Startup tài chính mở đang định hình tương lai thanh toán ở Đông Nam Á

Hoàng Linh| 18/01/2022 15:12
Theo dõi ICTVietnam trên

Brankas, Finantier và Brick là một trong số những công ty mới nổi đang thúc đẩy việc áp dụng fintech trong khu vực.

"Ngân hàng phải vươn tới những người dân chưa được phục vụ" từ lâu đã trở thành câu cửa miệng trong lĩnh vực fintech của Đông Nam Á, khu vực có 290 triệu người dân chưa được tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng cơ bản. Chính vì thế, các kỳ lân công nghệ như Grab và GoTo, cùng với các nhà phát triển fintech, tổ chức tài chính và chính quyền đã và đang tìm cách thức cung cấp các dịch vụ tài chính.

Các sản phẩm fintech đã được sử dụng rộng rãi trong hai năm qua. Việc sử dụng ví điện tử của người tiêu dùng đã tăng 45% so với thời điểm trước đại dịch. Đặc biệt, khối lượng giao dịch ví điện tử dự kiến sẽ tăng hơn 200% vào năm 2025, theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company.

Mặc dù tiền mặt sẽ không sớm biến mất ở khu vực Đông Nam Á, nhưng sự phát triển nhanh chóng của thanh toán số đã tạo ra một sự thay đổi cơ bản trong khu vực. Các giải pháp tài chính mở đang dẫn dắt khu vực bước vào giai đoạn tiếp theo của quá trình tài chính bao trùm.

Todd Schweitzer, người sáng lập và CEO của công ty phát triển tài chính mở Brankas có trụ sở tại Indonesia trao đổi với KrASIA cho biết: "Tài chính mở đề cập đến các sản phẩm và chính sách công nghệ cho phép khách hàng tiếp cận các dịch vụ tài chính từ các nhà cung cấp bên thứ ba đủ điều kiện. Đó là cơ sở hạ tầng, công nghệ và các tiêu chuẩn dữ liệu cho phép người tiêu dùng liên kết tài khoản ngân hàng của họ với ví GrabPay của bạn".

Chia sẻ dữ liệu dựa trên sự đồng ý làm nền tảng cho tài chính mở, giúp các startup như Brankas có thể phát triển API cho các công ty công nghệ hoặc tổ chức tài chính để truy cập dữ liệu người dùng và quan trọng nhất là xây dựng nhiều sản phẩm liên quan đến fintech có thể phục vụ cho bất kỳ ai, bao gồm người tiêu dung chưa tiếp cận được dịch vụ ngân hàng cơ bản.

Brankas, đã đạt được 20 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B do Insignia Ventures Partners dẫn đầu vào ngày 5/1/2022, là một trong những công ty fintech mới nổi giúp việc chia sẻ dữ liệu tài chính dễ dàng hơn. Được thành lập vào năm 2016, một trong những đề xuất giá trị độc đáo của công ty là quan hệ đối tác với các ngân hàng trong khu vực.

Với nguồn vốn mới, công ty đang chuẩn bị mở rộng phạm vi tiếp cận thị trường bằng cách liên kết với các ngân hàng số và các công ty fintech ở Việt Nam và Bangladesh. Cho đến nay, công ty đã làm việc với hơn 40 tổ chức tài chính và 100 công ty công nghệ, với các hoạt động tại Indonesia, Philippines và Thái Lan.

Các startup fintech phát triển mạnh

Các công ty tài chính mở mới nổi khác gồm Finverse có trụ sợ tại Hồng Kông, Finantier Singapore, và Brick có trụ sở tại Indonesia. Tất cả đều được thành lập vào năm 2020.

Cũng trao đổi với KrASIA, Keng Low, đồng sáng lập của Finantier cho biết: "Trong thời gian xảy ra đại dịch, tôi đã nói chuyện với một số tài xế Gojek ở Jakarta. Họ nói với tôi rằng họ đã khó khăn như thế nào để vay tiền mua một chiếc xe để lái cho Gojek. Tôi hỏi tại sao họ không đến ngân hàng hoặc các công ty fintech để vay, và họ nói rằng ngân hàng và các công ty fintech sẽ không giúp họ, vì họ không có lịch sử tín dụng".

Startup tài chính mở đang định hình tương lai thanh toán ở Đông Nam Á - Ảnh 1.

Finantier đã đạt được khoản đầu tư hạt giống 7 chữ số do East Ventures và Global Founders Capital dẫn đầu vào tháng 6/2021. Ảnh: Finantier.

Để giải quyết những điểm khó khăn này, Finantier cung cấp tính năng chấm điểm tín dụng (credit scoring), tổng hợp tài khoản cho phép các doanh nghiệp xây dựng hồ sơ khách hàng từ cả nguồn tài chính và phi tài chính, cũng như các giải pháp khởi động thanh toán cho phép chuyển tiền qua các cổng thanh toán được cấp phép.

Công ty tạo sự khác biệt với các đối thủ cạnh tranh bằng cách tập trung không chỉ các ngân hàng. Vào tháng 12/2021, Finantier được Cơ quan Dịch vụ Tài chính Indonesia, OJK, chính thức công nhận là nhà cung cấp đổi mới tài chính số trong hạng mục chấm điểm tín dụng.

"Cạnh tranh là điều mà chúng tôi đã nghĩ đến từ rất sớm. Các ví điện tử và ngân hàng không muốn trở thành nhà cung cấp tài chính mở vì sự phức tạp liên quan. Chúng tôi kết nối với các công ty viễn thông, công ty thương mại điện tử và ví di động, điều này giúp chúng tôi khác biệt với những công ty khác", Low nói.

Không giống như Brankas và Brick, hoạt động theo mô hình trả tiền cho mỗi lần sử dụng, Finantier cung cấp sản phẩm dưới dạng dịch vụ (productas a service - PaaS), mà Low tin rằng sẽ mang lại cho Finantier lợi thế so với các startup khác trong lĩnh vực này. Không giống như các công ty khác trong cùng lĩnh vực, công ty không tính phí thiết lập hoặc thu nhập từ các giao dịch.

Tuy nhiên, đối với Gavin Tan, CEO và đồng sáng lập của Brick, sự cạnh tranh không phải là điều đáng lo ngại. "Chúng ta nên nghĩ về các API như một cơ sở hạ tầng hiện đại cho phép các nền tảng fintech được khởi chạy theo cách dễ dàng hơn, nhanh hơn và rẻ hơn nhiều. Tốc độ của các startup fintech sắp tới là 5 lần so với 3 năm trước, với các API cung cấp cơ sở hạ tầng", ông nói.

Quy định có theo kịp với sự đổi mới?

Mặc dù ngành công nghiệp fintech đang phát triển mạnh mẽ, nhưng các chính sách quản lý vẫn chưa thể theo kịp những phát triển mới. Cho đến nay, chỉ có Indonesia, Philippines, Singapore và Thái Lan đã công bố khuôn khổ tài chính mở của họ, xác định các sáng kiến chính như quy định dữ liệu và cơ sở hạ tầng, theo một báo cáo của Brankas và Integra Partners.

Startup tài chính mở đang định hình tương lai thanh toán ở Đông Nam Á - Ảnh 2.

Brick đã nhận được một khoản tài trợ hạt giống không được tiết lộ vào tháng 3/2021 từ các nhà đầu tư như 1982 Ventures và Antler. Ảnh: Brick

"Thách thức số một là sự thiếu nhận thức về thị trường. Các cơ quan quản lý vẫn đang tìm hiểu và thiết kế các quy định tài chính mở ở quốc gia của họ. Nhưng vẫn chưa có quy định chi tiết nào", Todd Schweitzer nói.

Ví dụ, ở Indonesia, Bộ CNTT và quốc hội đang đàm phán để xem xét dự luật bảo vệ dữ liệu cá nhân, dự luật sẽ xác định quyền sở hữu dữ liệu ở nước này. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ khi nào dự luật sẽ được thông qua, theo Đài tiếng nói Indonesia.

Mặc dù người dùng có quyền kiểm soát toàn bộ dữ liệu của chính họ theo khuôn khổ tài chính mở, các tổ chức tài chính sẽ tiếp tục kiểm soát dữ liệu tài chính của khách hàng, chẳng hạn như số dư tài khoản, thế chấp và lịch sử tín dụng.

"Nói chung ở Đông Nam Á, chúng ta sẽ thấy rằng dữ liệu không thực sự được chia sẻ một cách hữu ích. Dữ liệu tài chính không được chia sẻ một cách đáng tin cậy đó là lý do tại sao mọi người không thể tiếp cận với các dịch vụ tài chính", Tan nói thêm.

Nhưng những người sáng lập của Brankas, Bricks và Finantier vẫn lạc quan về tài chính mở và đang tăng cường sự hiện diện trong khu vực. Tiềm năng thị trường còn lớn, theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company thanh toán số, bao gồm ví điện tử và thanh toán qua tài khoản, chỉ chiếm 24% tổng khối lượng thanh toán vào năm 2021, trong khi tiền mặt chiếm 59%./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Startup tài chính mở đang định hình tương lai thanh toán ở Đông Nam Á
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO