Thị trường bán hàng đa cấp lập lại trật tự

PV| 24/12/2020 14:05
Theo dõi ICTVietnam trên

Với sự hoàn thiện của hành lang pháp lý, Bộ Công Thương đã vào cuộc lập lại trật tự cho thị trường bán hàng đa cấp, việc đầu tiên là tăng cường công tác điều hành, quản lý có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa ngành Công Thương và các Bộ, Ban, ngành liên quan, thống nhất từ Trung ương đến địa phương.

Khuôn khổ pháp lý liên quan đến bán hàng đa cấp ngày càng hoàn thiện

Bán hàng đa cấp xuất hiện tại Việt Nam từ đầu những năm 2000, đặc biệt càng phát triển khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO năm 2006, tạo ra một làn gió mới thu hút nhiều người tham gia. Năm 2010, bán hàng đa cấp đạt lợi nhuận 2.799 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với 614 tỷ đồng của 4 năm trước đó.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp chân chính, nhiều loại hình đa cấp biến tướng cũng núp bóng và phát triển. Những Thiên Ngọc Minh Uy, Liên kết Việt, Muaban24, Agel,.. từng khiến dư luận rúng động khi gây thiệt hại cho hàng trăm nghìn người tham gia, số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Vì vậy, sức ép lên công tác quản lý về bán hàng đa cấp là không hề nhỏ, khi mà người dân quá tin tưởng vào những lời "đường ngọt" về lợi nhuận siêu khủng của các tổ chức đa cấp biến tướng này.

Nhưng quan trọng hơn, khung khổ pháp lý liên quan đến bán hàng đa cấp ở thời điểm này vẫn còn quá mỏng, thiếu hoàn thiện, dù từ năm 2014 đã được sửa theo hướng thắt chặt hơn.

Tại phiên chất vấn đầu tiên của Quốc hội khóa XIV (Ngày 15/11/2016), Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã thẳng thắn cho rằng, khuôn khổ pháp lý liên quan đến bán hàng đa cấp khi đó còn tồn tại nhiều bất cập, và Bộ Công Thương, với trách nhiệm của mình, đã và đang khẩn trương nghiên cứu hoàn thiện chính sách.

Kết quả, với sự tham mưu của Bộ, ngày 31/10/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 31/10/2016 về việc tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp, nhằm triển khai đồng bộ công tác này từ Trung ương đến địa phương.

Từ đây, khuôn khổ pháp lý liên quan đến bán hàng đa cấp ngày càng hoàn thiện, từ quy định quản lý đến các quy định về chế tài xử lý hành chính, chế tài xử lý hình sự.

Nổi bật trong đó là Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp thay thế cho Nghị định số 42/2014/NĐ-CP, qua đó thắt chặt hơn nữa các điều kiện hoạt động trong lĩnh vực bán hàng đa cấp, phân cấp sâu hơn cho các địa phương, quy định trách nhiệm quản lý của nhiều Bộ, ngành liên quan.

Bộ Công Thương cũng trình Chính phủ ban hành Nghị định số 141/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 10 năm 2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp...

Thị trường bán hàng đa cấp lập lại trật tự - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Trật tự được lập lại

Với sự hoàn thiện của hành lang pháp lý, Bộ Công Thương đã vào cuộc lập lại trật tự cho thị trường bán hàng đa cấp, mà việc đầu tiên đó là tăng cường công tác điều hành, quản lý có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa ngành Công Thương và các Bộ, Ban, ngành liên quan, thống nhất từ Trung ương đến địa phương.

Từ năm 2016 đến nay, Bộ Công Thương đã triển khai 65 đoàn thanh tra, kiểm tra có thành viên là đại diện Bộ Công an, Bộ Y tế, cơ quan thuế địa phương, xử phạt số tiền hơn 13 tỷ đồng và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp của 24 doanh nghiệp.

Kết quả thể hiện qua những con số thống kê khá rõ ràng. So với con số 67 doanh nghiệp năm 2016, đến tháng 9/2020 chỉ còn 21 doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp đang hoạt động hợp pháp; 46 doanh nghiệp đã bị thu hồi giấy chứng nhận hoặc tự chấm dứt hoạt động vì kém hiệu quả, giảm 68%, theo số liệu của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng.

Số lượng người tham gia bán hàng đa cấp cũng đã giảm từ 1,3 triệu người tại thời điểm năm 2016 xuống còn khoảng hơn 644.996 người ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp hiện nay, trong đó có chưa đến 311.668 người có hoạt động bán hàng và phát sinh hoa hồng, còn lại chủ yếu là ký hợp đồng để được mua hàng với giá chiết khấu mà không tham gia bán hàng.

Điều đáng nói là dù số lượng doanh nghiệp và số lượng người tham gia giảm, doanh thu của ngành bán hàng đa cấp lại có xu hướng gia tăng. Giai đoạn 2016 - 2017 doanh toàn ngành đạt khoảng 8.000 tỷ/năm; năm 2018 đạt hơn 10 ngàn tỷ đồng/năm.

Tổng doanh thu bán hàng đa cấp năm 2019 của các doanh nghiệp đạt khoảng 12.575 tỷ đồng, tăng hơn 1.793 tỷ đồng (tăng 16%) so với năm 2018 và tăng 4.247 tỷ đồng (tăng 35%) so với năm 2017.

Tính đến hết tháng 6 năm 2020, tổng doanh thu bán hàng đa cấp trên toàn thị trường đạt khoảng 6.776 tỷ đồng, bằng 54% doanh thu của năm 2019, tăng 17% so với tổng doanh thu cùng kỳ của ngành năm 2019.

Mặc dù hoạt động bán hàng đa cấp bị quản lý chặt chẽ trong thời gian vừa qua, nhưng từ năm 2016 đến nay vẫn có rất nhiều doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại Việt Nam. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, Bộ Công Thương mới chỉ cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp cho 3 doanh nghiệp.

Tính riêng 7 tháng đầu năm 2020, đã có 14 doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp nhưng chưa có doanh nghiệp nào được cấp vì hồ sơ chưa đáp ứng yêu cầu.

Thêm vào đó, không thể phủ nhận, hoạt động cảnh báo, tuyên truyền, phổ biến đến người dân về đa cấp biến tướng nói riêng và đa cấp nói chung đã đạt được hiệu quả đáng kể. Người dân giờ đây đã có nhận thức tốt hơn về các hoạt động bán hàng đa cấp, tự ý thức phòng tránh cao hơn, qua đó cũng làm giảm thiểu thiệt hại từ các hoạt động bán hàng đa cấp bất chính.

Các đơn từ khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp có xu hướng giảm mạnh. Nếu như năm 2016, số lượng đơn khiếu nại tố cáo các doanh nghiệp đa cấp lên đến hơn 1000 đơn thư thì con số này đã giảm đáng kể, năm 2017 có hơn 700 đơn thư, năm 2018 hơn 300 đơn thư và 10 tháng năm 2019 chỉ có chưa đến 100 đơn thư.

Từ đầu năm đến tháng 7/2020, chỉ có 32 lượt khiếu nại, đơn kiến nghị, đơn tố cáo… liên quan đến người tham gia bán hàng đa cấp.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thị trường bán hàng đa cấp lập lại trật tự
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO