COVID-19 Check là một dịch vụ giúp người dùng có thể kiểm tra được khả năng bị lây nhiễm với virus corona (SAR-CoV-2) theo phân loại từ F0 tới F5 của Bộ Y tế Việt Nam. Đây là ứng dụng được phát triển bởi Got It, Inc – một trong những startup giáo dục khá "đình đám" do anh Trần Việt Hùng sáng lập.

Chia sẻ về dự án, anh Trần Việt Hùng cho biết: "Đây làm một dự án cộng đồng, được xây dựng nhằm cung cấp một công cụ công nghệ để hỗ trợ cho các hoạt động dập dịch của Chính phủ."

Startup Việt cung cấp nền tảng AI hỗ trợ phòng chống Covid 19 - Ảnh 1.

Hình thức lây nhiễm Covid-19 phổ biến ở Việt Nam

Cho tới nay, các ca lây nhiễm virus corona ở Việt Nam đều là do có tiếp xúc gần với người đã mang virus. Kể từ ngày 6/3/2020, hầu hết những ca mắc Covid-19 đều là những người từ ngước ngoài đến Việt Nam, chủ yếu qua đường hàng không và sau đó lây lan tiếp cho các trường hợp khác trong nước.

Để giúp việc cách ly được hiệu quả, Bộ Y tế Việt Nam đã có hệ thống phân loại từ F0 tới F5. Trong đó, F0: người đã được xác định bị nhiễm virus corona; F1: Người nghi nhiễm hoặc tiếp xúc với F0; F2: Người tiếp xúc với F1; F3: Người tiếp xúc với F2; F4: Người tiếp xúc với F3 và F5: Người tiếp xúc với F4.

Việc cách ly những người nhiễm, nghi nhiễm, hoặc có khả năng bị nhiễm là vô cùng quan trọng để tránh virus corona lây lan ra cộng đồng. Do đặc tính lây lan vô cùng nhanh của virus corona, không chỉ ở Việt Nam mà rất nhiều nơi trên thế giới đã thực hiện việc cách ly với nhiều cấp độ khác nhau từ việc đóng cửa toàn bộ biên giới (nước Ý), phong toả cả một thành phố như Vũ Hán (Trung Quốc), tới việc yêu cầu người dân không ra đường như San Francisco (Mỹ)... Tất cả để giảm số lượng người bệnh tăng đột biến, tránh việc hệ thống y tế bị quá tải.

Việc xác định và phân loại các cá nhân từ F0 tới F5 một cách nhanh chóng sẽ rất hữu ích để giúp các cơ quan dập dịch triển khai việc thực hiện các biện pháp cách ly tương ứng cũng như giúp cho các cá nhân biết được độ rủi ro bị nhiễm virus corona của mình để có các chuẩn bị phù hợp.

Cơ chế hoạt động

Covid-19 Check hoạt động bằng cách xây dựng một mạng lưới các mối tiếp xúc giữa các cá nhân trong vòng 14 ngày (thời gian ủ bệnh phổ biến) thông qua dữ liệu từ 3 nguồn chính: dữ liệu do người dùng tự cung cấp, dữ liệu dịch tễ từ Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 và dữ liệu mạng xã hội từ các đối tác. 

Sau khi mạng lưới các mối quan hệ trong vòng 14 ngày được thu thập hình thành, nếu có bất kỳ một thay đổi nào trên mạng lưới thì việc tính toán cho các cá nhân (node) liên quan cũng sẽ được thực hiện một cách tức thì. Sau đây là một số ví dụ cụ thể:

- Khi một "node" được xác nhận là nhiễm virus corona (F0) thì ngay lập tức có thể tìm ra được F1, F2, F3,…

- Khi một chuyến bay được xác nhận là có hành khách nhiễm corona (F0) thì toàn bộ các hành khách trên chuyến bay đó (F1) và những người tiếp xúc với họ (F2),… cũng được tìm ra ngay lập tức.

-  Khi một địa điểm được xác nhận là có người bị nhiễm virus corona (F0) thì tất cả những người đến địa điểm đó cùng thời gian với người nhiễm bệnh cũng được tìm ra ngay lập tức.

Việc xác định một cá nhân là "F" mấy phụ thuộc vào mối liên hệ giữa họ và các cá nhân khác. Những mối liên hệ này sẽ được biểu diễn bởi ba loại mối nối: mối nối tiếp xúc gần giữa các cá nhân, mối nối về hành trình và mối nối về các địa điểm cá nhân có mặt. 

Startup Việt cung cấp nền tảng AI hỗ trợ phòng chống Covid 19 - Ảnh 2.

Cơ chế hoạt động của Covid-19 Check

Khi mạng lưới tiếp xúc này được định hình và liên tục được cập nhật hàng ngày, nếu người dùng nào ở trạng thái bị rủi ro do đã tiếp xúc với một người mới được xác nhận là nhiễm bệnh thì sẽ được cảnh bảo ngay. Những người dùng ở khác có liên quan cũng được tự động chuyển trạng thái heo hệ thống phân loại F0 tới F5 và được thông báo ngay lập tức để có thể chuẩn bị trước cho các tình huống khác nhau. Do đó, càng nhiều người tham gia cung cấp dữ liệu chính xác và cập nhật thường xuyên, kết quả tính toán của Covid-19 Check càng chính xác.

Như vậy, Covid-19 Check sẽ giúp người dùng có thể kiểm tra được khả năng bị lây nhiễm với virus corona (SARS-CoV-2) theo phân loại từ F0 tới F5 của Bộ Y tế Việt Nam. Đồng thời trợ giúp các cơ quan phòng dịch dự đoán và khoanh vùng những cá nhân cần được cách ly để theo dõi và chữa trị, tránh lây lan virus ra cộng đồng.

Theo Got It, tính riêng tư và dữ liệu cá nhân của người dùng được đảm bảo vì hệ thống không bắt buộc cung cấp thêm thông tin cá nhân nào (kể cả tên, địa chỉ), đồng thời các mối tiếp xúc lâu hơn 14 ngày so với ngày hiện tại sẽ được tự động xóa vĩnh viễn khỏi hệ thống.

Phiên bản thử nghiệm: http://bit.ly/covid19check

Sử dụng Covid-19 Check thế nào

Đối với người dùng, ứng dụng Covid-19 Check hoạt động vô cùng đơn giản. Để sử dụng, người dùng cần cung cấp một định danh là số điện thoại di động hoặc email để tạo tài khoản trong hệ thống. Đây là định danh duy nhất mà người dùng cung cấp để phục vụ cho việc xác thực và chống spam.

Sau đó, họ sử dụng tính năng Check In để nhập dữ liệu trong vòng 14 ngày qua (về các mối tiếp xúc gần với người khác, các hành trình sử dụng phương tiện giao thông công cộng, các địa điểm có mặt). Lần đầu tiên cập nhật dữ liệu sẽ hơi mất thời gian vì cần có dữ liệu của 14 ngày trước, nhưng sau đó người dùng có thể cập nhật dữ liệu của từng ngày mỗi khi có một sự kiện nào đó xảy ra.

Người dùng có thể kiểm tra độ rủi ro bị lây nhiễm virus corona của mình như thế nào (F mấy)? Hệ thống cũng tự động thông báo cho người dùng nếu có sự thay đổi về độ rủi ro để họ có thể chủ động chuẩn bị các kế hoạch cho mình.

Sau khi ra mắt bản phiên bản thử nghiệm, Got It đã nhận được nhiều phản hồi trái chiều và đang tiếp thu các ý kiến để cải thiện ứng dụng. Một tin vui đến với Got It là vào ngày 19/03 vừa qua, Covid-19 Check đã nhận được cấp phép phần mềm doanh nghiệp (enterprise license) trị giá 200.000 USD từ công ty công nghệ Neo4J. Tin này được gửi từ chính Phó chủ tịch phụ trách sản phẩm của Neo4J đến người sáng lập Got It Hùng Trần đã khiến cả nhóm rất tự hào khi việc làm của mình đã thu hút được sự ủng hộ và đồng hành từ cả những công ty công nghệ trên thế giới.

Xác định đây là một dự án dài hơi và có thể kéo dài đến khi đại dịch Covid-19 được dập tắt hoàn toàn, đội ngũ làm dự án đang tiếp tục phát triển ứng dụng trên thiết bị di động (mobile app) để tự động hóa nhiều bước, giúp giảm tâm lý ngại nhập dữ liệu thủ công.

Bước tiếp theo của dự án là tích hợp hệ thống vào nền tảng công nghệ đang có của Ban chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch Covid-19, nên sẽ còn phải phối hợp với nhiều đơn vị liên quan. Sản phẩm chính thức được dự kiến sẽ sớm ra mắt trong thời gian tới.

Covid-19 Check ra đời thế nào?

Còn nhớ khi ấy là tuần thứ 5 toàn bộ nhân viên Got It làm việc tại nhà kể từ khi có dịch. Cả team đã rất hào hứng, sẵn sàng cho kế hoạch quay trở lại văn phòng bởi đã hơn 20 ngày Việt Nam không phát sinh ca bệnh mới. Thế nhưng, thật không may khi ngay đêm hôm đó, ca nhiễm thứ 17 được công bố khiến cả nước bàng hoàng. Trước tình cảnh ấy, anh Hùng Trần nói với cả team: "Nếu muốn quay lại văn phòng làm việc sớm thì phải nghĩ ra cách gì đó để tham gia chống dịch, dù là việc nhỏ hay lớn, chứ ngồi chờ thì biết tới bao giờ?".

Trong bối cảnh người nhiễm virus đã gặp gỡ rất nhiều người khác trong thời gian ủ bệnh, các thành viên của Got It nhận thấy việc xác định nhanh chóng các mối tiếp xúc là rất cần thiết. Vì vậy, chỉ vài ngày sau, một mạng lưới các mối tiếp xúc giữa các cá nhân trong 14 ngày đã được đề xuất. Mạng lưới này sẽ được minh hoạ bằng đồ thị và sử dụng nguồn dữ liệu do cộng đồng cung cấp. Từ đó, bất cứ khi nào có một ca dương tính với virus, việc xác định những người có rủi ro nhiễm bệnh theo phân loại từ F0 tới F5 của Bộ Y tế sẽ được tính toán và tìm ra tức thời. Đây chính là tiền đề để Got It xây dựng COVID-19 Check.

Bật mí, Covid-19 Check được xây dựng vọn vẹn chỉ trong… 10 ngày.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Startup Việt cung cấp nền tảng AI hỗ trợ phòng chống Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO