Tháo điểm nghẽn trong xây dựng chính phủ điện tử

Hữu Tuấn| 20/03/2020 22:43
Theo dõi ICTVietnam trên

Nguồn lực đầu tư xây dựng chính phủ điện tử sẽ sớm được khai thông khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất giải pháp huy động vốn thực hiện nhiệm vụ này.

Tháo điểm nghẽn trong xây dựng chính phủ điện tử - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Tài chính trình báo cáo đề xuất giải pháp huy động nguồn lực phát triển chính phủ điện tử trước ngày 15/4/2020.

Nhà nước và doanh nghiệp cùng vào cuộc

Điểm nghẽn lớn trong xây dựng chính phủ điện tử là nguồn lực đầu tư, thuê dịch vụ công nghệ thông tin. Cơ quan điều phối các nhiệm vụ phát triển chính phủ điện tử là Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá, một trong những hạn chế thời gian qua là kinh phí đầu tư cho phát triển chính phủ điện tử chưa đáp ứng nhu cầu. Hiện nay, chưa có nguồn ngân sách ổn định cho xây dựng và vận hành chính phủ điện tử.

Chính vì vậy, thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất thực hiện giải pháp: các bộ, ngành, địa phương ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước hàng năm cho triển khai các dự án chính phủ điện tử, chính quyền điện tử.

Liên quan đến vấn đề này, từ thực tế triển khai tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, nên vận dụng phương thức Nhà nước và doanh nghiệp cùng thực hiện, có như vậy mới có thể đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án chính phủ điện tử như dự án cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia.

“Chúng ta phải xem xét có những thủ tục tốt hơn, nhanh hơn trong vấn đề chỉ định hoặc lựa chọn doanh nghiệp tham gia. Chúng ta cũng cần có ngay cơ chế để làm sao các doanh nghiệp có thể tham gia quá trình này cùng với Nhà nước, tức là xem xét các hình thức đầu tư công - tư, có thể đầu tư công nhưng quản trị tư, hoặc là đầu tư tư và quản trị công. Với lĩnh vực tài nguyên, môi trường, đất đai, chúng tôi đề nghị nên có đầu tư tư và quản trị công. Vai trò của Nhà nước là ban hành cơ chế chính sách để khi cung cấp các dịch vụ công thì những người sử dụng dịch vụ sẽ chi trả một phần chi phí để bù lại các chi phí đầu tư, duy trì hoạt động các hệ thống”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn CMC cho rằng, các doanh nghiệp đều có năng lực, thế mạnh riêng trên nhiều lĩnh vực. Vì vậy, ông Chính đề xuất mở rộng việc giao doanh nghiệp tư nhân tham gia cùng Nhà nước trong quá trình cải cách và đẩy mạnh áp dụng hình thức đối tác công - tư, tiến tới giao hoàn toàn việc tổ chức thực hiện các dịch vụ công cho khối tư nhân.

Sớm giải quyết nguồn kinh phí

Tại “Nghị quyết về một số nhiệm vụ giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025”, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu, đề xuất giải pháp huy động nguồn lực (doanh nghiệp đầu tư, Nhà nước thuê dịch vụ; hợp tác công - tư (PPP), kinh phí sự nghiệp...) để triển khai các dự án xây dựng chính phủ điện tử, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định. Đây là một những giải pháp nhằm bảo đảm các nguồn lực triển khai xây dựng chính phủ điện tử.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính đã có báo cáo về nghiên cứu, đề xuất giải pháp huy động nguồn lực để triển khai các dự án xây dựng chính phủ điện tử.

Mới đây, chỉ đạo về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành, địa phương kiểm tra, rà soát, đánh giá hiệu quả sử dụng kinh phí xây dựng chính phủ điện tử thời gian qua; nêu rõ tồn tại, hạn chế và giải pháp khắc phục, đảm bảo sử dụng kinh phí hiệu quả, không thất thoát, lãng phí.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Tài chính trình báo cáo đề xuất giải pháp huy động nguồn lực phát triển chính phủ điện tử trước ngày 15/4/2020.

Trước đó, tại Hội nghị Ủy ban Quốc gia về chính phủ điện tử với Ban Chỉ đạo chính phủ điện tử, Thủ tướng yêu cầu bảo đảm nguồn tài chính cho chính phủ điện tử. Cụ thể, Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đề xuất việc chuyển một phần Quỹ Viễn thông công ích cho các dự án nền tảng dùng chung của chính phủ điện tử, báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong quý I/2020.

Thủ tướng cũng kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tích cực tham gia xây dựng chính phủ điện tử, coi đây là mục tiêu kép, vừa giúp phát triển chính phủ điện tử Việt Nam, vừa có kinh nghiệm để đi ra thế giới.

Liên quan đến vấn đề kinh phí, theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, trong thời gian tới, để huy động nguồn lực của doanh nghiệp trong và ngoài nước, tranh thủ chuyên gia quốc tế trong xây dựng chính phủ điện tử, phương án là thuê doanh nghiệp đầu tư trên cơ sở đặt hàng của Nhà nước và Nhà nước thuê lại.

Cổng dịch vụ công quốc gia (khai trương ngày 9/12/2019), đến ngày 10/2/2020 đã có 47.377 tài khoản đăng ký, hơn 13,7 triệu lượt truy cập; hơn 945.000 hồ sơ đồng bộ trạng thái; đã có 9/22 bộ, cơ quan và 63/63 tỉnh, thành phố kết nối, tích hợp với Cổng.

Trục liên thông văn bản quốc gia (khai trương ngày 12/3/2019), đến ngày 10/2/2020 đã có hơn 1,26 triệu văn bản điện tử gửi và nhận.

Công tác cải cách hành chính gắn với chính phủ điện tử đã phát huy hiệu quả. Các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính được rà soát và cắt giảm, tiết kiệm được 6.300 tỷ đồng.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tháo điểm nghẽn trong xây dựng chính phủ điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO