Tài chính ngân hàng sẽ là lĩnh vực tiên phong trong chuyển đổi số

TH| 14/11/2020 21:45
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành tháng 6, có 8 ngành, lĩnh vực cần được ưu tiên chuyển đổi số trước. Tài chính - Ngân hàng là một trong 8 lĩnh vực cần được ưu tiên đó.

Từ Đề án chuyển đổi số quốc gia…

Trong Đề án chuyển đổi số quốc gia vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nội dung về chuyển đổi số lĩnh vực tài chính ngân hàng là nội dung được đưa đầu tiên trong 8 lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số trước. Một số nội dung cụ thể đã được Đề án chỉ rõ, như sẽ phải xây dựng tài chính điện tử và thiết lập nền tảng tài chính số hiện đại, bền vững. Triển khai ứng dụng toàn diện công nghệ số trong các ngành thuế, hải quan, kho bạc, chứng khoán.

Bên cạnh đó, Đề án cũng chỉ rõ cần chuyển đổi số trong các ngân hàng thương mại để cung cấp dịch vụ ngân hàng số theo hướng phát triển đa dạng các kênh phân phối, đổi mới sáng tạo, tự động hóa quy trình, thúc đẩy hợp tác với các công ty công nghệ tài chính (Fintech) và trung gian thanh toán trong việc xây dựng hệ sinh thái dịch vụ tài chính ngân hàng. Việc này nhằm thúc đẩy phổ cập tài chính quốc gia, đưa dịch vụ tài chính - ngân hàng đến gần hơn những đối tượng vùng sâu, vùng xa chưa có khả năng tiếp cận hoặc chưa được ngân hàng phục vụ dựa vào sự đổi mới sáng tạo của công nghệ như thanh toán di động, cho vay ngang hàng.

Việc chuyển đổi số lĩnh vực này hướng tới việc hỗ trợ khả năng tiếp cận vốn vay nhờ các giải pháp chấm điểm tín dụng với kho dữ liệu khách hàng và mô hình chấm điểm đáng tin cậy.

… Tới việc xây dựng một xã hội không dùng tiền mặt

Trên thực tế, ngay từ trước khi Chính phủ ban hành Đề án chuyển đổi số quốc gia, ngành dịch vụ tài chính đã rất sôi động và là một trong những ngành đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ vào mọi mặt hoạt động. Ngân hàng số đã không còn là một khái niệm xa lạ với hầu hết người dân ở khu vực thành thị, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh…

Theo Báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT-TT) 2019, các ngân hàng có xu hướng tập trung cải thiện trong ứng dụng CNTT để nâng cấp core banking. Dịch vụ Internet banking dành cho khách hàng ngày càng phổ biến. Hoạt động của ngân hàng điện tử cũng phát triển hơn trong giai đoạn 2016-2019.

Theo một thống kê gần đây của ngân hàng nhà nước, có 42% các ngân hàng ở Việt Nam coi ngân hàng số là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược kinh doanh của họ, 94% các ngân hàng ở Việt Nam đã đầu tư vào lĩnh vực này ở các mức độ khác nhau. Theo số liệu của Vụ Thanh toán ngân hàng Nhà nước, trong 6 tháng đầu năm 2020, lưu lượng thanh toán không dùng tiền mặt tăng 180%, nhiều ngân hàng báo cáo tỉ lệ giao dịch tại kênh chi nhánh còn dưới 10%. Những số liệu đó cho thấy xu hướng số hóa trong ngành dịch vụ tài chính đang diễn ra một cách mạnh mẽ.

Cú huých mang tên "Covid-19" và "Fintech"

Cũng cần phải nhắc đến một yếu tố đang đẩy nhanh hơn nữa qua trình chuyển đổi số, đó là đại dịch Covid-19. Rõ ràng là dịch bệnh đã làm thay đổi các ưu tiên trong cuộc sống hằng ngày, cách lựa chọn và mua sắm, cách học tập, cách hội họp.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhận định: "Cơ hội mà Covid-19 mang lại mà chúng ta phải tận dụng để bứt phá vươn lên chính là chuyển đổi số. Cần đưa các hoạt động có thể lên online trong thời gian sớm nhất, nhanh hơn các nước khác. Đây chính là sứ mệnh mới của ngành TT&TT, của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam".

Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi rất nhiều lĩnh vực trong cuộc sống hàng ngày như thay đổi về cách thức tham dự các sự kiện xã hội, tôn giáo từ xa; thay đổi trong cách giao tiếp và chăm sóc các thành viên lớn tuổi trong gia đình; thay đổi trong cách tiêu dùng, từ đó cũng thay đổi chuỗi giá trị của nhà cung cấp… Những nhu cầu mới đó thôi thúc người dân tự tìm tòi, tiếp cận các dịch vụ số. Điều này sẽ tạo cú huých về "cầu" đối với chuyển đổi số.

Bên cạnh đại dịch Covid-19, trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng, sự ra đời và phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của các doanh nghiệp fintech như VNPT Pay, Viettel Pay đóng vai trò như những "chú ngựa ô" trong lĩnh vực mới mẻ này đã tạo cú huých thứ hai cho các các ngân hàng trong việc đẩy mạnh chuyển đổi số.

Tài chính ngân hàng sẽ là lĩnh vực tiên phong trong chuyển đổi số - Ảnh 2.

Các công ty fintech đang phát triển mạnh mẽ và tạo cú huých cho chuyển đổi số ngân hàng.

Bên cạnh các ông lớn công nghệ như VNPT, Viettel tham gia với các sản phẩm VNPT Pay, Viettel Pay thì yếu tố thúc đẩy thị trường lớn lại đến từ các công ty tư nhân, trong đó phải kể đến như Payoo, Moca, Momo, Zalo Pay. Ba thương hiệu Moca, Momo và ZaloPay đang chiếm khoảng 90% thị phần ví điện tử tại thị trường Việt Nam. Các thương hiệu này tạo sức lan tỏa lớn trong xã hội, qua đó giúp thay đổi nhận thức của người dùng cũng như thúc đẩy chuyển đổi số của các ngân hàng.

Có thể nói, chưa lúc nào mà lĩnh vực tài chính – ngân hàng lại hội tụ đủ các yếu tố cả về chính sách, công nghệ và thị trường để bứt phá trong việc chuyển đổi số như hiện nay. Các ngân hàng và tổ chức tài chính truyền thống, phi truyền thống giờ đây cũng đều đã nhận thấy việc chuyển đổi số và tăng tốc quá trình đưa ra các sản phẩm và dịch vụ đến với khách hàng sẽ là lối thoát để vượt qua khủng hoảng. Đó chính là cơ sở để chúng ta tin rằng tài chính ngân hàng sẽ là lĩnh vực tiên phong trong chuyển đổi số tại Việt Nam trong thời gian tới./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tài chính ngân hàng sẽ là lĩnh vực tiên phong trong chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO