Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Cam kết hành động quyết liệt, tất cả vì lợi ích của Đảng, của quốc gia, dân tộc

PV| 05/04/2021 20:16
Theo dõi ICTVietnam trên

Xây dựng chương trình hành động để cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; khắc phục hậu quả đại dịch COVID-19; tăng cường kỷ luật; có cơ chế khuyến khích, bảo vệ người dám nghĩ dám làm; huy động hiệu quả mọi nguồn lực... là những ưu tiên của tân Thủ tướng Chính phủ.

Phát biểu tại lễ nhậm chức, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ cảm ơn Quốc hội đã bầu giữ chức Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. "Đây là vinh dự đối với cá nhân tôi, đồng thời cũng là trách nhiệm rất nặng nề mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó".

Tân Thủ tướng tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. (Ảnh: TTXVN)

Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Hơn 75 năm qua, đặc biệt là trong 35 năm thực hiện Công cuộc đổi mới, Chính phủ qua các nhiệm kỳ đã đạt được những thành tựu to lớn; đúc kết nhiều bài học kinh nghiệm quý báu đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ này đã tiếp tục khơi dậy tinh thần đổi mới sáng tạo, ý chí khát vọng vươn lên và đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực; trong đó công tác phòng, chống đại dịch COVID-19 đã triển khai rất hiệu quả và được nhân dân, cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Trước yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, theo Thủ tướng: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhận rõ trách nhiệm của mình phải kế thừa và phát huy những thành tựu, kết quả đạt được; tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới. 

Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra 5 giải pháp lớn. Cụ thể:

Một là, xây dựng chương trình hành động để cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó tập trung vào 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, nhất là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế. Tăng cường phân cấp, phân quyền, đồng thời xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân để phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cấp, các ngành.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy hành chính Nhà nước và toàn xã hội.

Cải cách mạnh mẽ nền hành chính quốc gia trên cơ sở phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, dựa vào Nhân dân trong giám sát và kiểm soát quyền lực; chủ động phòng ngừa, kiên quyết, kiên trì đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực bằng thể chế, cơ chế, giải pháp mạnh mẽ, chặt chẽ, hiệu quả. Đồng thời, có cơ chế khuyến khích và bảo vệ người đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Ba là, quản lý, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển đất nước; đẩy mạnh phát triển hạ tầng chiến lược có trọng tâm, trọng điểm; coi trọng chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số dựa trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp và người dân; tạo môi trường, điều kiện thuận lợi hơn nữa để sản xuất kinh doanh phát triển; chủ động phòng, chống và có giải pháp hiệu quả để khắc phục những tác động tiêu cực của thiên tai, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch COVID-19.

Bốn là, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội. Tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa vì hòa bình, hợp tác và phát triển; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả, là thành viên có trách nhiệm và có uy tín với cộng đồng quốc tế.

Năm là, xây dựng cơ chế, chính sách, điều kiện để phát huy giá trị văn hóa và con người Việt Nam trở thành nguồn lực, động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội; có giải pháp hiệu quả nâng cao chất lượng y tế, giáo dục và đào tạo; coi trọng phát triển nguồn lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài.

Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, trong đó quan tâm, chú ý hơn đến vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng yếu thế trong xã hội. Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, để mỗi người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, an toàn, văn minh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định để hoàn thành nhiệm vụ được giao, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ luôn chấp hành sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, mà thường xuyên, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư và của đồng chí Nguyễn Phú Trọng.

Đồng thời, Thủ tướng mong nhận được sự ủng hộ, phối hợp, giám sát của Quốc hội, của Chủ tịch nước, các cơ quan Tư pháp, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các vị đại biểu Quốc hội; sự giúp đỡ quý báu của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đồng chí lão thành cách mạng; sự quan tâm, phối hợp, ủng hộ của các cơ quan truyền thông báo chí, của cử tri, nhân sĩ, trí thức, đồng bào ta ở trong và ngoài nước.

"Với trọng trách mới được giao, tôi nguyện sẽ mang hết sức mình, vượt qua mọi khó khăn, thách thức; kế thừa, phát huy truyền thống và kinh nghiệm quý báu của các đồng chí Thủ tướng qua các thời kỳ; nỗ lực cùng các thành viên Chính phủ đoàn kết, liêm chính, hành động quyết liệt, hiệu quả, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, tất cả vì lợi ích của Đảng, của quốc gia, dân tộc", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Cam kết hành động quyết liệt, tất cả vì lợi ích của Đảng, của quốc gia, dân tộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO