Tắt sóng 2G, 3G trên thế giới và Việt Nam

Hoàng Linh| 01/08/2022 05:18
Theo dõi ICTVietnam trên

Các nhà mạng trên khắp thế giới đang trên hành trình tắt sóng mạng 2G, 3G để chuyển sang mạng 4G, 5G.

Các yếu tố thúc đẩy tắt sóng 2G, 3G

Việc tắt sóng 2G, 3G sẽ giúp giải phóng một số phổ tần để tái sử dụng cho triển khai các công nghệ mới như 4G và 5G. Hầu hết mạng 2G sử dụng các dải tần 850, 900, 1.800 hoặc 1.900 MHz. Do đặc tính lan truyền, các băng tần dưới 1 GHz rất có giá trị, đặc biệt là mang lại vùng phủ sóng lớn hơn và khả năng thâm nhập trong tòa nhà.

Bên cạnh đó, việc tắt sóng các mạng di động cũ cũng làm giảm chi phí và nỗ lực trong việc phải duy trì các mạng cũ này; giảm mức tiêu thụ năng lượng của mạng. Vodafone New Zealand đã thông báo vào năm 2019 rằng việc tắt sóng 2G, 3G được kỳ vọng giúp tiết kiệm khoảng 10% điện năng tiêu thụ. 

Việc tắt sóng 2G, 3G cũng làm đơn giản hóa hoạt động mạng. Đồng thời sẽ khuyến khích người dân nâng cấp điện thoại lên 4G, 5G. Với tốc độ cao, độ trễ thấp và dung lượng lớn, 5G có thể thúc đẩy hàng loạt các ứng dụng. Người dùng 5G sẽ được có được nhiều trải nghiệm nhanh hơn, thú vị hơn như có thể tải xuống một bộ phim dài 2 giờ trong vòng chưa đầy 10 giây. Đối với các ngành công nghiệp lớn, mạng 5G sẽ thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ trong tương lai. Ví dụ, nông nghiệp và y tế có thể tận dụng những lợi ích do 5G mang lại.

Việc sử dụng công nghệ cảm biến ở các trang trại có thể giúp theo dõi độ ẩm của đất, giúp cải thiện năng suất trồng trọt và tiết kiệm nước hơn. Trong lĩnh vực y tế, độ trễ thấp của 5G cho phép khả năng truy cập theo thời gian thực, giúp điều trị và phẫu thuật từ xa cho những bệnh nhân cách xa hàng trăm, hàng nghìn km. COVID-19 đã làm nổi bật giá trị của dữ liệu thời gian thực.

Trong khi một số ứng dụng của 5G đã được biết đến, nhiều dịch vụ và ứng dụng mới dự kiến sẽ được phát triển khi đạt được phạm vi phủ sóng rộng rãi - giống như cách điện thoại thông minh (smartphone) xuất hiện, thúc đẩy việc tạo ra các ứng dụng và dịch vụ mới.

Tình hình tắt sóng 2G, 3G trên thế giới

Các nhà mạng trên toàn thế giới đang tiến tới tắt sóng mạng 2G và 3G hoặc dự định thực hiện trong tương lai gần.

Trong năm 2020, tổng cộng đã có 49 mạng đã ngừng hoạt động, trong đó 33 mạng 2G và 10 mạng 3G. Tốc độ đang được tăng tốc và trong năm 2021, tổng cộng 75 mạng ngừng hoạt động, với 65% trong số đó là mạng 2G. Trong năm 2021, phần lớn số mạng ngừng hoạt động ở châu Á - Thái Bình Dương là mạng 2G, trong khi ở châu Âu, 12 mạng ngừng hoạt động, chiếm phần lớn là 3G.

Tại châu Âu, xu hướng sóng 3G được tắt trước 2G. Khoảng 19 nhà mạng đang có kế hoạch tắt mạng 3G của họ vào năm 2025 và khoảng 8 nhà mạng đang lên kế hoạch tắt mạng 2G vào năm 2025. Tháng 6/2021, hai nhà khai thác ở Đức là Vodafone và Deutsche Telekom đã ngừng hoạt động. Telefonica cũng dừng mạng 3G vào cuối năm 2021. Tại các quốc gia khác, Telia sẽ tắt sóng 3G ở tất cả các quốc gia mà nhà mạng này từ năm 2022 đến năm 2025 và EE sẽ là mạng đầu tiên của Vương quốc Anh thông báo ngừng hoạt động 3G.

Tại châu Á, Nhật Bản đã tắt sóng 2G từ lâu. Tháng 6/2021, nhà mạng LG Uplus, nhà mạng cuối cùng của Hàn Quốc dừng cung cấp dịch vụ 2G, đánh dấu việc chấm dứt hoàn toàn mạng viễn thông di động 2G ở nước này. Xu hướng sẽ tiếp tục với các quốc gia và nhà mạng khác. Có khoảng 29 nhà mạng đang tiến tới dừng mạng 2G vào năm 2025 và 16 nhà mạng ngừng hoạt động 3G vào năm 2025. Đáng chú ý, Đài Loan đã dừng mạng 2G và 3G gần 3 năm trước.

Châu Mỹ, đặc biệt là Mỹ đang tiến tới tắt sóng mạng 2G. Mạng 3G sẽ được tất cả các nhà mạng lớn dừng hoạt động vào năm 2022. Khoảng 15 nhà mạng tại 7 quốc gia đã thông báo tắt sóng 2G vào cuối năm 2025.

Đối với châu Đại Dương, 2G gần như bị loại bỏ dần. Tại Australia, cả 3 nhà mạng đều đã ngừng hoạt động 2G vào cuối năm 2018 và 3G thì chỉ còn nhà mạng Telstra là nhà mạng duy nhất công bố tắt sóng vào cuối năm 2024.

Châu Phi là khu vực duy nhất chưa có thông báo về việc ngừng hoạt động 2G hoặc 3G cho đến nay nhưng sẽ là một phần trong kế hoạch tương lai khi các công nghệ mới hơn thâm nhập nhiều hơn.

Đến năm 2025, Hiệp hội hệ thống thông tin di động toàn cầu (GSMA) dự báo hơn 106 mạng sẽ ngừng hoạt động trên toàn thế giới, với 60% là mạng 2G.

Tắt sóng 2G, 3G trên thế giới và Việt Nam - Ảnh 1.

Nhiều quốc gia đang tiến tới tắt sóng 2G hoàn toàn vào năm 2025 (Ảnh: enqt.de)

Thuê bao 5G chiếm gần 1 nửa vào năm 2027

Báo cáo di động (Mobility Report) tháng 6/2022, ấn bản thứ 22 về phân tích chi tiết và dự báo lưu lượng mạng của Ericsson chỉ ra rằng lưu lượng dữ liệu mạng di động toàn cầu đã tăng gấp đôi trong hai năm qua. Báo cáo đồng thời cũng dự báo số lượng thuê bao 5G toàn cầu sẽ vượt mốc 1 tỷ vào cuối năm 2022 và đạt 4,4 tỷ vào năm 2027.

Bắc Mỹ được dự báo sẽ dẫn đầu thế giới về mức độ phổ cập thuê bao 5G trong vòng 5 năm tới với tỷ lệ mỗi 9/10 thuê bao trong khu vực sẽ sử dụng 5G vào năm 2027. Khung thời gian đến 2027 cũng bao gồm các dự báo về 5G như 82% thuê bao 5G sẽ tại Tây Âu; 80% tại khu vực Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh và 74% tại Đông Bắc Á.

Ở Ấn Độ, nơi việc triển khai 5G vẫn chưa bắt đầu, 5G dự kiến sẽ chiếm gần 40% tổng số thuê bao vào năm 2027. Nhìn trên phương diện toàn cầu, 5G được dự báo sẽ chiếm gần một nửa tổng số thuê bao di động vào năm 2027, vượt ngưỡng 4,4 tỷ thuê bao.

Sự tăng trưởng lưu lượng này được thúc đẩy bởi việc gia tăng sử dụng smartphone và băng thông rộng di động cũng như quá trình số hóa xã hội và các ngành công nghiệp. Các số liệu thống kê và dự báo gần đây nhấn mạnh nhu cầu mạnh mẽ về kết nối dữ liệu và các dịch vụ kỹ thuật số đang có và dự kiến sẽ có, bất chấp đại dịch COVID-19 toàn cầu cũng như những bất ổn về địa chính trị. Hàng trăm triệu người đang đăng ký thuê bao băng rộng di động mới mỗi năm.

Báo cáo cũng xác minh việc 5G mở rộng quy mô nhanh hơn tất cả các thế hệ công nghệ di động trước đây. Khoảng 1/4 dân số thế giới hiện được tiếp cận với vùng phủ sóng 5G. Riêng trong quý đầu năm 2022 đã có thêm vào khoảng 70 triệu thuê bao 5G. Theo báo cáo, đến năm 2027, khoảng 3/4 dân số thế giới sẽ được tiếp cận 5G.

Tại Đông Nam Á và châu Đại Dương, cuối năm 2021, thuê bao 5G vào khoảng 15 triệu và dự kiến sẽ tăng hơn gấp đôi trong năm 2022. Với việc thêm nhiều hệ thống mạng được triển khai trong vài năm tới, thuê bao di động 5G dự kiến sẽ tăng mạnh với tốc độ CAGR đạt 83% trong giai đoạn dự báo, đạt 570 triệu vào năm 2027. Con số này sẽ gần tương đương tổng số lượng thuê bao 4G trong khu vực tại thời điểm đó.

Lưu lượng dữ liệu di động trên smartphone tiếp tục tăng mạnh và dự kiến đạt khoảng 45GB mỗi tháng vào năm 2027 với tốc độ CAGR đạt 30%. Tổng lưu lượng dữ liệu di động dự kiến sẽ tăng gấp khoảng 6 lần trong khoảng thời gian từ năm 2021 đến 2027, do bởi sự tăng trưởng liên tục mạnh mẽ về thuê bao 4G và gia tăng thuê bao 5G ở một số thị trường. Việc triển khai 5G rộng hơn cùng các dịch vụ thực tế mở rộng (XR) mới dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng lưu lượng trong nửa sau giai đoạn dự báo tới năm 2027.

Tắt sóng 2G tại Việt Nam bắt đầu từ năm 2023

Từ ngày 01/7/2021, theo quy định của Thông tư 43/2020/TT-BTTTT về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối phục vụ thông tin di động mặt đất - phần truy nhập vô tuyến có hiệu lực, quy định thiết bị đầu cuối phục vụ thông tin di động sản xuất tại Việt Nam hoặc nhập khẩu phải được hỗ trợ công nghệ 4G.

Theo GFK, hơn 20 triệu điện thoại di động được bán tại Việt Nam mỗi năm, trong đó, 60% là điện thoại thông minh và 40% hay 8 triệu sản phẩm là điện thoại phổ thông. Thông tư 43 có hiệu lực làm tác động đến các điện thoại phổ thông chỉ hỗ trợ 2G và 3G, do đó làm tăng nhu cầu chuyển đổi sang 4G và 5G.

Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Viễn thông - Bộ TT&TT tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2022 của các đơn vị khối Viễn thông thuộc Bộ TT&TT mới đây cho biết số thuê bao sử dụng thiết bị thuần 2G giảm, tuy nhiên còn chiếm tỷ lệ tương đối cao (khoảng 20%) nhưng được dự báo sẽ giảm trong thời gian tới, khi triển khai Thông tư 43/2020/TT-BTTTT các thiết bị 2G giảm dần tiến tới không còn trên hệ thống các kênh chuỗi.

Ông Nhã cũng cho biết dự kiến lịch trình tắt sóng sẽ từ 01/01/2023 tại một số khu vực phù hợp, đến tháng 9/2024 sẽ chính thức tắt sóng toàn quốc. Trong công tác 6 tháng cuối năm 2022, Cục Viễn thông sẽ phối hợp cùng doanh nghiệp (DN) công bố kế hoạch dừng công nghệ 2G. Cục Viễn thông sẽ đề xuất các giải pháp phổ cập smartphone.

Thời điểm chính thức tắt sóng toàn quốc vào tháng 9/2024 được xem là thời điểm phù hợp khi giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông di động và giấy phép tần số phát triển mạng di động hết hạn, Bộ TT&TT sẽ không gia hạn giấy phép cho công nghệ 2G/3G. Do đó, việc chuyển đổi sang công nghệ và thiết bị mới, dừng công nghệ cũ sẽ được triển khai quyết liệt trong giai đoạn tới.

Tắt sóng 2G, 3G trên thế giới và Việt Nam - Ảnh 2.

Bộ TT&TT đã cấp phép cho các DN thử nghiệm 5G tại 40 tỉnh/thành phố

Hiện các thử nghiệm thương mại và kỹ thuật 5G nhận được sự quan tâm của cộng đồng, điều này sẽ giúp kích thích nhu cầu thị trường đối với công nghệ và thiết bị 5G. Theo số liệu của Bộ TT&TT, Bộ TT&TT đã cấp phép cho các DN thử nghiệm 5G tại 40 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

Cụ thể, các DN được cấp phép thử nghiệm 5G gồm: Viettel (930 vị trí), VNPT (457 vị trí) và đang xem xét cấp phép cho MobiFone thử nghiệm với 80 vị trí. Trong năm 2022, Bộ TT&TT khuyến khích các DN tiếp tục thử nghiệm các ứng dụng của 5G, đánh giá nhu cầu của thị trường và phương án kỹ thuật để xây dựng mô hình kinh doanh hiệu quả nhất khi được cấp phép chính thức. Hiện nay, 5G được triển khai phủ sóng dưới hình thức thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông.

Trong năm 2022, Bộ TT&TT khuyến khích các DN tiếp tục mở rộng phạm vi, quy mô thử nghiệm tại các tỉnh, thành phố trên toàn quốc phù hợp với kế hoạch phát triển 5G của mỗi DN.

Tài liệu tham khảo:

[1]. https://www.smartviser.com/post/2g-3gnetworkshutdown

[2]. https://www.robustel.com/en/iot-technology-solutions-blog/2g-3g-shutdown-for-5g/

[3]. infrastructure.gov.au, koreaherald.com

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tắt sóng 2G, 3G trên thế giới và Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO