Thanh niên khởi nghiệp là động lực phát triển của hệ sinh thái ĐMST quốc gia

NK| 02/10/2022 06:40
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo đánh giá của đại diện BambuUP, sự mở rộng của hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo (ĐMST) cùng với xu hướng phát triển của thế giới đã và đang tạo cơ hội mới cho thanh niên khởi nghiệp, nhất là khi thị trường đang có những khoảng trống cần khai phá.

Định vị hệ sinh thái thanh niên khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam

Chia sẻ tại diễn đàn chuyên sâu với chủ đề "Phát triển hệ sinh thái thanh niên khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam trong thách thức của kinh tế số" trong khuôn khổ Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp quốc gia 2022 ngày 1/10, bà Phạm Thị Thu Hằng - Chủ tịch HĐQT nền tảng kết nối ĐMST BambuUP đã điểm lại tiềm năng của hệ sinh thái thanh niên khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam.

Cụ thể, hiện Việt Nam đang có khoảng hơn 22,1 triệu người trong độ tuổi thanh niên, chiếm khoảng 22,5% dân số cả nước và gần 36% lực lượng lao động. Còn theo số liệu mới nhất của Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam, 40% người trẻ tại Việt Nam (22-30 tuổi) được khảo sát cho biết họ đang có kế hoạch bắt đầu kinh doanh, trong đó 20% dự định thực hiện kế hoạch trong vòng 5 năm tới, bởi vì "khởi nghiệp đem đến quyền quyết định và tự do hơn hẳn so với việc làm cho người khác".

Chưa kể đến, phong trào khởi nghiệp trong sinh viên không ngừng lan tỏa và các cơ sở giáo dục, đào tạo ngày càng quan tâm tới cụm từ khởi nghiệp ĐMST khi mà 75% đơn vị đã tổ chức các lớp học kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên. Kèm theo đó là gia tăng các quỹ hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, điển hình như Quỹ BK-Funds của trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Sự hỗ trợ đó đã khiến cho chất lượng ý tưởng ngày càng gia tăng, khi mà có đến 1.600 dự án khởi nghiệp trong 4 năm tổ chức Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên. "Một số ý tưởng, dự án đã thành lập được startup hoặc được các doanh nghiệp lớn mua lại", bà Hằng cho biết thêm.

Trả lời cho câu hỏi "chúng ta đang ở đâu", bà Hằng cho biết, Việt Nam là một trong ba quốc gia tạo nên "Tam giác khởi nghiệp" khu vực Đông Nam Á, bên cạnh Singapore và Indonesia. Năm 2021, Việt Nam cũng xếp thứ 44/132 quốc gia và nền kinh tế về ĐMST. Nằm trong một hệ sinh thái ĐMST mở, với sự tham gia của nhiều chủ thể khác như quỹ đầu tư, hỗ trợ từ cơ quan quản lý… để hình thành nên các startup chất lượng sẽ cần đến những tài năng (talent)/môi trường thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và ĐMST. Có thể thấy, thời gian qua, các trường đại học, đặc biệt là trường đại học nằm trong top đầu, rất quan tâm và dành nhiều nguồn lực để hỗ trợ cho các vấn đề liên quan đến khởi nghiệp cũng như ĐMST.

Thanh niên khởi nghiệp là động lực phát triển của hệ sinh thái ĐMST quốc gia - Ảnh 1.

Chuyên đề chuyên sâu "Phát triển hệ sinh thái thanh niên khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam trong thách thức của kinh tế số" trong khuôn khổ Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp quốc gia 2022.

Khoảng trống nào cho thanh niên khởi nghiệp ĐMST?

Chia sẻ về các khoảng trống - các thị trường tiềm năng cần startup khai phá để giải quyết bài toán cho thị trường với nhóm khách hàng doanh nghiệp, chính phủ và xã hội, theo bà Hằng, có một số bài toán mà các thanh niên Việt Nam có thể khởi nghiệp. Bài toán đầu tiên đến từ thị trường doanh nghiệp, khi các công ty, tập đoàn lớn buộc phải thúc đẩy ĐMST, nhất là trong bối cảnh đòi hỏi phải tăng trưởng từ 3-5 lần, tăng 3 lần năng suất lao động trong khi mức đầu tư giảm từ 20-30%.

Để dẫn chứng cho việc buộc phải ĐMST của doanh nghiệp, bà Hằng đã dẫn chứng 2 bài học của Nokia và Kodak. Ngày nay, nhắc đến Kodak, người ta chỉ nhớ đến một câu chuyện buồn về sự lãng phí và cuộc đổi mới sáng tạo nửa vời. Trên thực tế, Kodak có một kho tàng đồ sộ khoảng 7.000 bằng sáng chế chưa được khai thác một cách phù hợp để phát triển các sản phẩm và mô hình kinh doanh mới. Sau khi gượng dậy từ sự kiện phá sản, Kodak mới bắt đầu ngó ngàng tới những sáng chế này.

Ngoài ra, Chủ tịch BambuUP cho rằng, các startup có thể khai phá thông qua ĐMST để giải quyết các bài toán xã hội như với câu chuyện hợp tác giữa ứng dụng chi lương linh hoạt Vui App với HiStaff - phần mềm quản lý tổng thể nguồn nhân lực. Để rồi, 300.000 lao động trong hệ sinh thái của HiStaff được cung cấp chi lương linh hoạt thông qua nền tảng Vui App. "Sự kết hợp giữa hệ sinh thái HiStaff và Vui App sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp tăng tốc chuyển đổi số, tối ưu chi phí và nâng cao năng suất lao động của nhân viên trong các doanh nghiệp truyền thống, xây dựng môi trường làm việc trao quyền, hiện đại, nhân văn", bà Hằng cho biết thêm.

Một ví dụ thứ 2 về việc startup có thể giải quyết vấn đề xã hội, đó là câu chuyện của ứng dụng Hasu ra đời vào tháng 3/2020 đã trở thành giải pháp công nghệ tiên phong giúp chăm sóc sức khỏe, hướng dẫn tập luyện, học tập và giải trí cho người trên 50 tuổi tại nhà, nhất là với bối cảnh Việt Nam đang là một trong số những quốc gia có tỷ lệ già hóa nhanh nhất thế giới.

Theo bà Hằng, câu chuyện của nền tảng top 10 Techfest 2020 đã cho thấy, nếu như trước đây, sáng tạo xã hội thường gắn với doanh nghiệp xã hội, tính chất phi lợi nhuận thì nay đã trở thành mô hình kinh doanh mới của các startup. "Đặc biệt trong tình hình dịch bệnh COVID-19, việc sử dụng công nghệ để đưa ra mô hình kinh doanh mới như Hasu đã trở thành một xu hướng phát triển", bà Hằng nhận định.

Bà Hằng cho rằng, nếu như một số thị trường đã có nhiều đơn vị khởi nghiệp như công nghệ giáo dục, công nghệ thực phẩm, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe thì vẫn còn đó những khoảng trống của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam, tiêu biểu gồm lĩnh vực dữ liệu lớn, lĩnh vực công nghệ 3D, ứng dụng quảng cáo truyền thông, lĩnh vực An ninh mạng…

Tiếp theo, Việt Nam cũng sở hữu một hệ sinh thái đa dạng chủ thể tạo điều kiện cho thanh niên khởi nghiệp sáng tạo với các quỹ đầu tư mạo hiểm từ trong nước (ThinkZone, Do Venture, Fundgo…), quốc tế cho đến nguồn vốn từ những nhà đầu tư thiên thần. Theo Ngân hàng thế giới, Việt Nam luôn nằm trong 10 nước đang phát triển thu hút được nhiều kiều hối nhất trên thế giới, bất chấp khó khăn của dịch bệnh COVID-19 trong hai năm gần đây. "Họ sẽ là nguồn lực giúp startup có điểm tựa xuất khẩu ở nước ngoài, mở rộng thị trường kinh doanh, đưa giải pháp ĐMST vươn ra thế giới cũng như là những doanh nhân thành đạt, những nhà đầu tư thiên thần", bà Hằng chia sẻ.

Không chỉ quỹ đầu tư và các nhà thiên thần, hệ sinh thái còn có các tổ chức thúc đẩy và ươm tạo như BK Holding, Vietnam Silicon Valley… hay các đơn vị kết nối như BambuUP - nền tảng kết nối đổi mới sáng tạo giúp thiết lập những mối quan hệ ý nghĩa và nuôi dưỡng hệ sinh thái khởi nghiệp toàn diện cùng sáng tạo và phát triển.

Bên cạnh chia sẻ của đại diện BambuUP, diễn đàn chuyên sâu với chủ đề "Phát triển hệ sinh thái thanh niên khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam trong thách thức của kinh tế số" còn có bài trình bày về "Phát triển nguồn nhân lực trẻ thích ứng với khởi nghiệp trong nền kinh tế số" của ông Nguyễn Đắc Tình - Đồng sáng lập LadiPage, sáng lập Vietnam MarTech; tọa đàm "Thúc đẩy hệ sinh thái ĐMST quốc gia, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp"; đối thoại "Tìm giải pháp đột phá cho thanh niên khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam"./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thanh niên khởi nghiệp là động lực phát triển của hệ sinh thái ĐMST quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO