Ngành Nông nghiệp ứng dụng CNTT: Ưu tiên cho các lĩnh vực chưa có hệ thống báo cáo trực tuyến

Sông Lam| 12/11/2019 10:20
Theo dõi ICTVietnam trên

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước tại bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thông trong thời gian qua tập trung vào các mục tiêu: đẩy mạnh tỷ lệ trao đổi văn bản dưới dạng điện tử, văn bản điện tử. Mở rộng kết nối liên thông việc gửi, nhận văn bản giữa các đơn vị thuộc Bộ, trên hệ thống VPĐT với trục liên thông văn bản quốc gia và Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh/thành phố.

Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn cho biết, ngành này đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo điều hành, xây dựng Chính phủ điện tử, Kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ và cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, phục vụ người dân và doanh nghiệp, cụ thể: Tăng cường ứng dụng CNTT trong nội bộ các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của Bộ nhằm tăng hiệu quả hoạt động, rút ngắn thời gian xử lý công việc, giảm chi phí hoạt động.

Bộ cũng từng bước xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ thông qua việc phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của Bộ, tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử. Tích hợp, kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của Bộ liên thông với nhau, tạo lập môi trường chia sẻ thông tin qua mạng rộng khắp giữa các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, với các Bộ, cơ quan ngành Bộ và các cơ quan. Ngoài ra còn là tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đảm bảo tính kịp thời, công khai, minh bạch và hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp. Cuối cùng, một trong những ưu tiên quan trọng là đẩy mạnh tỷ lệ trao đổi văn bản dưới dạng điện tử, văn bản điện tử; Mở rộng kết nối liên thông việc gửi, nhận văn bản giữa các đơn vị thuộc Bộ, trên hệ thống VPĐT với trục liên thông văn bản quốc gia và Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh/thành phố.

Các giải pháp đồng bộ

Để thực hiện các mục tiêu nói trên, trong suốt thời gian qua, bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn đã áp dụng nhiều giải pháp quan trọng, bao gồm: Đối với môi trường chính sách, Bộ đã tăng cường chỉ đạo sát sao việc triển khai thực hiện Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin năm 2018, đảm bảo đúng yêu cầu, tiến độ và chất lượng; gắn mức độ hoàn thành nhiệm vụ ứng dụng CNTT với việc xét thi đua, khen thưởng đối với Thủ trưởng, tập thể và cá nhân thuộc các đơn vị. Rà soát, ban hành các quy định, quy chế về ứng dụng CNTT gắn với việc cải cách hành chính nhằm quản lý, vận hành, khai thác có hiệu quả các hệ thống thông tin chuyên ngành trên môi trường mạng phục vụ quản lý, điều hành của Bộ và các đơn vị trực thuộc. Xây dựng, ban hành các quy chế, quy định trong việc khai thác và sử dụng các phần mềm chuyên ngành. Xây dựng, ban hành các chính sách, quy chế đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động của Bộ và các cơ quan, đơn vị trực thuộc.

Ngoài ra còn là hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ việc phát triển và ứng dụng CNTT của Bộ như thực hiện chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ; ban hành các chuẩn thông tin; Xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi đối với đội ngũ cán bộ chuyên trách về CNTT của Bộ. Việc xây dựng, xét duyệt, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, dự án ứng dụng CNTT phải đảm bảo tuân thủ Kiến trúc Chính phủ của Bộ, đáp ứng nội dung của Kế hoạch ứng dụng CNTT của Bộ giai đoạn 2016-2020 và phù hợp với nhu cầu thực tiễn, đảm bảo kế thừa được kết quả của các nhiệm vụ, chương trình, dự án đã được triển khai trước đó để đảm bảo sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng CNTT, tương thích về công nghệ phát triển, tránh tình trạng phân tán, xung đột về thông tin, dữ liệu.

Đối với giải pháp tài chính. Bộ thực hiện từ nguồn vốn Ngân sách nhà nước như: Đầu tư phát triển trung hạn 2016 - 2020, Chính phủ điện tử, Chương trình Mục tiêu quốc gia về CNTT, nguồn kinh phí sự nghiệp chi thường xuyên, sự nghiệp khoa học công nghệ, cải cách hành chính.

Ngoài ra còn là giải pháp gắn kết chặt chẽ ứng dụng CNTT với cải cách hành chính. Thực hiện Chương trình phối hợp thúc đẩy gắn kết ứng dụng CNTT với cải cách hành chính giai đoạn 2017-2020 (Văn bản số 3035/CTPH-BTTTT-BNV ngày 22/8/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Nội vụ); Kế hoạch cải cách hành chính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giai đoạn 2016-2020 (Văn bản số 4631/QĐ-BNN-TCCB ngày 09/11/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Thực hiện chuẩn hóa quy trình, thủ tục hành chính; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 theo Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg ngày 05/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện các nội dung khác để gắn kết chặt chẽ các hoạt động ứng dụng CNTT với hoạt động cải cách hành chính. Cuối cùng các giải pháp kỹ thuật công nghệ và các giải pháp khác. Căn cứ thực tế, tình hình triển khai để thực hiện nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong triển khai ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử như Điện toán đám mây (Cloud Computing), Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI), Internet kết nối vạn vật (Internet of Things - IoT), Dữ liệu lớn (Bigdata), phát triển ứng dụng trên các nền tảng di động (mobility),...

Chú trọng nguồn nhân lực & hạ tầng kỹ thuật

Trong công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước, bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tập trung đào tạo, tập huấn về xây dựng, triển khai Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp Bộ; Đào tạo, tập huấn cho cán bộ, công chức về kỹ năng sử dụng, khai thác các HTTT; Đào tạo, tập huấn cho cán bộ chuyên trách về CNTT các nội dung chuyên sâu về quản trị mạng, quản trị hệ thống; triển khai văn bản điện tử, ứng dụng chữ ký số chuyên dùng; dịch vụ công trực tuyến và cơ chế hải quan một cửa quốc gia tại Bộ; an toàn, an ninh thông tin...

Với hạ tầng kỹ thuật, Bộ tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp hệ thống mạng LAN cho các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và kết nối WAN giữa cụm các đơn vị tại số 2 Ngọc Hà, 10 Nguyễn Công Hoan và 16 Thụy khuê, tận dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng và Nhà nước trong việc kết nối các mạng LAN của các Cục chuyên ngành trên địa bàn Hà Nội, các Sở Nông nghiệp và PTNT tạo thành mạng WAN thống nhất của Bộ làm nền tảng cho việc triển khai các ứng dụng CNTT của Bộ được thống nhất, thông suốt, đảm bảo tất cả các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ đều có thể truy cập, kết nối, chia sẻ thông tin, giao dịch thư điện tử công vụ, tra cứu thông tin và khai thác các cơ sở dữ liệu dùng chung của Bộ phù hợp với khung kiến trúc Chính phủ điện tử.

Hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật CNTT phục vụ triển khai cơ chế hải quan một của quốc gia tại Bộ Nông nghiệp và PTNT, dịch vụ công trực tuyến đặt tại Trung tâm Tin học và Thống kê. Đảm bảo hạ tầng kỹ thuật kết nối, trục liên thông giữa hệ thống Văn phòng điện tử của Bộ với trục liên thông văn bản quốc gia, trục liên thông văn bản nội bộ của Bộ và trục liên thông văn bản với các địa phương.

Xây dựng kế hoạch và tăng cường trang thiết bị cho hệ thống an toàn an ninh thông tin mạng chung của Bộ, trang bị phần mềm rà soát, giám sát bảo mật, hệ thống sao lưu dữ liệu cho hạ tầng mạng chung của Bộ đảm bảo cho tất cả các giao dịch trên mạng của Bộ được diễn ra an toàn. Đề ra các giải pháp tăng cường triển khai đảm bảo an toàn thông tin cho các hệ thống, phần mềm, hạ tầng ứng dụng CNTT. Các cơ quan, đơn vị kiện toàn, bố trí cán bộ chuyên trách quản lý về an toàn thông tin cho đơn vị.

Tiếp tục duy trì sự phối hợp với Bộ Thông tin truyền thông, A68 - Bộ Công an và các cơ quan liên quan trong việc diễn tập, phòng, chống và khắc phục những hậu quả do việc mất an toàn an ninh gây ra nhằm đảm bảo điều kiện tốt nhất cho các hoạt động ứng dụng CNTT của các cơ quan, đơn vị nhà nước trực thuộc Bộ được diễn ra an toàn, hiệu quả và thông suốt. Thực hiện theo các văn bản quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ngành Nông nghiệp ứng dụng CNTT: Ưu tiên cho các lĩnh vực chưa có hệ thống báo cáo trực tuyến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO