Tận dụng tốt cơ hội từ chuyển đổi số

Tạp chí TT&TT| 17/07/2020 07:53
Theo dõi ICTVietnam trên

Ngày 3-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định 749/QÐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số (CÐS) quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Tầm nhìn của Chương trình là đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như phương thức sống, làm việc của người dân; phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp. 

Nhân dịp này, Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Huy Dũng đã trả lời phỏng vấn về những mục tiêu chính của Chương trình cũng như giải pháp trọng tâm để việc triển khai mang lại hiệu quả. Tạp chí Thông tin và Truyền thông trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Tận dụng tốt cơ hội từ chuyển đổi số - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông

Phóng viên: Thưa Cục trưởng, tại sao thời điểm này chúng ta lại nói nhiều về CÐS, đồng thời xây dựng cả một Chương trình hành động quốc gia cho lĩnh vực này?

Cục trưởng NGUYỄN HUY DŨNG: Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu phát triển to lớn. Quá trình đổi mới đã đưa Việt Nam từ một trong những nước nghèo nhất thế giới thành quốc gia có mức thu nhập trung bình, vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế. Nền kinh tế của chúng ta cũng được đánh giá thuộc nhóm những nước tăng trưởng kinh tế cao nhất châu Á và thế giới. Tuy nhiên, so với các nước phát triển, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vẫn thấp. Cùng với đó, sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao, năng suất lao động còn thấp ngay cả so các nước trong khu vực.

Theo một số nghiên cứu, các quốc gia đang phát triển có khả năng được lợi nhiều hơn từ CÐS, do xuất phát điểm thấp hơn, ít gánh nặng hơn, lại có cơ hội tiếp cận tri thức tốt nhất của nhân loại một cách bình đẳng; do vậy, có khả năng CÐS nhanh hơn và mang lại kết quả đột phá hơn. Chính vì vậy, CÐS là quá trình tất yếu của Việt Nam để phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới. Nếu chúng ta có chính sách phù hợp, bước đi đúng sẽ tận dụng được cơ hội của CÐS để vượt lên thành nước phát triển. 

Mặt khác, đây là một cuộc cách mạng về chính sách và thể chế nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ và như vậy càng là lợi thế của Việt Nam khi chúng ta có Ðảng lãnh đạo, có thể đưa ra được những quyết sách lớn một cách nhanh và tập trung, tạo ra sự thống nhất trong toàn xã hội.

Phóng viên: Vậy lợi thế cụ thể của Việt Nam trong CÐS là gì, thưa Cục trưởng?

Cục trưởng NGUYỄN HUY DŨNG: Ðảng và Chính phủ đã nhận thức rất rõ, có chủ trương đúng, kịp thời về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng như công cuộc CÐS. Chúng ta cũng không bị áp lực và tổn thất lớn do phải chuyển đổi mô hình cũ, công nghệ cũ; hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) và tỷ lệ sử dụng công nghệ của chúng ta đang phát triển rất nhanh; nguồn nhân lực trẻ, thông minh, ham học hỏi, sáng tạo, thích ứng nhanh và có khát vọng làm giàu. Nhưng chúng ta cũng còn không ít khó khăn. Nguồn lực đất nước còn hạn hẹp dẫn đến đầu tư cho CÐS sẽ hạn chế. Khung pháp lý, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế, doanh nghiệp chưa đáp ứng đủ vai trò kiến tạo cho phát triển kinh tế số. Ðầu tư cho nghiên cứu, đổi mới công nghệ, sáng tạo chưa cao; đào tạo nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) chưa đáp ứng nhu cầu; tỷ lệ doanh nghiệp, người dân hiểu biết, sử dụng ICT còn thấp. Chúng ta còn phải đối mặt với nhiều thách thức khác khi CÐS sẽ làm phát sinh những mối quan hệ mới chưa có tiền lệ, những mối quan hệ truyền thống có thể bị gián đoạn hoặc chấm dứt, tổ chức, doanh nghiệp có thể bị phá sản hoặc bị thay thế. 

Mặt khác, trong khi nhân lực CÐS thiếu hụt, lại có nguy cơ mất nhiều việc làm truyền thống khi người lao động không được đào tạo nâng cao kịp thời để bắt kịp các yêu cầu về kỹ năng số. Cuối cùng, là nguy cơ về an toàn, an ninh mạng, dữ liệu, dữ liệu cá nhân, quyền riêng tư cá nhân của con người trên không gian mạng bị đe dọa.

CÐS mở ra cơ hội chưa từng có cho Việt Nam. Ðây là một sự thay đổi mang tính toàn diện, đến từng doanh nghiệp, tổ chức, người dân, đến mọi lĩnh vực; một sự chuyển dịch mang tính lịch sử. Nhưng Việt Nam muốn thay đổi thứ hạng trên thế giới thì phải đi nhanh và đi đầu để có lợi thế cạnh tranh. CÐS không cần nhiều cơ sở vật chất mà cần hơn sự thay đổi về tư duy. Chương trình CÐS quốc gia được xây dựng để giải quyết các thách thức nói trên, đồng thời tận dụng tối đa cơ hội, khai thác lợi thế đặc thù của Việt Nam để đi nhanh và đi đầu, tạo lợi thế cạnh tranh, thu hút nguồn lực, huy động sức mạnh toàn dân trong thực hiện CÐS.

Phóng viên: Chương trình đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nào để tạo nền móng cho CÐS của Việt Nam, thưa Cục trưởng?

Cục trưởng NGUYỄN HUY DŨNG: Chúng tôi đã xây dựng sáu nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. 

Thứ nhất và cũng quan trọng nhất là cần chuyển đổi nhận thức về sự cần thiết, tính cấp bách của CÐS trong xã hội, lan truyền từ điểm tới diện, từ một nhóm tổ chức, cá nhân tiên phong tới cộng đồng. 

Nhóm nhiệm vụ thứ hai tập trung vào kiến tạo thể chế, theo hướng khuyến khích, sẵn sàng chấp nhận sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh số, thúc đẩy phương thức quản lý mới đối với những mối quan hệ mới phát sinh. 

Thứ ba là phát triển hạ tầng số, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu bùng nổ về kết nối và xử lý dữ liệu, từ các chức năng về giám sát mạng lưới đến từng nút mạng và bảo đảm an toàn, an ninh mạng được tích hợp sẵn ngay từ khi thiết kế, xây dựng. Trong nhóm nhiệm vụ, giải pháp này, việc phổ cập điện thoại di động thông minh và phổ cập hạ tầng băng rộng có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy tiến trình CÐS. 

Tiếp đó, đến nhóm nhiệm vụ về phát triển nền tảng số. Ðây là yếu tố mang tính thúc đẩy nhanh tiến trình CÐS diễn ra một cách tự nhiên, khai mở giá trị mới, mang lại lợi ích rõ ràng cho xã hội. Nền tảng số được tích hợp sẵn các chức năng về bảo đảm an toàn, an ninh mạng ngay từ khi thiết kế, xây dựng. Nhóm nhiệm vụ thứ năm là cần tạo lập niềm tin, thông qua việc hình thành văn hóa số, bảo vệ các giá trị đạo đức căn bản và bảo đảm an toàn, an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Cuối cùng, là các giải pháp xoay quanh việc hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số. Trọng tâm là thu hút nhân tài, hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp lớn trên thế giới để nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo. Nhiệm vụ này sẽ không thực hiện dàn trải mà chủ yếu tập trung vào giải quyết các vấn đề cốt lõi như xây dựng chương trình hành động cụ thể để nghiên cứu, chuyển giao, triển khai các công nghệ mới ở Việt Nam; xây dựng các khu thử nghiệm dành cho doanh nghiệp công nghệ theo mô hình tiên tiến của thế giới; lựa chọn ưu tiên đẩy mạnh phong trào nghiên cứu một số công nghệ cốt lõi mà Việt Nam có thể đi tắt đón đầu cũng như có khả năng tạo bứt phá mạnh mẽ;... 

Ngoài ra, chương trình cũng đề rõ hàng loạt giải pháp để thúc đẩy Chính phủ số, kinh tế số và phát triển xã hội số. Tất cả đều để hướng đến mục tiêu đến năm 2025, 100% cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử được hoàn thành và kết nối, chia sẻ trên toàn quốc; từng bước mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước để cung cấp dịch vụ công kịp thời; 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý. 

Ðến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử, nhóm 30 nước dẫn đầu về chỉ số cạnh tranh cũng như nhóm 30 nước dẫn đầu về đổi mới sáng tạo. Kinh tế số khi đó cũng sẽ chiếm 30% GDP, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%; năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 8%; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử hơn 80%;...

Trân trọng cảm ơn Cục trưởng!

(Bài đăng trên ấn phẩm in Tạp chí TT&TT Số 5+6 tháng 6/2020)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tận dụng tốt cơ hội từ chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO