Thời điểm vàng để đến Việt Nam đầu tư

Lan Phương| 21/10/2020 22:27
Theo dõi ICTVietnam trên

Đây là nhận định của các đại biểu tham gia Tọa đàm trực tuyến Tại sao Việt Nam - Why Viet Nam, một trong nhiều sự kiện trong khuôn khổ Triển lãm - Hội nghị ITU Digital World 2020 do ITU và Bộ TT&TT tổ chức trong 3 ngày 20 - 22/10/2020.

Buổi tọa đàm được tiếp sóng trực tiếp trên nền tảng do doanh nghiệp (DN) Việt Nam phát triển tại địa chỉ website www.digitalworld2020.vn.

Thời điểm vàng để đến Việt Nam đầu tư - Ảnh 1.

Các đại biểu tham gia toạ đàm "Tại sao Việt Nam"

Các lợi thế thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong giai đoạn mới

Sau hơn 30 năm nỗ lực hội nhập quốc tế và thu hút đầu tư, đến nay, Việt Nam đã thu hút hơn 26.000 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký gần 350 tỷ USD. Khu vực FDI đã có tác động lan tỏa đến sự phát triển của mọi thành phần của nền kinh tế. Trong đó có sự đóng góp quan trọng của các tập đoàn công nghệ thông tin đa quốc gia.

Theo các đại biểu, kinh tế thế giới đang bước vào giai đoạn tăng trưởng chủ yếu dựa vào công nghệ, đổi mới sáng tạo. Do vậy, Việt Nam cần phải xây dựng các lợi thế cạnh tranh mới để nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài trong kỷ nguyên số. Các đại biểu nhấn mạnh cơ hội cho các DN công nghệ đến Việt Nam đầu tư hiện nay là lớn hơn bao giờ.

Nhận định về những cơ hội đầu tư vào Việt Nam, ông Nguyễn Hùng Cường, Giám đốc điều hành Cty NashTech Việt Nam cho biết: GDP của Việt Nam đã tăng 3 lần từ 2012 - 2019, tăng trưởng của nhiều DN theo cấp số nhân trong thời gian qua. Việt Nam có hơn 50 triệu người dân dùng Internet, số lượng tải ứng dụng, giao dịch phi tiền mặt cũng đã tăng trong thời gian này.

Bên cạnh đó, theo ông Cường, tổng giá trị giao dịch điện tử liên ngân hàng 5 tháng đầu năm 2020 đã tăng hơn 20%, cơ hội cho các công nghệ CMCN 4.0 như AI, dữ liệu lớn… Thương mại điện tử (TMĐT) cũng phổ biến tại Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn Covid-19. Việt Nam đã làm tốt công tác phòng chống dịch Covid-19. Nhiều khách hàng toàn cầu đã quan tâm đến Việt Nam.

Nhiều năm làm việc tại Việt Nam, ông Dennis Brunetti, Tổng Giám đốc Ericsson tại Việt Nam, Lào, Campuchia cho biết: Việt Nam đã và đang sẽ tiếp tục là điểm đến hàng đầu cho đầu tư. Việt Nam đã thực hiện phòng, chống Covid-19 rất thành công. DN đầu tư rất quan tâm điều này. Việt Nam có tầm nhìn dài hạn, có hoài bão ngày càng lớn, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, cùng hạ tầng 5G, sau này là 6G sẽ thúc đẩy, tạo nên nền tảng hỗ trợ đổi mới sáng tạo, đầu tư.

Việt Nam cũng lắng nghe tiếng nói của DN, đơn giản hoá các thủ tục hành chính, chỉ số kinh doanh ở Việt Nam được Ngân hàng thế giới đánh giá tích cực, thay đổi theo hàng năm.

Còn theo ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm, Việt Nam đang trở thành trung tâm công nghệ mới của thế giới bởi Chính phủ Việt Nam đang liên tục cải thiện các điều kiện đầu tư. Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đang thu hút 38 tỷ USD đầu tư, trong đó Qualcomm mở rộng R&D và muốn đồng hành cùng Việt Nam thực hiện chiến lược "Make in Vietnam" xây dựng các sản phẩm và đưa các sản phẩm ra nước ngoài.

Ông Nam cho biết: "Chúng tôi tự hào cùng DN Việt Nam sản xuất sản phẩm 5G khi có những thuận lợi như môi trường đầu tư, thuế, thương mại. Việt Nam cũng có nhiều nghị định thương mại với các khu vực, nước lớn trên thế giới. Năng lực của các kỹ sư của Việt Nam cũng rất tuyệt vời. Với môi trường tốt, chúng tôi đang hào hứng đầu tư vào Việt Nam. Qualcomm sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam và cam kết mở rộng R&D".

Đồng quan điểm với ông Tổng giám đốc Qualcomm, ông James Dong, Tổng giám đốc Lazada Việt Nam cho biết tỷ lệ người dùng smartphone đang tăng lên. Đây là lợi điểm cạnh tranh tốt cho Việt Nam. Lazada vui mừng với các chương trình hỗ trợ của Chính phủ từ nhiều góc độ khác nhau. Điều này thôi thúc chúng tôi làm việc với các bên, các thương hiệu, DN nội địa và tiếp tục mở rộng đối tác tại Việt Nam để cùng nhau lớn mạnh hơn.

Tại buổi tọa đàm, ông Đỗ Công Anh, Phó Cục trưởng Cục Tin học hoá, Bộ TT&TT chia sẻ một thông tin đáng chú ý là số lượng người dùng Việt Nam đã tăng 59 triệu, số lượng người dùng Internet Việt Nam chiếm 70%. So với năm 2019, năm 2020 Việt Nam dự kiến có tổng sản lượng bán hàng trực tuyến tăng 3,7 lần, cao nhất trong 6 nước ASEAN. Ngành công nghệ đã tận dụng lợi thế và năm nay 2020 là năm chuyển đổi số. Việt Nam cũng kiểm soát tốt Covid-19, đồng hành cùng DN và có các nền tảng số thúc đẩy chuyển đổi số. Covid-19 đã, đang thúc đẩy sáng tạo công nghệ vượt bậc và mạnh mẽ hơn so với các nước trong khu vực.

Trong khi đó, ông Ravi Vajpeyi, Giám đốc HCL Việt Nam chia sẻ:Chúng tôi quan tâm đến Việt Nam lâu dài. Qua các thông tin nghiên cứu, phân tích, có thể khẳng định Việt Nam là nước hàng đầu để đầu tư ICT. Chính phủ Việt Nam và Bộ TT&TT đã có những chính sách thu hút DN, chương trình chuyển đổi quốc gia và tầm nhìn sau đó.

Cần truyền thông nhiều hơn nữa về Việt Nam cho DN nước ngoài

Để đưa Việt Nam trở thành quốc gia số vào năm 2045, ông Thiều Phương Nam cho biết Việt Nam đang thu hút nhiều đầu tư vào lĩnh vực công nghệ. Bởi vậy nhu cầu nhân lực được Qualcomm rất quan tâm. Qualcomm muốn tuyển thêm các kỹ sư làm việc trong các mảng thiết kế di động, kỹ năng xử lý hình ảnh thiết bị IoT… "Nhu cầu tăng nhanh quá nên các công ty công nghệ đang mở rộng tại Việt Nam tuyển dụng nhân sự không kịp", ông Nam cho hay.

Thời điểm vàng để đến Việt Nam đầu tư - Ảnh 2.

Các đại biểu tham gia tại đầu cầu Hà Nội

Nêu một khía cạnh khác để thu hút DN đầu tư vào Việt Nam, ông Đỗ Hùng Cường chia sẻ: Chúng tôi cũng nhận được nhiều câu hỏi muốn tới đầu tư tại Việt Nam. Nhiều khách hàng muốn biết lợi thế của Việt Nam. Việt Nam nên cải thiện thông tin liên lạc, chia sẻ nhiều thông tin hơn nữa với DN ngoài Việt Nam bởi hiện các DN này không có nhiều thông tin. Hàng năm NasTech tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ để mời các các khách hàng là các đối tác từ Bắc Mỹ, các khu vực để giúp họ hiểu văn hoá, con người Việt Nam, và họ không chỉ là bạn mà là nhà đầu tư của chúng tôi. Nhà đầu tư muốn tới và chứng kiến để đầu tư tại Việt Nam.

Theo ông Aurélien Palasse, Giám đốc Ubisoft Vietnam, Việt Nam đang thúc đẩy chuyển đổi số, các tổ chức, DN đều quan tâm. "DN chúng tôi tập trung vào cung cấp nội dung số cho người dân, DN Việt Nam, kể cả mảng nghệ thuật. Chúng tôi đã mở Văn phòng tại Đà Nẵng, và kinh doanh toàn quốc, hợp tác với nhiều viện, trường, cũng như xây dựng các nội dung số".

Hiện nay, chúng tôi nhận thấy là thị trường video game khoảng 120 tỷ USD và tốc độ tăng trưởng thị trường này rất mạnh. Việt Nam đang tăng trưởng mạnh thị trường cung cấp nội dung số đặc biệt trên thiết bị bị di động. Đây là bước chuyển đổi quan trọng, ông Aurélien Palasse cho hay.

Trong thời gian tới khi phát triển TMĐT, Ubisoft Vietnam sẽ kết hợp TMĐT với các nội dung số. Đây có thể là bước phát triển và cần sự chuẩn bị sẵn sàng.

Trao đổi về những sự phát triển vượt bậc của ngành công nghiệp ICT Việt Nam trong những năm qua và những hỗ trợ cho DN công nghệ số đầu tư tại Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ TT&TT cho biết: Ngành công nghiệp ICT Việt Nam năm 2019 đạt 108 tỷ USD, trong đó có đóng góp lớn của các DN FDI và nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, các DN FDI cũng góp phần tạo ra hàng triệu việc làm và tạo điều kiện cho phát triển các DN nội địa tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong 5 năm gần đây, ngành CNTT - điện tử - viễn thông đã trở thành một ngành kinh tế chủ lực của Việt Nam, đóng góp lớn cho doanh thu, xuất khẩu và nộp ngân sách nhà nước, với doanh thu 112 tỷ USD năm 2019, nộp ngân sách nhà nước 53.000 tỷ đồng, với trên 1 triệu lao động.

Nhằm tạo đột phá mới về cơ chế, chính sách, cơ hội phát triển và nhằm đảm bảo nguồn lực nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng cao của Ngành trong những năm tới, tận dụng những lợi thế của Việt Nam và cơ hội do cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, ngày 14/1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị về phát triển DN công nghệ số Việt Nam.

Đại diện Vụ CNTT cho biết hiện nay, Bộ TT&TT đã trình 2 văn bản quan trọng cho phát triển công nghiệp CNTT, điện tử - viễn thông đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, chủ động tham gia tích cực cách mạng công nghiệp 4.0 và phát triển DN công nghệ số đến năm 2030.

Hy vọng với những nỗ lực của Chính phủ, Bộ TT&TT, nỗ lực liên tục của các địa phương, Việt Nam có cơ hội lớn khi ở vào thời điểm vàng của làn sóng đầu tư mới.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thời điểm vàng để đến Việt Nam đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO