Tài chính toàn diện và vai trò xóa nghèo tại các nước ASEAN

Bình Minh| 24/07/2022 20:22
Theo dõi ICTVietnam trên

Một trong những vai trò lớn của tài chính toàn diện mà các quốc gia và khu vực ASEAN quan tâm đó chính là tài chính toàn diện giúp xóa đói giảm nghèo. Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế, chi tiêu Chính phủ cho giáo dục tăng và dân số đông được minh chứng có tác động làm giảm đói nghèo tại các quốc gia nghiên cứu.


Tài chính toàn diện và vai trò xóa nghèo tại các nước ASEAN - Ảnh 1.

Phân phối chi phí cho giáo dục một cách hợp lý là công cụ hữu hiệu để xóa đói giảm nghèo. (Ảnh: Bình Minh)

Chỉ số tài chính toàn diện của Campuchia tăng mạnh

Theo nhóm nghiên cứu gồm: Trần Thị Thu Hường, Nguyễn Thị Thu Trang, Nguyễn Bích Ngọc thuộc Học viện Ngân hàng (Nhóm nghiên cứu), tài chính toàn diện có tính chất đa chiều, nó mang đến cho người dân các dịch vụ tài chính chất lượng một cách thuận tiện, mở rộng khả năng tiếp cận cho tất cả các tầng lớp dân cư, đặc biệt là tầng lớp dân cư có thu nhập thấp và tạo cơ hội đồng đều và hạn chế bất bình đẳng trong nền kinh tế.

Tài chính toàn diện đã được chứng minh đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của thị trường tài chính cũng như trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo và gia tăng công bằng trong xã hội (Chibba, 2009; Demirgüç -Kunt và cộng sự, 2018; Kumar, 2013; Levine, 2005; Neaime và Gaysset, 2018; Okoye và cộng sự, 2017; Tita và Aziakpono, 2017). Với vai trò được nhận thức ngày càng quan trọng, tài chính toàn diện xuất hiện như một nhân tố cấu thành của 7/17 mục tiêu phát triển bền vững thiên niên kỷ (Demirgüç-Kunt và cộng sự, 2015; Klapper và cộng sự, 2016).

Nhiều quốc gia trên thế giới cũng coi tài chính toàn diện là một trong những mục tiêu trung gian cho phát triển và đang tập trung cho mục tiêu này, chính vì vậy có thể thấy tài chính toàn diện đang có xu hướng phát triển nhanh tại hầu hết các quốc gia. Do được tiếp cận từ nhiều góc độ khác nhau, tài chính toàn diện có thể được đo lường theo các cách khác nhau, phụ thuộc vào các mục đích nghiên cứu. Song việc tiến hành đánh giá tài chính toàn diện tại các nước ASEAN theo ba khía cạnh: về khả năng thâm nhập; về sự sẵn có và về mức độ sử dụng dịch vụ ngân hàng. Cụ thể, về khả năng tiếp cận nghiên cứu tiến hành trên Tài khoản ngân hàng của hơn 1.000 người trưởng thành; về tính sẵn có tiến hành với số máy ATM trên 100.000 người trưởng thành và Chi nhánh ngân hàng trên 100.000 người trưởng thành; về mức độ sử dụng tiến hành trên tín dụng ngân hàng trên % GDP và tiền gửi ngân hàng trên % GDP.

Theo đánh giá của các chuyên gia, tất cả các chỉ số đều có nguồn gốc từ Các Chỉ số Phát triển Thế giới của Ngân hàng Thế giới. Tổng cộng dữ liệu của 184 nền kinh tế được thu thập, bao gồm cả các nền kinh tế từ châu Á đang phát triển. Có thể thấy rõ ràng rằng Thái Lan và Malaysia những nước có nền kinh tế phát triển trong khu vực ASEAN đồng thời là những nước có chỉ số tài chính toàn diện tổng hợp cao nhất trong khu vực. Các quốc qua có chỉ số tài chính toàn diện tổng hợp thấp trong khu vực có thể kể đến như Lào, Myanmar và Campuchia. Điều đáng ngạc nhiên là trong khoảng 4 năm trở lại đây nhờ đẩy mạnh phát triển hệ thống tài chính mà Campuchia đã có kết quả vượt bậc, chỉ số tài chính toàn diện đã tăng mạnh từ mức 0,041 năm 2010 lên mức 0,116 vào năm 2017, vượt xa so với Lào hay Myanmar với cùng mức xuất phát điểm năm 2000. Trong khi đó Việt Nam có chỉ số FII tăng mạnh gấp 3,2 từ mức 0,035 (2000) lên 0,112 (2017). Nhận định này tương tự kết quả nghiên cứu của Honnohan (2008).

Để đạt được chỉ số tài chính toàn diện tổng hợp cao nhất trong khu vực như trường hợp của Thái Lan và Malaysia, các quốc gia này đều có chiến lược tài chính toàn diện từ rất sớm. Điển hình tại Malaysia, chỉ số tài chính toàn diện tổng hợp của Malaysia tăng đều qua các năm, từ mức 0,1539 (2000) lên 0,256 (2017). Có được điều này là do Chính phủ đã đưa nhiệm vụ về tổ chức tín dụng trong Luật Ngân hàng Trung ương 2009 và Chiến lược tổng thể phát triển khu vực tài chính năm 2011 và 2020 (Master Plan/Blueprint). Trên cơ sở văn bản pháp luật này, Khuôn khổ tổ chức tín dụng đã được xây dựng với một tầm nhìn rõ ràng và đặt ra các mục tiêu cụ thể. Việc có được một cơ sở pháp luật và sự cam kết của Chính phủ là nhân tố quan trọng quyết định sự thành công của chiến lược tổ chức tín dụng ở Malaysia.

Công cụ hữu hiệu trong công cuộc xóa đói giảm nghèo

Kết quả nghiên cứu cho thấy hệ số của biến FII trong mô hình nghiên cứu là -50,3760 với mức ý nghĩa 1%, minh chứng về mối quan hệ ngược chiều giữa tài chính toàn diện và đói nghèo. Số liệu này cũng tương đồng với phần lớn kết quả nghiên cứu khi cho rằng nhiều người có thể tiếp cận với các dịch vụ tài chính hơn sẽ giúp người dân tham gia nhiều hơn vào các hoạt động kinh tế, từ đó giúp giảm đói nghèo (Park và cộng sự, 2015). Bên cạnh đó, khả năng tiếp cận với tài chính tăng lên sẽ giúp gia tăng đầu tư, tạo công ăn việc làm từ đó gia tăng thu nhập cho xã hội và làm giảm tỷ lệ đói nghèo (Amadou ,2018), hay tài chính toàn diện tăng lên đồng nghĩa với việc những người nghèo sẽ có nhiều động lực hơn để sử dụng các sản phẩm tài chính từ các tổ chức chính thức trong việc đầu tư vào hoạt động kinh doanh và nâng cao thu nhập (Ibrahim và cộng sự 2019).

Với các biến kiểm soát, tăng trưởng kinh tế GDP tác động âm và có ý nghĩa thống kê 5% với hệ số tác động (-0,0012) tới đói nghèo, có nghĩa là tăng trưởng kinh tế có tác động giúp giảm nghèo. Nhận định này tương đồng với phần lớn các nghiên cứu, như nghiên cứu của Omar (2020) cũng có kết luận tương tự khi cho rằng nền kinh tế phát triển sẽ giúp tạo ra nhiều nhu cầu việc làm hơn, tăng thu nhập thực cho cả các nhân sự có cả kỹ năng thấp, cải thiện chất lượng sống. Bên cạnh đó, hệ thống tài chính phát triển toàn diện, thúc đẩy các cá nhân và hộ nghèo đầu tư và quản lý rủi ro tài chính tốt hơn, từ đó giúp giảm nghèo. Hay như nghiên cứu của Mansi và cộng sự (2020) chỉ ra rằng tác động của GDP bình quân đầu người đến đói nghèo là ngược chiều, và có ý nghĩa thống kê. Đặc biệt, tại các quốc gia đang phát triển thì tác động của GDP bình quân đầu người lên tỉ lệ đói nghèo càng rõ nét. Điều này là do sự tăng trưởng kinh tế sẽ tạo ra nhiều cơ hội việc làm cũng như nâng cao thu nhập hơn. Chính vì vậy tăng trưởng kinh tế nói chung mà cụ thể là GDP bình quân đầu người sẽ có tác động tích cực đến tỉ lệ đói nghèo tại các quốc gia.

Theo nhóm nghiên cứu, chi tiêu của chính phủ cho giáo dục, EXE, tác động âm và có ý nghĩa thống kê 5% (hệ số tác động -1,4372) tới đói nghèo, có nghĩa là Chính phủ chi tiêu nhiều hơn cho giáo dục sẽ giúp giảm nghèo. Odior (2014) cũng có kết luận tương tự như vậy vì cho rằng Chi tiêu chính phủ cho giáo dục là chính sách giúp gia tăng năng lực và khả năng làm việc của người dân, nhờ đó giúp người dân có được công việc ổn định và thu nhập tốt hơn, nhờ đó giúp giảm nghèo. Jung và Thorbecke (2003) khi nghiên cứu cụ thể tác động của chi tiêu cho giáo dục đối với đói nghèo tại Tanzania và Zambia cũng đưa ra quan điểm tương tự. Theo nghiên cứu cũng khẳng định: "Việc phân phối chi phí cho giáo dục một cách hợp lý sẽ là một công cụ vô cùng hữu hiệu trong công cuộc xóa đói giảm nghèo"…

Thúc đẩy tài chính toàn diện, hướng tới xóa đói giảm nghèo

Qua các cấu phần và chỉ số tổng hợp, nhóm nghiên cứu phân tích thực trạng về tài chính toàn diện và thực trạng về đói nghèo tại các quốc gia ASEAN. Cũng như nghiên cứu tiến hành phân tích tác động của tài chính toàn diện tới đói nghèo tại tại các quốc gia ASEAN đã rút ra một số vấn đề.

Cụ thể, theo các chuyên gia nghiên cứu, các quốc gia trong khu vực ASEAN có mức tài chính toàn diện rất khác nhau. Những quốc gia có mức độ tài chính toàn diện cao nhất bao gồm: Thái Lan và Malaysia; những quốc gia có chỉ số tài chính toàn diện thấp là Campuchia, Myanmar, Lào. Nhưng nhìn chung các nước đều nỗ lực để phát triển tài chính toàn diện do đó chỉ số tài chính toàn diện đều có sự cải thiện qua các năm.

Bên cạnh đó, tình trạng đói nghèo các quốc gia trong khu vực ASEAN ngày càng được cải thiện, thể hiện thông qua tỷ lệ dân số sống dưới ngưỡng nghèo quốc gia có xu hướng giảm trong giai đoạn 2000 - 2017. Nổi bật trong đó phải kể đến Thái Lan và Philippines với mức độ giảm là hơn 4 lần trong toàn bộ thời gian nghiên cứu. Chính vì vậy, tại thời điểm năm 2017, chỉ số đói nghèo tại các quốc gia trong khu vực ASEAN hầu hết đều dưới 10% (chỉ trừ Lào).

Đồng thời, quốc gia có mức độ tài chính toàn diện càng cao thì tỷ lệ đói nghèo càng thấp. Nghiên cứu tác động trên cấp độ quốc gia như vậy sẽ giúp các nhà lập và thực thi chính sách trong việc thúc đẩy tài chính toàn diện, hướng tới xóa đói giảm nghèo.

Tiếp đó, quốc gia có tăng trưởng kinh tế cao và dân số đông có tỷ lệ đói nghèo càng thấp. Tuy chi tiêu Chính phủ tăng không được minh chứng có tác động tới đói nghèo nhưng chi tiêu Chính phủ cho giáo dục tăng có tác động giảm đói nghèo.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tài chính toàn diện và vai trò xóa nghèo tại các nước ASEAN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO