Tăng trưởng của DN số để hỗ trợ CĐS, phục hồi kinh tế Việt Nam

Ngọc Diệp| 21/12/2021 20:07
Theo dõi ICTVietnam trên

Đại dịch COVID-19 hiện đang gây ra ảnh hưởng vô cùng lớn với nhiều doanh nghiệp (DN). Trong bối cảnh đó, việc sớm triển khai chuyển đổi số (CĐS) sẽ giúp các DN có sức chống chịu tốt hơn, sẵn sàng thích nghi “sống chung với dịch”.

CĐS tạo ra các giá trị mới cho DN

Đại dịch COVID-19 kéo dài trong 2 năm qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ đời sống, kinh tế-xã hội trên toàn cầu. Tại Việt Nam, hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) của nhiều DN bị đình trệ, thua lỗ… không ít DN phải tạm dừng hoạt động, đóng cửa, rút khỏi thị trường.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có 87% DN bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19; trung bình có 96,2% DN gặp ít nhất một trong các vấn đề liên quan đến chuỗi giá trị, khoảng 61,8% DN khó tiếp cận khách hàng trong nước và quốc tế; 57,2% DN cho biết gặp khó khăn trong quản lý nhân sự khi làm việc từ xa.

Theo ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI, trong "nguy" vẫn thường có "cơ", mặc dù đại dịch COVID-19 tác động nặng nề đến nền kinh tế, nhưng đây là cơ hội cho các DN đẩy nhanh quá trình CĐS. "Cơ hội luôn dành cho những DN dám thay đổi và biết thay đổi. Chính trong đại dịch vừa qua chúng ta có thể nhận ra, những DN sớm triển khai CĐS có sức chống chịu tốt hơn, việc CĐS giúp DN sẵn sàng thích nghi "sống chung với dịch", tận dụng cơ hội để bứt phá", ông Thành cho biết.

Chính vì vậy, làn sóng CĐS tại Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết, cộng đồng DN đã chủ động, tích cực tìm hướng đi mới, áp dụng CĐS trong vận hành DN để có thể duy trì tối đa hoạt động SXKD. 

Tại hội thảo "Đổi mới sáng tạo: Kết nối chính sách với DN Việt Nam" diễn ra mới đây, các nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia kinh doanh đều cho rằng số hóa chính là chìa khóa cho sự phục hồi kinh tế của Việt Nam và đóng vai trò quan trọng đối với khả năng cạnh tranh và tạo ra giá trị của các DN Việt Nam.

Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục phát triển DN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhấn mạnh số hóa không còn là lựa chọn của các DN, nhất là khi thế giới vẫn đang nỗ lực khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19. CĐS nhằm nâng cao năng lực, lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho DN. CĐS với các hoạt động, như: số hóa dữ liệu, quản lý, kinh doanh của DN, áp dụng công nghệ số để tự động hóa, tối ưu hóa các quy trình nghiệp vụ, quy trình quản lý, SXKD, quy trình báo cáo,... nên được ưu tiên cao nhất.

Cũng theo bà Thuỷ, mặc dù Việt Nam có tỷ lệ thâm nhập băng rộng tương đối cao so với các nước trong khu vực nhưng tỷ lệ giao dịch kỹ thuật số vẫn còn hạn chế, chỉ đạt 22%, trong khi đó, ở Indonesia là 34% và Thái Lan là 62%. Đồng thời, tỷ lệ thanh toán trực tuyến khi mua sắm trên Internet của Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực (chỉ đạt 10%) so với 49% của Indonesia và 52% của Malaysia.

Cùng với đó, các DN còn gặp nhiều rào cản, khó khăn trong CĐS, như: chi phí đầu tư vào CĐS cao; hạ tầng CNTT kém phát triển; các giải pháp về rủi ro an ninh mạng khó tiếp cận, thiếu nguồn nhân lực có kỹ năng cao.

Bà Bùi Thu Thủy cho biết trong bối cảnh hiện nay, việc CĐS sẽ mang đến nhiều cơ hội cho các DN. Đại dịch và một số chính sách được chính phủ thực hiện gần đây đã thúc đẩy quá trình số hóa. Cùng với sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng đối với các giao dịch không tiếp xúc, năm 2021 số lượng DN và doanh thu của các DN công nghệ số Việt Nam vẫn tăng trưởng gần 10%, ước đạt trên 135 tỷ USD.

Hỗ trợ DN thực hiện CĐS toàn diện

Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ vẫn đang loay hoay trong định hướng và lúng túng khi triển khai hoạt động SXKD theo mô hình kinh tế số. Nhằm hỗ trợ các DN CĐS thành công, tăng cường hiệu quả SXKD và năng lực cạnh tranh trong bối cảnh nhiều khó khăn và thách thức của dịch bệnh COVID-19, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng công cụ, nền tảng số, cơ sở dữ liệu CĐS Cổng thông tin Chương trình tại địa chỉ http://digital.business.gov.vn; xây dựng công cụ đánh giá mức độ sẵn sàng công khai trên Cổng thông tin, qua đó các DN tự đánh giá và xây dựng chiến lược số hóa.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã và đang xây dựng mạng lưới chuyên gia tư vấn về CĐS cho DN. Cho đến nay, mạng lưới đã kết nối với hơn 100.000 khách hàng và tổ chức nhiều chương trình đào tạo cho các DN.

Theo bà Nguyễn Thy Nga , Tổng Giám đốc Tập đoàn đầu tư và quản lý V-startup, DN là cốt lõi của sự thúc đẩy sáng tạo và đổi mới của đất nước. Các giải pháp sáng tạo và đổi mới trong tổ chức và quản lý giúp DN cắt giảm chi phí giao dịch và chi phí hành chính, cải thiện các mối quan hệ với bên ngoài để nâng cao kiến thức, đồng thời tăng năng suất lao động và nâng cao hiệu quả công việc.

Vì vậy, sự sáng tạo và đổi mới phải xuất phát từ điểm nhấn là văn hóa kinh doanh, trong đó người quản lý và người lao động phải tiếp tục thích ứng và thay đổi. Tất cả các DN luôn luôn phải đổi mới, phát triển và đẩy mạnh hoạt động của DN công nghệ số trong từng DN để tiến tới CĐS.

Trong năm 2021, Việt Nam đã có thêm 5.600 DN công nghệ số được thành lập mới, xuất phát từ nhu cầu làm việc, bán hàng và giao tiếp trực tuyến trong bối cảnh dịch COVID-19 ngày càng tăng. Theo số liệu từ Bộ TT&TT, hiện Việt Nam có khoảng 64.000 DN công nghệ số với hơn 1 triệu nhân lực. Môi trường làm việc, kinh tế không tiếp xúc do đại dịch COVID-19 đã khiến CĐS diễn ra nhanh, mạnh mẽ hơn và thúc đẩy cộng đồng DN công nghệ số./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tăng trưởng của DN số để hỗ trợ CĐS, phục hồi kinh tế Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO