Tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại đẩy lùi thông tin xấu độc

Tâm An| 18/05/2021 21:28
Theo dõi ICTVietnam trên

Đây nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối với Bộ TT&TT về tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng hoạt động truyền thông, báo chí phục vụ nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; kịp thời chấn chỉnh và xử lý các vi phạm trong hoạt động báo chí, truyền thông theo Chỉ thị số 12/CT-TTg

Chỉ thị nêu rõ, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước và của cả hệ thống chính trị.

Đặc biệt, trước thềm bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026, các thế lực thù địch, tổ chức phản động đang tận dụng mọi cơ hội để tuyên truyền xuyên tạc hạ uy tín các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, chống phá cuộc bầu cử, nhất là trong công tác nhân sự và tổ chức bầu cử.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường các hoạt động thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao về tư tưởng, hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc.

Bên cạnh đó, các cơ quan, bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ, hiệu quả theo chức năng, nhiệm vụ được giao trong công tác thông tin, tuyên truyền, bảo đảm kịp thời, thông suốt; kịp thời nắm bắt thông tin dư luận, chủ động cung cấp tài liệu, thông tin chính thống cho các cơ quan báo chí và các phương tiện truyền thông bằng nhiều hình thức.

Bộ TT&TT chủ động cung cấp thông tin, đấu tranh đẩy lùi thông tin xấu độc - Ảnh 1.

Các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng hoạt động truyền thông phục vụ nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. (Ảnh: dangcongsan.vn)

Chủ động thích ứng với các phương tiện truyền thông mới

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan báo chí chủ động thích ứng với các phương tiện truyền thông mới, đa dạng hóa phương thức và nội dung thông tin, tuyên truyền, bảo đảm phục vụ hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế quốc tế của đất nước; kết hợp chặt chẽ giữa thông tin đối nội và thông tin đối ngoại trên báo chí và các phương tiện truyền thông phù hợp với lợi ích của đất nước và nhân dân; bảo đảm lượng thông tin tốt, tích cực về đời sống xã hội là dòng chảy chính.

Các cơ quan báo đài chủ lực, có nhiệm vụ xây dựng các hình thức tuyên truyền chuyên sâu về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc như chuyên trang, chuyên mục, tuyến bài tuyên truyền trọng điểm; Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền trên các nền tảng mạng xã hội, hệ thống thông tin cơ sở và các phương tiện truyền thông mới.

Chỉ thị cũng yêu cầu chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm, phát huy thế mạnh của báo chí, truyền thông để bảo đảm phục vụ tốt công tác thông tin, tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; có biện pháp đấu tranh hiệu quả trên mạng xã hội xuyên biên giới vào Việt Nam. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan báo chí trong việc thực hiện định hướng thông tin, quản lý phóng viên, cộng tác viên của cơ quan báo chí.

Chủ động cung cấp thông tin, đấu tranh đẩy lùi thông tin, văn hóa xấu độc

Trước những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam cùng các bộ, ngành liên quan chủ động cung cấp thông tin nhằm định hướng dư luận, đẩy lùi thông tin, văn hóa xấu độc, nâng cao ý thức cảnh giác, đồng thời thực hiện quản lý chặt chẽ hoạt động thông tin, báo chí, mạng xã hội; chấn chỉnh, xử lý kịp thời, nghiêm minh các sai phạm trong hoạt động thông tin, báo chí và trên không gian mạng.

Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ quan báo chí, thông tin cơ sở đổi mới cách thức, nội dung, hình thức, tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại nâng cao hiệu quả tuyên truyền; coi trọng nội dung giáo dục văn hóa, lịch sử, truyền thống của dân tộc, bảo đảm thực hiện tốt, hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Bên cạnh đó, Chỉ thị nêu rõ Bộ TT&TT phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng các kênh thông tin trên mạng xã hội đủ mạnh, bằng nhiều thứ tiếng để chủ động đấu tranh với luồng thông tin xấu độc, bảo vệ chủ quyền quốc gia và an toàn thông tin trên không gian mạng.

Bộ TT&TT cũng được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các bộ, ban, ngành, địa phương tăng cường công tác bồi dưỡng kiến thức an ninh quốc phòng và năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ quản lý thông tin báo chí; kiến thức, kỹ năng thông tin, tuyên truyền về an ninh, quốc phòng cho đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin cơ sở, báo cáo viên, tuyên truyền viên và cán bộ, phóng viên, của các cơ quan báo chí, truyền thông.

Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu Bộ TT&TT ứng dụng kỹ thuật, công nghệ phục vụ công tác phát hiện, xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí, truyền thông; hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương kiện toàn, phát triển bộ phận truyền thông để thực hiện nhiệm vụ kết nối, chủ động cung cấp thông tin, kịp thời xử lý các vấn đề dư luận xã hội quan tâm thuộc lĩnh vực quản lý của bộ, ngành, địa phương.

Đặc biệt, Bộ TT&TT cần thực hiện khen thưởng kịp thời những cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác thông tin tuyên truyền, phục vụ nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; tổ chức sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện Chỉ thị theo định kỳ hằng năm hoặc theo từng giai đoạn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Chỉ thị và kịp thời đề xuất các biện pháp, giải pháp nâng cao chất lượng thông tin, tuyên truyền về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Về các vấn đề quốc tế, đối ngoại, chính sách đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao chủ trì phối hợp với Bộ TT&TT và các bộ, ngành, địa phương chủ động, kịp thời cung cấp thông tin phục vụ nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt đối với những sự kiện quốc tế quan trọng trong khu vực và quốc tế có liên quan đến Việt Nam...

Bộ TT&TT chủ động cung cấp thông tin, đấu tranh đẩy lùi thông tin xấu độc - Ảnh 3.

Nhiều website/blog xấu độc trên không gian mạng với hàng chục nghìn bài viết đã bị xử lý và gỡ bỏ. (Ảnh: Internet)

Trên thực tế, Bộ TT&TT từ đầu năm 2020 đã thực hiện giám sát không gian mạng 24/7, rà soát quét và chủ động gỡ bỏ những thông tin xấu độc về các đồng chí lãnh đạo các cấp; gỡ bỏ gần 400 trang giả mạo mang tên các đồng chí lãnh đạo. 

Các cơ quan chức năng của Bộ TT&TT, Bộ Công an đã chủ động đàm phán với Google (bao gồm YouTube) và Facebook, yêu cầu 2 doanh nghiệp này phải cam kết và nghiêm túc triển khai việc ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin phản động, xấu độc khi có yêu cầu từ phía Chính phủ Việt Nam. Google, Facebook đã đồng ý ngăn chặn, gỡ bỏ 4.500 tin, bài trên Facebook và 30.000 video trên YouTube, giảm đáng kể lượng thông tin xấu độc trên không gian mạng.

Trước thềm Đại hội XIII của Đảng, Bộ TT&TT cũng đã giám sát, phân tích và dự đoán xu hướng thông tin trên không gian mạng liên quan đến Đại hội, các sự kiện lớn của đất nước...; chủ động sử dụng biện pháp kỹ thuật chặn các website/blog xấu độc trên không gian mạng với hàng chục nghìn bài viết; xử lý hàng trăm bài viết/video clip nội dung xấu độc, có lượng theo dõi, chia sẻ lớn trên Facebook và YouTube.

Về công tác tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 – 2026, theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo, hằng tuần, Bộ TT&TT đều tổ chức giao ban với các cơ quan báo chí để định hướng công tác tuyên truyền về bầu cử và coi đó là nhiệm vụ trọng tâm; đồng thời đề nghị các địa phương trên cả nước tăng cường thời lượng phản ánh về hoạt động bầu cử lên gấp hai lần so với trước đây và phải chọn thời điểm hiệu quả nhất trong ngày để truyền tải thông tin. Mỗi tuần, cơ quan chuyên môn sẽ tiến hành rà soát việc thực hiện của các cơ quan báo chí để có đánh giá, nhận xét cụ thể.

Về việc quản lý các thông tin trên mạng xã hội, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo cũng cho biết, Bộ đã thành lập bộ phận đánh giá, theo dõi và xử lý những thông tin trên không gian này. Theo đó, có gần 15.000 bài viết liên quan đến hoạt động bầu cử với gần 9 triệu người truy cập, trong đó có 1,8% thông tin mang tính tiêu cực.

Bộ TT&TT đã phối với với các nhà mạng tiến hành xử lý, gỡ bỏ những thông tin xấu, độc, tránh để kẻ xấu lợi dụng xuyên tạc, ảnh hưởng đến chất lượng tuyên truyền.

Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cũng đã hoàn thành lớp tập huấn về công tác tuyên truyền về hoạt động bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp cho 500 phóng viên, nhà báo trên toàn quốc, đồng thời cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí kịp thời đăng tải cũng như tăng cường thời lượng tuyên truyền về công tác bầu cử.

Các thế lực thù địch không bao giờ từ bỏ bất cứ cơ hội, âm mưu, thủ đoạn nào nhằm chống phá Đảng, Nhà nước, lật đổ, bôi nhọ chế độ ta. Đặc biệt, trong bối cảnh chỉ còn ít ngày nữa, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, ngày hội lớn của toàn dân tộc sẽ diễn ra. Chính vì vậy, công tác tư tưởng, đấu tranh phòng chống, ngăn chặn, xử lý thông tin sai sự thật, xấu độc cần tiếp tục được đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả dưới nhiều hình thức, tạo sự lan tỏa rộng rãi trong toàn xã hội.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại đẩy lùi thông tin xấu độc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO