Thái Nguyên ID: Bước đi chiến lược trên con đường xây dựng và phát triển trụ cột xã hội số của tỉnh

Nguyễn Khiêm| 29/05/2022 06:35
Theo dõi ICTVietnam trên

Mỗi năm, tỉnh Thái Nguyên có khoảng 15 - 20 nghìn người bước vào tuổi lao động nên nếu quản lý theo cách truyền thống, tỉnh sẽ không thể có được “bức tranh” tổng quan về nguồn nhân lực trên địa bàn. Để rồi, ứng dụng Thái Nguyên ID đã ra đời và tích hợp nền tảng của các tiện ích triển khai xã hội số.

Qua đó, người dân có thể tiếp cận đầy đủ các dịch vụ số phục vụ cuộc sống như dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), dịch vụ việc làm, dịch vụ nhà ở…, đồng thời giúp nhà quản lý phân tích, dự báo và xây dựng các chiến lược phát triển về nguồn nhân lực.

Ra đời với mục tiêu thu hẹp khoảng cách số giữa người dân và chính quyền

Ngày 01/12/2021, UBND tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Liên minh SaiGonTEL - NGS tổ chức khai trương nền tảng Công dân số - Thái Nguyên ID. Theo thông tin từ Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Thái Nguyên, Thái Nguyên ID là ứng dụng tích hợp nền tảng của các tiện ích triển khai xã hội số của tỉnh. Với ứng dụng này, nền tảng công dân số sẽ được thiết lập cho toàn bộ người dùng là công dân trong tỉnh trên cơ sở định danh cá nhân, mà trước hết là các công nhân và người lao động làm việc trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. 

Từ đó, ứng dụng có thể giúp công dân số tiếp cận đầy đủ các dịch vụ số phục vụ cuộc sống như DVCTT, dịch vụ việc làm, dịch vụ nhà ở…, đồng thời giúp nhà quản lý phân tích, dự báo và xây dựng các chiến lược phát triển về nguồn nhân lực.

Trước đó, ngày 19/5/2021, UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo Sở TT&TT và các sở, ngành, đơn vị, địa phương phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp (DN) xây dựng nền tảng xã hội số tỉnh Thái Nguyên và ứng dụng “Thái Nguyên ID”. Sau 6 tháng triển khai thực hiện, tại thời điểm ra mắt, ứng dụng “Thái Nguyên ID” đã cơ bản hoàn thành và được triển khai tới người dùng (go live) trên nền tảng di động (AppStore và CHPlay). 

Các nội dung dữ liệu để đưa lên ứng dụng gồm thông tin của 22.341 học sinh, sinh viên 17 trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh; tổng hợp 500 thông tin mới cập nhật thực trạng trong các mục như: Voucher, thuê nhà, tuyển dụng; tổ chức Hội thảo trực tuyến giới thiệu ứng dụng “Thái Nguyên ID” đến 80 DN trong các khu công nghiệp; họp trực tuyến với 11 DN lớn (Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG, Công ty Cổ phần Hyundai Aluminum Vina, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên…), triển khai, tiếp cận tới khoảng 50.000 lao động…

Thái Nguyên ID: Bước đi chiến lược trên con đường xây dựng và phát triển trụ cột xã hội số của tỉnh - Ảnh 1.

Lễ khai trương Nền tảng xã hội số Thái Nguyên ID.

Về lý do ra mắt nền tảng, theo ông Phạm Quang Hiếu - Phó Giám đốc Sở TT&TT Thái Nguyên, ngày 31/12/2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về Chương trình Chuyển đổi số (CĐS) tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Ban Chấp hành Đảng bộ và ngày 31/12 được lựa chọn là Ngày CĐS hàng năm của tỉnh.

Như vậy, tỉnh Thái Nguyên đã có những bước đi mang tầm chiến lược nhằm thúc đẩy CĐS trên cả 3 trụ cột là Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số. Đồng thời, xây dựng đô thị thông minh và ưu tiên CĐS với các lĩnh vực nông nghiệp, giao thông, tài nguyên - môi trường, công nghiệp, y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa và du lịch. 

“Trong đó, nền tảng Thái Nguyên ID chính là bước đi chiến lược trên con đường xây dựng và phát triển trụ cột xã hội số của tỉnh, với mục tiêu tạo ra không gian số an toàn, thuận tiện giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho mọi người dân, nhất là người lao động trên địa bàn tỉnh”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ứng dụng còn trực tiếp hỗ trợ người dân trong vấn đề tìm kiếm việc làm trực tuyến, đăng tin và tìm nhà cho thuê nhanh chóng, theo dõi việc thực hiện dịch vụ công online, cập nhật tin tức đời sống - xã hội, trong đó có các tin tức y tế liên quan đến dịch bệnh COVID-19, mua bán, rao vặt, xe khách và nhận các ưu đãi mới nhất.

Trong bối cảnh khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động phát triển kinh tế và sản xuất của địa phương, sự ra đời của Thái Nguyên ID là giải pháp công nghệ tối ưu giúp giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp khi kết nối trực tiếp nhu cầu tuyển dụng từ DN với lực lượng lao động, hỗ trợ an sinh xã hội, giúp giải quyết nhu cầu nhà ở cho lực lượng lao động chưa có nhà trên địa bàn và hỗ trợ người lao động tiến hành một số DVCTT thiết yếu một cách thuận lợi, dễ dàng.

Ngoài ra, mỗi năm, tỉnh Thái Nguyên có khoảng 15-20 nghìn người bước vào tuổi lao động. Với cách quản lý theo hồ sơ trên giấy như hiện nay, cơ quan quản lý Nhà nước và chính quyền các cấp không thể thống kê hết về năng lực, nhu cầu và vị trí việc làm của người lao động, cũng như không thể xây dựng “bức tranh” tổng quan về nguồn nhân lực trên địa bàn. Thực trạng này khiến công tác tham mưu, xây dựng các quyết sách về nguồn nhân lực của tỉnh gặp nhiều khó khăn, trong khi các nhà đầu tư cũng khó có thể đánh giá chính xác về nguồn nhân lực trên địa bàn. Do đó, nền tảng Thái Nguyên ID được Sở TT&TT chủ trì, phối hợp với một số ngành, DN xây dựng và triển khai tới toàn bộ người dân trong tỉnh, được kỳ vọng sẽ giúp giải quyết bài toán này.

Cuối cùng, việc triển khai nền tảng Xã hội số Thái Nguyên ID cũng nhằm mục tiêu thu hẹp khoảng cách số, đưa dịch vụ hành chính công của tỉnh Thái Nguyên tới người dân thông qua thiết bị di động. Đây cũng là nền tảng công dân số đầu tiên dành riêng cho tỉnh Thái Nguyên, với mục tiêu tạo ra không gian số an toàn, thuận tiện giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho mọi người dân trên địa bàn tỉnh.


Tại buổi Lễ công bố ra mắt nền tảng công dân số - Thái Nguyên ID (12/2021), Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng đã mong muốn Thái Nguyên ID sẽ giúp người dân và chính quyền xích lại gần nhau hơn, ứng dụng sẽ trở thành sự hiện diện của chính quyền ngay bên cạnh người dân. Đồng thời khẳng định đây là bước đi cụ thể, thể hiện tầm nhìn xa của Tỉnh ủy và UBND tỉnh Thái Nguyên.

Thứ trưởng cũng đề nghị tỉnh Thái Nguyên cần chú trọng tuân thủ các quy chuẩn về kỹ thuật, an toàn an ninh mạng… Bộ TT&TT luôn cam kết đồng hành, ủng hộ, chia sẻ trong quá trình triển khai, thực hiện.

60.000 tài khoản sử dụng cùng hơn 70.000 thông tin học sinh, người lao động được số hóa

Để triển khai ứng dụng này, thời gian qua, Sở TT&TT Thái Nguyên đã phối hợp với các ngành, đơn vị kết nối dữ liệu hoàn thiện nền tảng số và lưu trữ các thông tin. Trung tâm phục vụ Hành chính công của tỉnh cũng hoàn thiện kết nối cho người dân có thể tạo hồ sơ, nộp hồ sơ và theo dõi tiến trình thực hiện; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã rà soát, cung cấp thông tin về lao động, thất nghiệp và đào tạo nghề…

Bên cạnh định danh công dân trên nền tảng số và cung cấp các DVCTT, thiết lập hồ sơ tuyển dụng điện tử, phản ánh hiện trường, thông tin việc làm, bản đồ COVID-19, mua bán, rao vặt và nhận khuyến mại mới nhất…, Thái Nguyên ID cung cấp chức năng quan trọng là bản đồ nguồn nhân lực tỉnh Thái Nguyên. Đây sẽ là “bức tranh” tổng thể về nguồn nhân lực và giải đáp được các vấn đề như: Tuyển dụng lao động, tuyển dụng học nghề, hướng nghiệp và tư vấn cho các DN về nguồn nhân lực.

Với 95% người dân đang sử dụng điện thoại thông minh, thiết bị thông minh, Thái Nguyên ID sẽ là ứng dụng tạo tiền đề xây dựng công dân số, làm hạt nhân cho nền tảng xã hội số tỉnh Thái Nguyên. Với nền tảng công nghệ định danh điện tử eKYC, Thái Nguyên ID tích hợp nhiều chức năng như: Kiểm tra, đối chiếu thông tin cá nhân tức thì với cơ sở dữ liệu tập trung; nhận diện người dùng bằng trí tuệ nhân tạo. Ứng dụng trực tiếp hỗ trợ người dân trong vấn đề tìm kiếm việc làm trực tuyến, đăng tin và tìm nhà cho thuê nhanh chóng, theo dõi việc thực hiện DVCTT, cập nhật tin tức đời sống - xã hội, trong đó có các tin tức y tế liên quan đến dịch bệnh COVID-19, mua bán, rao vặt và nhận các ưu đãi mới nhất.

Theo thống kê của Sở TT&TT Thái Nguyên, sau gần 4 tháng đưa và sử dụng, hiện nay Thái Nguyên ID đã có gần 60.000 tài khoản đăng ký sử dụng; số hóa được 22.000 hồ sơ học viên của 17 trường cao đẳng, trung cấp và 50.000 người lao động của 80 DN trong các khu công nghiệp của tỉnh; với hơn 5.000 tin trong lĩnh vực thuê nhà, việc làm đã được cung cấp đến người dân và gần 100 hồ sơ việc làm đã được tạo lập thành công…

Tỉnh Thái Nguyên đã đề ra kế hoạch trong năm 2022 sẽ tiếp tục hoàn thiện và cung cấp các chức năng mới trên Thái Nguyên ID như: hỗ trợ tra cứu về điện, bảo hiểm xã hội, thuế, tuyển sinh,…

Trong thời gian tới, để phát huy tối đa lợi thế của ứng dụng, các DN, tổ chức, cá nhân nhanh chóng tổ chức triển khai ứng dụng Thái Nguyên ID trong công tác quản lý, tuyển dụng nhân sự, phục vụ quá trình sản xuất và hoạt động kinh doanh. Các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cùng các sở, ban, ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp, hướng dẫn, tuyên truyền sâu rộng về lợi ích, tính năng của Thái Nguyên ID để mọi người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng hiệu quả và thiết thực nhất.

Về những khó khăn khi triển khai nền tảng, theo ông Hiếu, do là nền tảng xã hội số đầu tiên của tỉnh và trên cả nước, Sở không có nhiều chuẩn mực, khuôn mẫu để học theo. Nên khi triển khai, Sở TT&TT Thái Nguyên cũng gặp khá nhiều thách thức, khó khăn trong việc thiết kế, xây dựng các chức năng, tính năng của nền tảng; hay việc tuyên truyền, hướng dẫn để người lao động và các bên liên quan cài đặt, sử dụng ứng dụng và tham gia tương tác trên nền tảng.

“Tuy nhiên, bằng sự đồng lòng và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cùng với sự sáng tạo và kinh nghiệm của đội ngũ kỹ thuật, ứng dụng đã nhanh chóng được xây dựng và phát triển với những tính năng ưu việt nhất cung cấp cho người dùng, theo tinh thần không cầu toàn nhưng không được cẩu thả. Để rồi, Sở TT&TT cùng đội ngũ phát triển vừa làm, vừa điều chỉnh, hoàn thiện”, ông Hiếu nói.

Với vai trò của đơn vị phát triển nền tảng, ông Phạm Thế Trường, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thiết bị và Truyền thông NGS chia sẻ: "Thuận lợi theo chúng tôi đối với Thái Nguyên là một tầm nhìn, một sự khát khao, một sự quyết đoán của lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đối với một bài toán cụ thể".

Góp phần quan trọng hoàn thành mục tiêu trong Chương trình CĐS giai đoạn 2022 - 2025

Về vấn đề bảo đảm an toàn thông tin, vì Thái Nguyên ID là một Nền tảng xã hội số của tỉnh, hướng tới phục vụ cho nhu cầu, lợi ích của người lao động nói riêng và tất cả người dân trên địa bàn tỉnh nên Sở TT&TT xác định cần có sự quan tâm đặc biệt để đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho Nền tảng này. Cụ thể hơn, phải triển khai các giải pháp, biện pháp cả về hoạt động quản lý lẫn hoạt động kỹ thuật đảm bảo an toàn hệ thống thông tin ở cấp độ 3 đối với Nền tảng Thái Nguyên ID theo quy định của Luật An toàn thông tin mạng.

Trên tinh thần đó, Sở TT&TT sẽ áp dụng và tuân thủ triệt để các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn, an ninh thông tin; cũng như các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật của Bộ TT&TT, trong đó có văn bản số 5367/BTTTT-CATTT ngày 30/12/2021 về việc tăng cường bảo đảm an toàn thông tin cá nhân trên mạng.

Cũng theo ông Hiếu, Thái Nguyên ID là một trong những bước đi chiến lược trên con đường xây dựng và phát triển trụ cột Xã hội số của tỉnh, với mục tiêu tạo ra không gian số an toàn, thuận tiện giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho mọi người dân trên địa bàn tỉnh.

Quan trọng hơn, Thái nguyên ID cung cấp những chức năng phục vụ nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày của người lao động, của người dân trên địa bàn tỉnh. Vì thế, nền tảng thể hiện tinh thần CĐS của tỉnh Thái Nguyên rằng, người dân là trên hết và trước hết.

Do đó, với chủ trương đúng, cùng với quyết tâm và kế hoạch hành động bài bản, Sở TT&TT kỳ vọng Nền tảng Thái Nguyên ID sẽ góp phần quan trọng trong việc hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đã đặt ra trong Chương trình CĐS tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 được phê duyệt trong Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Về những bài học khi triển khai nền tảng, thông tin từ Sở TT&TT Thái Nguyên khẳng định, trong quá trình triển khai, tỉnh Thái Nguyên luôn tiếp nhận phản ánh của người dùng từ đó cải thiện và cập nhật để tạo ra một ứng dụng thông minh và thuận tiện nhất.

Chính vì vậy, Thái Nguyên ID là điển hình cho việc hiện thực hóa mục tiêu “cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ mới trên nguyên tắc đảm bảo chất lượng dịch vụ, giảm chi phí, tăng năng suất lao động một cách chủ động, kịp thời đáp ứng nhu cầu xã hội” trong Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ./.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 5 tháng 5/2022)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thái Nguyên ID: Bước đi chiến lược trên con đường xây dựng và phát triển trụ cột xã hội số của tỉnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO