại. Nếu đối tác có vi phạm bản quyền thì các doanh nghiệp Mỹ sẽ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhập khẩu mà không bị xem là vi phạm hợp đồng.

Thách thức trong thị trường nội địa

Theo Hiệp hội Hàng Việt Nam chất lượng cao, chính doanh nghiệp của Việt Nam cũng đang bị xâm phạm về SHTT ngay tại Việt Nam. Những năm qua, mới chỉ có 20% doanh nghiệp Việt Nam xác lập quyền SHTT, nhưng việc thực thi vẫn còn quá yếu. Đây là điều vô cùng quan ngại trong TPP, khi làn sóng đầu tư, hàng hóa nước ngoài tràn ngập Việt Nam.

Khi thực thi TPP, các vi phạm về nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế... sẽ là thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Ngoài việc tôn trọng quyền SHTT để tránh tranh chấp, kiện tụng, các doanh nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh việc đăng ký sản phẩm của mình ở trong nước và quốc tế để ngăn ngừa rủi ro về sau.

Như vậy, ở góc độ thực thi TPP, khi bị phát hiện những hành vi vi phạm, các doanh nghiệp sẽ phải thực hiện án phạt, tùy trường hợp sẽ bị quy trách nhiệm hình sự. Do đó, hiểu rõ quyền SHTT sẽ giúp doanh nghiệp tránh bị xâm phạm quyền SHTT, có thể khai thác tối đa những lợi ích, phòng ngừa được những rủi ro, tranh chấp.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Sở hữu trí tuệ trong TPP và những tác động đến các doanh nghiệp Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO