Thái Nguyên thực hiện thành công mục tiêu kép nhờ “lá chắn công nghệ”

Nguyễn Oanh | 28/11/2021 16:21
Theo dõi ICTVietnam trên

Bằng “lá chắn công nghệ” chống dịch, Thái Nguyên đã giữ vững là vùng xanh an toàn suốt từ đầu mùa dịch tới nay, duy trì hoạt động sản xuất, ổn định đời sống xã hội trong tình hình mới.


Thái Nguyên thực hiện thành công mục tiêu kép nhờ “lá chắn công nghệ” - Ảnh 1.

Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Thái Nguyên,

Bảo vệ vùng xanh an toàn

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 01 về Chương trình chuyển đổi số, giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030, Thái Nguyên đã đạt được mục tiêu kép, đó là phát triển kinh tế - xã hội và giữ an toàn trong dịch bệnh.

Ngay khi đợt Covid-19 lần thứ tư bùng phát, UBND tỉnh đã huy động các nguồn lực để rốt ráo triển khai công tác ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh, trong đó phải kể đến sự trợ giúp đắc lực từ các sản phẩm và ứng dụng công nghệ.

Chỉ trong thời gian ngắn, những chỉ số hiện thực hóa quyết tâm đó đã cho kết quả rõ, ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần Bluezone đã có gần 380.000 người cài đặt (chiếm gần 30% dân số tỉnh). Thái Nguyên đã triển khai gần 18.500 điểm đăng ký mã QRcode để công dân khai báo điện tử và quản lý người ra vào tỉnh với hơn 717.000 lượt quét. Triển khai nền tảng quản lý xét nghiệm và trả kết quả điện tử; nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19; xây dựng bản đồ dịch tễ và trang thông tin điện tử về Covid-19.

"Chủ động áp dụng các giải pháp công nghệ để phòng chống dịch là tinh thần chúng tôi xác định ngay từ sớm", ông Đỗ Xuân Hoà, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thái Nguyên cho hay. Tỉnh đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cài đặt và sử dụng các ứng dụng như Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, Sổ sức khỏe điện tử, Bluezone - quét mã QR khai báo y tế, phần mềm công dân số C-ThaiNguyen.

Trong số các ứng dụng công nghệ phòng dịch, phải kể đến phần mềm kiểm soát các phương tiện ngoại tỉnh đến Thái Nguyên. Toàn tỉnh thiết lập 81 chốt kiểm soát Covid-19 với gần 1.200 người luân phiên làm việc 24/24 giờ.

Phần mềm kiểm soát được cài trên điện thoại thông minh của lực lượng làm nhiệm vụ kèm theo một tài khoản riêng, lực lượng cảnh sát giao thông tại các chốt có thể kiểm tra, phát hiện bất cứ phương tiện nào đi từ các tỉnh, thành phố khác đến Thái Nguyên.

Hệ thống máy quay video kiểm soát phương tiện ra, vào tỉnh qua đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên được chỉ đạo triển khai khẩn trương. Trên nền tảng Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) đặt tại trụ sở UBND tỉnh, máy quay video đặt ở đường cao tốc sẽ ghi hình toàn bộ phương tiện đi đến Thái Nguyên từ địa phương khác qua cao tốc, lưu trữ trực tiếp với tốc độ cao tại máy chủ của IOC.

Tỉnh đã huy động gần 500 camera giám sát tại các chốt để quản lý lái xe; camera giám sát các trung tâm cách ly tập trung để quản lý người cách ly, trong đó có gần 400 camera được kết nối và truyển tải dữ liệu về IOC phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phòng chống Covid-19 của lãnh đạo tỉnh…

Hệ thống này có nhiều tính năng ưu việt, đặc biệt là có thể nhận biết chính xác biển kiểm soát của các phương tiện khi đang di chuyển ở tốc độ cao. Tất cả dữ liệu sau khi được xử lý tự động, phân tích thông minh với tốc độ cao, sẽ được lưu trữ tại máy chủ của IOC. Với cơ sở dữ liệu trên, lực lượng chức năng có thể truy cập từ các thiết bị cầm tay thông minh như máy tính bảng, điện thoại thông minh, máy tính cá nhân… thông qua ứng dụng C-ThaiNguyen để khai thác thông tin, đối chiếu với phương tiện cần kiểm soát.

Theo thiếu tá Phạm Anh Điệp, Tổ phó quản lý chốt kiểm soát liên ngành tại nút giao Tân Long, mật độ phương tiện ra vào tỉnh từ 13.000 đến 15.000 lượt mỗi ngày, giải pháp này thực sự hữu dụng để kịp thời phát hiện, xử lý người khai báo không trung thực.

Đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế

Thái Nguyên nỗ lực đi đầu trong phòng, chống dịch,  thực hiện mục tiêu kép là bảo đảm an toàn cho người dân và không để đứt gãy sản xuất.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh được duy trì và phát triển ổn định, nhiều công trình, dự án được triển khai theo đúng kế hoạch.

Sản xuất công nghiệp của Thái Nguyên duy trì đà tăng trưởng và hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch năm 2021, với giá trị ước đạt 844.000 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010), tăng 7,7% so với cùng kỳ và bằng 100,38% kế hoạch.

Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục phát huy vai trò là động lực cho tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp. Công nghiệp địa phương tăng 9,18% so với cùng kỳ và vượt mục tiêu kế hoạch.

10 tháng của năm nay, trên địa bàn tỉnh có 14 dự án FDI được cấp giấy chứng nhận đầu tư mới, với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 110 triệu USD. Số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động là 1.080 doanh nghiệp.

Nhiều chỉ tiêu trong 3 quý đầu năm 2021 đều đạt mức tăng trưởng khá, cụ thể: tổng mức bán lẻ hàng hóa và tiêu dùng xã hội đạt trên 21.100 tỷ đồng (tăng gần 13% so với cùng kỳ năm 2020); sản lượng lương thực có hạt ước đạt 20.680 tấn (tăng 6,9% so với kế hoạch); giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 26.000 tỷ đồng (tăng gần 13% so cùng kỳ); tổng thu ngân sách đạt trên 2.135 tỷ đồng (tăng trên 51% so với cùng kỳ).

Trong những tháng cuối năm, UBND tỉnh Thái Nguyên tiếp tục chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện nhiệm vụ kép, tập trung cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng dịch vụ thương mại. Tăng cường xúc tiến đầu tư, mời gọi nhà đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp…

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thái Nguyên thực hiện thành công mục tiêu kép nhờ “lá chắn công nghệ”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO