Startup ở giai đoạn đầu cần những gì?

Việt Hưng| 29/11/2021 20:48
Theo dõi ICTVietnam trên

Dưới những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, ngoài nguồn vốn và công nghệ, thì AWS đã trở thành "trợ thủ" đắc lực cho các startup giai đoạn đầu.

Thách thức muôn trùng với startup

Theo số liệu từ CB Insights và đánh giá, tính đến quý 3/2021, mức độ tăng trưởng cả về giá trị (33,3% so với 2020) và số lượng (tăng 25%) các khoản đầu tư vào startup tại Việt Nam đều tăng mạnh trong năm qua.

Trong đó, công nghệ y tế, công nghệ tài chính, thương mại điện tử, chuyển phát và logistics được xem là những mảnh đất tiềm năng cho các startup Việt Nam.

"Trong 18 tháng qua, chúng tôi đã giúp rất nhiều các startup tận dụng lợi thế của đám mây để tạo ra những giải pháp mới, mô hình kinh doanh mới, hay thậm chí chuyển đổi mô hình kinh doanh để thích ứng với đại dịch", bà Priya Lakshmi - Trưởng phòng mảng kinh doanh Khởi nghiệp của AWS khu vực ASEAN chia sẻ.

Tuy nhiên, một bài toán mà hầu hết các startup đang gặp phải là chi phí cho những công nghệ mở, công nghệ điện toán đám mây trong quá trình chuyển đổi số.

Ông James Vương, Nhà sáng lập và CEO Infina nhận định, khởi nghiệp hiện nay đã dễ dàng hơn rất nhiều so với 10 năm trước.

Thay vì phải sang tận Singapore để thuê máy chủ và thuê kỹ sư công nghệ thông tin để vận hành, thì giờ đây, với sự hỗ trợ điện tử đám mây từ AWS, việc phát triển sản phẩm đã trở nên khá dễ. Đặc biệt, chỉ cần đầu tư chi phí thấp, doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn có thể đi đường rất xa.

"So với 10 năm trước, rủi ro với các startup cũng giảm đi rất nhiều. Với số tiền ít hơn vẫn có thể đi đường rất xa với những chương trình hỗ trợ như AWS Activate, hỗ trợ miễn phí trị giá tới 100.000 USD bằng AWS Credits để ứng dụng các dịch vụ đám mây", ông James Vương khẳng định.

Hiện tại, Infina đang quan tâm đến công nghệ máy học (machine learning) và trí tuệ nhân tạo (AI) tích hợp trong các sản phẩm của AWS, ví dụ như là các ứng dụng có thể phát hiện ra các quy luật giúp ngăn chặn gian lận tài chính hoặc giúp startup có được thông tin từ dữ liệu.

CEO Raghu Rai của Jio Health - startup trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe số tại Việt Nam cho rằng: "Thách thức lớn nhất ở Việt Nam cho doanh nghiệp khởi nghiệp là tìm nguồn vốn".

Nhưng để tìm được nguồn vốn, ban đầu startup cần có đội ngũ phù hợp với định hướng, quan trọng hơn là sản phẩm. Sau khi vượt qua giai đoạn non trẻ ban đầu thì startup cần tập trung vào tìm nguồn vốn để phát triển, mở rộng quy mô. Việc cân đối giữa vốn và công nghệ hay nguồn lực phụ thuộc vào giai đoạn của startup.

CEO Raghu Rai đánh giá hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, lại nằm ở "điểm nóng" khởi nghiệp Đông Nam Á. Thay vì quá lo lắng cho vấn đề này, CEO Jio Health tin rằng doanh nghiệp cần dành nhiều thời gian để làm việc với khách hàng, khẳng định giá trị của mình, lắng nghe thị trường.

Để giảm bớt áp lực vốn, các startup như Infina hay Jio Health lựa chọn giải pháp sử dụng bên thứ ba chuyên cung cấp dịch vụ đám mây, giúp họ có thể quên đi gánh nặng phí cho hạ tầng công nghệ thông tin, các chi phí kiểm thử.

Hiện tại, cả 2 công ty đều thuộc chương trình hỗ trợ khởi nghiệp AWS Activate của Amazon Web Services (AWS) - doanh nghiệp cung ứng các giải pháp số hóa, điện toán đám mây và dịch vụ công nghệ thông tin trực thuộc Tập đoàn Amazon (Mỹ).

Không chỉ được giải phóng về vấn đề hạ tầng, nhân sự liên quan đến công nghệ thông tin, những dịch vụ mà AWS cung cấp còn giúp những đơn vị còn trẻ như Jio Health, Infina và rất nhiều doanh nghiệp khác cắt giảm chi phí vận hành, loại trừ rủi ro để tiết kiệm chi phí trước khi tung sản phẩm ra thị trường.

Điển hình như Chương trình AWS Activate, bắt đầu từ năm 2013, đã cung cấp cho hàng trăm ngàn startup những chương trình như cấp miễn phí AWS Credits để sử dụng điện tử đám mây cũng như hỗ trợ hoạt động marketing... Chỉ tính riêng năm 2020, AWS đã cung cấp hơn 1 tỉ USD dưới dạng AWS Credits để giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp thúc đẩy tăng trưởng khi họ xây dựng doanh nghiệp.

Startup thích ứng với Covid-19

Startup ở giai đoạn đầu cần những gì? - Ảnh 1.

Ông James Vương, Nhà sáng lập và CEO Infina

CEO James Vương của Infina đánh giá, Covid-19 đã gây ra nhiều thiệt hại cho doanh nghiệp, nhưng cũng đồng thời thúc đẩy quá trình số hóa, tăng tốc độ của quá trình này.

Trước đây, người tiêu dùng sử dụng điện thoại để làm nhiều việc như: đặt hàng, mua thực phẩm, đặt xe, chuyển tiền qua ngân hàng… Khi đại dịch Covid-19 xảy ra thì mọi người thực hiện các giao dịch như vậy nhiều hơn, thông qua các giải pháp trực tuyến.

Từ ý tưởng này, Infina ra đời giúp người dân đầu tư mà không phải đi đâu. Trước đây, ý tưởng này đã được thực hiện ở Trung Quốc và đã thành công. Ở Việt Nam, thời cơ đã đến và nếu ai đó nắm bắt được cơ hội thì cũng sẽ thành công.

"Đối với chúng tôi, những khủng hoảng, những đại dịch lại như thế này đôi khi lại là cơ hội cho chúng tôi phát triển. Trong đại dịch, chúng tôi không quá khó khăn để đưa ra các quyết định thành lập các dự án, startup", CEO Infina chia sẻ.

Trong khi đó, ở Jio Health, CEO Raghu Rai khẳng định: "Không có chiến lược đối phó với Covid-19 vì nó chỉ xảy ra một lần trong đời và thực ra Jio Health là một nhà cung cấp dịch vụ y tế trực tuyến".

Lãnh đạo startup này khẳng định, sứ mệnh của Jio Health là giúp mọi người có thể tiếp cận được các dịch vụ y tế vì thông thường là phải mất nhiều giờ để gọi xe đến các cơ sở y tế. Nhưng thông qua ứng dụng, người dân có thể tiếp cận nhân viên y tế trong 2 phút.

Những giải pháp y tế từ xa như vậy đã hình thành từ lâu, nhưng trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nhiều người buộc phải sử dụng và có những trải nghiệm lần đầu tiên với cùng với các ứng dụng này.

Không phủ nhận Jio Health cũng từng gặp khó khăn về đứt gãy chuỗi cung ứng, nhưng tính năng TMĐT, thanh toán trực tuyến đã giải quyết được những vấn đề đó, giúp công ty có được nguồn cung về sản phẩm thiết yếu như: dược phẩm, thuốc men…

"Chúng tôi thấy rằng chúng tôi đã tự thích ứng và phản ứng tình huống một cách nhanh chóng. Có thể nói rằng, khó khăn này lại là mảnh đất màu mỡ để các công ty khởi nghiệp đưa ra các giải pháp giải quyết khó khăn", CEO Raghu Rai nói.

Công nghệ và nguồn vốn, điều gì quan trọng hơn?

Startup ở giai đoạn đầu cần những gì? - Ảnh 2.

Ông Raghu Rai, CEO Jio Health

Đại diện Jio Health cho rằng, nếu không có một sản phẩm tuyệt vời hay là một lời tuyên bố giá trị, thì rất khó thuyết phục các nhà đầu tư.

"Tôi nghĩ rằng, thách thức lớn nhất tại Việt Nam trong vòng 10 năm vừa qua, đó là tìm nguồn vốn đầu tư. Bởi vì hệ sinh thái đầu tư vào Việt Nam vẫn còn non trẻ so với những quốc gia khác như Indonesia. Tuy nhiên, điều này tùy thuộc vào giai đoạn của từng startup", CEO Jio Health chia sẻ.

Với các startup trong giai đoạn ban đầu, đội ngũ phù hợp là quan trọng nhất, thậm chí còn quan trọng hơn cả sản phẩm. Bởi với một đội ngũ cam kết, nhiệt huyết và nhiều ý tưởng, sản phẩm sẽ dần được hoàn thiện, dựa trên công nghệ.

Sau giai đoạn này, startup sẽ đầu tư ưu tiên nhiều hơn vào nguồn vốn, vì nguồn vốn sẽ giúp công ty phát triển, mở rộng quy mô. Đến thời điểm đó, hàm ý công nghệ không còn quan trọng nữa mà đến thời điểm nhân rộng mô hình, mở rộng thị trường.

Như vậy, việc cân đối giữa vốn và công nghệ tùy thuộc vào giai đoạn của từng doanh nghiệp khởi nghiệp để đưa ra quyết định.

Về phía Infina, CEO James Vương nêu quan điểm, với các doanh nghiệp khởi nghiệp giai đoạn đầu thì không cần nhiều vốn.

"Nếu startup có nhà sáng lập, nhà đồng sáng lập hay những nhà phát triển phần mềm hay là các chuyên gia công nghệ giỏi thì đấy sẽ là yêu cầu quan trọng hơn đối với doanh nghiệp khởi nghiệp giai đoạn ban đầu. Bởi vì là chúng ta sẽ hiển nhiên là có ngay cái lợi thế về công nghệ", lãnh đạo startup Infina chia sẻ.

Tuy nhiên, khi sản phẩm phát triển đến một giới hạn, thì cần tính giải pháp mà mọi người muốn sử dụng hay không. Ngay cả khi sản phẩm của startup được đánh giá là tuyệt vời nhưng không đáp ứng đúng nhu cầu của khách hàng, của thị trường thì doanh nghiệp sẽ bị đào thải, hoặc không thu hút được đầu tư.

Chẳng hạn, một số startup phát triển ra những công nghệ như: AI, Blockchain... Tuy nhiên, khi thuyết minh với nhà đầu tư, với khách hàng rằng - chúng tôi có một sản phẩm, trong đó hàm chứa toàn bộ những công nghệ hiện đại nhất của thế giới thì liệu khách hàng có muốn sử dụng cái đó hay không?

"Tôi gọi đây là cách tiếp cận sai. Chúng ta phải tiếp cận từ thị trường, tức là biết thị trường cần gì, khách hàng trong thị trường đó là ai, khó khăn, thách thức của họ là gì? Tiếp đến ta hình dung ra một giải pháp để giải quyết khó khăn, thách thức của khách hàng. Sau đó chúng ta mới tìm kiếm công nghệ, tìm kiếm con người, tìm kiếm nguồn vốn, đưa ra sản phẩm thử nghiệm ban đầu rồi cứ tiếp tục điều chỉnh", CEO Infina nhấn mạnh.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Startup ở giai đoạn đầu cần những gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO