Thách thức lớn nhất của chuyển đổi số chính là thay đổi thói quen

PV| 12/11/2020 16:21
Theo dõi ICTVietnam trên

Tại khu vực ASEAN, kinh tế số được dự báo sẽ đóng góp thêm 1.000 tỷ USD cho kinh tế thế giới trong thập kỷ tới. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất vẫn đến từ việc thay đổi thói quen khi chuyển lên môi trường số.

Việt Nam cần tận dụng quá trình chuyển đổi số

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp chuyển đổi số Việt Nam 2020 với chủ đề "Thoát hiểm và bứt tốc trong Covid 19" ngày 11/11, ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, chúng ta đang sống trong thời đại thay đổi, thời gian qua sự phát triển của cách mạng 4.0, chuyển đổi số, đặc biệt là đại dịch Covid-19 làm thay đổi nhanh chóng bộ mặt khu vực, thay đổi cách ta làm việc và sinh hoạt rõ ràng đem lại cả thách thức và cơ hội.

Thách thức lớn nhất của chuyển đổi số chính là thay đổi thói quen - Ảnh 1.

Theo Phó Chủ tịch VCCI: Việt Nam cần phải tận dụng chuyển đổi số. Doanh nghiệp, tập đoàn công nghiệp Việt phải tiên phong nắm lấy công nghệ tiên tiến để tạo ra giá trị.

Trong đó, theo Phó Chủ tịch Đoàn Duy Khương, Việt Nam cần phải tận dụng chuyển đổi số, doanh nghiệp (DN), tập đoàn công nghiệp Việt phải tiên phong nắm lấy công nghệ tiên tiến để tạo ra giá trị. Chính những DN đi đầu này về sau sẽ chia sẻ lại cho những DN chậm hơn.

Để thành công, các nhà máy, DN phải tận dụng những giải pháp công nghệ, sáng kiến mới giải quyết vấn đề tồn đọng của DN. Các nhà hoạch định chính sách cần phải có tầm nhìn để quy tụ các DN, hợp tác với các hãng công nghệ lớn nhất để làm động lực tăng trưởng.

Trong chính sách nòng cốt của các nước ASEAN, việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất và phát triển kinh tế, tập trung ứng dụng robot, tự động hoá, AI, công nghệ tài chính (fintech), thanh toán điện tử đang trở nên rất quan trọng. "Chuyển đổi số giúp ASEAN phát triển bền vững. Theo một khảo sát từ Singapore, nếu các nước ASEAN chuyển đổi số mạnh mẽ, năm 2030 GDP ASEAN có thêm 1.000 tỷ USD. Đối với Việt Nam, GDP năm 2030 sẽ tăng 100 tỷ USD", ông Khương lý giải.

Trước đó, trong bài phát biểu của mình, ông Nguyễn Minh Vũ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho rằng, năm 2019, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) dự báo đến năm 2022, kinh tế số sẽ chiếm 60% GDP của thế giới. Ở khu vực ASEAN, mặc dù kinh tế số mới chỉ chiếm 7% GDP của cả khu vực, nhưng được dự báo sẽ đóng góp thêm 1.000 tỷ USD cho kinh tế thế giới trong thập kỷ tới.

Trong 6 tháng qua, dưới ảnh hưởng của dịch Covid-19, chúng ta đã chứng kiến sự chuyển biến lớn trong việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động khối cơ quan Chính phủ, đặc biệt là khối y tế, giáo dục. Đã có gần 1.000 cá nhân đến từ hàng chục công ty công nghệ, cùng nhau xây dựng hơn 20 ứng dụng nhằm phục vụ người dân, xã hội, phục vụ các cơ quan chức năng.

Con người là trung tâm của quá trình chuyển đổi số

Cũng theo ông Vũ, từ khía cạnh quản lý nhà nước, Việt Nam đã xác định tầm nhìn đến năm 2030 trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới. Với tầm nhìn này, chuyển đổi số là giải pháp quan trọng để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Tháng 5/2020, Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử (TMĐT) quốc gia giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng phê duyệt. Tháng 6/2020, Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 định hướng đến năm 2030 cũng đã được ban hành, góp phần hiện thực hóa tầm nhìn.

Thách thức lớn nhất của việc chuyển lên môi trường số nằm ở vấn đề thay đổi thói quen. Tuy nhiên, thói quen đó có thay đổi được hay không phụ thuộc rất lớn vào chất lượng nguồn nhân lực và quyết tâm của lãnh đạo các DN.

Thách thức lớn nhất của chuyển đổi số chính là thay đổi thói quen - Ảnh 2.

Tổng cục trưởng Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp: Chuyển đổi số xác định con người chính là trung tâm và ASEAN cũng xác định đây là một trong 3 trụ cột.

Trong chia sẻ của mình, ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp - Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội cho biết, chuyển đổi số xác định con người chính là trung tâm và ASEAN cũng xác định đây là 1 trong 3 trụ cột. Ngày 16/10 vừa qua, Hội đồng giáo dục ASEAN đã ra mắt để bàn 3 câu chuyện thúc đẩy. Đầu tiên là thúc đẩy thể chế phát triển nhân lực trong chuyển đổi số, tiếp theo là  gắn kết DN tham gia sâu hơn vào vấn đề đào tạo nhân lực và cuối cùng là vấn đề kỹ năng số.

"Khi coi con người là trung tâm có thể tăng GDP lên 2%. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng khoảng cách kỹ năng của người lao động trong 10 năm không được cải thiện thì mỗi năm chúng ta sẽ mất 5.000 tỷ USD. Do đó, kỹ năng không chỉ là là vấn đề đơn thuần mà còn là vấn đề để phát triển kinh tế", ông Dũng chia sẻ thêm.

Giải thích về nguồn nhân lực kinh tế số, ông Dũng cho rằng, nguồn nhân lực này bao gồm cả lực lượng lao động tương lai, học sinh, sinh viên và cả những người dân khác có thể tham gia vào kinh tế số.

Thách thức lớn nhất của chuyển đổi số chính là thay đổi thói quen - Ảnh 3.

Khảo sát cho thấy, 53% DN Việt Nam không biết kỹ năng số cần thiết cho tương lai là gì. Vì thế, chúng ta không chỉ đào tạo cho học sinh sinh viên mà cho cả hơn 50 triệu lao động hiện nay để thích ứng với kinh tế số.

Không phải bây giờ mới đặt ra nguồn nhân lực kinh tế số, trước đó, các nước G20 khi bàn về phát triển kinh tế số, các Bộ trưởng kinh tế G20 trong diễn đàn kinh tế số cho rằng, kỹ năng số là nhân tố cơ bản để phát triển, từ đó đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau. Khi mà, dự báo đến năm 2025, máy móc sẽ ngang trình độ con người, 43% DN sẽ cắt giảm lao động và sẽ có 40% lao động phải đào tạo lại, 94% DN yêu cầu kỹ năng mới.

Chuyển đổi số là chủ trương đúng, kịp thời, trong đó lợi thế của Việt Nam là có hạ tầng phát triển nhanh, nhân lực trẻ, sáng tạo, thích ứng nhanh. Như trong dịch Covid-19, thời gian đầu học trực tuyến có nhiều tâm lý lo ngại làm sao để học chất lượng, học sinh chưa được trang bị tốt, nhưng đến nay 60% các trường, trung tâm giáo dục dạy nghề đã tổ chức học trực tuyến, các ứng dụng cũng sẵn có trên mạng để phát triển.

"Tuy nhiên, thách thức hiện nay là thay đổi thói quen, học đi đôi với hành, thực hành liên tục với thầy cô và nhà trường. Thay đổi tất cả sẽ rất khó nhưng trước mắt chúng ta có thể thay đổi nội dung lý thuyết để phù hợp tình hình thực tế", ông Dũng chia sẻ.

Cũng theo ông Dũng, thách thức khác của quá trình đào tạo nguồn nhân lực số còn đến từ việc hiểu biết của người dân về CNTT còn chưa cao và nguồn lực đầu tư hạn chế. Tuy nhiên, sau Chương trình Chuyển đổi số quốc gia thì sẽ có các đề án về chuyển đổi số cho đào tạo. 

"Ngày 28/5, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 24 về đẩy nhanh phát triển nhân lực có kỹ năng góp phần tăng năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh của Việt Nam, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã xây dựng đề án chuyển đổi số, bước đầu chúng ta đã xác định các kỹ năng số cần thiết trong tương lai", ông Dũng nhấn mạnh.  

Tuy nhiên, khảo sát cho thấy, 53% DN Việt Nam không biết kỹ năng số cần thiết cho tương lai là gì. Vì thế, thời gian tới, chúng ta không chỉ đào tạo cho học sinh, sinh viên mà cho cả hơn 50 triệu lao động đang làm việc hiện nay để thích ứng với kinh tế số. Vì thế, người lao động cần phải nhận thức rõ tầm quan trọng kỹ năng mới trong thế giới đang thay đổi và xác định lỗ hổng trong kiến thức hiện tại để bổ trợ cần thiết, học hỏi đồng nghiệp để thêm kỹ năng

Với cơ sở đào tạo, chuyển đổi số là cơ hội để thay đổi, là vấn đề sống còn, các đơn vị cần có kế hoạch thu hút giảng viên, chương trình học liệu số để phát triển kỹ năng số thông việc phối hợp chặt giữa DN và nhà trường.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thách thức lớn nhất của chuyển đổi số chính là thay đổi thói quen
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO