Thanh Hóa: Những đột phá trong xây dựng Chính quyền điện tử

Đỗ Thêu| 01/07/2020 08:14
Theo dõi ICTVietnam trên

Thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT) giai đoạn 2019 -2020, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, hiệu quả.

Đến nay, sau hơn một năm, công tác xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT) của tỉnh đã đạt được những kết quả bước đầu hết sức khả quan.

Thanh Hóa: Những đột phá trong xây dựng Chính quyền điện tử - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng phát biểu tại hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết 17.

Sự vào cuộc chủ động, quyết liệt

Ngay từ năm 2017, với tầm nhìn chiến lược, tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Đề án xây dựng CQĐT và phát triển các dịch vụ thành phố thông minh (TPTM), giai đoạn 2017-2020; Khung kiến trúc CQĐT cấp tỉnh làm cơ sở cho việc đầu tư xây dựng và triển khai các dự án ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ chính quyền, phục vụ người dân và doanh nghiệp (DN).

Tại thời điểm đó, việc xây dựng CQĐT, phát triển các dịch vụ TPTM là vấn đề mới, phức tạp vì có liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực và cần nguồn kinh phí lớn để triển khai thực hiện. Điều này dẫn tới trong quá trình triển khai thực hiện đề án, UBND tỉnh Thanh Hóa gặp phải những khó khăn, vướng mắc, thiếu các giải pháp, kinh nghiệm, mô hình thực tế; tính hiệu quả của một số dự án trong đề án xây dựng CQĐT và phát triển các dịch vụ TPTM chưa đáp ứng thực tế…

Bởi vậy, để góp phần bổ sung, hoàn thiện đề án, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức hội nghị, hội thảo tham vấn với mong muốn các chuyên gia, đại diện các tổ chức, các DN, các địa phương hiến kế, phản biện về các nhiệm vụ, giải pháp, các mô hình ứng dụng CNTT giúp tỉnh Thanh Hóa xây dựng thành công CQĐT, phát triển các dịch vụ TPTM giai đoạn 2019-2020 và những năm tiếp theo.

Tiếp đó, ngày 7/3/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025. Ngay sau khi Nghị quyết của Chính phủ ban hành, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các Sở, ngành chức năng và các địa phương xây dựng CQĐT trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã có những chuyển biến tích cực, từng bước thay đổi phương thức làm việc theo hình thức hành chính giấy tờ sang điều hành, xử lý công việc trên mạng, công khai, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành trong cơ quan quản lý Nhà nước, phục vụ người dân, DN ngày càng tốt hơn.

Những kết quả khả quan

Sau một năm triển khai, hạ tầng, các ứng dụng CNTT của tỉnh Thanh Hóa đã được triển khai đồng bộ, cơ bản đáp ứng hoạt động chỉ đạo, điều hành của cơ quan Nhà nước trên môi trường mạng. Việc ứng dụng CNTT phục vụ người dân và DN ngày càng tốt hơn.

Cụ thể, tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thành xây dựng nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu (LGSP), kết nối, liên thông với trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ việc gửi, nhận văn bản liên thông 04 cấp chính quyền từ Trung ương đến cấp xã. Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh và Hệ thống một cửa điện tử tại tất cả UBND cấp huyện đã được đưa vào sử dụng, hệ thống một cửa điện tử tại 559/559 UBND cấp xã đã triển khai cài đặt xong, huyện đã tổ chức tập huấn cho cán bộ vận hành và chính thức đưa vào sử dụng từ ngày 10/5/2020.

Thanh Hóa cũng là 1 trong 8 bộ, ngành địa phương đầu tiên kết nối, tích hợp Cổng Dịch vụ công tỉnh với Cổng Dịch vụ công quốc gia cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, DN thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) mọi lúc, mọi nơi, tiết kiệm thời gian, chi phí, công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan Nhà nước.

Tỉnh Thanh Hóa đã bổ sung đầu tư máy chủ, trang thiết bị mạng để nâng cấp, mở rộng Trung tâm dữ liệu và điều hành an toàn, an ninh mạng của tỉnh, đảm bảo hạ tầng triển khai CQĐT. Hệ thống phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc (TD-Office) đã được đầu tư tại 100% các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện và 100% các xã, phường trên địa bàn tỉnh. Mạng truyền số liệu chuyên dùng được kết nối đến các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện để bảo đảm vận hành an toàn, đồng bộ. Ứng dụng chữ ký số được đẩy mạnh trong các cơ quan, đơn vị.

Bên cạnh đó, hệ thống phòng họp trực tuyến tại 215 điểm cầu (83 điểm cầu của khối các cơ quan cấp tỉnh, UBND cấp huyện; 132 điểm cầu của UBND cấp xã); Hệ thống đăng nhập tập trung của tỉnh (https://dangnhap.thanhhoa.gov.vn) được đưa vào sử dụng, đảm bảo thuận tiện cho người sử dụng.

Tỉnh cũng đã đưa vào vận hành hệ thống phản hồi Thanh Hóa (https://phanhoi.thanhhoa.gov.vn/) để tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh, kiến nghị của tổ chức, công dân khá hiệu quả. Thời gian qua, tỉnh đã chủ động đưa nhiều giải pháp, ứng dụng mới có hiệu quả thiết thực, kịp thời trong phòng chống dịch COVID-19 như các giải pháp: Họp không giấy tờ và kết nối trực tuyến; ứng dụng trên smartphone và trang điều hành của Ban Chỉ đạo COVID-19 tỉnh, các ứng dụng dạy học trực tuyến...

Thanh Hóa: Những đột phá trong xây dựng Chính quyền điện tử - Ảnh 2.

Ứng dụng CNTT trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận "một cửa" UBND huyện Như Xuân. Ảnh: Việt Linh

Những giải pháp và mục tiêu lớn

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai xây dựng CQĐT vẫn còn tồn tại, hạn chế, các cơ sở dữ liệu (CSDL) của tỉnh Thanh Hóa còn rời rạc, chưa có sự chia sẻ, kết nối, liên thông với nhau và liên thông với các bộ, ngành trung ương. Tỷ lệ hồ sơ thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 chưa cao; Việc sử dụng các phần mềm QLVB&HSCV, phần mềm một cửa trong chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc của một số UBND cấp huyện, UBND cấp xã còn chưa thường xuyên…

Vì vậy, trong thời gian tới, để giải quyết những tồn tại, hạn chế, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng nhấn mạnh, các Sở, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã cần đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các dự án trong chương trình xây dựng CPĐT nhằm đáp ứng các chỉ tiêu của Nghị quyết 17/NQ-CP của Chính phủ đề ra, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính.

Tỉnh phấn đấu 20% trở lên người dân và DN tham gia kết nối với CQĐT; Hoàn thành 100% các chỉ tiêu dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 mà UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt và 50% dịch vụ công trực tuyến sử dụng CSDL quốc gia về đăng ký DN.

Đồng thời, để tạo đột phá trong xây dựng CQĐT và phát triển dịch vụ TPTM, Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa cũng đặt ra nhiệm vụ trong thời gian tới, phấn đấu 100% cán bộ công chức trong bộ máy chính quyền từ cấp tỉnh đến cấp xã được Ban Cơ yếu của Chính phủ cấp chữ ký số điện tử.

Cũng theo đó, từ 22/5/2020 trở đi, 100% văn bản, hồ sơ công việc của các cơ quan cấp tỉnh được trao đổi, tạo lập, xử lý, ký số trên môi trường điện tử. Từ 01/7/2020 trở đi, 100% văn bản, hồ sơ công việc của UBND cấp huyện được trao đổi, tạo lập, xử lý, ký số trên môi trường điện tử. Từ 01/9/2020 trở đi, 100% văn bản, hồ sơ công việc của UBND cấp xã được trao đổi, tạo lập, xử lý, ký số trên môi trường điện tử. Các văn bản trên đều trừ văn bản có nội dung thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Những đột phá trong xây dựng Chính quyền điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO