Sydney phát triển thành phố như một hình mẫu tiêu chuẩn về quy hoạch thông minh

Mai Phùng| 07/05/2021 09:40
Theo dõi ICTVietnam trên

Sydney được biết đến là trung tâm thương mại đổi mới, là nền kinh tế lớn nhất của Australia với thế mạnh về tài chính, giáo dục, sản xuất, công nghệ, thương mại và du lịch. Sydney có đầy đủ các yếu tố để hoàn thành công cuộc phục hồi sau đại dịch và phát triển thành phố như một mẫu tiêu chuẩn trong quy hoạch thông minh, hợp tác và tái cân bằng.

Sydney được ca ngợi về môi trường sống và các cơ hội kinh tế. Trong Chỉ số thành phố thông minh (TPTM) năm 2020 do Viện Phát triển Quản lý phối hợp với Đại học Công nghệ và Thiết kế Singapore thực hiện, Sydney được xếp hạng 18/109 thành phố trong bảng xếp hạng dựa trên nhận thức của người dân về tác động của công nghệ đối với chất lượng cuộc sống của họ.

Thành phố Sydney: Đẩy mạnh phát triển thành phố như một mẫu tiêu chuẩn về quy hoạch thông minh - Ảnh 1.

Sydney được biết đến là trung tâm thương mại đổi mới, là nền kinh tế lớn nhất của Australia.

Là một trong những khu vực phát triển nhanh nhất ở New South Wales, Sydney đang phải trải qua những thay đổi do đô thị hóa, các mối đe dọa khí hậu, công nghệ mới và sự phục hồi sau đại dịch.

Đại dịch COVID-19 bùng nổ khiến nền kinh tế bị đình trệ, vào tháng 6/2020, thị trưởng Sydney - Clover Moore đã công bố một kế hoạch gồm 3 phần để phục hồi thành phố sau đại dịch với sự hỗ trợ đặc biệt cho các cộng đồng dễ bị tổn thương, phục hồi kinh tế và đổi mới kinh doanh.

Thị trưởng Clover Moore cho biết: "Chúng tôi phát triển một tầm nhìn chung cho tương lai của thành phố với việc coi công nghệ kỹ thuật số là một công cụ hỗ trợ cộng đồng đa dạng của chúng tôi nhằm giải quyết những thách thức cấp bách và mở ra những cơ hội mới".

Vào năm 2020, thành phố Sydney đã ban hành Khung chiến lược TPTM để khai thác các cơ hội số, lập kế hoạch cho sự không chắc chắn và duy trì vị thế danh tiếng toàn cầu như một nơi hàng đầu để sống, làm việc, học hỏi và tham quan.

Dân số của Greater Sydney được dự báo sẽ tăng lên khoảng 8 triệu người vào năm 2050. Với gần một nửa dân số sống ở các vùng ngoại ô phía Tây của Sydney, các nhà lãnh đạo cộng đồng và doanh nghiệp nhận ra rằng đã đến lúc thành phố cần thực hiện các chính sách tái cân bằng các cơ hội kinh tế và xã hội cũng như phân phối công bằng hơn các dịch vụ và chất lượng cuộc sống cho người dân.

Trong một bước tiến quan trọng đối với sự tái cân bằng này, Ủy ban Greater Sydney đã được thành lập vào năm 2016 với vai trò lãnh đạo quá trình lập kế hoạch chiến lược cho khu vực Greater Sydney. Trong năm đầu tiên hoạt động, Ủy ban Greater Sydney đã xây dựng tầm nhìn 40 năm cho sự phát triển của thành phố. 2 năm sau, Ủy ban Greater Sydney đã cho ra mắt "Kế hoạch mở rộng vùng Greater Sydney: Một đô thị của ba thành phố".

Công ty cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp KPMG cho biết kế hoạch cho Greater Sydney phản ánh "một chương trình nghị sự quốc gia mới nổi về chính sách đô thị kết nối hơn nhằm thúc đẩy khả năng cạnh tranh toàn cầu của các thành phố Australia".

Theo nghị sĩ Gladys Berejiklian, Thủ hiến của New South Wales, quy hoạch một đô thị ba thành phố "là một tầm nhìn táo bạo cho ba thành phố cùng tích hợp, kết nối sẽ giúp tái cân bằng Greater Sydney", đồng thời cũng sẽ đóng vai trò hướng dẫn cho "những khoản đầu tư cần thiết về giao thông, cơ sở hạ tầng, dịch vụ và nhà ở giá rẻ".

Chia sẻ dữ liệu, tương tác kỹ thuật số mở ra cơ hội mới

Khung chiến lược TPTM của Sydney nêu rõ giá trị thực của dữ liệu được thu thập cho những mục đích rõ ràng. Việc chuyển đổi dữ liệu thô thành thông tin hữu ích đòi hỏi cơ sở hạ tầng thông minh tiên tiến có khả năng cấu trúc, tích hợp và phân tích.

Việc áp dụng các tiêu chuẩn vào hệ sinh thái TPTM của Sydney tạo điều kiện cho việc tương tác và chia sẻ dữ liệu, đồng thời cho phép các bên liên quan tận dụng dữ liệu và khám phá ý tưởng cho các giải pháp đô thị.

Vào năm 2018, Ủy ban Sydney đã ban hành một báo cáo có tiêu đề "Tương tác thông minh: Tận dụng công nghệ cho một Sydney toàn diện hơn" nghiên cứu về sự tham gia hiệu quả của người dân - một yếu tố cốt lõi tạo nên thành công của TPTM.

Theo đó, các tác giả của của báo cáo cho biết, để cải thiện cuộc sống của mọi người, "chúng ta phải hiểu những vấn đề ảnh hưởng đến họ nhiều nhất".

Báo cáo đã chỉ ra rằng việc triển khai các cảm biến thông minh, chia sẻ dữ liệu, phân tích và các dịch vụ tự động đã đẩy mạnh quá trình phát triển đô thị thông minh, nhưng thành công của TPTM cuối cùng phụ thuộc vào cách các giải pháp công nghệ này cải thiện chất lượng cuộc sống đô thị.

Thành phố Sydney: Đẩy mạnh phát triển thành phố như một mẫu tiêu chuẩn về quy hoạch thông minh - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa)

Thành phố Sydney là một trong những hội đồng địa phương đầu tiên thành lập một trung tâm trực tuyến để đảm bảo tham vấn cộng đồng được hỗ trợ bởi sự tương tác kỹ thuật số.

Nền tảng tương tác "Sydney Your Say" khuyến khích công dân tham gia và đóng góp vào việc ra quyết định trong quy hoạch thành phố, phúc lợi, văn hóa, nghệ thuật và chiến lược đô thị.

Nền tảng này vẫn đang được tiếp tục phát triển thông qua việc áp dụng các công nghệ mới, mạng xã hội, các ứng dụng điện thoại thông minh và thực tế ảo nhằm cung cấp các bộ dữ liệu mở về giao thông, phạm vi công cộng, cộng đồng, quy hoạch, văn hóa, quy định, kinh tế và môi trường.

Với việc hỗ trợ các hội đồng địa phương trong việc tạo ra nhiều cộng đồng đáng sống hơn, Đại học Công nghệ Sydney hoạt động ở tuyến đầu của kế hoạch TPTM nhằm khai thác công nghệ Internet vạn vật (IoT) đã chủ trì một chương trình nghiên cứu TPTM - TULIP.

Thông qua chương trình TULIP, các mạng truy cập công cộng và cảm biến được triển khai tại các thành phố và được hỗ trợ bởi một cách tiếp cận mới, sáng tạo đối với kiến trúc dữ liệu, thu thập dữ liệu siêu cục bộ về nhiệt độ đô thị, chất lượng không khí và mức độ tiếng ồn. TULIP đóng vai trò như một kế hoạch chi tiết cho các chính quyền địa phương cung cấp cơ sở hạ tầng TPTM.

Bên cạnh đó, mạng lưới cảm biến thông minh của New South Wales được thành lập để tập hợp các nghiên cứu cảm biến đẳng cấp thế giới và định vị New South Wales là đơn vị dẫn đầu về công nghệ cảm biến.

Trong tương lai, mạng lưới này có thể đóng một vai trò quan trọng trong các trường hợp khẩn cấp và thảm họa quốc gia như cháy rừng. Vào năm 2020, mạng lưới cảm biến thông minh của New South Wales đã khởi động chương trình nghiên cứu Những thách thức lớn (Grand Challenges) nhằm ứng phó với một số thách thức lớn nhất của thời đại, bao gồm môi trường đô thị, kinh tế, sức khỏe cộng đồng và xã hội, phòng ngừa, ứng phó, giảm thiểu cháy rừng, các trường hợp khẩn cấp về đại dịch và giải pháp mới cho dân số già.

Kết nối - ưu tiên giải quyết các vấn đề về hòa nhập kỹ thuật số

Về kết nối băng thông rộng, mạng băng thông rộng quốc gia (NBN) - thuộc sở hữu hoàn toàn của Khối thịnh vượng chung Australia, là mạng truy cập mở, chỉ cung cấp dung lượng và dịch vụ băng thông rộng cho các nhà bán lẻ điện thoại và nhà cung cấp dịch vụ Internet.

Ngay sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Mạng lưới hành động người tiêu dùng truyền thông Australia đã đưa ra lời kêu gọi tới các nhà cung cấp dịch vụ Internet và băng thông rộng để giúp công dân giải quyết các vấn đề về trực tuyến.

Cải thiện các dịch vụ băng thông rộng và kết nối Internet là những vấn đề cơ bản nhằm cải thiện sự hòa nhập kỹ thuật số trên toàn khu vực Greater Sydney. Chỉ số hòa nhập kỹ thuật số của Australia (ADII) năm 2019 cho biết "hòa nhập kỹ thuật số dựa trên tiền đề rằng tất cả mọi người đều có thể sử dụng đầy đủ các công nghệ số".

ADII cung cấp đánh giá về sự tham gia trực tuyến bằng cách đo lường ba khía cạnh của kỹ thuật số bao gồm: khả năng tiếp cận, khả năng chi trả và khả năng kỹ thuật số.

Chỉ số năm 2019 cũng đã chỉ ra rằng sự hòa nhập kỹ thuật số đang được cải thiện đáng kể trên toàn quốc và ở Sydney. Kể từ năm 2014, điểm trung bình về hòa nhập kỹ thuật số của quốc gia đã tăng 7,9 điểm, từ 54,0 lên 61,9 và New South Wales, Sydney đã phản ánh rõ nhất xu hướng này. Mọi người đang tiêu thụ dữ liệu nhiều hơn và kết nối nhiều thiết bị hơn với Internet, đồng thời cũng tham gia nhiều hơn vào các hoạt động trực tuyến về xã hội, văn hóa và kinh tế.

Tuy nhiên, vẫn còn khoảng cách giữa những công dân được tiếp cận kỹ thuật số và những công dân bị loại trừ. Những người có điểm ADII thấp hơn bao gồm những công dân có mức thu nhập, giáo dục và việc làm thấp, người từ 65 tuổi trở lên (nhóm tuổi ít sử dụng công nghệ số nhất); và những người chỉ sử dụng thiết bị di động (chỉ truy cập Internet thông qua kết nối di động).

Đối với những người dùng di động, Telstra, Optus và Vodafone đã ra mắt mạng 5G và các dịch vụ có tiềm năng tăng cường khả năng tiếp cận kỹ thuật số. Bằng cách cung cấp kết nối không dây nhanh hơn, 5G tạo điều kiện đẩy mạnh nhu cầu sử dụng các công nghệ thông minh. Một sản phẩm chính từ Optus là băng thông rộng không dây tại nhà 5G, có khả năng đóng vai trò là một giải pháp thay thế cho mạng băng thông rộng quốc gia.

Một cuộc khảo sát về kết nối của BAI Communications cũng đã cho biết "người dân Sydney mong đợi mạng 5G sẽ có tác động tích cực đến khả năng tiếp cận các dịch vụ của doanh nghiệp và chính phủ; tiếp cận các dịch vụ giải trí; giữ kết nối với bạn bè, gia đình và truy cập nội dung kinh doanh, giáo dục trực tuyến".

Theo kết quả khảo sát, 94% người dân Sydney ủng hộ đầu tư công vào cơ sở hạ tầng TPTM. Tuy nhiên, chỉ 61% người được hỏi tin rằng Sydney đang tận dụng tốt các cơ hội của mạng thông minh và 5G.

Đại dịch đã gia tăng nhu cầu làm việc từ xa, Sydney trở nên phụ thuộc hơn vào công nghệ số và kết nối. Kate Deacon, Giám đốc điều hành, chiến lược và truyền thông của thành phố Sydney, cho biết: "Nhiều người trong khu vực đã sử dụng mạng không dây và các thiết bị máy tính trong các thư viện công cộng. Tuy nhiên, những dịch vụ này bị đóng cửa trong thời gian áp dụng các biện pháp hạn chế đã làm gia tăng gấp đôi các vấn đề tiếp cận kỹ thuật số của những người dễ bị tổn thương nhất trong cộng đồng".

"Trước đại dịch, thành phố đã rất tích cực trong việc cung cấp các chương trình phổ cập kỹ thuật số và chúng tôi tiếp tục tập trung vào vấn đề này như một ưu tiên để giải quyết các vấn đề về hòa nhập kỹ thuật số. Chúng tôi hiện cũng đang nỗ lực để mở rộng dịch vụ mạng không dây miễn phí tại các trung tâm cộng đồng của mình", Kate Deacon cho biết thêm.

Giống như các thành phố khác ở Australia và trên toàn thế giới, Sydney phải đối mặt với những thách thức trong việc tái khởi động lại động lực phát triển thành phố thông minh trong thời kỳ hậu đại dịch.

Với lịch sử ứng phó với các cuộc khủng hoảng nổi lên từ xung đột toàn cầu, kinh tế gián đoạn, biến đổi khí hậu và tình trạng khẩn cấp về y tế, Sydney đã nhiều lần cho thấy đây là một thành phố kiên cường. Hiện nay, thành phố cũng đang áp dụng thế mạnh của mình là một TPTM, sáng tạo để tạo tiền đề cho sự phát triển và cải tiến trong tương lai. Và các kế hoạch đầy tham vọng, các sáng kiến của chính phủ với sự tham gia tích cực của công dân, thành phố đã sẵn sàng cho việc phục hồi sau đại dịch và tái cân bằng đô thị. 

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Sydney phát triển thành phố như một hình mẫu tiêu chuẩn về quy hoạch thông minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO