Tháo gỡ vướng mắc về pháp lý trong xử lý nước thải đô thị ở Việt Nam

PV| 01/10/2022 08:31
Theo dõi ICTVietnam trên

Hiện nay, xử lý nước thải đô thị đang được xem là một trong những thách thức lớn đối với nhiều đô thị tại Việt Nam; đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh…

13% lượng nước thải đô thị được thu gom, xử lý

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng Việt Nam, hiện nay, cả nước chỉ có 43 nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung đang vận hành, tổng công suất thiết kế trên 926.000 m3/ngày đêm, nhưng tỉ lệ nước thải được thu gom, xử lý chỉ đạt khoảng 13%.

Thống kê của UBND TP Hà Nội cũng cho thấy, thành phố có khoảng hơn 5.700 km cống rãnh; hơn 250 km mương, sông, kênh; hơn 40.000 ga thu; hơn 110 ga thăm các loại; 125 hồ điều hòa; 10 trạm bơm thoát nước mưa chính… Địa phương có 6 nhà máy xử lý nước thải đã đưa vào hoạt động, gồm: Kim Liên (công suất 3.700 m3/ngày đêm), Trúc Bạch (công suất 2.300 m3/ngày đêm), Bảy Mẫu (công suất 13.300 m3/ngày đêm), Yên Sở (công suất 200.000 m3/ngày đêm), Bắc Thăng Long - Vân Trì (42.000 m3/ngày đêm), Hồ Tây (15.000 m3/ngày đêm). Tuy nhiên, các nhà máy xử lý nước thải này chỉ xử lý được 22% số lượng nước thải ra hằng ngày, còn tới 78% vẫn đang được xả thẳng ra môi trường.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Halcom Việt Nam cho biết: Ở các đô thị trên cả nước, khoảng 80% - 90% nước thải bị xả thẳng ra môi trường cho thấy năng lực xử lý nước thải đang rất thấp; các chính sách, chế tài, cơ chế, năng lực quản lý,… đang có vấn đề. Tỷ lệ nước thải sinh hoạt tại đô thị được xử lý ở nước ta hiện nay mới chỉ đạt khoảng 13%. Tình trạng này tiếp diễn thì chỉ 20 - 30 năm nữa con cháu chúng ta sẽ không có nước sạch để dùng.

Tháo gỡ vướng mắc về pháp lý trong xử lý nước thải đô thị ở Việt Nam - Ảnh 1.

Nhà máy xử lý nước thải hơn 900 triệu đồng tại TP Huế. Ảnh VnExpress

UBND TP Hà Nội cũng thừa nhận tiến độ thực hiện các dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải còn kéo dài và số dự án cần thực hiện vẫn chưa đáp ứng được Kế hoạch số 189/KH-UBND ngày 30/12/2013 đề ra (còn 12 dự án cần được triển khai thực hiện). Bên cạnh đó, việc thực hiện Quy hoạch thoát nước thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 còn nhiều khó khăn. Các công trình đầu mối, hạng mục ưu tiên đầu tư nhưng chưa được triển khai do vốn đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước rất lớn, việc kêu gọi xã hội hóa gặp nhiều khó khăn.

Không chỉ riêng Hà Nội, nước thải đô thị cũng là vấn đề nhức nhối của TP. Hồ Chí Minh. Báo cáo của địa phương này cho biết, ước tính lượng nước thải từ sinh hoạt đô thị phát sinh khoảng 1.579.000 m3/ngày đêm. Trong khi thành phố mới chỉ vận hành 3 nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung với tổng công suất 302.000 m3/ngày đêm gồm: Bình Hưng giai đoạn 1 (công suất 141.000 m3/ ngày đêm), Bình Hưng Hòa (công suất 30.000 m3/ ngày đêm), Tham Lương - Bến Cát (công suất 131.000 m3/ngày đêm). Nếu tính lượng nước thải được xử lý cục bộ tại khu dân cư mới, chung cư, công nghiệp, thương mại - dịch vụ (không bao gồm nước thải từ khu công nghiệp) thì tổng lượng nước thải thu gom xử lý của toàn thành phố là 370.624 m3/ngày đêm (đạt tỉ lệ 21,2%).

Hiện nay ở Việt Nam, quá trình đô thị hóa nhanh đòi hỏi vấn đề thu gom xử lý mang tính lâu dài. Tại các đô thị ở Việt Nam đa số là hệ thống xử lý nước thải chung mà theo quy định, cần tách riêng 2 hệ thống song hành.

Bên cạnh đó, việc hình thành các khu công nghiệp diễn ra nhanh nên mật độ xây dựng tăng, đường ống được làm tư từ lâu nên nhỏ, chưa phù hợp với sự phát triển đô thị, dẫn đến không đủ nhu cầu. Do vậy, việc nâng cấp mở rộng xây dựng gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do không có kinh phí, chỉ có từ nguồn ngân sách nhà nước, ODA, khó khăn trong quá trình cấp vốn…

Nhiều chính sách "khơi thông" khó khăn

Vấn đề đầu tư vào hệ thống kỹ thuật hạ tầng đô thị nói chung và hệ thống cấp thoát nước đô thị nói riêng còn nhiều hạn chế. Nhiều tỉnh, thành phố quy hoạch hạ tầng không đồng bộ, không theo kịp sự phát triển của đô thị. Cùng với đó, việc thiếu hụt hạ tầng kỹ thuật xử lý nước thải, thiếu cơ chế kêu gọi các nhà đầu tư vào đầu tư hệ thống xử lý nước thải, nhiều hệ thống xử lý công nghệ chưa phù hợp đã dẫn tới tình trạng nước thải sinh hoạt đô thị không được xử lý ngang nhiên xả ra môi trường, đe dọa môi trường sinh thái và trở thành thách thức lớn cho các đô thị.

Ngoài ra, nước ta đang thiếu cơ chế thu hút, khuyến nghị đầu tư, thị trường chưa được khai thác, các điều kiện để nhà đầu tư triển khai kinh doanh có hiệu quả. Việc hình thành các khu công nghiệp diễn ra nhanh nên mật độ xây dựng tăng, mà đường ống được làm tư lâu nên nhỏ, chưa phù hợp với sự phát triển đô thị, dẫn đến nhu cầu không đủ, do vậy việc nâng cấp mở rộng xây dựng gặp nhiều khó khăn.

Trước thực tiễn đó, để giải quyết bài toán xử lý nước thải trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành và áp dụng nhiều chính sách hoàn thiện hơn khung khổ pháp lý cho các vấn đề quản lý và xử lý nước thải, cũng như đầu tư cải thiện vệ sinh môi trường. Kể từ khi ban hành tiêu chuẩn đầu tiên (TCVN 5945:1995) vào năm 1995, các quy định về chất lượng nước thải sau xử lý đã nhiều lần thay đổi cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Nghị định 88 ban hành năm 2007, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu, Thông tư số 35/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên &Môi trường… được xem là những nền tảng quan trọng.

Bên cạnh đó, Nghị định số 98/2019/NĐ-CP ngày 27/12/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh lực hạ tầng kỹ thuật trong Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 6/8/2014 về Thoát nước và xử lý nước thải đã được hợp nhất và có hiệu lực từ ngày 15/2/2010.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 53/2020/NĐ-CP ngày 5/5/2020 về quy định phí bảo vệ môi trường đối với nước thải; trong đó có những điểm mới về đối tượng chịu phí cũng như mức phí. Trong đó, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thải nước thải theo quy định đi kèm là người nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải. Trường hợp các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thải nước thải vào hệ thống xử lý nước thải tập trung và trả tiền dịch vụ xử lý nước thải cho đơn vị quản lý, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung theo cơ chế giá dịch vụ thì đơn vị quản lý, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung là người nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải theo quy định.

Mặc dù hệ thống chính sách điều chỉnh việc xử lý nước thải sinh hoạt tại đô thị khá đầy đủ. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế và một số bất cập khác, tỷ lệ nước thải sinh hoạt tại đô thị được xử ở nước ta hiện nay vẫn đạt thấp. Điều này đang tiếp tục đặt ra yêu cầu với các bộ, ngành, địa phương cần phải có những giải pháp căn cơ hơn để tạo chuyển biến thực chất, tháo gỡ các vướng mắc trong thời gian tới./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tháo gỡ vướng mắc về pháp lý trong xử lý nước thải đô thị ở Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO