Thị trường Ví điện tử: Chiếc áo đã chật hay mảnh đất màu mỡ - Ảnh 1.


Thị trường Ví điện tử: Chiếc áo đã chật hay mảnh đất màu mỡ - Ảnh 2.

Ví điện tử ra đời đúng với chủ trương làm phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ. Ngoài ví điện tử của các công ty chỉ làm cổng thanh toán (ví thông thường) còn có các ví điện tử của các tổ chức tài chính tín dụng (ngân hàng). Các ngân hàng giờ cũng đều có ví, gắn luôn với cả lộ trình xây dựng digital banking (ngân hàng online), trong đó có ví, tài khoản, gắn với thẻ.

Có nhiều đơn vị fintech được cấp giấy phép cho cổng thanh toán, làm ví điện tử hay các ngân hàng đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong đó có hệ thống ví gắn với thanh toán online trên digital banking.

Số lượng ví nhiều như vậy có thể vượt quá nhu cầu của người dân, vì không ít người dùng vì khuyến mại nên mới dùng ví mới (tải app mới) nhưng dùng thường xuyên thì cũng chỉ cần một, cũng giống như thẻ tín dụng, dù có thể có rất nhiều nhưng khi quẹt cũng chỉ quẹt một thẻ chứ có khi nào quẹt một lúc 5-7 cái thẻ đâu.

Vậy cần bao nhiêu ví thì đủ? Tôi nghĩ trong giai đoạn đầu nhiều đơn vị làm là tốt. Quá trình thực hiện sẽ có những đơn vị ví điện tử, cổng thanh toán tự động bị triệt tiêu vì khi người dùng sẽ chọn lựa ví nào thuận tiện nhất, trải nghiệm tốt nhất.

Không nên can thiệp kiểu cấm đơn vị nọ cấm đơn vị kia, trừ khi họ vi phạm Luật Tín dụng về ví hoặc cổng thanh toán. Người dùng sẽ tự quyết định phương tiện, và app nào thì sẽ được tồn tại. Chắc cũng không lâu đâu, khả năng hết năm nay và sang năm, chắc chắn một số ví, một là phải bỏ, hai là phải san sẻ khách hàng, hoặc hợp nhất lại với nhau. Đừng nên lo lắng quá nhiều ví, hãy cứ để thị trường quyết định.

Theo tôi, Nhà nước cần sớm xem xét có thể dự thảo cho ra sandbox một số lĩnh vực, để vừa thử nghiệm vừa chỉnh sửa dần, ban hành tạm thời để định lượng cho lĩnh vực mới. Chứ đợi có luật mới làm thì mình sẽ không bao giờ theo kịp thế giới.

Thị trường Ví điện tử: Chiếc áo đã chật hay mảnh đất màu mỡ - Ảnh 3.

Thị trường ví điện tử trong thời gian gần đây đang phát triển khá nhanh. Riêng fintech tại Việt Nam đạt được nhiều sự tăng trưởng đáng kể nhờ việc áp dụng kỹ thật số, sự phát triển của thương mại điện tử, lợi thế tiếp cận Internet, tỷ lệ người sử dụng smartphone cao, nhu cầu tiêu dùng gia tăng cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ trong việc thúc đẩy thanh toán điện tử...

Số lượng 43 ví điện tử ở Việt Nam không phải là nhiều khi so với các nước trong khu vực. Ví dụ Malaysia có 53 ví, hay Indonesia có 48 ví. Thêm vào đó, còn phụ thuộc rất nhiều vào định hướng phát triển của các ví. Tôi cho rằng trong vài năm tới  thị trường chỉ tập trung vào 3-5 ví điện tử hàng đầu.

Tượng tự như vậy, con số 120 fintech của Việt Nam không phải là lớn khi so với 490 công ty của Singapore hay 212 công ty của Phillipines. Fintech cũng trải dài rất nhiều lĩnh vực khác nhau như KYC, cho vay P2P, pay-later, đánh giá tín dụng... Sự đa dạng trong các lĩnh vực  tạo nên một bức tranh chung đầy màu sắc và sôi động của fintech Việt Nam.

Sự tăng trưởng về số lượng ví điện tử, cũng như công ty fintech đến từ tiềm năng của thị trường còn rất lớn khi tỉ lệ sử dụng ví ở Việt Nam chỉ mới vào khoảng 20%. Chỉ số này còn thấp hơn rất nhiều so với Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc đều đã ở trên 70%. Có nghĩa thị trường vẫn còn rất mở.

Thói quen sử dụng tiền mặt của người dân đã được hình thành từ rất lâu. Để thay đổi thói quen đó, cần có thời gian, nguồn lực về công nghệ, tài chính, pháp lý. Khuyến mãi giảm giá cũng là một cách khá hiệu quả để hấp dẫn người dùng, theo tâm lý tự nhiên giúp họ có mong muốn trải nghiệm từ đó dần dần thay đổi thói quen, tuy nhiên việc giữ được khách hàng lâu dài, thường xuyên không phụ thuộc quá nhiều vào điều này mà còn lại sự trải nghiệm, tính ổn định và vấn đề an toàn bảo mật.

Chúng tôi tin rằng dịch vụ ví điện tử cần mang  giá trị hữu ích, thuận tiện và đáng tin cậy để phát triển bền vững. Chính vì vậy, ZaloPay luôn cố gắng tạo trải nghiệm khách hàng tốt nhất với những tính năng khác biệt như chuyển tiền trong Zalo chat, giải pháp mua hàng qua Zalo OA hay tích hợp thanh toán sâu cùng các đối tác lớn.

Thị trường Ví điện tử: Chiếc áo đã chật hay mảnh đất màu mỡ - Ảnh 4.

"Việt Nam là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng về thanh toán điện tử cao nhất thế giới, khoảng 35% mỗi năm, trong đó ví điện tử đang là phương thức thanh toán hiện đại và tiện ích được người dân ưa chuộng. Với số lượng ví điện tử (khoảng 43 ví) và các công ty fintech (trên 120 đơn vị) sẽ tạo nên một cuộc cạnh tranh quyết liệt. Đó là cuộc cạnh tranh thông qua các tiện ích và trải nghiệm thanh toán. Cuộc cạnh tranh càng sôi động, mạnh mẽ thì người dùng càng được hưởng lợi.

Ví điện tử có cơ hội để phát triển, bứt phá hay không phụ thuộc vào những lợi ích mang đến cho người dùng đó là những tiện ích đa dạng, sử dụng nhanh chóng, an toàn... Vì vậy, trước nhu cầu cao của người dùng về tính tiện ích trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển nhanh và mạnh như hiện nay, các công ty fintech đã và đang xây dựng một hệ sinh thái thanh toán qua ví điện tử. Ví điện tử nào sở hữu hệ sinh thái "hoàn hảo", phục vụ đầy đủ các nhu cầu hàng càng thì càng ghi điểm từ phía người dùng.

Bên cạnh hệ sinh thái đa dạng, mỗi ví điện tử cần có "điểm nhấn riêng" mang tính chiến lược, tạo ra xu thế trên thị trường. Đơn cử như ví VNPAY chúng tôi tập trung vào phát triển vào tính năng ví của gia đình. Ngoài ra, chúng tôi cũng liên tục ứng dụng các xu hướng công nghệ mới nhất để phát triển dịch vụ tối ưu, mang đến trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng.

Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 cùng với tác động của đại dịch Covid-19 khiến cho các hình thức thanh toán điện tử ngày càng được đẩy mạnh, sân chơi ví điện tử vì thế cũng ngày càng sôi động. Tuy nhiên, thói quen sử dụng tiền mặt từ lâu và với tâm lý người dân còn e ngại về độ an toàn của các dịch vụ thanh toán trực tuyến khiến tốc độ tăng trưởng người dùng ví điện tử vẫn còn hạn chế.

Để ví điện tử có thể phát triển nhanh, bền vững việc thay đổi thói quen người tiêu dùng bằng cách đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đặc biệt là tuyên truyền đến các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa… tạo cơ hội cho họ tiếp cận với các hình thức thanh toán điện tử nhiều hơn".

Thị trường Ví điện tử: Chiếc áo đã chật hay mảnh đất màu mỡ - Ảnh 5.

Thị trường ví điện tử tại Việt Nam là một sân chơi sôi động, đầy tính cạnh tranh, đa dạng cách tiếp cận người dùng, các ví điện tử nói riêng và fintech nói chung mang lại nhiều lợi ích cho kinh tế và xã hội.

Về mặt con số tuy lớn nhưng hiện nay thị trường vẫn còn rất nhiều những khoảng trống chưa khai thác. Số lượng ví thực sự có sức ảnh hưởng trên thị trường đang dừng lại ở những phân khúc khác nhau.

Mỗi ví giữ một vai trò riêng do người sử dụng ví điện tử đang là những người dùng thông thái thông qua việc lựa chọn sử dụng mỗi ví điện tử cho một mục đích, không có ví nào đủ đáp đầy đủ nhu cầu của họ.

Để có một môi trường fintech phát triển ổn định, bền vững, theo tôi cần phải có những sự thay đổi cần thiết.

Cụ thể, chính bản thân các doanh nghiệp tham gia sân chơi cần có cái nhìn lại về việc phát triển để đáp ứng hai tiêu chí vừa tạo ra lợi ích cho xã hội nhưng cũng cần đảm bảo về tài chính cho doanh nghiệp, tránh tình trạng "đốt tiền lấy người dùng" nhưng không có được sự trung thành của khách hàng, hết khuyến mại khách hàng không sử dụng những dịch vụ khác để doanh nghiệp có thể tạo ra lợi nhuận.

Ngoài ra, cần có thêm quy định về quản lý cạnh tranh trong lĩnh vực ví điện tử, thương mại điện tử để đảm bảo chính sách lành mạnh, công bằng trên thị trường giữa các doanh nghiệp.

Thị trường Ví điện tử: Chiếc áo đã chật hay mảnh đất màu mỡ - Ảnh 6.

"Theo tôi, số lượng ví điện tử (khoảng 43 ví) hiện nay trên thị trường không thể đánh giá được là nhiều hay ít. Bởi các thị trường khác cũng đều phải trải qua giai đoạn như thế, chưa đến giai đoạn thanh lọc thì số lượng ví như vậy vẫn là bình thường. Đấy là điều kiện tự nhiên, không có gì là duy ý chí, thị trường tương đối tự do.

Còn lập luận do số lượng ví quá nhiều, các ví vẫn đang phải "đốt tiền" và cạnh tranh bằng giá cũng không đúng. Vì có những ví vẫn đem lại lợi thế nhất định cho các hệ sinh thái của doanh nghiệp. Ví dụ như ZaloPay làm tốt, Viettel Pay cũng tốt, hay chính VNPT Pay của chúng tôi cũng đang làm tốt. Vì thế không thể nói số lượng ví hiện nay là đang bị "bội thực", không phải nhiều, nó là quá trình phát triển bình thường, đầu tiên nhiều người làm sau đó ví xác định gắn với hệ sinh thái, đi đúng hướng thì sẽ tồn tại thôi.

Hiện nay, những quy định liên quan đến liên kết với các ngân hàng, thậm chí có những quy định "cứng nhắc" còn hơn cả mở tài khoản ngân hàng, ví dụ như với dịch vụ Mobile Money. Mobile Money xét ở góc độ nào đó cũng gần giống ví điện tử, nhưng còn chịu kiểm soát còn chặt hơn cả ngân hàng, hơn cả ví điện tử.

Cảm giác mọi người đâu đó vẫn có gì đó "sợ" công nghệ nhưng thực sự công nghệ còn quản lý tốt hơn con người rất nhiều, thành ra có những kiểm soát chưa đúng".

Thị trường Ví điện tử: Chiếc áo đã chật hay mảnh đất màu mỡ - Ảnh 7.

"Việt Nam mới chỉ mới có 10 triệu tài khoản ví điện tử, 80% người dân vẫn sử dụng tiền mặt trong cuộc sống hằng ngày, 98% sử dụng tiền mặt cho các giao dịch dưới 100.000 đồng (theo IDG). Dù vậy, quý 1 năm nay, giao dịch qua kênh Internet đạt 156,2 triệu món với giá trị 8,1 triệu tỷ đồng, tăng 28,4% về giá trị so với cùng kỳ năm trước; giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 395,05 triệu món với giá trị hơn 4,6 triệu tỷ đồng, tăng 103% về giá trị.

Đặc biệt, hằng ngày các hệ thống thanh toán của Ngân hàng Nhà nước đã xử lý khoảng 25 tỉ USD. Đây là con số tăng trưởng rất mạnh. Do vậy thị phần cho ví điện tử vẫn rất lớn và sẽ phát triển rất tốt trong thời gian tới. 

Ngoài ra, từ việc dịch Covid-19 đã thúc đẩy khiến cho nhu cầu sử dụng ứng dụng tài chính tăng trưởng rõ rệt thông qua việc số lượng người dùng hoạt động trên các ứng dụng tài chính tăng dần qua thời gian. Đến hết quý 2/2021, số lượng người dùng hoạt động đạt 80 triệu, tăng 75% so với quý 1/2020 (theo số liệu từ App Annie). 

Người dùng, đặc biệt là giới trẻ sẽ dần thay đổi thói quen và hành vi, đặc biệt đối với việc mua sắm online nên các đơn vị e-commerce và online payment có thể kết hợp với các khuyến mãi nhất định để thúc đẩy người dùng thanh toán online nhiều hơn.

AppotaPay muốn kiến nghị các ví điện tử nên làm cùng nhau, cùng hợp tác để tạo nên thói quen chung. Hiện nay, theo tôi cạnh tranh lớn nhất của ví điện tử không phải là các ví điện tử khác mà chính là tiền mặt. Khó có một ví điện tử đơn lẻ nào có đủ nguồn lực về con người và tài chính để có thể thành công chuyển đổi phần lớn các giao dịch tiền mặt đang rất lớn hiện nay.

Nếu các ví điện tử cùng nhau tìm ra giải pháp và có thể đưa ra các công cụ thanh toán chung cho người dùng, việc này có thể giúp tăng cường mức độ tiếp cận dịch vụ và chấp nhận của thị trường, khi đó hệ thống thanh toán đã có thể tăng lên gấp bội".

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thị trường ví điện tử: Chiếc áo đã chật hay mảnh đất màu mỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO